Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

TIN VUI CHO NHỮNG NGƯỜI SỢ VỢ


TIN   VUI   CHO   NHỮNG   NGƯỜI   SỢ   VỢ
Tue, 29/05/2018 - Trần Mỹ Duyệt





Trong đời sống hôn nhân vợ chồng “tương kính như tân”, có nghĩa là lúc nào cũng nên đối xử với nhau một cách tôn trọng, nhẹ nhàng và tế nhị như “thuở ban đầu”. Nhưng ngược lại, không hiểu tại sao sau khi đã thành vợ chồng, đã cưới nhau rồi phần đông đàn ông lại đổi cách sống, đổi thái độ, coi vợ như một thứ công dân hạng hai, một người mà phải lệ thuộc và coi chồng như chúa tể.

Quan niệm trọng nam khinh nữ, lối sống gia trưởng, và cung cách hành xử như thế hoàn toàn phản lại với vai trò, trách nhiệm và phẩm giá của người phụ nữ. Vì nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà cũng đều do Thượng Đế tạo dựng: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài. Ngài tạo dựng nên họ có nam và có nữ” (Sáng Thế Ký 1:27). Do đó, giá trị nhân bản, phẩm cách con người ngang nhau, bằng nhau và phải được tôn trọng như nhau.


Đối với những người hiểu biết, ý thức thì việc nhìn nhận bình quyền, việc tôn trọng nhau giữa vợ chồng là những gì cần và nên làm. Một số còn trào phúng hơn cho rằng: “Sợ vợ mới anh hùng”. Tại sao?

“Đàn ông sợ vợ, lẽ thường…

Vốn người quân tử nhún nhường vẫn hơn…

Đàn ông sợ vợ là khôn…

Nếu không ai sẽ nấu cơm quét nhà?”


Ít ra cũng phải là như vậy. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó mở mắt ra mà thấy phụ nữ, đàn bà biến mất trên mặt đất, chắc chắn ngày đó sẽ là một ngày kinh hoàng nhất cho giới đàn ông con trai. Không chỉ là chuyện nấu cơm, rửa bát, quét nhà mà còn rất nhiều thứ khác mà thiếu bàn tay phụ nữ, thiếu người đàn bà, người đàn ông không làm được, hoặc có làm thì cũng chỉ là bất đắc dĩ.

Mặc dù người phụ nữ có bị nhiều thiệt thòi tại những nền văn hóa nơi mà vai trò người đàn ông được đề cao, nhưng không phải vì vậy mà hình ảnh của người phụ nữ hoàn toàn bị lu mờ. Socrates (469 BC - 399 BC), nhà triết học Hy Lạp đã có kinh nghiệm này khi ông phát biểu: “Hãy cứ lấy vợ đi. Nếu may mắn, bạn sẽ hạnh phúc; nếu không may, ít nhất bạn cũng là một triết gia” (By all means marry: If you get a good wife, you'll become happy; if you get a bad one, you'll become a philosopher.) Ai có dịp đọc Socrates thì đều biết, đây là câu nói diễn tả kinh nghiệm của chính bản thân ông.


Để khỏi bị cho là mất mặt hoặc mất giá qua những hành động quan tâm, lo lắng, và săn sóc vợ, giới đàn ông thường tự nhủ: Đàn ông ai lại sợ vợ, có sợ là sợ vợ buồn, sợ vợ yêu mình quá nên ghen tương tí thôi. Và sợ như vậy là cái sợ mà cả hai đều có lợi. Thí dụ, sợ vợ buồn, vợ quá lo lắng cho sức khỏe của mình mà chừa uống rượu, chừa hút thuốc, và chừa nhậu nhoẹt, la cà với người này người khác. Hoặc sợ vợ ghen mà hại cho sức khỏe, tàn phai nhan sắc nên mỗi khi ra đường, người chồng mắt nhìn nghiêm trang, không ngó ngang, liếc dọc, hoặc tối về không email, chat chít với em gái nuôi, em gái tinh thần hoặc cô bạn trong sở đang gặp khó khăn cần nhờ giúp đỡ… Cũng có thể sợ vợ la mắng làm gương xấu trước mặt con cháu trong nhà mà nhịn vợ, tập sống cho ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Rồi vì lo lắng cho sức khỏe của vợ nên giúp vợ một tay thay tã, tắm rửa, cho con bú, ru con ngủ, làm việc vườn tược, hút bụi nhà, đổ thùng rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa… Nhất là để chăm chút cho sắc đẹp của vợ, mà chồng đi làm được bao nhiêu tiền đều đem về cho vợ shopping, mua sắm để mỗi khi ra đường “không xấu thiếp hổ chàng”. Tóm lại, những hình thức sợ trên là những hình thức “sợ vợ sống lâu”, và sợ như thế là sợ vợ mình chứ không sợ vợ hàng xóm.


Cứ tưởng sợ vợ chỉ là đề tài được bàn tán cho vui. Nhưng nó đã được nghiên cứu dưới cái nhìn tâm lý học. Một cuộc khảo cứu về ích lợi của người sợ vợ được giáo sư David Vogel thuộc đại học Iowa thực hiện.


Ông đã khảo sát 72 cặp vợ chồng trung bình ở độ tuổi 33 và đã kết hôn được khoảng 7 năm. Họ thuộc các chủng tộc khác nhau như Âu, Á, Mỹ, và Phi châu. Trong phần khảo cứu, họ phải trả lời cho biết là họ có hài lòng trong mối tương quan vợ chồng, cũng như khả năng quyết định công việc trong gia đình hay không? Ngoài ra, họ cũng được gợi ý ghi lại những vấn đề mà họ không thể giải quyết nếu như không có sự hợp tác của chồng. Và kết quả được ghi nhận như sau:
  
Phân tích thêm nội dung cuộc khảo cứu, khi quay lại cảnh các đôi thảo luận về từng vấn đề này trong vòng 10 phút. Thí dụ, tiền bạc, tự do quyết định, việc nhà, thời gian bên nhau, giao hảo giữa gia đình và bạn bè, sinh lý, xã giao, cảm xúc bên nhau, con cái… Kết quả của cuộc khảo cứu này đã có những kết luận hết sức ngạc nhiên, đó là hầu như mọi đòi hỏi, yêu sách của các bà vợ đều đạt được mục đích, mặc dù trong lúc thảo luận, trao đổi đôi bên đều dùng những từ ngữ mang tính tiêu cực như trách móc, buộc tội, chỉ trích, rầy la, ép buộc thay đổi, ra lệnh; hoặc những thái độ như lạnh lùng, miễn cưỡng. Ngoài ra, những phụ nữ trong cuộc khảo cứu này lại không hề lắm lời như người ta tưởng. Theo Vogel phân tích sở dĩ phụ nữ được lắng nghe bởi vì họ truyền đi những thông điệp tích cực, và cũng có thể là do sự “nhịn nhục” và không muốn bị rầy rà của phía đàn ông. Một câu ví von diễn tả mối tương qua và “quyền hành” của người vợ trong gia đình là: “Đàn ông làm đại tướng, nhưng đàn bà làm nội tướng”. Ở một nghĩa nào đó, nội tướng thắng đại tướng. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Và đó cũng là lý do tại sao vai trò người phụ nữ trong gia đình được cho là “nội tướng”. 

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu người chồng lắng nghe vợ, hoặc tỏ ra nể vợ cũng là vì muốn cho gia đình được êm ấm. Trong một nghiên cứu khác, Murphy cũng khẳng định rằng “dấu hiệu của một cuộc hôn nhân lành mạnh là người chồng biết cách chiều theo ý vợ.” Trong bài khảo cứu “Tại sao đàn ông sợ vợ?” (Why do Men Fear their Wives?), tác giả Richard Jungst đã ghi lại một vài câu nói rất ý nhị, đầy tính trào phúng về những lý do tại sao người đàn ông lại sợ vợ, và thích sợ vợ:

“Với vợ, tôi luôn luôn nói câu sau cùng, ‘có phải vậy không cưng?’”

(With my wife I always have the last word, isn’t that right honey?)

Và:

“Tôi nghĩ điều này OK, nhưng để hỏi lại xếp lớn cái đã”.

(I think that is OK, but let me check with the boss first.)

Người đàn ông, theo tâm lý có khuynh hướng giải quyết cấp thời, mạnh bạo những đe dọa, khó khăn trong cuộc sống. Người đàn bà, trái lại, thích hợp với khuynh hướng nhẹ nhàng, và dịu dàng hơn trong những căng thẳng. Điều này phù hợp với quan niệm sống cho rằng “trong biển trần của xung đột, đàn ông chìm, nhưng đàn bà bơi” - “in the sea of conflict, men sink and women swim” (John Gottman).

Như vậy thì phái mày râu từ nay có lý do để sợ vợ. Sợ vợ mới anh hùng! Nói cho cùng, vợ mình mình sợ, có sợ vợ ai đâu! Nhất là trong cái sợ ấy phảng phất chút yêu thương, nuông chiều, nhường nhịn và dễ dãi. Vợ là xương sườn của chồng, không thuận thảo, lo lắng cho nó, nó đau lên một cái chỉ còn nước vô nhà thương! Và lúc này mới là lúc ứng dụng câu: “Sợ vợ sống lâu.”!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét