Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

CHA TÔI


CHA  TÔI   CHA  TÔI 

 Người Giồng Trôm



Cha tôi: nhận thánh hiệu Antôn làm bổn mạng nhưng hình như nhận sai người thì phải. Lẽ ra, Cha phải nhận thánh Giuse làm quan thầy. Giản đơn, dường như cả đời Cha không hề lên tiếng hay to tiếng. Chỉ mỉm cười và nhỏ nhẹ với đàn con.

Hoàn cảnh không như bao người khác hay có thể nói là kém may mắn hơn nhiều người và mọi người. Cha không như bao người khác để cáng đáng đời sống kinh tế cho gia đình. Tất cả Mẹ gánh vác hai vai để Cha như phần chìm trong mái ấm.

Sau những ngày tang tóc của chiến tranh và nước mất nhà tan thì gia đình còn cám cảnh bi đát hơn nữa. Khi ấy tôi chỉ mới lên 2 lên 3. Gia đình lại càng rơi vào bế tắc “không còn gì để mất” khi “dọn ổ” về ở vùng đất mà người ta gọi là “kinh tế mới”.

Ở đó, Cha tôi cũng bươn chải qua ngày nhưng sức lực và khả năng không cho phép để rồi cuộc đời cũng vất vả. Dẫu thế, gia đình vẫn bình yên không  hề sóng gió.

Thật ra, chả ai muốn gia cảnh mình không như bao người khác nhưng xét cho bằng cùng sự bình yên, một gia đình không sóng gió là bao nhiêu niềm mơ nỗi ước của nhiều gia đình. Gia đình chúng tôi không giàu có, không sang trọng, không đầy đủ vật chất như bao gia đình khác nhưng bù lại, được một điều mà nhiều gia đình tuy giàu có nhưng thèm và mơ ước đó chính là sự bình an.

Vật chất, tiền bạc, gia sản ... chả ai không mong ước cả. Thế nhưng, có khi giàu có nhưng gia cảnh lại bất an. Có những người thèm khát sự êm ấm của gia đình nhưng dường như không có bởi lẽ từ nhỏ đến lớn trong gia đình cứ mãi cạnh tranh.

Sự bình an của gia đình chúng tôi không phải mua bằng tiền, không phải mua bằng vật chất, không phải mua bằng bằng cấp hay tri thức nhưng mua bằng sự hiền lành và nhân hậu của người Cha. Chính sự trầm lắng và hiền hòa của người Cha là nền tảng và cột trụ cho sự bình yêu của gia đình.

Đến một ngày kia, Mẹ tôi ra đi để lại Cha già cùng với bầy trẻ bơ vơ. Người con út của gia đình có 3 người con ấy rơi vào cảnh bơ vơ vất vưởng. Cha cũng chả làm gì được ngoài lời nguyện cầu và đời sống trầm lắng.

Có những khi người này người kia đến thăm nhà, buộc lòng Cha phải nói thì chỉ đơn giản: “Xin cảm ơn và xin cảm ơn”. Thế là xong và đủ với Cha tôi.

Thật sự mà nói, cũng có thể ví như Thánh Cả Giuse, chẳng có gì để nói và viết về Cha cả, đơn giản là Cha quá ít nói hay dường như không nói. Thế nhưng, chúng tôi vẫn niệm và tin rằng chính đời sống trầm lắng và cầu nguyện của Cha đã dệt nên cuộc đời của 3 đứa chúng tôi.

Chúng tôi vẫn xác định và tin rằng đời sống cầu nguyện và trầm lắng của Cha đã sinh hoa kết quả ngay trong chính gia đình của chúng tôi.

Tuy nghèo hơn bao nhiêu người khác, tuy không sung túc bằng chị bằng em nhưng đổi lại được một cái là gia đình thanh bình chẳng ai hơn thua ai. Chắc có lẽ đó chính là ân phúc của đời sống nhẹ nhàng và thanh thoát từ người cha già yêu dấu của gia đình nhỏ bé chúng tôi.

Cha là vậy đó! Bất cứ ngày nào mừng Lễ, tụi nhỏ trong chữ hiếu và với chữ hiếu vẫn thường hỏi Cha có thích gì không để bọn trẻ gửi dùng nhưng rồi tín hiệu nhận về chỉ là những cú lắc. Cứ lắc đầu và mỉm cười nhỏ nhẹ như từ chối vì thấy mình chẳng cần gì cả.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng tôi có một người Cha xem ra chả làm được gì và chả có gì nhưng thật sự đó chính là nền tảng, đó là tảng băng ngầm trong cuộc sống để nâng đỡ cho chúng tôi trên mọi nẻo đường đời.

Những ngày còn lại, chẳng biết là bao, chỉ xin Chúa cho Cha thêm sức khỏe để sống lâu với con cháu để Cha như điểm tựa của cuộc đời cho những đứa cháu và người con. Ngày của Cha – chả biết tặng gì vì tặng gì Cha cũng chẳng lấy – thôi thì xin dâng lên Cha lời kinh nguyện sâu lắng để Cha được khỏe và sống thật lâu với lũ cháu đàn con.

Dâng lên Cha tấm lòng nơi con thảo.

Chúc mừng Người, kỷ niệm Father Day.

Luôn mong Cha sức khoẻ mãi tràn đầy

Là tùng bách cho đàn con nương náu.

Sự khiêm tốn một đời thật quý báu.

Đổi bình yên cho cuộc sống tề gia.

Ơn Chúa ban viên mãn với tuổ già.

Vượt quá ngưỡng thời gian Cha đắc thọ.

Người Giồng Trôm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét