Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

TẬP SỐNG THÀNH THẬT


TẬP  SỐNG  THÀNH   THẬT
03/05/2018- Lm. Giuse Trần Tử Hiếu

1. Trong những ngày vừa qua, nổi lên trong dư luận cũng như trên báo đài câu chuyện xảy ra tại một ngôi trường ở thủ đô. Đó là câu chuyện về sự gian dối của hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc.

Số là vào ngày 01.12.2016, cô hiệu trưởng Bích Ngọc và cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương đón taxi đến bệnh viện khám cho cô hiệu trưởng. Khi về đến sân trường, chiếc taxi đâm phải em Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2) đang chơi đùa ở đó kiến em té gãy xương đùi. Chiếc xe dừng lại thì cô hiệu trưởng đi thẳng vào phòng hội đồng. Tài xế taxi mau chóng lái xe rời khỏi hiện trường, còn cô hiệu phó ở lại cùng bảo vệ giải quyết vấn đề.

Vấn đề sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu sau đó sự thật không bị bưng bít; và với sự chỉ đạo của cô hiệu trưởng, một sự gian dối đã được dựng lên: Em Kiên khi đang chơi đùa trên sân trường đã tự ngã dẫn đến gãy xương đùi. Cô hiệu trưởng và cô hiệu phó bằng nhiều cách đã quyết bảo vệ sự gian dối này.
Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của các bác sĩ điều trị và sự giúp đỡ của một vài phụ huynh, bố của em Kiên đã nghi ngờ và quyết tâm đi tìm sự thật. Sau hơn hai tháng đi tìm và đấu tranh cho sự thật, bố của em Kiên đã chiến thắng, sự thật đã được phơi bày và hai cô giáo gian dối đã chịu những hình phạt thích đáng.

2. Vụ việc gian dối ở trường tiểu học Nam Trung Yên cho thấy, các cô đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của người giáo viên và nền giáo dục tại Việt Nam. Việc gian dối của các cô cũng sẽ khiến học sinh bị ảnh hưởng: học sinh sẽ không coi giáo viên là hình tượng mẫu mực cho mình nữa, các em sẽ coi việc gian dối là hiển nhiên, và nhất là các em sẽ không tin lời giáo viên giảng dạy nữa.

Bởi vậy, qua sự việc này, tôi thấy cần phải nhắc lại với các em bài học về nếp sống thành thật, để mong các em cố gắng rèn luyện, hầu tránh lây nhiễm căn bệnh gian dối đang lan tràn trong xã hội ngày nay.

3. Trước hết, thành thật là gì? Thành thật là không gian dối trong lời nói cũng như trong việc làm. Thành thật trong lời nói là có sao nói vậy, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Còn thành thật trong việc làm là không dối mình gạt người, trong cách cư xử phải luôn thật tâm, thật tình.
Có ba lý do chính buộc chúng ta phải sống thành thật: Thứ nhất là vì chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật và chính là Sự thật, nên chúng ta phải nên giống Ngài sống thành thật. Thứ hai là vì sống thành thật sẽ làm tăng giá trị con người của chúng ta, người sống thành thật sẽ được tín nhiệm hơn những người ăn gian nói dối. Thứ ba là vì sự thành thật rất cần cho đời sống chung, tạo sự tin tưởng lẫn nhau, xây dựng tình huynh đệ và sự hiệp nhất.

4. Vậy thì các bạn thiếu nhi tập sống thành thật như thế nào?
Ở đây, tôi xin gợi ý với các bạn một vài việc làm cụ thể để các bạn tập cho mình có nếp sống thành thật:

Mặt tiêu cực, các bạn đừng nên nói dối (nói sai sự thật), đừng thề gian (nói sai sự thật mà còn thề thốt nữa), đừng làm chứng gian (khẳng định là thật cho một điều gian dối). Nói chung, các bạn đừng nên gian dối, cũng đừng đồng lõa với bất kỳ sự dối trá nào.


Mặt tích cực, các bạn hãy luôn nói lời sự thật, có sao nói vậy. Còn trong hành động, các bạn hãy tập cho có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, đừng nói một đàng mà làm một nẻo. Khi có lỗi, các bạn hãy mạnh dạn nhận lỗi của mình, người ta dễ dàng tha thứ cho người biết nhận lỗi hơn là những người chạy chối quanh co.

5. Có thể các bạn thiếu nhi chúng ta đã nghe quen với ba chữ “sống thành thật”, vì các bạn đã được nhắc nhiều ở nhà, ở trường và hôm nay tôi cũng nhắc lại với các bạn. Tuy nhiên, nghe thì quen, nhưng nó sẽ vẫn còn xa lạ nếu như các bạn chưa biết thực hành. Vì thế, ước mong các bạn luôn tâm niệm mình phải sống thành thật, và từng ngày các bạn cố gắng tập sống thành thật, để các bạn có được đức tính thành thật nơi mình.

Lm. Giuse Trần Tử Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét