Nhậu [2]
Chuyện Phiếm Gã Siêu
Một trong những chứng bệnh
của phe đờn ông con giai, khiến cho quí bà quí cô nhiều khi phải nhăn mặt “âm
thầm gậm nhấm nỗi đớn đau cô đơn” của mình, đó là chứng bệnh nhậu. Để diễn tả nỗi
đớn đau vò võ ấy, người ta đã nhái theo bài hát “Hòn vọng phu” như sau:
– Bao nhiêu đêm cầm roi đứng
đợi chồng về,
Bao nhiêu đêm vòng tay đứng
nghe chồng thề.
Không hiểu bên Mỹ, người
ta nhậu ra làm sao và nhậu theo phong cách nào? Chứ còn tại Việt Nam, người ta
nhậu ở mọi nơi, trong mọi lúc và với bất kỳ lý do nào. Vui cũng nhậu, buồn cũng
nhậu và thậm chí muốn nhậu là nhậu, chẳng cần lý do nào sốt. Vì vậy, phong trào
nhậu cứ “liên tục phát triển”. Chả thế mà đất nước mình thuộc vào hạng nghèo rớt
mùng tơi, nhưng lại có mặt đầy đủ những thứ bia nổi tiếng trên thế giới và hàng
năm người ta sản xuất ra không biết bao nhiêu triệu lít bia.
Rồi trong những ngày gần
đây tại Saigon, xuất hiện hàng loạt những
“làng nướng”, làng “lẩu”. Cứ chiều chiều đi ngang qua những thứ làng này, mùi
thịt thà cá mú bốc lên làm điếc mũi hàng xóm. Tất cả những điều ấy, gã đã có dịp
trình làng. Riêng hôm nay, gã sẽ nhìn hiện tượng nhậu dưới góc độ của anh đờn
ông cũng như của chị đờn bà, để rồi đi đến một kết luận cụ thể, đó là ta phải
nhậu như thế nào cho đáng mặt mày râu.
Tuy nhiên, trước khi đi
sâu vào chi tiết, gã xin đề cập tới vị sư tổ của trường phái nhậu, đó chính là
Lưu linh. Theo sách vở thì Lưu linh tự là Bá luân, người đời Tấn. Ông thuộc
nhóm “Thất Hiền”, tức là một trong bảy vị hiền tài ở Trúc lâm, tính tình phóng
khoáng, thích uống rượu lại giỏi thơ văn. Ông đã để lại cho đời một bài thơ bất
hủ, ca ngợi cốt cách phong lưu của việc uống rượu. Bài thơ ấy mang tựa đề là “tửu
đức tụng”. Chả thế mà trong “Cung oán ngâm khúc” có câu:
– Cờ tiên, rượu thánh ai
bằng,
Lưu linh, Đế thích là
làng tri âm.
Tục truyền trằng: vào một
đêm trăng thanh gió mát, ông ngồi uống rượu và ngâm thơ với các “chiến hữu”
trên một chiếc thuyền. Trong lúc cao hứng, ông đứng lên, loạng choạng bước tới
mũi thuyền. Nhìn thấy vầng trăng lung linh dưới đáy nước mà cứ ngỡ là lơ lửng
trên bàu trời, ông liền giang tay nhảy xuống ôm lấy trọn vầng trăng và thế
là…dòng nước cuốn trôi. Từ đó cho đến nay, dân bợm nhậu vốn thường được gọi là
đệ tử của Lưu linh và tôn ông làm sư tổ của mình.
Nhiều người cho rằng: Đối
với phần lớn đờn ông con giai, thì tình yêu đi vào trái tim thường phải rẽ qua
ngả đường của bao tử. Điều đó chứng tỏ rằng anh đờn ông con giai nào cũng khoái
ăn ngon. Thế nhưng, đồ ăn thịnh soạn mà thiếu chất cay cay để đưa mồi thì cũng
hóa thành nhạt nhẽo như người xưa đã bảo: Cỗ không rượu như kiệu không cụ. Đi
rước kiệu mà không có cha chủ sự thì còn ra cái thể thống chi nữa.
Chính vì vậy, rượu đã xuất
hiện từ một thuở rất xa xưa và có mặt trên từng cây số nơi các dân tộc, từ đông
sang tây, từ cổ chí kim và làm thành nét đẹp riêng của văn hóa. Chả thế mà
trong ngành du lịch, người ta đã đưa ra chiêu bài nền “văn hóa ẩm thực” của dân
tộc mình để thêm phần hấp dẫn hầu dễ bề móc túi du khách.
Gã không biết ai là người
đầu tiên đã chế biến nên rượu. Thôi thì đành dựa vào Kinh thánh vậy. Theo sách
Sáng thế ký: sau cơn đại hồng thủy, khi nước đã rút hết, thì Noe đã trông nho
và làm rượu. Ông cũng đã nhậu một chầu túy lúy với những xị rượu đầu tiên của
mình. Và thế là chuyện nhậu được phổ biến và trở thành một tập tục của loài người.
Hai tên bạn khố rách áo ôm lâu ngày gặp nhau, thế nào cũng phải làm xương xương
với nhau vài táo. Các chính khứa hội đàm “mí” nhau và khi cuộc hội đàm kết
thúc, thế nào cũng phải có màn chiêu đãi tiệc tùng. Cũng bởi lẽ ấy, mà các cụ
ta ngày xưa đã bảo: Nam vô tửu như kỳ vô phong, có nghĩa là đờn ông con giai mà
không biết uống rượu thì như cờ treo mà không có gió. Ủ rũ.
Gã xin ghi lại nơi đây
tâm sự buồn của một anh con giai không biết nhậu, được đăng trên báo “Phụ nữ Chủ
nhật”: Khi còn độc thân mỗi lần được bạn bè mời đi dự đám tiệc, tôi đều phải
len lén chọn những bàn tập trung phái nữ và cũng chọn cho mình một loại thức uống
giống y như họ là một chai…nước ngọt! Trong lúc bạn bè cùng “hệ” đang hí hửng với
những ly bia vàng óng, sóng sánh bọt, tưng bừng hô vang “Zdoô, zdoô…” một cách
hết sức sôi động, thì tôi chỉ biết cắm cúi gắp lấy gắp để cho đến món cuối cùng
hầu được ra về! Đến khi lập gia đình, điều kém nay mắn này lại càng được bộc lộ
rõ ràng hơn. Ngay vào ngày cưới, thường chú rể là người “bị” uống nhiều nhất. Hết
bàn này đến bàn khác, hết người này chúc mừng đến người kia mời mọc. Mặc dù đã
“tự nhủ lòng” phải kiềm chế tối đa để bảo đảm cho một đêm tân hôn cực kỳ tỉnh
táo, nhưng trước những lời chúc tụng quá ư chân thành của bạn bè, của bà con
hai họ, tôi cũng ráng gồng mình uống, như để nuốt cạn từng lời chúc mừng chí
tình chí nghĩa ấy! Cho tới bàn cuối cùng, tôi chỉ còn nhớ được mang máng hình
như có ai đó đã vác tôi ra xe taxi rồi đưa về nhà trước khi tàn tiệc cưới! Đến
khi giật mình tỉnh giấc đã là bảy giờ sáng của ngày hôm sau và điều chắc chắn rằng
trong đêm tân hôn đó, chú rể vẫn còn là chú rể và tất nhiên cô dâu cũng vẫn còn
là cô dâu, chẳng chút mảy may xây xước. Đâu đã hết, điều kém may mắn ấy vẫn còn
theo đuổi tôi cho đến bây giờ. Chẳng là
gia đình bên vợ tôi rất đông người, bốn anh em trai cộng thêm với ba người anh
cột chèo, vị chi là bảy người và ai cũng uống bia như uống…nước mía, chỉ lẻ loi
mình tôi là “yếm thế”. Những lúc giỗ tết, tôi chỉ còn biết ngồi khép nép bên vợ
để được “che chở” khỏi bị ép uống. Có thể nhiều bà vợ cứ nghĩ chồng mình không
biết uống rượu là một điều hạnh phúc, nhưng các bà đâu có thể hiểu hết được những
“nỗi thẹn thùng” của các ông mỗi khi đụng chuyện. Đàn ông đàn ang như tôi mà
không biết uống rượu quả đáng xấu hổ. Vì thế, nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ
chẳng do dự nói ngay rằng: Phải chi tôi cũng biết…nhậu”.
Nếu như cô gái lỡ thời đã
tâm sự: Không chồng khổ lắm chị em ơi!
Thì hẳn anh chàng này cũng phải lớn tiếng mà kêu lên: Không nhậu khổ lắm anh em
ơi! Đã vậy, nhiều lúc chẳng muốn nhậu mà cũng vẫn bị nhậu và bắt buộc phải nhậu,
thì nào có khoái, có vui sướng gì cho cam. Dĩ
nhiên ở đây gã không bàn tới những vị sáng say chiều xỉn tối lăn quay,
thuộc hàng cao thủ võ lâm, bợm nhậu mãn tính hay dân ghiền hạng nặng, dám vỗ ngực
tuyên bố: Thà bỏ…vợ còn hơn bỏ…nhậu. Nhưng chỉ xin dề cập đến những đấng thường
thường bậc trung, mỗi khi nhậu đều có những lý do chính đáng và lắm lúc có cả
giấy phép của…bà xã nữa. Vậy tại sao những đấng ấy lại nhậu, hay nói một cách
khác, những đấng ấy nhậu để làm gì ? Dựa vào một bài báo trên “Phụ nữ Chủ nhật”
gã xin bổ túc và đưa ra những lý do khiến người ta nhậu một cách rất chính
đáng.
Lý do thứ nhất, đó là phải
nhậu thì mới có tiền.
Mới nghe qua lời phát biểu
này thì thấy nó có vẻ vô lý, bởi vì theo luật kinh tế: càng đông vui thì lại
càng hao. Nhậu miết thì thể nào cũng mắc chứng “viêm màng túi” kinh niên. Thế
nhưng, nếu suy nghĩ một chút, gã thấy cũng đúng. Có một anh bạn, chủ một doanh
nghiệp tư nhân, vốn được xem là “chuyên gia” nhậu. Gọi điện thoại tìm anh ta
thường được nghe con gái anh ta trả lời: Ba con đi nhậu rồi. Vợ anh ta phải
“thay” chồng quán xuyến công việc sản xuất , trông coi cơ sở kiêm luôn nghề…”chỉ
điểm”: Anh ấy đang ngồi với ông nọ, ông kia ở quán… Còn anh ta thì lại tâm sự:
Nhậu hoài chán lắm, ở nhà với vợ con thích hơn, nhưng có nhậu mới ký được nhiều
hợp đồng làm ăn. Hoàn tất hợp đồng, lời lỗ gì cũng lại…nhậu tiếp để kiếm hợp đồng
mới, cứ thế mà nhậu quanh năm. Có lẽ đúng như vậy. Thời buổi kinh doanh cạnh
tranh khốc liệt, cơ sở của anh ta thì nhỏ, vốn ít nhưng đều đều có hợp đồng để
làm, đủ trả lương công nhân, nhà xưởng, điện nước, thuế má và quan trọng nhất,
đã nuôi sống cả gia đình bố mẹ, vợ chồng và ba cô con gái. Tuy rằng trong đó có
công sức không ít của người vợ: hiểu chồng và giúp chồng.
Lý do thứ hai đó là nhậu
để tỏ ra có tí quyền, tí chức và cũng bề thế như ai.
Một anh bạn khác, ngoài
những tiệc nhậu ở nhà hàng được người ta mời, anh ta cũng thường tổ chức nhậu tại
nhà với danh nghĩa là đám giỗ. Giỗ bên nội, rồi giỗ bên ngoại. Khách được mời
toàn những nhân vật có “máu mặt”, thiên hạ nhìn vào phải nể phục sát đất quyền
cao chức trọng của anh ta. Có lần người ta thắc mắc không biết là giỗ ai, hỏi
ra mới hay: Giỗ người em họ của ông nội, mà khi mất mới có vài tuổi, gia chủ
cũng chẳng còn nhớ tên là gì, nên chỉ gọi là giỗ…ông trẻ!
Lý do thứ ba đó là nhậu để
thắt chặt tình bè bạn.
Như trên gã đã nói: hai
tên bạn cũ lâu ngày gặp nhau thì chỉ cần làm mấy ly là sống lại biết bao nhiêu
kỷ niệm êm đẹp của một thuở xa xưa. Hơn thế nữa, khi rượu đã ngấm vào lục phủ
ngũ tạng, lúc bấy giờ các chiến hữu tha hồ mà “nổ”, sẵn sàng tỏ lộ tâm can tì
phế của mình. Những chuyện không thể nói với bà xã, thì lúc này là lúc thuận tiện
nhất để tuôn ra rông rổng cho các chiến hữu. Nếu ở nhà: Nhất vợ nhì giời. Thì bây giờ và ở đây: Trời chỉ bằng cái vung,
thì bà xã chắc chắn cũng chẳng là cái thớ gì cả.
Rượu mở mang trí hóa, giải
bớt cơn sầu và làm cho tình nghĩa tuôn chảy tràn trề và lai láng khiến các chiến
hữu sẵn sàng cảm thông, không phải chỉ chín bỏ làm mười, mà nhiều khi chín bỏ
làm mười một, mười hai không chừng. Và khi tới màn chót của vở kịch, các chiến
hữu sẽ hôn nhau chùn chụt, hay ôm lấy nhau mà khóc thút thít, lâm ly bi đát hơn
cả đờn bà con gái bội phần.
Sau cùng, lý do thứ tư đó
là nhậu để nói cho thiên hạ biết rằng: Ta đây là loại đờn ông chính hiệu con
nai vàng.
Thực vậy, bộ râu là dấu chỉ
để phân biệt đờn ông đờn bà, như các cụ ta ngày xưa đã bảo: Đờn ông không râu bất
nghì, đờn bà không vú lấy gì nuôi con. Thế nhưng, ngoài bộ râu ra, việc nhậu
cũng đã trở nên dấu chỉ để phân biệt đờn bà đờn ông. Sở dĩ như vậy vì dân nhậu
hầu như toàn đờn ông, còn đờn bà hầu như chẳng thấy…nhậu bao giờ. Gã chỉ xin
nói “hầu như” mà thôi, bởi vì cũng có những chị đờn bà uống rượu như hũ chìm và
cũng có những chị đàn bà…mọc râu mọc ria, oai ra phết. Trong khi đó lại có những
anh đờn ông chỉ biết “phá mồi” và cằm thì nhẵn nhụi trơn tru, có vác kính lúp
ra soi cũng chẳng tìm thấy được một cọng râu.
Tuy nhiên, điều quan trọng
hơn, đó là khi nhậu sừng sừng, người ta mới dễ bề tỏ ra mình là đấng “nam nhi đại
trượng phu”. Gã tìm thấy trên báo “phụ nữ Chủ nhật” tâm sự của một anh bạn đi
tìm “bản lãnh đờn ông” trong việc nhậu như thế này: Sau khi lấy vợ, nếu không
đi nhậu, các chiến hữu cho rằng bây giờ tôi sợ vợ, “không xài được”. Tự ái nổi
lên, chứng tỏ ta đây không sợ ai hết. Thế là từ đó tôi luôn luôn sống trong
tình trạng “bạn nhậu một bên và em một bên”. Cho đến lúc vợ tôi “tuyên chiến” với
nhậu, nàng luôn than vãn cằn nhằn, kêu ca, nổi giận bảo rằng thật bất hạnh khi
kết hôn với một cái…hũ hèm, thì tôi thực sự hoảng hốt. Buồn quá, tôi lại tiếp tục
tìm vui trong men nhậu. Khi nhậu, tôi được các chiến hữu tung hô, được em út
tôn sùng và nhiều thứ mà lúc tàn canh tôi không có được. Trong bàn nhậu tất cả
đều bình đẳng, hơn thế nữa, nó giải tỏa biết bao buồn bực. Cùng lứa với tôi, bạn
bè nhiều đứa đã giàu sang thành đạt, còn tôi vẫn cứ quèn. Nhưng trong bàn nhậu,
“nhà ngói cũng như nhà tranh”, tôi cũng ngon như ai nếu biết chịu chơi và chịu
chi. Vợ tôi cho rằng tôi là người yếu đuối, nhưng khi nhậu tôi thấy mình có đủ
“bản lãnh đờn ông”.
Bản lĩnh đờn ông này được
bạn cảm nhận khi ruợu đã thấm vào như sau:
Bạn cảm thấy mình là người
thông minh. Ý kiến bạn hoàn toàn đúng và dĩ nhiên ý kiến kẻ khác hoàn toàn sai.
Bạn sẵn sàng “nhả ngọc phun châu” với bất kỳ ai, về bất cứ đề tài nào, còn
thiên hạ đang vểnh tai hướng tới bạn để lắng nghe. Rốt cuộc, sự cãi vã là điều
không thể tránh khỏi khi mọi người đều thông minh.
Bạn cảm thấy mình là người
giàu nhất trên thế giới, thậm chí sãn sàng bao luôn bữa tiệc, hay mua thêm rượu mời mọi người cùng uống, bởi vì
bạn luôn có sẵn một núi tiền. Đối với bạn, thân xác chỉ là cát bụi, danh vọng
chỉ là mây khói và tiền bạc chỉ là bùn đất mà thôi.
Bạn cảm thấy mình là người
gan dạ, sẵn sàng đánh nhau với bất cứ ai. Chỉ cần một lời nói trái tai, lập tức
người ấy trở thành kẻ thù của bạn. Không một ai có thể đánh bạn phun máu đầu, bởi
vì bạn không hề lùi bước trước bất kỳ đối thủ nào. Bạn là người gan dạ cơ mà.
Khi đã xỉn rồi, bạn cứ giữa đường mà đi, mặc cho xe cộ thi nhau tránh. Thậm
chí, bạn còn dám bò bằng “bốn chân” về nhà trước mặt vợ con và hàng xóm.
Bạn cảm thấy mình là người
lịch sự, bởi vì bạn luôn mồn xin lỗi thiên hạ. Thậm chí khi bị va vào cột đèn
sưng u cả đầu, thế mà bạn vẫn cứ đứng xin lỗi cho tới bao giờ cái cột đèn trả lời
mới thôi. Có khi bạn xin phép chủ nhà để đi về tới mười lần mà vẫn luẩn quẩn
chưa ra khỏi được phòng nhậu.
Bạn cảm thấy mình là người
rất cẩn thận, thậm chí còn nhớ móc chân vào sườn xe đạp trước khi làm một giấc
ngủ ngon lành ngay bên lề đường.
Sau cùng, bạn cảm thấy
mình là người có trí nhớ tốt bởi vì những việc tưởng chừng như đã qua đi từ đời
tám tai ông Bành tổ, thế mà bạn vẫn nhớ và nhắc đi nhắc lại hàng chục lần, chỉ
vì sợ kẻ khác quên hay không hiểu.
Những biểu lộ “bản lĩnh đờn
ông” trên đây khi rượu vào, nếu ở mức độ trung bình thì tạo được một bàu khí
vui vẻ và đôi lúc đem lại nét dễ thương, nhưng nếu đi tới chỗ thái quá, chắc chắn
sẽ tạo nên những bất ổn, bởi vì: Rượu thì trắng, nhưng uống vào sẽ làm cho mặt
đỏ và nhuộm đen tư cách. Trong số tới, gã sẽ bàn đến phe đờn bà con gái nhìn hiện
tượng nhậu như thế nào? Và sẽ nghĩ gì về những kẻ say xỉn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét