Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Jun 17, 2018 - Chúa nhật 11 thường niên năm B



Jun  17,  2018 - Chúa  nhật  11  thường  niên  năm  B
   Sự  phát  triển  kỳ  diệu  của  Nước  Trời!



Các Bạn thân mến,
Họ cải là loại cây lành tính, ăn được, rất phổ biến ở nước ta nên được dân chúng ưa chuộng dùng trong thực đơn hằng ngày. Có nhiều loại cải: cải bắp, cải ngọt, cải xanh, cải cúc, cải thìa, cải trắng, cải nhúng, cải bó xôi, cải làn, cải để muối chua…Trong đó có lẽ cải xanh có thân cao nhất nhưng cũng không sánh được với cây cải của người Do Thái mà Đức Giesu nói đến hôm nay, nó rất cao lớn, đặc biệt trong những cánh đồng phì nhiêu ở Akkar, có thể cao bằng con ngựa có người cỡi trên lưng, có khi cao tới hơn bốn mét. Nên ai cũng có thể thấy những bụi cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh để bới tìm ăn những hạt cải đen, những lá xanh non của cây cải. Đó là lý do Đức Giesu ví sánh cây cải với Nước Trời.

Ngài dùng hai dụ ngôn là “Hạt giống tự mọc” “Hạt cải nhỏ bé” để nói lên sức mạnh quyền năng nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa hay Nước Trời do Ngài thiết lập.

Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cho biết Nước Thiên Chúa có thật và đang đến qua các dấu hiệu là các phép lạ Ngài làm như: xua trừ ma quỷ, chữa lành các thứ bệnh tật, cho kẻ đói khát được no đủ...
Ý nghĩa của dụ ngôn thật rõ ràng: Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sức nhỏ bé, nhưng rồi nhiều dân nước qui tụ trong đó. Cũng như chẳng ai biết qúa trình hạt cải ẩn mình trong đất lạnh đến khi mọc lên cao lớn và khi nào thì nó kết thúc. Trong ngôn ngữ Đông Phương và trong Cựu Ước, cây to bóng mát là hình ảnh thông thường để chỉ một đất nước lớn mạnh, một đế quốc hùng cường…chung quanh là các nước chư hầu như chim chóc nghỉ ngơi, làm tổ trên cành. Và ngày nay người ta cũng vẫn dùng hình ảnh cây to, cành lá xum xê để chỉ về một gia tộc đông đảo, một đoàn thể phát triển rộng lớn…
Đức Giesu dạy rằng người ta bắt đầu từ những điều đã biết tới những điều chưa biết; từ cõi hữu hình đến thực tại vô hình.
Ngài cho chúng ta niềm hy vọng được an bình mỗi khi gặp đau khổ; được sức mạnh khi gặp thử thách; được ánh sáng cho những ngày tối tăm. Nhưng chúng ta phải có niềm tin và can đảm tiến về phía trước.
Chúng ta phải sống đúng theo niềm tin của mình; phải làm chứng cho những giá trị tốt của Tin Mừng; và phải quan tâm xây dựng Nước Thiên Chúa.
Ngài dùng hai dụ ngôn đó để giúp mọi người hiểu về Nước Thiên Chúa:
*  Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo xuống đất và dù người gieo thức hay ngủ, dù ngày hay đêm, hạt giống vẫn âm thầm mọc lên thành cây... chỉ sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.
*  Nước Thiên Chúa giống như một hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất nhưng dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời đến núp dưới bóng của nó. Chỉ sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.
Hãy nghe Đức Giesu ví sánh:
 1. "Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất":
-   Nước Thiên Chúa là một hạt giống: thực chất của Nước Thiên Chúa không phải là hệ thống tổ chức quy mô hay thế lực mạnh mẽ bề ngoài, mà là những giá trị bên trong, những giá trị mà Đức Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng: yêu thương, tha thứ, hòa thuận…
-   Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt giống: Xây dựng Nước Thiên Chúa không phải bằng cách lập hội kêu gọi càng nhiều người ghi tên càng tốt, hay đem quân xâm lấn để mở mang bờ cõi, mà là gieo hạt: đem những giá trị Tin Mừng vùi vào thế giới này, gieo vào lòng nhân loại này, rồi kiên nhẫn đợi chờ.
-   Hạt giống đó sẽ nẩy mầm, dần dần mọc lên, lớn nhanh và sinh hoa kết trái: Không nên nôn nóng mong chờ một sự phát triển nhanh chóng ngoạn mục mà phải kiên nhẫn đợi chờ. Nhưng đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng vì thế nào Nước Thiên Chúa cũng lớn lên.
-   Cách Đức Giêsu dùng để mô tả Nước Thiên Chúa rất xa lạ với trí tưởng tượng của chúng ta. Ngài không nói Nước Thiên Chúa giống như một đất nước đông đảo hay một đạo quân hùng mạnh, nhưng nói "Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất".
-   Đây là một tư tưởng khả dĩ làm thay đổi cả nền văn minh của nhân loại. Ý tưởng đó đã gieo vào tâm trí con người sẵn lòng để nó chiếm ngự trọn vẹn và ý tưởng đó đã làm thay đổi cuộc sống của biết bao con người.
-   Đức Giesu hoàn toàn biết rằng kẻ thù của Ngài đánh gía sự hiện diện của Ngài và đám quần chúng theo Ngài chẳng có gì quan trọng. Có lẽ trong đầu óc của các môn đệ cũng nẩy sinh những nghi ngờ.
-   Như những hạt cải nhỏ bé, phải tự hủy mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập chết đi cho các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư tật xấu của mình...
-   Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thoái lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa giúp... chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
-  Các tín hữu cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện,  sống bác ái phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật, bị bỏ rơi... Những hạt giống nhỏ bé là các việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh ngày một lớn mạnh theo thánh ý Chúa.
2.  Nhỏ bé mà mạnh mẽ, âm thầm mà bền bĩ:
-   Không giống như một cây rõ ràng xuất phát từ hạt giống nhỏ xíu, để mọi người đều thấy, Nước Trời thì vô hình và không thể thấy. Vì nó là tinh thần.
-   Đức Giêsu nói: nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bĩ: đó là những đặc tính của hạt giống.
-   Nên Ngài dùng hình ảnh hạt giống để dạy môn đệ Ngài sống và xây dựng Nước Thiên Chúa:
  • không cần làm những việc to tát vĩ đại. Chỉ cần làm tốt những việc nhỏ bé hằng ngày của mình.
  • không cần ồn ào phô trương hay quảng cáo cho niềm tin của chúng ta. Chỉ cần sống một cách âm thầm nhưng kiên trì với những giá trị Tin Mừng mà mình đã nhập tâm.
-  Điều này đưa chúng ta đến với vai trò của Giáo Hội. Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh để phục vụ hai mục đích:
·          phục vụ như một“hạt giống” mà từ đó Nước Trời sẽ xuất phát.
·          là một “dấu hiệu” thấy được của vương quốc Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.
-   Cũng giống như Đức Giêsu, Hội Thánh có hai chiều kích: chiều kích thiêng liêng và chiều kích nhân bản:
·         chiều kích thiêng liêng thì vô hình. Không ai khác hơn là chính Đức Kitô, Ngài là đầu và là sự sống của Hội Thánh.
·         ngược lại, chiều kích nhân bản thì hữu hình. Đó là các phần tử của Hội Thánh.
-   Qua đời sống chứng nhân và phụng tự của chúng ta, là các phần tử của thân thể Đức Kitô, chúng ta làm cho Hội Thánh trở nên hữu hình và hoạt động trong thế giới.
-   Chiều kích nhân bản của Hội Thánh thì giống như bất cứ gì thuộc về con người, nó có khuyết điểm. Điều này không chỉ bao gồm các phần tử, nhưng còn cả giới lãnh đạo: các giám mục, linh mục của Hội Thánh.
-   Vì có khuyết điểm, nó không luôn luôn trưng ra được“diện mạo của Đức Kitô” cho thế giới thấy như nó phải thi hành.
-   Nó cũng dễ sa ngã vào tội lỗi và vẫn phải tranh đấu để trở nên điều mà Thiên Chúa đã mời gọi.
-  Nhưng Hội Thánh vẫn không ngừng tăng trưởng: theo bản nghiên cứu thường niên về “Tình trạng Truyền giáo Toàn cầu” ngày 25/11/2011 được đăng trên Vietcatholic News cho biết số lưọng các Kitô hữu như sau:
Tổng số Kitô hữu (gồm cả Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành) hiện nay có khoảng 2,3 tỉ người và là tôn giáo có sức phát triển mạnh mẽ nhất. Cho đến đầu thế kỷ 20, Kitô giáo mới chỉ có 1.600 giáo đoàn khác nhau. Nhưng đến nay, sau một thế kỷ đã tăng lên 42.000 giáo đoàn.
Riêng Hội thánh Công giáo có khoảng 1,16 tỉ tín hữu, và mỗi ngày thêm được 34 nghìn tín hữu. Việc tăng trưởng có thể do sinh sản và giáo dục con cái theo truyền thống đức tin. Cũng có thể do cải đạo từ các đạo khác sang Kitô giáo. Mặc dù sự cải đạo này không nhiều, nhưng đã có hàng triệu người mỗi năm qua việc hôn nhân: một người thuộc tôn giáo khác quyết định đón nhận đức tin từ người bạn đời Công giáo của mình khi kêt hôn.
-  Niên giám cũng cho thấy, số lượng các giám mục và linh mục đã tăng theo tỷ lệ thuận với số người Công giáo trên toàn thế giới vào khoảng 1,3% trong giai đoạn từ 2008 - 2009. Trong năm 2009, đã có 5.065 giám mục và 410.593 linh mục.
-   Hậu quả là trong cuộc lữ hành trần thế của Hội Thánh, nó luôn luôn là một sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối.
 -  Nhưng sẽ luôn luôn có đủ ánh sáng cho những ai thành tâm muốn được thấy và cũng đủ tối tăm cho những ai không muốn.
-   Đây là điều nó phải như vậy. Ánh sáng của Hội Thánh không bao giờ trùm lấp chúng ta. Nó chỉ mời gọi chúng ta.
-   Nói cách khác: khi nói đến sự hiện diện của Hội Thánh, nó không bao giờ quá sáng tỏ đến độ chúng ta không cần phải thắc mắc gì cả.
-   Nó cũng không ẩn giấu quá kín đến độ người thành tâm muốn tìm kiếm phải lầm lạc. Nó luôn luôn mở rộng cho cả hai điều khả dĩ.
-   Và đây là điều phải như vậy. Đức Giêsu tôn trọng sự tự do cuả con người. Đức Giêsu không ép buộc chúng ta phải đi theo Ngài.
3.  Cải cách bắt đầu với từng người:
-   Trong bất cứ tổ chức hay đoàn thể nào, trong bất cứ trường học hay cơ xưởng nào, trong bất cứ cửa hàng hay văn phòng nào, Kito giáo đến với tập thể đều là nhờ sự làm chứng cá nhân.
-   Người nóng cháy cho Chúa là người châm lửa cho những người khác.
-   Phải có một người bắt đầu cuộc cải cách từ bản thân, gia đình họ, nơi làm việc hằng ngày…Và khi đó không ai biết điều ấy sẽ chấm dứt ở đâu.
-  Các tín hữu cần biết kiên nhẫn. Ðừng đòi thấy sự tăng trưởng trước mắt, nhưng phải làm hết sức, rồi chờ tới mùa gặt là ngày tận thế, bấy giờ Thiên Chúa sẽ sai các thiên thần đi gặt hái: các người lành thánh sẽ được hưởng hạnh phúc trong kho lẫm thiên đàng. Các kẻ làm điều gian ác sẽ bị thiêu cháy trong lửa hỏa ngục muôn đời.
-  Trong thời gian chờ đợi này, mỗi người chúng ta cần chu toàn bổn phận góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa bằng việc sống giới răn yêu thương và thực thi công bình bác ái theo gương và lời Đức Giêsu dạy.
-   Trong ví dụ hôm nay, Đức Giesu muốn nói với các môn đệ và tất cả mọi người theo Ngài trong mọi thời đại rằng không được ngã lòng, hãy là khởi đầu nhỏ bé và can đảm hăng say làm chứng cho mọi người chung quanh để từ đó Nước Trời lớn lên cho đến cuối cùng khi các nước trên thế gian này trở thành Nước Trời.
-   Đức Giêsu gieo một hạt cải nhỏ xíu của Nước Trời trong lòng mỗi người. Nó âm thầm“đâm chồi và lớn lên” mà không ai biết.
-   Công việc của chúng ta là nuôi dưỡng nó với sự cầu nguyện và làm việc lành cho đến khi nó lớn lên đến độ không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta, dù là những tai hoạ, những bách hại, và ngay cả cái chết.
-   Ở đây, điều quan trọng cần để ý là sự lớn lên của Nước Trời trong mỗi người chúng ta thì từ từ, thay đổi dần dần.
-   Mặc dù thời nay người ta thường không hài lòng với thời lượng 24 giờ đồng hồ cho một ngày, nên sống vội vã, tất cả mọi chuyện từ ăn uống, sinh hoạt, lễ nghi…đều phải mau lẹ, nhanh chóng, phải“làm liền, ăn liền, xài liền, kết qủa liền"…dù biết phẩm chất của những thứ đó không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn muốn, bởi vì ngại tốn công và ngại mất thời giờ.
-   Thế nhưng chúng ta quên rằng có nhiều thứ không thể hối thúc được. Phát triển thành một con người chín chắn là công việc của cả một đời người. Xây dựng một tương quan tốt đẹp với ai đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Biết và hiểu con cái mình cũng đòi cha mẹ phải tốn nhiều thời giờ. Vượt qua tội lỗi và thói xấu cũng không phải là công việc một sớm một chiều.
-   Trong dụ ngôn hôm nay, người nông dân đã làm tất cả những gì phải làm, là dọn đất và gieo hạt giống. Sau đó là phần việc của hạt giống, phần việc ngoài tầm của người nông dân thì họ phải chờ, chờ trong kiên nhẫn và hy vọng.
-   Dụ ngôn cũng nhấn mạnh rằng chúng ta có thể gieo hạt giống nhưng chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Chính Chúa làm việc đó. Nếu chúng ta làm xong phần bổn phận mình thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả. Chúng ta cần có đủ kiên nhẫn và đủ lòng trông cậy nơi Ngài.
-   Với niềm tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong Ngày Cánh Chung sẽ tới.
-   Đức Giêsu đã gieo hạt giống Đức tin vào tâm hồn chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Ngài cũng đang chờ đợi hạt giống ấy mọc lên và tăng trưởng: qua những lời cầu nguyện âm thầm, qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích, và qua đời sống chứng nhân của mỗi người. Đây là việc đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và lòng trung tín suốt đời.

Lạy Chúa, Ngài đã dùng dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc để dạy các môn đệ Ngài kiên trì và lạc quan xây dựng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng ấy ngày nay được trao lại cho chúng con.
Xin Chúa hỗ trợ đặc biệt chúng con, và những người đang âm thầm gieo hạt giống Tin Mừng trong môi trường sống của họ và giúp họ cùng chu toàn sứ mạng Ngài trao, hầu phát huy những giá trị Tin Mừng để hoán cải thế giới.
Cùng cho chúng con biết âm thầm chết đi cho tội lỗi, để được lớn lên trong nguồn ơn Thánh Chúa. Vi Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen
Thân mến,
duyenky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét