Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

'64 ngày còn lại’ của cha mẹ

 

'64  ngày  còn  lại’  của  cha  mẹ

Thứ tư, 24/2/2021- vnexpress.net

 Du không nói ra nhưng cha mẹ nào cũng mong được ở bên cạnh con khi về già. Ảnh minh họa: China Daily.


Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến thời gian ở bên cha mẹ của những đứa con ngày càng ít đi và nhiều người đã phải hối hận vì không nhận ra điều này sớm hơn.

Mạng xã hội Trung Quốc gây chú ý với một công thức tính thời gian còn có thể ở bên cha mẹ già như sau: "Giả sử một người có thể về nhà với bố mẹ 7 ngày trong Tết Nguyên đán và dành nhiều nhất 11 giờ mỗi ngày để trò chuyện, gần gũi với họ. Nếu bố mẹ bây giờ 60 tuổi và họ sống đến 80 tuổi, chúng ta thực sự chỉ có thể ở bên họ 1.540 giờ nữa. Con số đó tương đương với 64 ngày mà thôi".

 Dù giả thuyết này chưa chính xác, nhưng con số 64 tượng trưng đó rất thực tế, cũng thể hiện sự khắc nghiệt của cuộc sống tác động đến quan hệ cha mẹ - con cái.

Một độc giả trên trang KKnews viết: "Tôi quê ở Trùng Khánh, làm việc ở Vũ Hán nên mỗi năm chỉ về quê một lần. Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, trong 7 ngày, tôi có khoảng ba hoặc bốn ngày để đi gặp gỡ người thân và bạn bè, tôi chỉ có một hoặc hai ngày để ở nhà với mẹ tôi. Bà năm nay 50 tuổi. Nếu mẹ sống đến 85 tuổi, thì trong 35 năm còn lại ấy, tính ra, tôi cũng chỉ ở bên bà nhiều nhất là 2 tháng mà thôi. Nghĩ đến tôi thấy đau lòng".

Khảo sát tại Trung Quốc với người từ độ tuổi 25-50 cho thấy: 63% số người được hỏi gặp gỡ cha mẹ ít hơn ba lần một năm. Trung bình, những người này dành khoảng 78 giờ cho cha mẹ mỗi năm, tức là 3 ngày và 6 giờ.

Nhà văn Trung Quốc Tất Thục Mẫn, trong cuốn sách "Hiếu tâm vô giới" viết: "Tôi tin rằng mỗi người con đều mong có thể hiếu thảo với cha mẹ từ tận đáy lòng. Thật không may, con người do bận rộn mà thường quên đi sự tàn khốc của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của chính sự sống.

Phần còn lại của cuộc đời bạn có thể còn dài, nhưng với cha mẹ, thời gian sống lại ngày càng ngắn ngủi. Vì thế, hãy cho họ một chút thời gian. Khi bạn còn nhỏ, bạn là thế giới của cha mẹ. Nhưng khi bạn trưởng thành, cha mẹ không thể nào là thế giới của bạn.

Nếu bạn còn cha mẹ mà không thể ở bên họ, hãy cố gắng trò chuyện với họ qua điện thoại. Đừng báo bận khi cha mẹ bạn muốn chuyện trò. Mỗi người con chúng ta luôn nghĩ "Cuộc đời còn dài", nhưng đó là bản thân chúng ta nhìn từ vị trí của chình mình mà thôi.

Hãy đối xử tử tế với cha mẹ bạn, và cuộc đời sẽ đối đãi bạn tử tế. Đúng như người ta nói, thái độ của một người đối với cha mẹ cũng ẩn chứa thái độ của người đó với thế giới xung quanh, với chính bản thân họ.

Có một số điều mọi người đừng nên quên.

Cha mẹ là cội nguồn

Mỗi người chúng ta, từ khi đến với thế giới này, rồi đến khi ra đi, đều là tay trắng. Cha mẹ là con đường đưa chúng ta đến, là gốc rễ, nguồn cội, là người nuôi nấng mỗi người chúng ta từ thơ ấu đến khi trưởng thành.

Cha mẹ cũng là người thấu hiểu và chia sẻ những cảm xúc của con cái một cách sâu sắc nhất. Như người xưa nói: "Có cha mẹ nuôi nấng, nâng niu, con như bông hoa nở rộ, mất mẹ rồi, con như bông hoa trong lọ, tuy đẹp nhưng lại mất gốc rễ". Thế nên, trong cuộc đời một người, "có già có trẻ" không phải là gánh nặng, mà còn đồng nghĩa với hạnh phúc. Còn cha mẹ là còn gốc rễ, cội nguồn.

Tha thứ cho lỗi lầm của cha mẹ là giải thoát cho chính mình

Cổ nhân có câu "Nhân vô thập toàn", có nghĩa con người ta không ai hoàn hảo. Cha mẹ cũng như vậy. Họ không thể không hoàn hảo, họ chỉ có thể học hỏi từ thế hệ đi trước và cho con cái mọi thứ tốt đẹp hơn, theo cách của họ. Cũng có những cha mẹ sai lầm, thất bại, nhưng sinh ra con trong đời, chắc chắn đấng sinh thành nào cũng mong điều tốt đẹp cho con.

Trong cuộc sống này, nếu bạn có thể tha thứ cho sai lầm của cha mẹ, bạn mới có thể tha thứ cho sai lầm của bản thân, của những người xung quanh, để dang tay đón nhận những tốt, xấu của cuộc sống và mài giũa bản thân trưởng thành. Ngay cả cha mẹ mà bạn cũng không thể tha thứ được, thì sẽ khó lòng bỏ qua được sai lầm của bất cứ ai.

Người biết ơn luôn đứng từ góc độ của cha mẹ để hiểu được mọi vấn đề. Người vô ơn lại chỉ biết trách móc mình thiệt thòi, trách móc cha mẹ không cho mình đủ đầy như người khác. Lương tâm bị sự ích kỷ đè bẹp, khiến họ trở nên mờ mắt, quên đi đạo lý làm con. Đừng quên rằng, khi bạn không thể là một người con tốt, bạn sẽ khó có được đứa con tốt, đối xử tốt với mình.

Thùy Linh (Theo KKNews)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét