Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Một cái nhìn mới về việc Chúa Giêsu bị đóng đinh


Một  cái  nhìn  mới  về  việc  Chúa  Giêsu  bị  đóng  đinh

The Word Among Us – Lại Thế Lãng dịch- Fri, 02/04/2021

Hãy tưởng tượng rằng bạn trở lại năm 63 Sau Công Nguyên và đang ngồi với tông đồ Gioan, người đang kể cho bạn nghe cảm giác ở trên đồi Canvê khi Chúa Giêsu hiến mạng sống cho chúng ta trên thập giá.

 “Khi Chúa Giêsu bị bắt sau bữa ăn Vượt Qua, hầu hết chúng tôi đều bỏ trốn. Đó có lẽ là thời khắc đen tối nhất trong cuộc sống của tôi. Chúa Giêsu đã cho chúng tôi thấy Ngài sẵn sàng cho chúng tôi bao nhiêu, và tôi đã không thể ở với Ngài trong thời khắc Ngài cần. Ngài đã hy sinh suốt ba năm trời dậy dỗ chúng tôi, khích lệ chúng tôi, yêu thương chúng tôi và chữa lành cho chúng tôi – và tôi đã không thể mạo hiểm hy sinh điều gì cho Ngài.

 “Khi tôi nhận ra mình đã làm gì, tôi biết mình không thể trốn tránh mãi, Tôi đã cầu xin Chúa tha thứ cho tôi vì đã bỏ trốn, và tôi đã bắt đầu đi tìm kiếm Chúa Giêsu khắp nơi. Cuối cùng khi tôi gặp được Ngài thì Ngài đang bị đưa đến đồi Canvê.

Lậy Cha, xin tha thứ cho họ

 “Tôi đã lách qua đám đông đúng lúc nhìn thấy quân lính đâm những mũi nhọn vào tay Chúa Giêsu. Và giữa những tiếng ồn ào của đám đông là tiếng búa đập chan chát và tiếng kêu đau đớn của Chúa Giêsu, tôi nghe thấy Ngài nói “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23: 34). Khi tôi nghe điều này tôi tự hỏi không biết Ngài đang cầu xin cho ai. Có phải là những nhà cai trị Do Thái đã lên án Ngài? Có phải là Phongxiô Philatô và những người lính Rôma đã hành hạ Ngài và đóng đinh Ngài? Hay có thể là chúng tôi, những người đã ở với Ngài rất lâu nhưng cuối cùng đã bỏ rơi Ngài?

 “Nhưng qua nhiều năm tôi đã cầu nguyện và nói về điều này với các tông đồ khác, tôi đã nhận ra rằng Chúa Giêsu đã làm chính xác những gì Ngài đã dậy chúng tôi làm. Vì trong suốt thời gian ở với Ngài, Ngài luôn nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy (Mt 18: 22). Bây giờ ở đây Ngài tự nguyện tỏ lòng thương xót như Ngài luôn nói với chúng tôi

Tự nguyện tha thứ

 “Khi suy gẫm về hành động tuyệt với của Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta thấy sự tha thứ của Chúa đã đạt đến mức nào. Phêrô biết rằng ông đã được tha thứ vì đã chối Chúa Giêsu. Tôma biết rằng ông đã được tha thứ vì thiếu lòng tin. Tất cả chúng tôi đều được tha thứ vì đã bỏ trốn. Bây giờ chúng tôi biết rằng không ai nằm ngoài lòng thương xót của Chúa. Chúa Giêsu đã minh chứng điều đó khi Ngài tha thứ cho những người lính đã chế diễu Ngài, những vị tư tế đã lên án Ngài và ngay cả Giuđa đã phản bội Ngài.

 “Nghe Chúa Giêsu nói những lời tha thứ ngay cả khi bị đóng đinh, ngay cả khi Ngài bị treo trên thập giá, ngay cả khi Ngài phải khó khăn thở từng hơi thở, tất cả chúng ta cần hỏi liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ một cách trọn vẹn hay không. Và hôm nay, tôi muốn hỏi bạn: Có cách nào nào bạn cần để theo gương Chúa Giêsu và tha thứ? Có những người nào mà bạn cần tìm kiếm sự tha thứ của họ không? Đừng kìm lại. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu và tất cả những gì Ngài đã từ bỏ vì bạn. Sau đó xin Thần Khí của Ngài giúp bạn một cách rộng lượng.

Lậy ông Giêsu, xin nhớ đến tôi

 “Một lúc sau, một điều rất cảm động đã xẩy ra với một trong hai kẻ trộm cắp bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Dường như tình yêu và sự khiêm nhường của Chúa Giêsu – và cách Ngài đón nhận cái chết bất công như vậy - đã thay đổi người đàn ông này. Anh ta bảo vệ Chúa Giêsu khi tên trộm kia bắt đầu xúc phạm Ngài. Sau đó anh ta quay sang  và nói ‘Lậy ông Giêsu,  xin nhớ tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài!’. Và một lần nữa trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu vươn tay ra trong tình yêu và lòng thương xót. ‘hôm nay’ Ngài nói với người đàn ông này ‘ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta’ (Lc 23: 42-43).

 “Thật ngạc nhiên khi Chúa Giêsu chào đón người tội lỗi này vào vương quốc của Ngài với sự bảo đảm không kém gì khi Ngài chào đón Phêrô, Giacôbê và những tông đồ khác – những người đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Nhưng tên trộm này đã trở thành một lời nhắc nhở đối với tôi rằng bất cứ ai quay về với Chúa Giêsu sẽ được nhận vào thiên đàng.

 “Một lần nữa chiều sâu của lòng nhân từ và tình yêu của Ngài là vô hạn. Và một lần nữa hãy xem: Có ai đó mà bạn đã bỏ rơi? Có ai đó mà bạn nghĩ sẽ không bao giờ được đón nhận vào thiên đàng? Đừng phán xét! Đừng lên án! Đừng quên rằng bạn cũng không xứng đáng như anh ta. Đừng quên rằng bạn cần sự cứu rỗi qua thập giá cũng giống như tên trộm này. Chúa Giêsu không lên án người đàn ông này. Ngài đã không lên án các môn đệ cho dù họ đã lìa xa Ngài. Ngài sẽ không quay mặt đi với bất cứ ai và Ngài đòi hỏi chúng ta phải cởi mở và nhân từ, ngay cả với kẻ thù.

Sao Ngài bỏ con?

“Những lời của Chúa Giêsu ngay trước khi chết có lẽ đã gây bối rối cho các tông đồ ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con’ Ngài kêu lên ‘sao Ngài bỏ rơi con?’ (Mc 15: 34). Thật khó để tin rằng Chúa Giêsu, Đấng luôn ở gần gũi Chúa Cha lại có thể bị Chúa Cha bỏ rơi vào lúc đau khổ và túng quẫn nhất. Có thể nào Thiên Chúa thực sự quay lưng lại với Chúa Giêsu khi Con Ngài đang thực hiện hành động vâng lời vĩ đại nhất mà thế giới từng biết không?

 “Tuy nhiên, Chúa Giêsu cảm thấy xa cách Cha Ngài bởi vì Ngài gánh vác tội lỗi của chúng ta. Ngài đang nói đến cả hai: từ nỗi đau xé lòng khi bị đóng đinh và từ những cuộc tấn công tâm linh mà Ngài đang phải chịu đựng. Đây là thời điểm quan trọng của Satan. Nếu có bất kỳ cơ hội nào khiến Chúa Giêsu chối bỏ Cha Ngài, và quay lưng lại với cam kết của Ngài với chúng ta, thì đó là chính lúc này. Cuộc tấn công tâm linh mà Ngài đang phải chịu đựng rất dữ dội, đến mức nó phải có cảm giác như thể Ngài bị tách khỏi Cha Ngài. Đồng thời trong thâm tâm, Ngài cũng phải biết rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi Ngài. Tiếng kêu này phát ra từ đôi môi đẫm máu và cái miệng khô nẻ của Ngà, vừa là sự thừa nhận về trận chiến mà Ngài đang chiến đấu, vừa là lời khẳng định rằng ngay cả khi có cảm giác như thể Thiên Chúa bỏ rơi Ngài, thì Ngài cũng sẽ không từ bỏ Thiên Chúa”.

Giống như Chúa Giêsu cảm thấy bị Thiên Chúa từ chối và bỏ rơi trên thập giá, điều tương tự cũng có thể xẩy ra với chúng ta. Thánh Gioan chắc chắn đã có lúc cảm thấy như vậy, nhất là khi ông và Phêrô, Giacôbê bị bắt, hay là khi các ông bị đánh đập hoặc chế diễu vì nói với mọi người về Chúa Giêsu. Vào những lúc này các ông tin tưởng vào Thiên Chúa, và vững tin rằng Chúa Giêsu đang ở với các ông, ngay cả khi các ông cảm thấy như thể Ngài đã bỏ rơi các ông. Có khi nào bạn cảm thấy cô đơn và bị phản bội chưa? Bạn đang tự hỏi liệu Thiên Chúa có rời bỏ bạn trong một tình huống hoang mang, vật lộn hay đau đớn? Hãy nhớ câu Thánh vịnh “CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,” (TV 34: 19). Ngài luôn ở bên bạn!

Đây là Người

Rất  nhiều điều khác đã xẩy ra ngày hôm đó. Chúa Giêsu đã nói và làm quá nhiều, ngay cả khi Ngài bị treo trong cơn đau đớn, và máu của sự sống Ngài từ từ trút khỏi thân xác Ngài. Còn rất nhiều điều bạn có thể nhận được và trải nghiệm, khi bạn suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu. Khi bạn đọc những câu chuyện về cuộc khổ nạn, hãy nghe lời khuyên của Philatô và hãy nhìn “đây là người” (Ga 19: 5). Đây là người bị thương tích và bầm tím, đội mão gai nhọn. Đây là người bị khinh khi và bị từ bỏ. Đây là người của nỗi buồn, đã quen với sự buồn khổ.

Nhưng đây cũng là người thương yêu bạn đến mức từ bỏ mọi sự vì bạn. Đây là người chịu đóng đinh, bị roi vọt, gai nhọn và thập giá vì bạn. Đây là người đã chịu gánh nặng tội lỗi, sự tấn công của ma quỷ, chịu nỗi cô đơn của sự ruồng bỏ vì bạn. Hãy nhìn ngắm Ngài và hãy cúi xuống thờ phượng và yêu mến. Hãy nhìn ngắm Ngài và hãy dâng đời sống của bạn. Hãy nhìn ngắm Ngài và biết rằng Ngài đã giành cho bạn một nơi chốn trên thiên đàng.

Khi Phêrô, Giacôbê và những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong ngày Chúa nhật Phục Sinh, họ lại được nhìn ngắm Chúa Giêsu -  lần này như một người được tôn vinh - và trái tim họ tràn đầy niềm vui. Thời gian này hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu được tôn vinh. Hãy hướng tâm hồn bạn lên Ngài khi Ngài ngự trên thiên đàng tuôn đổ muôn ân sủng vào tâm hồn bạn. Hãy ngắm nhìn Ngài mỗi khi bạn cử hành Thánh lễ và nhớ lại tình yêu Ngài đã đổ ra trong bữa Tiệc Ly. Hãy ngắm nhìn Ngài trong gia đình, trong những người lân cận của bạn, hãy thương yêu và phục vụ họ giống như Ngài đã thương yêu và phục vụ bạn. Cuối cùng, hãy ngắm nhìn Ngài trong người nghèo đói và đau khổ và hãy bắt chước ngài rửa chân cho họ. Xin Thiên Chúa chúc lành bạn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét