Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

NHỮNG LỜI DẠY ĐẦU TIÊN, NHỮNG LỜI DẠY CUỐI CÙNG

 

NHỮNG  LỜI  DẠY  ĐẦU  TIÊN,  NHỮNG  LỜI  DẠY  CUỐI  CÙNG

Thu, 01/04/2021 -  Lm Nguyễn Minh Hùng




THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Suy niệm các lời cuối của Chúa trên đồi Tử Nạn, khiến tôi nhớ lại tám lời dạy đầu tiên trên núi Bát Phúc. Bởi những trăn trối ấy dường như có sự tương đồng cách lạ thường với Tám mối Phúc thật.

1. Nghèo khó = Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha (Lc 23, 46).

Sống cho mọi người, Chúa Giêsu hoàn toàn hạ mình, để không còn gì cho riêng mình. Chúa nói: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không chốn gối đầu”.

Suốt cuộc đời trần thế, Chúa phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Cha, để biến mình thành của lễ cứu chuộc trần gian. Giờ đây, trên đồi Tử Nạn, Chúa tiếp tục bị loài người tước đoạt đến không còn gì, ngay cả chiếc áo cuối cùng, nhân phẩm, mạng sống, cả đến giọt máu sau hết, loài người cũng trút sạch. Phút cuối, tấm linh hồn Chúa cũng trao về Chúa Cha. Chúa gục đầu tắt thở trong sự cô đơn tận cùng.

2. Hiền lành = Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta (Lc 23, 34).

Chúa Giêsu hiền lành, sẵn sàng tha thứ và đón nhận tất cả những ai có lòng thành thật, biết nhận ra lỗi lầm, trở về đường ngay.

Chúa tha cho Maria Mađalêna, một cô gái bị xã hội đào thải, bởi đã từng ngụp lặn trong tội.

Chúa hiền lành quá đỗi, ngược hẳn thái độ háu thắng, dồn dập của những người đang hồ hỡi kết án chị phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Bằng cái nhìn độ lượng, không như những kẻ muốn ăn tươi nuốt sống chị, Chúa tuyên bố “Ta không kết án chị”.

Giờ đây, trên thánh giá, cái nhìn dịu hiền ấy, Chúa dành cho người trộm. Chúa hứa chắc chắn với anh: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Người trộm đầu tiên trở thành thánh ngay sau khi Chúa tắt thở. Chúa về thiên đàng, người trộm trở thành vị thánh đồng hành với Chúa, "hộ tống" Chúa.

 3. Đau buồn = Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con (Mt 27, 46).

Nỗi đau buồn của Chúa Giêsu là nỗi đau cực độ. Chúa đã từng khóc thương thành Giêsusalem cứng đầu. Chua đau lòng bởi những kẻ nhân danh đạo đức, lạm quyền, chất gánh nặng lề luật trên đôi vai dân chúng. Chúa đau lòng bởi những người thấp cổ bé miệng bị gạt ra bên lề xã hội. Chúa thương dân chúng bơ vơ tức tưởi bởi những kẻ lãnh đạo không đáng là mục tử của họ…

Cuối cùng, trước khi nhắm mắt lìa đời, Chúa Giêsu đau khổ đến tột cùng, bởi cảm nhận sự cô đơn đến nỗi đã thốt lên những lời thống thiết: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”.

 4. Đói khát sự công chính = Ta khát (Ga 19, 28).

Đã có lần Chúa khát và đến xin nước uống bên bờ giếng Giacob. Lần đó, Chúa đưa chị phụ nữ Samaria có đến sáu đời chồng, từ cơn khát tội lỗi đến khao khát “nước Trường Sinh”.

Giờ đây, trên thánh giá, một lần nữa Chúa khát. Lần khao khát này, không chỉ một người, nhưng là toàn nhân loại được Chúa đưa đến mạch Nước Trường Sinh là chính Chúa, để ai đến với Chúa, sẽ được tha thứ và được ban sự sống đời đời.

 5. Thương xót = Hỡi Bà, này là con Bà. (Ga 19, 26).

Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng yêu thương. Cả một đời trần thế, Chúa tỏ bày lòng yêu thương với các môn đệ, với dân chúng, với những kẻ thù ghét Chúa, với hết mọi người…

Chúa yêu mến và vâng phục Đức Maria. Chúa yêu thánh Gioan đến nỗi thánh Gioan tự hào khoác lên mình danh hiệu “Người môn đệ Chúa yêu”.

Giờ đây, trên thánh giá, người đáng thương lẽ ra là chính Chúa, thì Chúa lại thực hiện nghĩa cử yêu thương cho Đức Mẹ, cho thánh Gioan, khi trối thánh Gioan làm con Đức Mẹ.

Chúa sẽ tiếp tục tỏ lộ lòng thương xót ấy, khi cầu xin ơn tha thứ cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”.

6. Lòng trong sạch = Hỡi Gioan, này là mẹ con (Ga 19, 27).

Người có lòng trong sạch là người không vướng mắc tội đời. Chúa Giêsu có lòng trong sạch tuyệt đối. Chúa đã từng thách thức những kẻ thù ghét mình: “Ai trong các ngươi bắt được lỗi của Ta?”.

Chúa Giêsu luôn rao giảng trong sự chân thành. Suốt đời, Chúa là Đấng “Có thì nói có, không thì nói không”…

Giờ đây, trao thánh Gioan cho Đức Mẹ, Chúa muốn Đức Mẹ nhận thánh Gioan như đón nhận chính Chúa, Người Con suốt đời thánh thiện của Mẹ.

Qua thánh Gioan, Chúa nối kết loài người với Chúa để đón nhận ơn tha thứ, trở nên thanh sạch như thánh Gioan, để từng người cũng được xứng đáng làm con của Đức Mẹ.

7. Hòa bình = Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Điều kiện để có hòa bình là phải biết tha thứ. Chúa Giêsu tha thứ cho tất cả những ai thù ghét Chúa, bởi Chúa chính là nguồn bình an vô tận của cả loài người.

Chúa không chỉ tha thứ khi loài người treo Chúa lên thánh giá, nhưng Chúa tha thứ ngay trong đời sống thường ngày, khi bị người đời chống đối, ghét bỏ.

Rất tiếc, loài người vì hẹp hòi, ích kỷ, nên đã thù ghét Chúa. Họ không thể nhận ơn bình an.

Cùng với sự tha thứ vô bờ, Chúa cũng dạy: “Hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em”.

Chúng ta hãy nhìn tấm gương tha thứ của Chúa, lắng nghe lời Chúa dạy mà tha thứ cho nhau, để khắp nơi có hòa bình, tâm hồn thực sự bình an.

 8. Bị bách hại vì lẽ công chính = Mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30).

Những lời trên núi Bát Phúc để chúc phúc cho Hội Thánh: “Phúc cho ai bị bách hại…”, giờ đây, trên đồi Tử Nạn, Chúa Giêsu trở thành người bị bách hại nặng nề. Dường như lời giảng khai mạc trên núi Bát Phúc, chỉ có thể được kết thúc trên đồi Tử Nạn.

Ở giữa của một khoảng dài khai mạc và kết thúc, là một cuộc bách hại liên tục: Chúa bị bách hại trong đám dân nghèo lắng nghe Tin Mừng, trong không biết bao nhiêu anh chị em bị quỷ ám, bị bệnh tật, bị xã hội loại bỏ...

Bản thân Chúa Giêsu, nhiều lần trong lời dạy, bị người ta cho là chói tai, nhiều lần họ muốn ném đá Chúa...

“Mọi sự đã hoàn tất”: Giờ đây, một cuộc đời bị bách hại của Chúa đã kết thúc nơi trên thánh giá, trên đồi Tử Nạn.

Chúa chúng ta đã chết, nhưng cái chết của Chúa là phúc lớn cho chúng ta. Còn hơn cả Tám mối Phúc thật, Phúc mà Chúa ban cho ta là ơn cứu độ đời đời, cho ta sống đời đời trong Nước Chúa.

Chúa Giêsu, Chúa chết vì chúng con. chuẩn bị cho ngày thứ sáu Thánh, tưởng nhớ việc Chúa chấp nhận cái chết thương đau trên thánh giá, chúng con vừa mừng, vừa âu sầu. Mừng vì chúng con có một Thiên Chúa quá yêu chúng con. Chính tình yêu đó cho chúng con hy vọng rằng, dù chúng con có thế nào, thì tình yêu của Chúa mãi mãi vẫn là tình yêu cứu độ, luôn luôn đợi chờ chúng con. Nhưng buồn vì chúng con biết mình phạm tội nhiều. Xin tha thứ cho chúng con.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét