Không ai bị bỏ rơi
Ann
Bottenhorn – Lại Thế Lãng dịch- Sat, 24/04/2021
Vào ngày 25 tháng Hai năm
1954, một thanh niên đang chạy trốn trong một vụ cướp ở Paris đã hoảng sợ và bắn
loạn xạ. Anh ta đã giết chết một cảnh sát và làm bị thương nặng một người qua
đường. Kẻ cướp đã bị bắt và bị kết án tử hình bằng máy chém, bị giam giữ trong
nhà tù an ninh tối đa La Santé. Là một người vô thần khi bước vào nhà tù, anh
ta đã trải qua một cuộc hoán cải sâu sắc đến độ vào đêm hôm trước khi bị hành
quyết, anh ta viết “Đầu tôi sẽ rơi – sự nhục nhã vinh quang – với phần thưởng
thiên đàng! Tôi rất hạnh phúc”. Linh hồn đã mất của Jacques Fesch đã được Chúa
Kitô cứu vớt ở trong tù.
Vị thành niên lầm lỡ, ăn
chơi, sát nhân. Sinh ngày 6 tháng Tư năm 1930, Jacques Fesch lớn lên trong một
bầu không khí dường như đã làm anh mất đi sự tự tin, sự chủ động và niềm tin.
Là một sinh viên đáng thương, đôi khi anh ta được mô tả là lơ đãng và là một kẻ
“mơ mộng hão huyền”. Anh ta viết về chính mình “Yếu đuối tự nhiên, tôi lạc đường,
ngổ ngáo, dễ bị dắt mũi và . . . túng
thiếu”. Fresh bỏ học ở tuổi mười tám để đi làm trong ngân hàng của cha mình.
Năm hai mươi mốt tuổi anh cưới một phụ nữ trẻ đã có thai với anh và đến làm việc
cho cha cô. Fesch mơ ước mở một văn phòng chi nhánh riêng trong ngành kinh
doanh của bố vợ mình. Fesch vay tiền nhưng đã dành một nửa trong số đó để mua
chiếc xe cho mình. Fesch đã nhanh chóng nhận ra rằng điều này khiến cho anh
không thể theo đuổi kế hoạch của mình hoặc hoàn trả khoản tiền đã vay.
Đầu năm 1954, Fesch chìm
trong cảnh nợ nần chồng chất và chán nản. Để tự cứu mình, anh lên kế hoạch bỏ
trốn bằng cách mua một chiếc thuyền và đi đến Tahiti. Ý nghĩ về sự tự do và một
khởi đầu mới đã trở thành nỗi ám ảnh của Fesch nhưng anh không thể nào đạt được.
Để khắc phục điều đó Fesch đã nghĩ ra một kế hoạch đi cướp một máy đổi tiền. Kế
hoạch thất bại thảm hại và Fesch đã bị bắt với khẩu súng vẫn còn trong bàn tay
dính máu của anh. Có vẻ như ngoài việc giết người cảnh sát anh đã vô tình bắn
vào chính mình.
Tù nhân. Fesch đã bị bắt,
bị thẩm vấn và bị tống vào phòng biệt giam. Vị tuyên úy lần đầu tiên đến thăm
anh đã nhìn thấy một tù nhân quẫn trí. Tù nhân này đã đuổi vị tuyên úy đi và
tuyên bố rằng anh ta không có đức tin. Để giải tỏa những giờ cô độc kéo dài,
Fesch đọc sách, viết thư và trong sự đơn độc của phòng giam, anh bắt đầu tái
khám phá Thiên Chúa. Tư tưởng của anh dần dần thay đổi “Tôi không còn chắc chắn
rằng Thiên Chúa không tồn tại” anh ta viết “Tôi bắt đầu mở lòng với Ngài . . .
để tin tưởng với lý lẽ của tôi mà không cầu nguyện hoặc cầu nguyện rất ít!”
Fesch bắt đầu mở lòng để
đón tia sáng đức tin này và nắm lấy ân sủng Thiên Chúa ban cho anh. Ân sủng để
đọc sách lễ và Kinh Thánh. Ân sủng để cầu nguyện và suy niệm. Ân sủng để kiên vững
trong đức tin ở nơi gào thét tuyệt vọng. Sau này anh ta viết “Không có Chúa,
phòng giam sẽ trở thành cái hố đen tối và tuyệt vọng mà một người có thể dễ
dàng bị hủy hoại hay . . . biến thành một dã thú.”
Ánh bình minh. Trong một
năm trong khi chờ đợi xét xử, đức tin của Fesch dần dần trưởng thành. Anh cảm
thấy chắc chắn mình sẽ không bị kết án tử hình, nhưng anh cũng cẩn thận để
không dùng đức tin ngày càng tăng của mình như một mưu đồ để làm lung lay thẩm
phán hay bồi thẩm đoàn. Vào tháng Mười năm 1954 “một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ”
tràn qua anh. “Trong khoảng thời gian vài giờ, tôi hoàn toàn tin tưởng” Anh ấy
đã viết “Tôi đã tin và không thể hiểu được là làm thế nào mà tôi đã từng không
tin. Ân sủng đã đến với tôi. Một niềm vui lớn tràn ngập tâm hồn tôi và trên hết
là một sự bình an sâu sắc”.
Niềm vui và sự bình an đó
đã nâng đỡ Fesch trong ba năm cuối cùng của đời anh. Việc bị biệt giam đã cho
Fesch vô số thời gian để phát triển mối quan hệ với Chúa Kitô, để suy ngẫm sâu
sắc về Thánh Kinh, về thập giá và về những điều vĩnh cửu. “Chúa Giêsu đã kéo
tôi đến với chính Ngài” Fesch viết “Ngài ban cho tôi qúa nhiều trong khi đòi hỏi
quá ít”. Đối với Fesch vấn đề nói vâng lập đi lập lại là một vấn đề hối cải
liên tục. Trong đêm cuối cùng ở trên trần gian này, Fesch đã viết “Chúa Giêsu
đang ở rất gần tôi. Ngài kéo tôi càng ngày càng gần Ngài hơn, và tôi chỉ có thể
âm thầm tôn thờ Ngài.
Fesch đã học được nhiều
điều ở trong tù, sau đó anh chia sẻ trong nhửng lá thư gửi cho gia đình và bạn
bè. Một người viết tiều sử gọi chúng là những lá thư “phi thường” “chỉ có thể
là kết quả của ánh sáng và sức mạnh thần thánh”. Đối với thầy Thomas, một người
bạn, anh viết “Không phải tôi đang tiến về Chúa Kitô mà là Ngài . . . đã cõng
tôi trên vai . . . Mọi thứ đều là ân sủng và . . . đó không phải là cái chết
tôi đang tới gần mà là sự sống”
“Hoạt động của ân sủng đôi khi chậm chạp”.
Fesch khao khát được vợ và gia đình chia sẻ niềm tin . Mặc dầu cha anh dường
như không bao giờ chấp nhận sự hối cải của con trai mình, Fesch vẫn có thể “ghi
nhận sự tiến triển của ân sủng trong tâm hồn ông”. Trong lá thư cuối cùng gửi
cho mẹ vợ, người mà anh đã trao đổi thư từ vài lần một tuần trong những năm ở
trong tù, Fesch đã viết “Con . . . thúc giục mẹ kiên trì trên đường đang đi mà
mẹ mới đạt được chút tiến bộ”. Vợ anh cũng bắt đầu đáp lại một cách rõ ràng, đồng
ý đi xưng tội và rước lễ theo yêu cầu của anh. Trên hết, Fesch khuyên vợ và có
lẽ cả chính mình “ Hãy kiên nhẫn . . . hoạt động của ân sủng đôi khi chậm chạp”.
Những năm tháng biệt giam
chậm chạp trôi qua. Mỗi tuần một lần cho đến khi phán quyết cuối cùng được đưa
ra, Fesch được phép cho thăm viếng mỗi lần trong ba mươi phút, thông thường với
mẹ vợ hay vợ anh, Fesch thường dành thời gian khích lệ họ, thúc giục họ đừng
tuyệt vọng mà hãy tin vào sự tốt lành của Chúa.
Tiến trình kháng án dựa
vào và tiến lên trong ân sủng của Chúa. Vị tuyên úy nhà tù, bây giờ là vị khách
được chào đón, đã đề nghị một số cách hướng dẫn, sách và mỗi tháng một lần nhận
các bí tích. Luật sư của Fesch một người Công giáo đạo đức đã khích lệ và hỗ trợ
khi ông cố gắng giành chiến thắng trong vụ kháng cáo của Fesch. Vào thời gian này,
Fesch tin rằng một “giọng nói bên trong” đang nói với anh rằng kết quả của
phiên tòa sẽ là bị hành quyết. Fesch vẫn không chịu khuất phục trước sự sợ hãi
hay tuyệt vọng; thay vào đó anh nắm chắc sự hối cải và ân sủng của mình.
Những giờ phút tuyệt vời
nhất. Fesch bị thôi thúc bởi ý nghĩ về thời gian ngắn ngủi còn lại đối với anh.
Vào tháng Năm năm 1956 Fesch mô ta chính mình như là “một con ốc sên đang bò dọc
theo con đường đức tin”. Vào tháng Chín năm 1957, ba tuần lễ trước ngày hành
quyết Fesch đã sửa đổi mô tả đó:
Tôi đang sống qua những
giờ phút tuyệt vời nhất . . . Đối với mỗi một nỗ lực nhỏ mà tôi đã thực hiện
tôi nhân được một ân sủng khác và trong cái nhìn của thời gian ngắn ngủi, việc
tiến lên với Chúa đang đạt được nhanh hơn nhiều so với người đi trước. . . .
Tôi chắc chắn rằng tôi được bao bọc bởi ân sủng và tình yêu và rằng Chúa muốn cứu
tôi bất chấp chính tôi.
Người từng mơ mộng vu vơ
có nỗi ám ảnh đã khiến anh ta phạm một tội ác thiếu suy nghĩ giờ đây tự an ủi
mình trong nỗi đau khổ kinh hoàng trong đêm cuối cùng của đời mình “Thiên Chúa
luôn thành tín, tôi không được quên điều đó”. Ngay trước khi nằm xuống để cầu
nguyện trong khi chờ đợ bị hành quyết anh ấy đã viết.
Trong năm giờ nữa, tôi sẽ
gặp Chúa Giêsu! Ngài tốt lành biết bao . . . Ngài lôi kéo tôi thật nhẹ nhàng về
phía Ngài, ban cho tôi sự bình an không phải của thế gian này . . . Tôi chờ đợi
trong bóng tối và trong bình an. Tôi chờ đợi tình yêu.
Vào lúc 5 giờ 30 sáng
ngày 1 tháng Mười năm 1957 Jacques Fesch bị chặt đầu trên máy chém.
Vào ngày 21 tháng Chín
năm 1987, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris đã khởi xướng một
cuộc điều tra cấp giáo phận về cuộc đời và sự thánh thiện của Jacques Fesch. Dư
luận công chúng bị chia rẽ. Nhiều người tố cáo Fesch là kẻ giết cảnh sát bị kết
án, không thích hợp để trở thành một hình mẫu. Tuy nhiên những người khác đã
tìm thấy niềm an ủi và cảm hứng trong câu chuyện hoán cải tuyệt vời của Fesch.
Đức Hồng Y Lustiger khẳng định rằng cuộc sống của Fesch thể hiện một sự thật rằng
“không ai bị bỏ rơi trong con mắt của Thiên Chúa ngay cả khi người đó bị xã hội
lên án”. Vụ án phong chân phước cho Fesch được chính thức mở vào năm 1993./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét