Phận gái viết
Gia Phả trên đất
Mỹ!
Duyenky
Cây Gia Phả được treo trong nhà của một hậu duệ!
Cách đây mười mấy năm,
con gái mình có một ông khách hàng nhờ viết Gia Phả cho gia đình ông. Thế là về
nhà con gái nói với mình: “Má ơi! Sao Má không viết Gia Phả của nhà mình
đi?” Nghe xong mình ngạc nhiên
nói: “Ủa! Gia Phả thì để đàn ông con trai viết chứ Má là đàn bà con gái thì
viết cái gì?!” “Ôi giời! Ai viết mà chả
được? Người nào có điều kiện thì viết chứ cứ gì đàn ông với đàn bà, con gái với
con trai!” Nhưng từ xưa đến giờ, Gia
Phả là phần cuả trưởng nam gia đình, dòng tộc: chỉ con trai, trưởng tộc mới có
quyền viết và lưu giữ, còn phận nữ nhi làm sao giám nhắm tới! Mặc nhiên như thế,
chẳng ai băn khoăn thắc mắc cũng chẳng ai tranh giành! Hợp lý thôi, vì đàn ông
con trai bao giờ cũng được coi là dòng máu cuả cha, ông, được nối dõi, được mọi
ưu tiên của gia đình, được đi cùng bố, cùng ông, được ngồi mâm trên với bố, với ông,
được học hành, dược truyền nghề nghiệp, có tiếng nói trong gia đình nhỏ lớn cuả
mình, của xóm làng! “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô!” mà! Còn người
phụ nữ không có giá trị gì trong thời cổ, thời phong kiến. Thậm chí người vợ
không sanh được một đứa con trai, còn bị chồng và nhà chồng hất hủi ruồng rẫy,
phải để chồng đi lấy vợ khác cho đến khi có được một mống con trai! Đến nay,
quan niệm này vẫn còn lại ở một số ít gia đình quá quắt của Việt Nam! Thật tồi
tệ! Chúng ta sinh sau đẻ muộn,
nhưng lại rất may mắn vì chế độ đó đã dần dần tàn phai theo nền văn minh tiến bộ
của thế giới du nhập vào Việt Nam những thế kỷ 18, 19, 20! Đặc biệt sau biến cố năm
1975, dân chúng Việt Nam tị nạn được đồng minh và chính quyền Mỹ cho phép định
cư vĩnh viễn trên đất nước dân chủ hòa bình tự do bình đẳng cuả họ, thì không
chỉ phụ nữ được giải phóng mà ngay cả những mớ bòng bong thời cổ, những rắc rối phiền toái thời phong kiến cũng
không cánh mà bay vào dĩ vãng, chẳng ai phải tốn một viên đạn nào, chẳng cơ
quan xã hội, tự do dân chủ nào phải tổ chức hội họp, tuyên truyền, biểu tình
mít tinh đòi hỏi, chống đối! Tự nó ngoan ngoãn đi vào ngăn cất của thời gian một
cách nhẹ nhàng! Những ai còn cố chấp, sẽ bị chính bản thân họ dày vò, bất mãn,
bất an, sầu đau, tủi phận…và bị xã hội đào thải, gia đình buông bỏ, sống một
mình cô đơn ôm nuối tiếc cho một thời oanh liệt, vàng son đã qua… chờ ngày ngậm
ngùi nơi chín suối! Vâng, con gái mình nói
đúng! Vì cháu là thế hệ sau, lại sống trên đất Mỹ, vào đúng thời điểm mọi thứ
đã đổi thay, giảm đi rất nhiều, nhất là tư tưởng, phong tục tập quán thiên vị hủ
lậu bất công ở quê hương… Thế rồi sau một chút suy
nghĩ, mình mạnh dạn cầm bút! Mặc dù dòng họ nam nhiều hơn nữ, ông bà cụ Tổ có
tám người con, mà tới sáu trai, chỉ có hai người con gái, trong đó có Mẹ mình! Dù mình vẫn băn khoăn, lo lắng, vì đã mấy chục
năm xa quê hương, xa làng xóm, xa bà con họ hàng… tự nhiên lại vơ công việc vào
để tự bản thân tạo trách nhiệm nặng nề cho chính mình! Nhưng cảm xúc dâng trào,
khởi viết được một đoạn, một đoạn… khó khăn ập tới, chán nản, tuột cảm xúc, bởi
phải tự tìm hiểu thông tin, tự liên hệ họ hàng xa gần để lấy dữ liệu, lúc có
lúc không, khi thuận lợi, lúc khó khăn! Mình ngán ngẩm buông xuôi! Thế rồi Mùa Thu năm nay,
một cháu trai tha thiết động viên mình viết tiếp Gia Phả! Cảm động trước khát khao
của cháu, mình lục lại và bắt đầu viết tiếp Gia Phả của dòng họ! Lại liên hệ với mọi người
để tìm hiểu thông tin chung và riêng. Thật ngạc nhiên vì có tới ba ông anh, hai
cháu trai đã muốn viết, đã có một ít tài liệu, cũng như đã khai bút, nhưng rồi
vì nhiều lý do đành bỏ dở dang, người mất, người còn! Hoá ra nhiều người cũng
khắc khoải về nguồn gốc gia tộc mình và muốn lưu truyền cho con cháu ngay trên
đất Mỹ, xứ người! Đây là nguồn động viên rất
lớn để mình làm công việc này! Mình bắt đầu hăng say, liên lạc với bà con các
tiểu bang ở Mỹ, Úc, Việt Nam … một người trong họ nói
rằng: “- Ồ! Ai mà đọc!”- “Rảnh qúa!
Phí công!”- “Tại sao giờ tự nhiên lại nghĩ ra viết Gia phả? Để
làm gì?”…
Vượt lên trên tất cả,
mình vẫn hăng say viết và xin tài liệu mọi người! Ngạc nhiên khi số người hưởng
ứng đông hơn gấp bội một người cản trở! Bà con sẵn sàng cung cấp tư liệu, số liệu
đầy đủ chi tiết gia đình lớn nhỏ cuả họ! Mình được an ủi, nhận ra
rằng ai cũng có những khoảnh khắc, những thời gian muốn hướng về Tổ tiên, gia
đình, nguồn gốc của chính mình. Đặc biệt những người xa quê hương, những thân
phận lưu đày nơi đất khách quê người, đôi khi không tránh được chiến tranh, họan
nạn! Những mảnh đời lang thang đó đây! Những thân thể vắt vẻo sáng nắng chiều
mưa, đêm tuyết lạnh!...Cũng có quyền nghĩ rằng mình có Gia Phả là mình có một đại
gia đình, có một dòng tộc đàng hoàng, có ông kia bà nọ, có anh chị em, có con
cháu thành công, có những đứa chắt chút… dễ thương, khỏe mạnh đang chuẩn bị bước
vào đời để sống, để xây dựng, công hiến, và phục vụ! Mình
không yếu đuối, lẻ loi, đơn độc…! Rất vui với những suy
nghĩ đó, nhưng làm sao để thuyết phục giới trẻ nhìn về Gia phả cuả mình? Mình
đã mày mò, suy nghĩ, để tìm cách thu hút cả giới trẻ và giới già quan tâm đến
Gia Phả! Kết cục mình chọn ra hai
cách tối ưu: một là như thường lệ, viết đầy đủ chi tiết ngắn gọn bằng văn bản,
hai là dùng hình ảnh, ký hiệu, màu sắc để tóm tắt đầy đủ cả dòng họ trên một
thân cây sống Làm sao tìm cây? Mà cây
gì bây giờ? May mắn mình còn nhớ đầu làng quê mình có một cây Gạo, mà mỗi mùa nở
rất nhiều hoa màu đỏ tuyệt đẹp, tuy nở hoa thì rụng lá, nhưng vẫn nổi bật một
góc trời! Nhưng chỉ có hình Ông cụ
Tổ mà không có hình Bà cụ Tổ, làm sao? Thì tìm một bông hồng đỏ
tươi để bên cạnh Ông, là hoàn chỉnh chứ gì? Vui quá! Mất mấy tuần lễ làm thử,
thay đổi ký hiệu, màu sắc, nháp đi nháp lại vài chục lần mới ưng ý! Xong xuôi,
mình thăm dò nơi in ấn, rồi tìm đến một nhà in xin họ giúp đỡ để in Cây Gia Phả
ra! Thật may mắn, mình đã gặp
cô Ngọc Thủy, một thiết kế viên của nhà in Vo’s Graphics ở Chicago, rất nhiệt
tình và kiên nhẫn. Suốt thời gian căng thẳng hoàn chỉnh bản vẽ phức tạp rắc rối,
chưa từng có, lại thêm tính cầu toàn cuả mình, nhưng cô cũng không hề mệt mỏi, than
thở kêu ca một tiếng! Sau những ngày tháng miệt
mài đọc, vẽ, chọn hình ảnh màu sắc, chỉnh sửa, in ấn… sản phẩm được tạo thành
qúa sức mong muốn! Một bức tranh có kích thước
(32 x 48) ins, tức (0,81 x 1,25) m đầy màu sắc dịu ngọt mát mắt, với trên 400
tên người trong dòng tộc được thể hiện bằng những bông hoa màu xanh dương cho nữ
và trái tim màu hồng cho nam! (Cả dòng họ 6 đời gần 500 người). Hân hoan vui mừng, vội
vàng gởi cả bài viết về Gia phả và Cây gia phả đến dòng họ! Ôi chao! Thật ngạc nhiên
sung sướng vì họ hàng ai cũng sửng sốt, khen nấy khen để về Cây Gia Phả: "thật
công phu, tuyệt đẹp, tuyệt vời, độc đáo, màu sắc hài hoà nhã nhặn..." Điều mình phấn khởi nhất
là hậu duệ đón nhận Cây Gia Phả cách trân trọng! Sẵn sàng treo trên tường của
gia đình để con cháu hằng ngày chiêm ngưỡng tổ tiên - ông bà - bác - chú - cô -
cậu - mợ - dì - anh - em - con - cháu - chắt - chút - chít…của dòng họ mình, mặc
dù rất nhiều người, nhiều thế hệ chưa từng biết mặt, biết tên! Cứ tưởng rằng sống trên đất
nước Mỹ này, với bao hưởng thụ tân tiến, bao sung sướng hạnh phúc, cùng bao lo
toan miệt mài, bao ngỡ ngàng phong tục tập quán, bao chán nản buồn đau… thì chẳng
ai có thời gian nghĩ tới nhau, đặc biệt những người đã khuất xa, từ năm sáu đời
cách mình thì ai mà biết mặt, ai còn nhớ tới! Nhưng không, dù hoàn cảnh ra sao,
tình đời thế nào, con người vẫn có những phút giây “trầm tư mặc tưởng” đến
nguồn gốc, thân phận mình, khắc khoải với thất bại chán chường, sung sướng khi
được nhắc tên, vui mừng khi được gặp mặt, vỡ oà khi tên mình được một ai đó
trân trọng ghi chép lại và lưu giữ! Để rồi mình thấy công việc
ghi chép Gia Phả thật quan trọng cần thiết, có ý nghĩa linh thiêng cao quí với
mọi người, dù dân tộc nào, đất nước nào, con người nào, thời đại nào, vị trí
nào trong xã hội… cũng được ghi chép cẩn thận và gìn giữ. Làm tài liệu khi cần
thiết, cũng là chứng cứ quan trọng nhất cuả một dòng họ và một con người! Đây còn là một kho tàng lịch
sử quý báu của dòng tộc nói riêng và đất nước nói chung. Nó ghi chép cái riêng
của một dòng họ rất chi tiết và chân thực. Những cái riêng đó lại tô vẽ cho màu
sắc chung của dân tộc, làm giàu thêm những trang hào hùng của nước nhà thông
qua lăng kính gia phả. Cây gia phả như một tự điển sống chứa đựng muôn vàn
thông tin của một phả hệ là vậy! Chúng ta đã từng nghe, từng
đọc những vụ án tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng gia phả cuả họ. Vụ con
cháu kiện tụng kéo dài rồi cũng được phục hồi chức vị, danh phận của mình căn cứ
trên gia phả dòng tộc. Cả những vụ án hình sự khó khăn, như ở Trung Quốc, phải
11 năm lập gia phả mới truy tìm được kẻ gây tội phạm hiếp dâm tàn bạo.
(VnExpress.net-Thứ bảy, 7/7/2018, 06:00 (GMT+7) -11 năm lập gia phả để truy tìm
kẻ hiếp dâm). Việt Nam ta còn có nguồn tin cho rằng dựa vào
chính cuốn gia phả của dòng họ Lê, "nguồn sử liệu thầm kín" của
dòng họ, mà hậu duệ biết được Ngọc Hân Công Chúa đã giết vua Quang Trung bằng
cách dùng rượu đầu độc khi nghe tin nhà vua cầu hôn công chúa nhà Thanh! Người khác lại cho rằng đó là một nỗi oan lịch
sử! Tất cả đã nói lên giá trị
quan trọng cần thiết của Giá Phả về nhiều mặt. Đất nước ta, từ thuở khai
thiên lập quốc, đã luôn phải trải qua thăng trầm ly loạn, việc ghi chép về những
người trong gia đình, dòng họ là rất quan trọng, nó còn giúp cho những người vì
hoàn cảnh phải phân tán, thậm chí phải thay tên đổi họ, biết tìm về danh tính,
cội nguồn đích thực của mình. Cuốn gia phả của Lý Thái
Tổ (1026) có tên “Hoàng Triều ngọc điệp” được coi là cuốn gia phả cổ nhất
còn truyền lại được ở nước ta. Chúng ta cũng từng đọc
gia phả cuả Đức Giêsu, cuả Khổng Tử, cuả Hoàng Gia Anh, của tổng thống Abraham
Lincoln, của nhà Lý, nhà Trần Việt Nam mình. v…v… Vậy là mình, một phụ nữ
đã có chồng, con, cháu đủ cả! Coi như đã “xuất giá tòng phu” từ rất lâu,
phận“nữ nhân ngoại tộc”, con gái thuộc họ khác, xa lạ (!) mà còn là đời
thứ ba cuả dòng tộc trong sáu đời của Ông Bà Cụ Tổ, đã hoàn thành bộ Gia Phả của
dòng họ, đã được hậu duệ đón nhận, mà có ai nói năng trách móc phê phán gì đâu,
cũng chẳng ai hoạnh hoẹ con gái mà viết gia phả cái gì?! Đây là một kinh nghiệm
quí báu cho phụ nữ chúng ta, hãy mạnh dạn thực hiện những công việc nhỏ, lớn ở
trong tầm tay, đừng lo sợ những công việc chúng ta có thể làm được, không phân
biệt giới tính, giai cấp, địa vị, tuổi tác… Hãy luôn nhớ rằng thời hiện
đại này, và mai sau cũng thế, những gì người đàn ông làm được thì phụ nữ chúng
ta cũng có thể làm được! Để luôn xây dựng một cá nhân, một gia đình, một xã hội,
một đất nước, một thế giới lành mạnh nhân văn, nhân ái, hòa bình, bình đẳng… hầu
đào thải từ trứng nước, từ mầm mống tái xuất một chế độ trọng nam khinh nữ, một
chế độ nô lệ phụ nữ dưới nhiều hình thức!... Rất mong! Chicago, Mùa Đông 2020! Duyenky * Đã đăng trên Bán Nguyệt
San Chicago Việt Báo số 462 ngày 15 tháng giêng năm 2021.
* Và dự thi: vvnm.vietbao.com năm 2021. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét