Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Các bài viết về Thánh Giuse nhân dịp Năm Thánh Giuse

 

Các  bài  viết  về  Thánh  Giuse  nhân  dịp  Năm  Thánh  Giuse

Sat, 27/02/2021 -   Lm Nguyễn Văn Độ




Năm Thánh Giuse Đã Mở

Năm Thánh Giuse đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mở. Chúng ta tận dụng thời gian quí báu này đến với Thánh Giuse, tìm hiểu về Ngài để yêu mến Ngài, nhất là xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho. Vậy, hãy đến cùng Giuse.

Khẩn xin sự chuyển cầu của ngài

Năm 2021 là một năm thật đặc biệt đối với Giáo hội hoàn vũ. Vì là Năm dành riêng để tưởng nhớ Thánh Giuse. Chúng ta biết cách đây 150 năm, ngày 8 tháng 12 năm 1870, Đức Thánh Cha Piô IX đã ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, đặt Thánh Giuse làm quan thày cả và Hội Thánh. Trước đó, ngày 10 tháng 9 năm 1847, sắc lệnh của bộ Nghi lễ Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo hội lễ kính Thánh Giuse được cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh.

Ngày mùng 08 tháng 12 năm 2020 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố và khai mạc luôn Năm Thánh Giuse, truyền dạy cả Hội Thánh khẩn xin sự chuyển cầu của Ngài khi thế giới đang trong cơn gian nan khốn khó như lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tuyết… cụ thể là đại dịch Covid 19, đồng thời mời gọi chúng ta noi theo các nhân đức của Ngài có trái tim hiền hậu của một người cha.

Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Trẻ em mồ côi. Vì không cha. Vì người cha không đảm nhận trách nhiệm. Vì thiếu trái tim nhân hiền của người cha. Đức Thánh Cha mời gọi các người cha hãy noi gương Thánh Cả Giuse đảm nhận trách nhiệm. Đức Thánh Cha viết : “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (x. Patris Corde, 7)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ vũ lòng sùng kính đối với Thánh Giuse trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, và kết thúc tông thư mới của mình bằng cách thúc giục người Công Giáo cầu nguyện với Thánh Giuse.

Thần thế trước tòa Chúa

Nói đến sự trợ giúp của Thánh Giuse thì Thánh Têrêxa  Avila cho chúng ta một kinh nghiệm tuyệt vời. Trong cuốn “Tự Thuật”, thánh nữ đã viết như sau:

... Những ơn lành Chúa ban cho tôi, qua lời cầu bầu của Thánh Cả GIUSE thật vô số. Thánh Cả còn cứu tôi thoát nhiều hiểm nguy, cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thấy Chúa ban cho các vị thánh khác được quyền cứu giúp trong một số trường hợp. Nhưng đối với Thánh Cả GIUSE, tôi kinh nghiệm thấy Thánh Cả cứu giúp trong bất cứ trường hợp nào chúng ta kêu cầu Ngài. Khi trao ban cho Thánh Cả GIUSE quyền năng như thế, Chúa muốn dạy chúng ta hiểu rằng : Nếu ngày xưa, trong cuộc đời dương thế, Chúa GIÊSU đã chấp nhận Thánh Cả GIUSE làm Cha nuôi, và sẵn sàng tuân phục Thánh Nhân, thì ngày nay trên Thiên Quốc, Chúa GIÊSU vẫn tiếp tục lắng nghe mọi lời Thánh Cả cầu xin. Những người tôi khuyên nên khẩn cầu cùng Thánh Cả GIUSE, cũng có cùng kinh nghiệm như tôi. Và nhờ những ơn lành nhận lãnh, những người ấy càng tăng thêm lòng mộ mến Thánh Cả GIUSE.

... Hằng năm vào ngày lễ kính Thánh Cả GIUSE, 19-3, tôi thường mừng lễ này hết sức long trọng. Tôi muốn khuyến khích mọi người hãy có lòng sùng kính Thánh Cả GIUSE, vì tôi đã từng kinh nghiệm rằng, Thiên Chúa nhận ban tất cả những ơn Thánh Cả GIUSE cầu xin cùng Ngài. Tôi chưa từng thấy ai thật lòng mộ mến Thánh Cả GIUSE mà lại không tấn tới trong đàng nhân đức. Các linh hồn được nhiều lợi ích khi phó thác cho Thánh Cả. Từ nhiều năm nay, vào ngày lễ kính Thánh Cả GIUSE, 19-3, tôi xin ơn gì cùng Ngài, Thánh Cả đều nhận lời tôi cầu xin. Đôi khi những ơn tôi xin không đúng lắm, thì Thánh Cả tu chỉnh lại, có lợi hơn cho tôi.

... Nếu ai không tin lời tôi nói đây, thì cứ tự thử đi, và kinh nghiệm sẽ chứng minh cho thấy rằng, phó thác và sùng kính Thánh Cả GIUSE, luôn luôn đạt được những điều may lành. Đặc biệt những người sống trong bậc chiêm niệm, cần phải mộ mến Thánh Cả GIUSE hơn, vì tôi không biết làm sao người ta có thể nghĩ đến Đức MARIA, Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, về những ngày Mẹ sống cạnh Con Trẻ GIÊSU nơi dương thế, mà lại không dâng lời cảm tạ Thánh Cả GIUSE đã hết lòng bảo trợ Hai Đấng. Ước gì những ai không tìm được vị thầy hướng dẫn trong việc suy ngắm thì nên chọn Thánh Cả GIUSE làm Thầy hướng dẫn, và như thế họ sẽ không bị lạc đường. Cầu mong chính tôi cũng không bị lầm lạc khi cao rao lòng sùng kính Thánh Cả GIUSE. .. ( ”THÉRÈSE D'AVILA, Oeuvres Complètes”, Desclée de Brouwer 1989, trang 39-42).

Vậy, hãy đến cùng Giuse như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse một người không được chú ý, hiện diện hàng ngày, kín đáo và ẩn giấu một người chuyển cầu, hỗ trợ và hướng dẫn trong những lúc gian nan” (Patris Corde).

Ông thánh Giuse là gương tốt lành

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, hình ảnh của thánh Giuse là gương mẫu trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy”.

Đức Thánh Cha nêu bật những nhân đức trổi vượt như : Thánh Giuse là người cha được các tín hữu yêu mến, một người cha dịu dàng, một người cha vâng lời Thiên Chúa, một người cha của sự đón tiếp, một người cha can đảm sáng tạo, một người cha lao động, một người cha luôn là bóng mát chở che. Đó là nhừng lý do khiến Đức Thánh Cha Phanxicô công bố mở Năm Thánh Giuse (x. Patris Corde).

 

Thánh Giuse Bạn Hiền Trinh Nữ

Giuse, người công chính

Biệt hiệu ‘công chính’ luôn gắn liền với Giuse. Giuse công chính vì ông kính sợ Chúa, ông kính sợ Chúa nên ông tuân giữ Luật Chúa cách trọn hảo, ông tuân giữ Luật Chúa vì ông yêu mến Chúa, người yêu mến Chúa thì được kể là công chính. Tin Mừng ghi lại : “bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”  (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.

Bạn hiền Trinh Nữ

Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của Ngài. Khi hay tin Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng Ngài chỉ mới toan tính bỏ bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, Ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho Ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), Ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

Những biến cố xảy ra trong cuộc đời thánh Giuse như: Mầu Nhiệm Nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huốn : cùng bạn mình “đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22) ; “đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập” (Mt 2,14 ) ; “đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel” (Mt 2, 20 ) ; cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Ngài thật xứng đáng là bạn hiền của Đức Nữ Trinh (x. Phần dẫn nhập Patris Corde).

Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nagiaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu (x. Patris Corde, 6).

Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành bạn hiền, người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu”  (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

Sự tích cành hoa huệ trên tay Thánh Giuse

Có rất nhiều bạn thắc mắc vì tại sao có nhiều ảnh hay tượng mà trên tay Thánh Giuse lại có cành hoa huệ.

Theo dã sử xanh, Trinh Nữ Maria đã dâng mình trong đền thờ và khấn đời sống khiết tịnh. Nhưng Thiên Chúa đã chọn Trinh Nữ làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Trinh Nữ sẽ chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không theo tự nhiên của loài người. Là những bậc vị vọng trong đền thờ, các thầy cả thượng phẩm đã tổ chức một lễ tuyển chọn người “bạn đường” cho Maria. Các ngài đã ra lệnh cho tất cả các thanh niên trong thành, ai muốn cùng Maria kết nghĩa trăm năm, phải đến đền thờ khai tên tuổi và mang theo một cây gậy, trong số đó cũng có chàng thanh niên Giuse. Trước giờ tổ chức, các Thầy cả thu thập những gậy lại và để trên bàn thờ. Cầu nguyện vừa xong, tự nhiên một cây gậy khô cằn, trên đầu đã nở một cành hoa huệ tươi mát, xem ra mới biết đó là gậy của Giuse.

Cây gậy trổ ra một bông huệ, tượng trưng cho sự thanh sạch. Hoa huệ nói lên sự tinh khiết, thanh sạch; cây gậy nói lên sự giản dị, tính ngay thẳng, sự khiêm nhường. Không phải những đức tính đó là của thánh Giuse hay sao!

Tại Âu châu, tượng Thánh Giuse thường đi theo với cành hoa huệ trắng hay cành hoa hạnh nhân. Có thể hoa huệ trắng là hình ảnh Thánh Giuse trong thế giới Mỹ-Tây Ban Nha với gốc rễ Thánh Kinh. Hoa huệ trắng trong Cựu Ước hay Tân Ước là loại hoa thơm có cành dài với nhiều cánh hoa. Theo tương truyền, Thánh Giuse cầm cành hoa huệ trắng đến xin hỏi cưới Mẹ Maria, hoa huệ tượng trưng cho sự tinh tuyền và tình yêu. Cựu Ước nhắc đến hoa huệ trong Diễm Ca (Dc 1, 12; 4, 13-14). Trong Tân Ước thì Phúc Âm Thánh Mácô (Mc 14, 3) và Thánh Gioan (Ga 12, 3) nhắc đến hoa huệ.

Chúng ta hãy xin Thánh Giuse từ trời cao trợ giúp cho chúng ta luôn sống ngay thẳng, chuẩn mực như cây gậy của Thánh Giuse và tâm hồn được tinh khiết, đơn sơ và cao quý như bông huệ trắng trong tay Thánh Giuse.

 

Thánh Giuse Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, Thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa: “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha” (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn “Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”.

Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

Đọc Phúc âm Luca, ta gặp nhiều câu gọi Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu. Sau bài ca của cụ già Simeon, Thánh ký viết: “Cha Ngài và Mẹ Ngài ngạc nhiên về các điều nói về Ngài” (Lc 2,33). Lúc tìm thấy Chúa con trong đền thánh, Đức Mẹ nói với Ngài: “này Cha Con và Mẹ phải đau khổ tìm Con” (Lc 2,48).

Có người cho rằng Chúa Giêsu đã phủ nhận phụ tính của Thánh Giuse khi Ngài nói: “Nào không biết con phải ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Thánh sử Augutinh trả lời: “Chúa Giêsu không muốn cho người ta tưởng rằng Ngài là con Đức Mẹ và Thánh Giuse thì không còn là con Thiên Chúa nữa. Ngài khẳng định Thiên Chúa là Cha Ngài, nhưng không phủ nhận Thánh Giuse cũng là Cha Ngài”. Như vậy theo Thánh Kinh, mọi người đều công nhận Thánh Giuse là cha đối với Chúa Giêsu.

Thánh Giuse là vị hôn phu của Ðức Maria, người đã cưu mang Chúa Giêsu, mà vẫn còn đồng trinh, do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng con trẻ Giêsu cũng là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (x. Lc 2, 27.41).

Trong Tông Thư có tựa đề Patris Corde, Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Trong mối quan hệ của thánh nhân với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần thế của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ bỏ Ngài bơ vơ để đi theo con đường riêng của mình” (x. PC).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả: Đức Maria nói “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!” Nhưng Ngài đáp lại: “Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao?” (Lc 2, 48 – 49). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức “làm cha” của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là “Cha con”, Chúa Giêsu tiết lộ sự thật về vai trò của Đức Maria và thánh Giuse. Thánh Giuse thực sự là “chồng” của Đức Maria và là “cha” của Chúa Giêsu, như Đức Maria nói: “Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”. Nhưng thánh Giuse là chồng và là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha và Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã đảm nhận thánh ý Chúa với lòng trung thành và ngưỡng mộ.

Giáo hội xưng Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu

Trong kinh phụng vụ lễ Thánh Giuse Giáo hội ca ngợi rằng: “Đấng Sáng tạo càn khôn định cho Người làm Phu quân Trinh nữ - Và muốn cho Người được gọi là Cha của Ngôi Lời”.

Các Đức Giáo Tông Piô IX là Lêô XIII, trong văn kiện tôn Thánh Cả làm bổn mạng Giáo hội toàn cầu, cũng xưng Ngài là “Cha Chúa Giêsu trước mặt người ta”.

Vậy Thánh Thần Chúa đã dùng danh hiệu Cha mà gọi Giuse để diễn tả sứ mạng cao siêu của Ngài bên cạnh Chúa Cứu Thế

Xin thánh Giuse phù hộ cho các người cha

Trong buổi Yết Kiến Chung (28/1/2015), Đức Thánh Cha Phanxicô đã than phiền: “Thật buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha”. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh của người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha”. Ngài cho biết: “Thiếu vắng hình bóng người cha, người trẻ thường cảm thấy ‘mồ côi’, bị bỏ trôi dạt lênh đênh vào thời điểm then chốt trong sự trưởng thành và phát triển của chúng”.

Trong Tông Thư Patris Corde, Đức Thánh Cha viêt : “Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Giáo hội cũng cần có những người cha. Trẻ em mồ côi. Vì không cha. Vì người cha không đảm nhận trách nhiệm. Vì thiếu con tim nhân hiều của một người cha” (x. Patris Corde,7). Đức Thánh Cha mời gọi các người cha hãy noi gương Thánh Cả Giuse đảm nhận trách nhiệm.

Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như mẫu gương và người hướng dẫn cho con cái của chúng ta trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Trong xã hội hiện đại, vai trò người chồng, người cha trong gia đình được thể hiện đa dạng và có nhiều thử thách khắc nghiệt hơn. Thật khó để chu toàn hai nhiệm vụ cách song song được. Có người nói rằng là người chồng tốt, đương nhiên phải là người cha tốt. Tuy nhiên, một người cha tốt chưa chắc đã là người chồng tốt.

Kính xin thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho các người làm cha trong gia đình, để họ có thể phản chiếu tình thương dự phòng và trung tín của Thiên Chúa khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Amen.

 

THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA YÊU THƯƠNG

Mở đầu Tông Thư Patris Corde, Đức Thánh Cha liệt kê toàn bộ cuộc đời, ơn gọi cũng như sứ mạng mà Thánh Giuse thi hành trong chức phận làm chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Thật khó để tìm được một lời của Thánh Giuse, kể cả đọc lại toàn bộ Tin Mừng. Nhưng dung mạo của một người cha yêu thương hoàn toàn nổi bật. Sự vĩ đại của Thánh Giuse ở chỗ Ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu… tự đặt mình “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi” (x. Patris Corde, số 1).

Điểm đầu tiên Đức Thánh Cha miêu tả về thánh Giuse là người cha yêu thương, vì ngài đã thể hiện tình phụ tử của mình một cách cụ thể “khi dâng cuộc đời mình làm của lễ trong tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế”. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chỉ ra rằng, Thánh Giuse “đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của ngài”.

Nếu bên cạnh Chúa Giêsu luôn có Đức Maria luôn ân cần, chăm sóc từng li từng tí cho Chúa Giêsu, thì có lẽ Thánh Giuse là người cha yêu thương Chúa Giêsu hơn cả. Công lao của Thánh Giuse dành cho Chúa Giêsu không thể đong đo, cân đếm được.

Vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 1870, Đức Giáo hoàng Piô IX đã đặt Ngài làm quan thày Hội Thánh với lời sau : “Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ... Đấng mà vô số các vị vua và tiên tri đã mong muốn được nhìn thấy, Thánh Giuse không chỉ nhìn thấy mà còn trò chuyện, ôm ấp trong tình cảm gia đình và đã ôm hôn. Ngài cần cù vất vả nuôi nấng Đấng mà các tín hữu sẽ nhận được như bánh từ trời xuống, nhờ đó họ có thể có được sự sống đời đời” tuyên ngôn “Quemadmodum Deus”. Thánh Giuse dễ thương như thế, hẳn Ngài là một người cha yêu thương.

Tuy Thánh Giuse không hay nói nhiều, nhưng mỗi lời dạy của Thánh Giuse đều thấm thía, khắc sâu trong lòng Chúa Giêsu. Bóng Thánh Giuse phủ lên cuộc đời của Chúa Giêsu, đến nỗi sau thời gian vắng nhà, lúc trở về giảng dạy trong hội đường, người đồng hương với Chúa Giêsu đã nói : “Ông này chẳng phải là con Giuse, bác thợ mộc đó hay sao?” (Mt 13,55). Tình phụ tử của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu thật thiêng liêng, sâu sắc.

Xã hội hôm nay, với sự hội nhập không ngừng, văn hóa con người cũng trở lên xuống cấp. Có những ông bố, bà mẹ tàn nhẫn vứt bỏ những đứa con của mình. Những hình ảnh về người cha nghiêm khắc, khó tính, tạo ra cho con cái cảm giác lạnh lùng, khó gần. Trong mắt đứa con, cha chúng chỉ là người biết đến công việc, kiếm tiền. Đôi khi con cái thấy cha chúng thật vô tâm, chẳng quan tâm gì đến chúng như người mẹ. Những người cha máu lạnh, vì phút bồng bột không làm chủ được bản thân mà gây hậu quả. Để rồi người nhận hậu quả lại chính là những người con của mình. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đến với Thánh Giuse, người ta cha nhân hiền.

Khi tuyên bố khai mở Năm Thánh Giuse nhân kỷ niệm 150 năm tôn vinh Thánh Giuse là quan thày Hội Thánh, Đức Thánh Cha viết : “Thiên Chúa đã giao phó cho ngài những kho báu quý giá nhất của Người: Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và ngài đã đáp lại vẹn toàn bằng đức tin, bằng lòng can đảm, bằng sự dịu dàng, bằng tâm tình của một người cha…Sự vĩ đại của Thánh Giuse ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu” (x. Patris Corde, số 1).

Tôi xin lặp lại ‘Ite ad Ioseph’: Hãy đến với Giuse!” Người chồng của Ðức Trinh Nữ Maria, người cha khả kính dễ mến, dễ thương của Chúa Giêsu, là gương tốt lành cho các bậc làm cha làm chủ trong gia đình, mẫu gương cho người thế noi gương, bắt chước, học đòi. Ngài đã đảm nhận trách nhiệm trong yêu thương, miễn sao chương trình của Chúa được thực hiện. Ngài trở nên mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà cho hết những người làm cha trong thời đại hôm nay. Hãy là người chồng dễ mến, người cha yêu thương con cái như Thánh Giuse.

 

THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA DỊU DÀNG

Đức tính dịu dàng của Thánh Giuse là điểm thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến, ngài viết : Thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giêsu nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa” (x. Patris Corde, số 2).

Nói đến sự dịu dàng thường ta nghĩ ngay đến người mẹ cả trong văn chương cũng như trong đời sống, người cha thường cứng cỏi. Nói như vậy không có nghĩa là tình phụ tử giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu không bao la, trìu mến.

Nếu Đức Maria là người chăm sóc Chúa Giêsu, sớm khuya lo lắng cho con từ bữa ăn giấc ngủ với sự dễ thương của tình người mẹ, thì Thanh Giuse với tầm nhìn cao và mạnh mẽ hơn, là trụ cột gia đình, bảo vệ vợ con, vất vả mưu sinh, phải dịu dàng lắm mới nuôi được Con Đức Chúa Trời, gìn giữ Đức Nữ Đồng Trinh, là cột trụ cho gia đình được vững và là người dạy dỗ. Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu : “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4).

Tuổi thơ của Chúa Giêsu được Thánh Giuse bồng ẵm, áp má, nụ hôn, xoa đầu cách dịu dàng trìu mến, tay Chúa Giêsu lúc 12 trong tay Thánh Giuse dắt lên Đền thờ dự lễ. Chắc chắn Thánh Giuse là người cha dịu dàng, mềm lòng và quan tâm lắm mới có thể yếm Hài Nhi Giêsu như thế. Sự dịu dàng của Thánh Giuse đã ảnh hưởng trên cách sống và hành xử của Chúa Giêsu. Điều này không có sai, khi Đức Thánh Cha viết : “Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse…”  (x. Patris Corde, số 3).

Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là bậc thầy của người có lòng dịu dàng. Vì có lòng dịu dàng thì Chúa Giêsu mới bảo các tông đồ hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa, để Người chạm đến chúng, vuốt ve chúng và trò chuyện với chúng (x.Mc 10,13-16). Có lòng dịu dàng trìu mến, Chúa Giêsu mới tiếp xúc gần gũi và chữa lành người mù, người câm điếc, người què quặt, người bị quỷ ám và người tội lỗi. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị ném đá là một minh chứng cho ta thấy Chúa Giêsu là một người có lòng dịu dàng trìu mến. Chúa đã không lên án, kết án và nóng giận với người phụ nữ ấy. Ngài đến gần, mỉm cười và tha thứ tất cả những lỗi tội của người phụ nữ.

Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10).

Thời nào cũng vậy, vẫn có những người cha không hoàn hảo. Những người cha đánh đập chính những đứa con của mình. Vì họ bất lực trong cuộc sống, nên đánh đập chính con để giải sầu. Cũng có những người cha nghiện ngập, chỉ biết rượu chè, cờ bạc, hút chích, chẳng quan tâm gì đến con cái, chỉ biết có bản thân mình. Và những đứa trẻ, thật bất hạnh khi sống cùng những người cha như vậy.

Chúng ta không phủ nhận gánh nặng của người cha, người trụ cột trong gia đình là rất lớn. Cho nên, tất cả những công việc mà người cha phải gánh vác thật là nhiều, khiến cho người cha dễ nổi nóng, nghiêm khắc, hay khó tính. Nhiều người cha mang trong mình nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Làm sao có thể chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho thật tốt. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đến với Thánh Giuse để học nơi Ngài sự dịu dàng.

Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn ( Patris Corde, số 2).

Tình thương được diễn tả bằng nhiều cách. Dịu dàng sẽ làm cho động lực yêu thương đạt hiệu năng giáo dục cao. Có những người bề ngoài nóng nay nhưng cũng chỉ vì thương. Nhấn mạnh đến "dịu dàng" là chúng ta muốn nhắm đến không chỉ tình yêu thương, mà còn phải để ý đến cách ứng xử dịu dàng, dễ mến, dễ gần nữa. 

Kính xin Thánh Giuse, người cha dịu dàng trợ giúp chúng ta.

 

THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA VÂNG LỜI THIÊN CHÚA

Người xưa rất coi trọng lễ nghi, đặc biệt là đạo hiếu, nghĩa thầy trò. Điều cao quý nhất đảm bảo cho sự thành công của con người đó chính là biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô. Không biết vâng lời cha mẹ là người con bất hiếu. Không biết nghe lời thầy cô là kẻ vô đạo. Bất hiếu và vô đạo thì không thể thành người được.

Vâng lời, lễ phép, kính trên, nhường dưới, vâng lời cha mẹ  là những chuẩn mực đạo đức mà ai ai củng cần có, đặt biệt trong văn hóa người Việt Nam nó trở thành tiền đề cho sự giáo dục con người, là tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá phẩm chất cá nhân.

Vậy vâng lời là gì? Theo nghĩa Latinh: vâng lời bắt nguồn từ chữ ob-audire có nghĩa là nghe theo lời của một ai đó cách thận trọng sâu xa rồi đem ra thực hành. Nghĩa tôn giáo: vâng lời là thái độ chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa cho dù thánh ý của Người được diễn tả dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều người chỉ hiểu vâng lời theo nghĩa hẹp là người trên bảo sao làm vậy, vâng chỉ vì muốn lấy lòng người trên, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Chúa, dù biết lệnh của người trên không phù hợp với Thánh Ý Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức.

Thánh Giuse đều nói lời “fiat” của chính mình trong mọi hoàn cảnh, Ngài vâng phục cách mau mắn và triệt để. Nếu biết là ý Chúa thì cho dù khó khăn, vất vả, thậm trí trái ý mình vẫn cứ xin vâng miễn sao ý Chúa được thể hiện. Đức vâng lời của Thánh Giuse được Đức Thánh Cha đề cao không chỉ cho những người sống đời gia đình, mà càng cần thiết hơn cho những ai sống đời tu trì trong Giáo Hội.

Thánh Giuse nói lời “fiat” của chính mình trong mọi hoàn cảnh. Có là bậc trượng phục chăng nữa cũng khó đón người bạn mang thai, tác giả không phải là mình về nhà làm vợ và làm cha của con trẻ. Nhưng khi Sứ Thần cho biết là ý Chúa : “Đừng ngại nhận Maria làm vợ, vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là do Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20-21). Thánh Giuse đáp lại ngay: “Khi Giuse vừa thức giấc, ông đã làm theo lời Sứ Thần Chúa truyền” (Mt 1,24). Cả cuộc đời của Thánh Giuse là chuỗi đời hoàn toàn vâng phục. Từ khi đón Đức Maria mang thai cho đến khi đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người sang Ai cập rồi từ Ai cập trở về... Tất cả thuận theo ý Chúa.

Vì vâng lời, Thánh Giuse đã dạy cho Chúa Giêsu biết bài học vâng phục, nên Chúa Giêsu : “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Chúa Giêsu đã học từ Giuse, người cha phàm nhân ấy như lời Đức Thánh Cha viết : “Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse để làm theo ý của Chúa Cha” (x.Patris Corde, số 3).

Bằng sự vâng lời, Thánh Giuse đã cứu Mẹ Maria và Chúa Giêsu và dạy Con của ngài “thi hành ý Chúa Cha” (x. Patris Corde, số 3). Sách Giáo lý còn viết rõ hơn khi nói rằng, “Việc Đức Giêsu mỗi ngày vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria báo trước việc vâng phục vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Xin đừng theo ý con” (Lc 22,42). Sự vâng phục của Đức Kitô trong cuộc sống ẩn dật thường ngày đã khởi đầu công trình tái lập những gì mà Ađam đã phá đổ vì bất tuân phục (Rm 5, l9)” (GLCG, số 532). Ngay cả khi gặp khó khăn nhất, trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cũng đã chọn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha hơn là ý muốn của mình, trở nên “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” (Pl 2,8). Vì thế, tác giả Thư gửi người Do Thái kết luận rằng Chúa Giêsu “đã học biết vâng phục qua những gì Người phải chịu” (Pl 5,8).

Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để trực tiếp phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc thực thi chức vụ làm cha vâng phục Thiên Chúa để cho ý Chúa được thể hiện.

Xã hội cần có sự vâng phục, Giáo Hội càng cần hơn. Công Đồng Vatican II xác nhận: “Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại” (TG 24,2). Nếu người ta nói: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, thì ta có thể nói : “Đức Vâng Phục chính là sức mạnh của Giáo hội”.

Xin cho ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA CHẤP NHẬN

Sau khi nói về đức vâng phục của Thánh Giuse, Đức Thánh Cha đề cập đến sự “chấp nhận” nơi Ngài.

Vậy chấp nhận là gì? Chấp nhận là tiếp nhận yêu cầu người khác. Chấp nhận còn có nghĩa là chấp nhận những gì xẩy ra không như ý mình, tức là biết đón nhận những điều không mong muốn ập tới mình, nên sinh ra chuyện có người làm vì phải làm, vừa làm vừa hậm hực.

Sự chấp nhận nơi Thánh Giuse lại khác, Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa trong tin yêu phó thác. Ngài chấp nhận ý Chúa, dù khó hiểu, vì Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và nhân lành, nên tất cả những việc Ngài làm đều thể hiện sự khôn ngoan và nhân lành của Thiên Chúa. Ngài luôn muốn mọi sự tốt đẹp cho con người. Thánh Giuse ý thức được ý Chúa luôn tốt hảo nên Ngài chấp nhận. Cụ thể như Ngài đang do dự, bán tín bán nghi, nhưng khi được báo mộng, Thánh Giuse lập tức làm như lời sứ thần Chúa truyền đón nhận Đức Maria về nhà, rồi sang Ai cập, sau đó trở về Israel, định cư tại Nagiarét, tỉnh dậy, Thánh Giuse vâng lời và chấp nhận làm theo, kết quả là Hài Nhi Giêsu và Đức Maria được bảo toàn theo ý Chúa.

Chấp nhận với lòng tôn trọng

Đón nhận thánh ý Chúa, và vì Chúa mà đón nhận mọi người trong mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến, không phải là một đón nhận miễn cưỡng. Nhưng đón nhận với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng.

Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh cử chỉ này khi viết : “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, nơi mà bạo lực tinh thần, ngôn từ và thân xác đối với phụ nữ đã quá rõ ràng, thì Thánh Giuse trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế. Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp ngài quyết định (x. Patris Corde, số 4).

Chủ động chấp nhận

Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận… Chắc chắn Thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng…Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, và quan tâm đặc biệt đến những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1 Cr 1,27) (x. Patris Corde, số 4).

Chấp nhận vì đó là ý Chúa

Thánh Giuse đâu có bị buộc phải chấp nhận, Ngài chủ động với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng. Hay tin Maria mang thai, ý của Giuse là “định tâm lìa bỏ cách kính đáo”(Mt 1,19). Nhưng ý Chúa qua lời sứ thần truyền : “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng sợ đón Maria về nhà làm bạn mình!” (Mt 1,20). Thánh Giuse đã đón nhận không kêu ca phàn nàn. Chấp nhận không cần lý do, không cần giải thích, dù hạnh phúc hay khổ đau, vì ý Chúa là ý Ngài.

Thánh Augustinô nói, “ngay cả cái được gọi là sự dữ (etiam illud quod malum dicitur)”. Dường như chúng ta nghe vọng lại câu trả lời thật sâu sắc của ông Gióp với người vợ, bà đã xúi giục ông phản kháng vì những điều ác mà ông phải gánh chịu: “Chúng ta nhận được điều tốt từ tay Thiên Chúa, sao chúng ta lại không nhận điều bất hạnh?” (G 2,10). Theo góc nhìn rộng hơn này, đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, dù vui hay buồn. Thánh Giuse không tìm kiếm những lối tắt, mà mở rộng đôi mắt để đối mặt với thực tế và nhận trách nhiệm cá nhân về điều ấy. Ngài chấp nhận tất cả thánh ý Chúa với trọn niềm tin (x. Patris Corde, số 4).

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn xuất hiện những điều khác biệt. Những khác biệt đó có thể đến từ con người, từ những hành động, lời nói, sự vật hiện tượng… nhưng điều quan trọng là con người đón nhận và chấp nhận nó như thế nào.

Chúng ta hãy xin Thánh Giuse ơn biết nhận ra ý Chúa, để noi gương Ngài đón nhận thánh ý Chúa trong mọi lúc. Chúa có cách làm của Chúa, chắc chắn Chúa luôn muốn điều tốt đẹp cho chúng ta.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét