Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Đặt niềm hy vọng của chúng ta vào sự Phục sinh

 

Đặt  niềm  hy  vọng  của  chúng  ta  vào  sự  Phục  sinh

The Word Among Us – Lại Thế Lãng dịch- Sun, 11/04/2021

Mỗi thứ Sáu hàng tuần, Joe đều đến tiệm tạp hóa ở góc đường để mua một tấm vé số. Và mỗi tuần khi những số trúng thưởng được công bố, Joe sẽ đem vé số của anh để dò với những số trúng thưởng. Mỗi tuần Joe đều hy vọng trúng giải và mỗi tuần anh lại thất vọng. Nhưng điều đó không ngăn cản Joe mua một tấm vé số vào tuần tới. Joe luôn nuôi hy vọng ngày nào đó sẽ được trúng giải cho dù sự may mắn luôn chống lại anh.

Tất cả chúng ta đều nuôi hy vọng vào những loại khác nhau. Chúng ta hy vọng sống lâu và có cuộc sống hữu ích. Chúng ta hy vọng con  cháu chúng ta sẽ lớn lên thành những người tốt có đóng góp cho xã hội. Chúng ta hy vọng cho thế giới hòa bình và thịnh vượng. Đây là tất cả những điều tốt đẹp nhưng chúng ta không nhất thiết phải trông chờ chúng sẽ xẩy ra. Chúng có thể xẩy ra hoặc không xẩy ra.

Vì vậy những gì chúng ta có thể hy vọng sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng? Thánh Augustine đã từng viết “Sự Phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta”. Đặt niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của Chúa Giêsu từ või chết là một sự đánh cược chắc chắn. Trên thực tế đó là thứ mà chúng ta có thể đánh cược cuộc đời mình. Đó là vì niềm hy vọng mà thánh Augustine đang nói đến khác với hy vọng của Joe rằng anh ta sẽ trúng số. Trong khi Joe không biết liệu anh ta có trúng số hay không, chúng ta đều biết rằng ai tin vào Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết sẽ được cứu vớt (Rm 10: 9). Vì vậy chúng ta không chỉ mong ước điều gì đó tốt đẹp sẽ xẩy ra nhưng chúng ta tin tưởng điều đó sẽ xẩy ra.

Trong bài viết này chúng ta muốn khám phá niềm hy vọng của chúng ta vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu – cả niềm hy vọng mang đến cho cá  nhân chúng ta và niềm hy vọng mang đến cho thế giới. Chúng ta cũng muốn xem làm thế nào chúng ta có thể phát triển hiệu quả của niềm hy vọng và làm thế nào chúng ta có thể trở thành những tia hy vọng cho những người ở chung quanh chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn vào bằng chứng cho thấy sự Phục sinh của Chúa Giêsu thực sự đã xẩy ra, điều này sẽ cho chúng ta thấy lý do tại sao chúng ta có thể hy vọng vào lễ Phục sinh này.

Nhân chứng. Hai môn đệ trên đường Emmau cảm thấy như thể mặt đất dưới chân họ vừa bị sụp đổ. Họ đã đặt tất cả hy vọng và ước mơ của mình vào Chúa Giêsu, người lao công kỳ diệu từ Nazaret, nhưng Ngài đã bị các nhà cầm quyền Rôma xử tử một cách dã man. “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” một người trong số họ nói với người khách lạ cùng trên đường đi từ Giêrusalem đến Emmau (Lc 24: 21). Tất nhiên họ không nhận ra rằng người khách lạ đang đồng hành với họ chính là Chúa Giêsu, Đức Kitô sống lại.

Khi họ nói với Ngài về những gì đang đè nặng trong lòng họ, Chúa Giêsu bắt đầu chỉ ra tất cả những chỗ trong Kinh Thánh đề cập đến Ngài. Khi họ tới ngôi làng, họ mời Chúa Giêsu ở lại với họ, và khi Ngài làm phép và bẻ bánh trong bữa ăn tối, họ nhận ra đó là ai (Lc 24: 31). Nhìn lại, họ nhận ra rằng “lòng họ đang bừng cháy” khi Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ (24: 32). Niềm hy vọng của họ đã được thực hiện – vượt xa những mơ ước ngông cuồng nhất của họ. Chúa Giêsu còn sống; Ngài đã chiến thắng sự chết, và họ đã tận mắt chứng kiến điều đó.

Mặc dầu chúng ta không được gặp Chúa Kitô sống lại bằng xương bằng thịt như hai môn đệ này nhưng chúng ta có những lời tường thuật của nhiều nhân chứng trong những môn đệ đầu tiên của Ngài. Ngoài hai người này ra, Maria Mađalena đã gặp Ngài tại ngôi mộ. Rồi Ngài hiện ra với mười một môn đệ khi đang trốn tránh các nhà cầm quyền, Ngài thậm chí đã ăn cá trước mặt họ. Tuần lễ tiếp theo Chúa Giêsu  lại hiện ra (Ga 20: 24- 29). Cuối cùng, Ngài hiện ra với Phêrô và một vài môn đệ trên bờ hồ Galilê trong lúc họ đang đánh cá và làm bữa ăn sáng (Ga 21).

Tông đồ Phêrô đã gặp Chúa Giêsu sống lại – trên đường tới Đamat (Cv 9: 3-9). Sau này ông kể lại Chúa Giêsu cũng “ hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc” (1Cr 15: 6)

Điểm mấu chốt là niềm hy vọng của chúng ta vào sự phục sinh không phải là niềm hy vọng hão huyền. Niềm hy vọng đó được đặt trên một biến cố thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của những con người thực. Và điều gì đã xẩy ra hai ngàn năm qua vẫn đúng cho đến ngày hôm nay: Chúa Giêsu đang sống và sống giữa chúng ta.

Việc rao giảng của các Tông đồ. Đây là một lý do khác để hy vọng vào sự phục sinh của Chúa Giêsu: đó là nền tảng của việc rao giảng của các tông đồ. Không có việc phục sinh, các ông không có gì đặc biệt để công bố. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với đám đông rằng Thiên chúa đã nâng Chúa Giêsu lên “giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.” (Cv 2: 24). Sau đó, sau khi Phêrô và Gioan chữa lành một người ăn xin trong khu vực Đền thờ, Phêrô đã nói với đám đông “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (3: 15). Chính Chúa Giêsu đã sống lại trong vinh quang, đã chữa lành cho người này.

Phaolô cũng đặt việc rao giảng của ông dựa trên sự phục sinh của Chúa Giêsu “nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy”, ông viết “thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1Cr 15: 17). Ông nói rõ rằng việc Chúa Giêsu phục sinh đã đạt được sự tha thứ cho chúng ta. Bởi vì Chúa Kitô sống lại, chúng ta cũng có thể có bảo đảm và chắc chắn hy vọng sống lại với Ngài – với điều kiện chúng ta đặt miềm tin vào Ngài và đáp lại mời gọi của Ngài trong đời sống của chúng ta.

Phêrô, Phaolô và tất cả các tông đồ đoan chắc về sự phục sinh của Chúa Giêsu đến nỗi họ muốn chết hơn là từ bỏ niềm tin nơi Ngài. Phaolô còn hỏi các tín hữu Côrintô vì sao ông và các tông đồ khác đã tự đặt mình vào nguy hiểm và đối mặt với cái chết nếu sự sống lại không phải là sự thật (1Cr 15: 30)

Với tất cả những điều này, làm sao chúng ta có thể không đặt tất cả hy vọng vào sự phục sinh của Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu là người đầu tiên nhưng không  phải là cuối cùng. “hoa qủa đầu mùa” là phần thu hoạch ban đầu mà người Do thái dâng lên Thiên Chúa để tạ ơn và là dấu hiệu của một vụ thu loạch lớn sắp đến. Phaolô gọi vịêc sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr 15: 20). Mặc dầu Ngài là người đầu tiên được sống lại, Ngài sẽ không phải là người cuối cùng. Và đó là lỳ do thứ ba cho niềm tin của chúng ta: Sự phục sinh của Chúa Giêsu chỉ là khởi đầu!

Kế hoạch của Cha chúng ta là tiêu hủy sự chết vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta, nhưng chúng ta những người đã tin tưởng vào Ngài cũng sẽ được thông phần trong sự phục sinh của Ngài trong ngày sau hết. Nếu đây không phải như vậy thì tại sao Thiên Chúa lại làm cho Chúa Giêsu sống lại? Vì vậy chúng ta có thể đặt hy vọng vào sự sống lại của chính mình bởi vì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy –trong chính thân thể của Ngài – những gì Thiên Chúa dự định cho chúng ta.

Và đây là lý do sau cùng. Giờ đây Chúa Giêsu sống lại trong vinh quang đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần là “bảo chứng” sống lại đã hứa của chúng ta (Êp 1: 14). Ngài ban cho chúng ta Thần Khí để hướng dẫn và an ủi chúng ta, để giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và ban cho chúng ta sức mạnh mạnh để phục vụ dân Ngài. Điều này có nghĩa là Chúa Kitô sống lại  và hoạt động trong chúng ta qua Thần Khí của Ngài. Và không chỉ chúng ta. Nếu chúng ta quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy bằng chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu trong đời sống của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô!

Một lý do cho niềm hy vọng của chúng ta. ĐTC Bênêđictô đã từng nói “Nếu chúng ta lấy đi Chúa Kitô và sự phục sinh của Ngài thì con người không có lối thoát và mọi hy vọng của Ngài chỉ là ảo tưởng”. Không có sự phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta không chỉ kết thúc ở đây trên trái đất mà còn thiếu ý nghĩa hoặc mục đích vĩnh cửu. Chúng ta sẽ chết trong tội lỗi của mình (Ga 8: 24). Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao bởi vì chúng ta có thể sống một cuộc sống phong phú mà Ngài ban cho chúng ta ở đây, trên thế gian này và chúng ta có thể giử lời hứa về sự sống đời đời  với Ngài mãi mãi trên thiên đàng.

Quá nhiều người ngày nay sống mà không có hy vọng. Chúng ta cũng có thể đã trải qua những thời điểm cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng bởi vì chúng ta là Kitô hữu, chúng ta thực sự không bao giờ không có hy vọng. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đã cứu chuộc chúng ta cho dù chúng ta cảm thấy thế nào. Ngài có một kế hoạch cho cuộc sống của chúng ta, cho dù hoàn cảnh của chúng ta có thể như thế nào. Và bởi vì Ngài sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng sẽ có ngày sống lại và trải nghiệm sự kết hợp với Ngài.

Thánh Phêrô đã cổ vũ những anh em đồng đạo của ông “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3: 15). Tất cả chúng ta đều có hy vọng mà mơ ước mà chúng ta muốn thấy được hoàn thành. Nhưng không điều gì có thể so sánh với lời hứa chắc chắn về sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta trong Chúa Giêsu. Bất kể chúng ta có thể gặp những khó khăn gì trong cuộc sống này, đó là một niềm hy vọng vững chắc duy nhất của chúng ta. Vì vậy trong mùa Phục sinh này, chúng ta hãy sẵn sàng nói với mọi người vì sao chúng ta đặt niềm hy vọng của chúng ta trong sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét