THÍ MẠNG
Monday,
April 19, 2021
Mục Tử Thật Hy Sinh Mạng
Sống
Người Làm Thuê Bỏ Mặc Đàn
Chiên
Quyền tự do được Thiên
Chúa ban cho mọi người như nhau, và mỗi người có thể tùy ý chọn lựa những gì
mình muốn, thậm chí là tự hủy hoại sinh mạng mình, nhưng đó là trọng tội vì cướp
quyền của Thiên Chúa.
Có tự do nhưng vẫn có giới
hạn, nghĩa là người ta không được tự tử. Tuy nhiên, người ta có thể thí mạng
mình để cứu người khác. Đó là tình yêu thương vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu đã đề
cao. (Ga 15:13) Một linh mục thánh thiện đã làm điều vĩ đại đó: Thánh
Maximilian Maria Kolbe (1894-1941), chết thay người bạn tù.
Về phương diện tự do bình
thường, Frank Tyger định nghĩa: “Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn
làm là hạnh phúc.” Henry David Thoreau nói: “Luật lệ không bao giờ khiến con
người tự do, chính con người phải làm cho luật lệ tự do.”
Khi mặc xác phàm, Chúa
Giêsu cũng có quyền tự do chọn lựa, nhưng Ngài quyết tâm theo ý Chúa Cha mà chấp
nhận chịu chết. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, là Chúa Chiên Lành, là Cửa cho
chiên ra vào, (Ga 10:7) ai qua cửa đó thì được cứu và gặp được đồng cỏ xanh rì,
(Ga 10:7) và Ngài xác nhận: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Ngài là Chủ Chiên, là Mục
Tử Nhân Lành, nên Ngài có quyền đối với đoàn chiên, nhưng quyền của Ngài là
“quyền hy sinh” và “quyền yêu thương” – đặc biệt là “yêu thương đến cùng” (Ga
13:1) là thí mạng vì những người được trao cho Ngài.
Quyền và chức liên quan với
nhau. Xã hội loài người có nhiều loại quyền, cơ bản nhất là nhân quyền – quyền
của con người. Mọi người đều bình đẳng, vì ai sinh ra cũng có nhân phẩm và nhân
vị. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, nhóm có nội quy. Mỗi quốc gia có ba
quyền cơ bản: Quyền lập pháp, quyền tư pháp, và quyền hành pháp. Tuyên ngôn Quốc
tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng
Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-12-1948 tại Palais de Chaillot (Paris, Pháp).
Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ trên thế giới.
Bác học Albert Einstein
(1879-1955) nhận định: “Quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ kém đạo đức –
Force always attracts men of low morality.” Một cách nhận xét nhẹ nhàng mà nhức
buốt. Có mọi quyền hành trên trời và dưới đất, nhưng Chúa Giêsu không muốn dùng
quyền để hành hạ người khác, Ngài chỉ muốn phục vụ, yêu thương và tha thứ. Ngài
xác định: “Tôi là mục tử tốt lành, Tôi biết các chiên của Tôi, và các chiên của
Tôi biết Tôi.” (Ga 10:14) Chủ chiên thật thì phải yêu thương chiên, nếu không
thì chỉ là “thợ chiên,” là “kẻ chăn thuê” mà thôi. Thật vậy, những kẻ có chức
quyền mà tránh né trách nhiệm, chỉ muốn dùng quyền mà hành người khác, đã bị
Chúa Giêsu nguyền rủa là “đồ khốn” (Mt 23:13-30; Mc 12:40; Lc 11:39-48; Lc
20:47) và “đồ mãng xà.” (Mt 23:33-36; Lc 11:49-51) Sự thẳng thắn là điều khiến
người ta tránh né vì sợ.
Biết rõ Thầy Giêsu đã phục
sinh, ông Phêrô được đầy Thánh Thần nên ông nói mà không sợ hãi: “Thưa quý vị
thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành
chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa.
Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức
Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên
Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành
mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” (Cv 4:8-10) Phêrô bây giờ khác hẳn lúc trước, hết
chết khiếp, mạnh dạn bảo vệ sự thật và công lý. Đã có lần ĐGH Phanxicô đã mạnh
mẽ nói rằng Giáo Hội phải “nói thẳng, nói thật” chứ không được che giấu lẫn
nhau.
Theo ý Thánh Vịnh 118:22,
ông Phêrô cho biết: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng
đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ.
Vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để
chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:11-12)
Sinh – tử là hai đầu mối.
Sinh ra để chết, và chết đi để sống lại. Chúa Giêsu đã trải qua “hành trình kỳ
diệu” đó. Là tội nhân nhưng chúng ta lại được hưởng ơn tha thứ và được quyền sống
– không chỉ sống đời tạm bợ này mà còn được trường sinh bất tử. Đặc quyền quá lớn,
ngỡ như trong mơ, nhưng đó là sự thật minh nhiên, không mơ hồ hoặc là chiếc
bánh vẽ. Vì thế, Thánh Vịnh gia tha thiết nhắn nhủ: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa
nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1 và 29) Chắc chắn
phải như vậy!
Chắc hẳn là điều minh
nhiên và thực sự khôn ngoan nếu biết tạ ơn Chúa, như Thánh Vịnh gia xác định: “Ẩn
thân bên cạnh Chúa Trời thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua
quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.” (Tv 118:8-9) Mỗi lần ngủ là chúng ta
“chết lâm sàng,” giống như “chết giả” để có thể trải nghiệm sự chết vậy. Do đó,
mỗi khi thức dậy, chúng ta lại trải nghiệm sự sống lại. Thật là kỳ diệu, vì thế
hãy hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa: “Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của
con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ; lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn
tiếng tôn vinh.” (Tv 118:28)
Thánh Gioan là người si
tình nên thích nói về tình yêu và nhìn theo lăng kính tình yêu: “Anh em hãy xem
Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con
Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận
biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (1 Ga 3:1) Giả sử có người
bất ngờ hỏi chúng ta là ai, liệu chúng ta có thể mạnh dạn xác nhận mình là con
của Thiên Chúa hay không? Có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng thật ra không phải
như vậy, nếu nói bằng cả con người của mình.
Có lẽ chẳng oan khi nói rằng
chúng ta cũng có “máu” đa nghi như Tào Tháo hoặc “cứng cỏi” như Tôma, không nhiều
thì ít. Thế đấy, nói tin mà vẫn “hình như…” vì chưa thực sự tin thật. Thánh
Gioan nói thêm: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế
nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng
ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”
(1 Ga 3:2) Vô cùng kỳ diệu. Hiện nay chúng ta không thể nào tưởng tượng theo
trí tuệ loài người. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nhiều người được thấy Ngài mà
vẫn không thể nhận ra Ngài, mặc dù Ngài vẫn là chính Ngài như khi chưa chịu chết.
Rất quen mà rất lạ, rất lạ mà rất quen. Phàm ngôn không thể diễn tả đủ ý được!
Trình thuật Ga 10:11-18 rất
ngắn gọn, lời chính Chúa Giêsu nói chứ không có lời dẫn, nhưng đầy đủ chi tiết
cần thiết. Ngài xác nhận và phân tích: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử
nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải
là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên
mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê,
và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của
tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và
tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Tầm quan trọng của việc
quên mình để dấn thân phục vụ được và quên mình được nhấn mạnh qua hai lần Chúa
Giêsu xác nhận Ngài là Mục Tử nhân lành và hai lần đề cập việc hy sinh mạng sống.
Việt Nam chúng ta có một tấm gương sáng mục tử là Lm P.X. Trương Bửu Diệp
(1897-1946), qua việc thí mạng vì đàn chiên. Theo mức bình thường, quên mình để
dấn thân phục vụ cũng là một dạng “thí mạng” – nhưng là dạng “nhẹ” mà thôi.
Như muốn “mở rộng” hơn về
vấn đề chức quyền và trách nhiệm truyền giáo, Chúa Giêsu nói: “Tôi còn có những
chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng
tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là
vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy
đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và
có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
(Ga 10:16-18)
Chúa Giêsu nhắc lại hai
quyền của Ngài, khác hẳn cách chúng ta muốn. Ngài nói đến QUYỀN nhưng Ngài
không đề cập LỢI, hoàn toàn khác hẳn với “sở thích” của phàm nhân. Nếu thực sự
nghiêm túc xét mình thì thấy thật đáng xấu hổ, bởi vì chúng ta chỉ nói hay mà
làm chẳng ra gì, chưa muốn làm đã chờ thưởng, đòi chức to quyền cao nhưng chẳng
muốn “thí” thứ gì ráo trọi!
Lạy Thiên Chúa, xin thay
dạ đổi lòng và thay máu cho chúng con, để chúng con dám nói và dám làm – làm tới
cùng chứ không lẻo mép, thực sự “phục vụ chứ không hưởng thụ,” (Mt 20:28; Mc
10:45) đồng thời cũng dám tự trào – chê trách chính mình, để được biến đổi nhờ
lòng thương xót của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu
Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
CHỮ TU
Đi TU đâu phải đi TÙ
Đi tu để giống Giê-su mọi
điều
Thế nhưng có kẻ vẫn liều
Tu lâu rồi lại hóa kiêu
khác thường
Vẫn còn chiên lạc xa đường
Chỉ gần chiên mập, vô
cùng béo ngon
Chiên gầy, chiên ghẻ héo
hon
Sao không tìm kiếm, không
gần gũi chiên?
Đâu rồi phục vụ nhiệt tâm
[1]
Đâu rồi khiêm hạ, nỗi niềm
ngày xưa?
Đi tu để giống Giê-su
Thế mà sao lại giống như
nịnh thần [2]
Chủ chiên phải chết vì
chiên
Để chiên được sống an
tâm, dồi dào [3]
Biết chạnh lòng, biết
thương yêu
Nếu như “kẻ lạ,” chiên
đâu nghe lời [4]
Gương Kol-be thật tuyệt vời
[5]
Cassaigne Giám mục quên đời
vì chiên [6]
Linh mục Bửu Diệp quên
thân [7]
Chủ chiên “chính hiệu” vì
chiên liều mình
Cuộc đời lớn nhất chữ
tình
Ai dám liều mình, tình lớn
nhất thôi [8]
Chiên đau, chiên khổ khắp
nơi
Xin đừng “hút máu,” chiên
chơi vơi buồn!
Chủ chiên đừng hóa thợ
chiên
Kẻ chăn thuê chẳng dám
quên đời mình
Giê-su Mục Tử Nhân Lành
Mong chiên, mong chủ đều
thành thánh nhân
Thầy ơi, tha thứ chúng
con
Từ nay xin hứa quyết tâm
NÊN NGƯỜI
TRẦM THIÊN THU
[1] Mt 20:28 – Phục vụ chứ
không hưởng thụ.
[2] Dịp tấn phong 19 hồng
y hồi tháng 2-2014, ĐGH Phanxicô đã nói: “Chư huynh là các tôi tớ chứ không là
những nịnh thần” (servants, not courtiers).
[3] Ga 10:10.
[4] Ga 10:5.
[5] Thánh Lm Maximilian
M. Kolbe (OFM, 1894–1941) chết thay người bạn tù.
[6] Gm Jean Cassaigne (Pháp,
1895-1973) chết với các bệnh nhân phong Di Linh.
[7] Lm P.X. Trương Bửu Diệp
(Việt Nam, 1897-1946) chết thay đoàn chiên.
[8] Ga 15:13.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét