HIỆP NHẤT DƯỚI CÁI NHÌN ĐỔI MỚI
(Mon, 10/04/2017 - Trần Mỹ Duyệt)
Trong dịp Đại Hội Giới
Trẻ Thế Giới tại Balan, tháng 7 năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phansicô đã thách đố
giới trẻ nhìn Giáo Hội bằng một nhãn quan đổi mới. Ngài đã nói với họ: “Trong
thời đại hôm nay, một Kitô hữu không phải là nhà cách mạng, thì không phải là
một Kitô hữu.” (A Christian, who in these times in not a
revolutionary, is no Christian).
Tư tưởng trên có thể
dùng như một lời mời gọi không chỉ riêng giới trẻ mà cho toàn Giáo Hội. Kitô
hữu hôm nay cần phải có một tầm nhìn mới, năng động, và cởi mở. Phải ra khỏi
những khuôn mẫu, những ý thức hệ hẹp hòi khi nhìn Giáo Hội Công Giáo cũng như
các giáo hội và giáo phái khác trên thế giới. Là người Kitô hữu nhiệt tâm và
trưởng thành, chắc chắn chúng ta không thể khư khư giữ mấy giáo điều làm bửu
bối, rồi ngồi đó coi những anh chị em chung quanh như những kẻ mất đức tin,
những kẻ ngoại đạo, những người mà mình cần phải “đem” họ về để “hiệp nhất” nên
một với mình.
Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, với lòng nhiệt thành áp dụng những kết quả của Công Đồng Vaticanô II,
đặc biệt, trong viễn ảnh hiệp thông của Giáo Hội, ngày 25 tháng Năm, 1995, Ngài
đã viết Thông Điệp Ut Unum Sint, trình bày về sự hiệp nhất một cách rất tỷ
mỷ.
Dõi theo vết chân
người tiền nhiệm, trong buổi tiếp kiến 150 học giả quốc tế tham dự Hội Nghị do
Ủy Ban Sử Học của Tòa Thánh tổ chức từ ngày
29-31 tháng 3 năm 2017 vừa qua với chủ đề “Luther 500 năm sau. Một phản ảnh về
cuộc cải cách trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội” (Luther, 500 years later.’ A
Reflection on the Protestant Reform in the Historic, Ecclesial Context), Đức
Thánh Cha Phansicô đã mở ra một nhãn quan mới về hiệp nhất:
“Tất cả chúng ta đều
biết rằng không thể đổi mới được quá khứ. Tuy vậy, ngày nay 50 năm sau cuộc đối
thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, nó có thể tiến tới một sự thanh lọc
kỷ niệm. Điều này không có nghĩa là bảo đảm về một sự sửa sai những gì không thể
thực hiện mà nó đã xẩy ra 500 năm trước đây, nhưng là “để kể về lịch sử một
cách hoàn toàn khác” (Lutheran-Roman Catholic Commission on Unity, From
Conflict to Communion, 17 June 2013, 16), loại bỏ bất cứ dấu vết lâu đời
của oán hận trên những vết thương quá khứ mà nó đã làm sai lạc cái nhìn của
chúng ta về nhau. Ngày nay, là những Kitô hữu, tất cả chúng ta được kêu gọi để
lại sau lưng tất cả những thành kiến về đức tin mà mỗi bên tuyên xưng với những
điểm nhấn khác nhau hoặc ngôn ngữ khác nhau, nhằm trao cho nhau sự tha thứ về
lỗi lầm mắc phải bởi những kẻ đã đi trước chúng ta, và cùng nhau khẩn nài ơn
hòa giải và hiệp nhất từ Thiên Chúa.” (Pope’s Address to ‘Luther: 500
Years Later’ Conference. March 31, 2017. Zenit StaffPapal Texts).
Nhưng liệu những lời
mà Chúa Giêsu đã cầu xin với Chúa Cha cho sự hiệp nhất ấycó xảy ra theo nghĩa
đen như nhiều Kitô hữu vẫn hằng mong chờ không? Có lẽ là không.
Thao thức hiệp nhất “đoàn
chiên nhỏ” của Chúa Giêsu là nhóm 12 cũng đã bị thất bại sau cái phản bội của
Giuđa, sau khi Phêrô chối Ngài, và các tông đồ bỏ chạy tứ tán khi Ngài bị bắt.
Kinh nghiệm rạn nứt
ngay trong hàng ngũ Tông Đồ đã cho chúng ta thấy sự hiệp nhất mà Chúa mong mỏi
đây không chú trọng vào sự hiệp nhất thể lý, mà là sự hiệp thông tinh thần và
chân lý. Sự hiệp nhất nên một trong Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là nên một
trong cùng tôn giáo, dù là Công Giáo. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin
vào Con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để
họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Gioan
17:20-21)
Nhưng Hiệp Nhấtvẫn là
tâm nguyện tha thiết của Chúa Giêsu.Vậy chúng ta phải làm gì để ước nguyện ấy
được thành tựu, và để làm Chúa vui lòng?
-
TẤT CẢ LÀ CÔNG GIÁO:
Viễn ảnh mà có
lẽ hầu hết mọi Kitô hữu đều mong ước, đó là một thế giới toàn tòng Công Giáo,
chỗ nào cũng thấy nhà thờ, nhà nguyện, đi đâu cũng nghe vang vọng tiếng cầu
kinh, tiếng thánh ca. Thánh lễ được dâng lên mọi nơi. Thánh Thể được chầu kính
mọi chỗ. Lời kinh và nguyện cầu vang vang khắp nơi…
Nhưng nếu ai đó mong
mỏi và tìm kiếm một thứ hiệp nhất như thế chắc chắn người ấy sẽ rất thất vọng. Bởi
vì quanh ta đây đâu đâu cũng có những người không phải là Công Giáo. Họ là Do
Thái Giáo, Tin Lành với gần 400 chi nhánh khác nhau, Anh Giáo, Chính Thống Giáo
Đông Phương, Chính Thống Giáo Tây Phương, và Hồi Giáo nữa. Đó mới chỉ là những
đạo có nguồn gốc Kitô, có cùng căn bản Thánh Kinh. Và còn gì nữa? Các trường
phái Phật Giáo Đại Thừa, Phật Giáo Tiểu Thừa, Lão Giáo, Khổng Giáo, Ấn Giáo, Bà
La Môn, Thần Đạo… Ở Việt Nam còn có Cao Đài, Hòa Hảo nữa.
Đến đây thì hai chữ
hiệp nhất coi như mất hút giữa rừng các tôn giáo và các giáo phái. Hình thức tôn giáo là thế, còn căn bản triết
lý mỗi tôn giáo thì sao? Tôn giáo nào cũng cho mình là chính giáo, chính đạo,
là con đường giải thoát. Như vậy, việc gom toàn bộ các tôn giáo lại với nhau
chỉ là một giấc mơ, một thao thức của con người mà không hẳn nằm trong ý nghĩ
hiệp nhất của Chúa Cứu Thế. Hiệp nhất đúng nghĩa mà Ngài nói lên trong lời cầu
xin với Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tiếng vọng tâm linh và sự đáp trả của
những tâm hồn thiện chí: “Ta còn có các chiên khác chưa thuộc về dàn. Ta phải
mang chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng Ta. Rồi sẽ chỉ có một đoàn chiên và một
chủ chiên.” (Gioan 10:16). Vì thế, nếu các tôn giáo có tìm đến với nhau, chấp
nhận nhau, hợp tác với nhau thì cũng chỉ là đồng hành với nhau theo tiếng gọi
tâm linh. Chính Chúa Giêsu đã giải thích điều này với người phụ nữ Samaria bên
bờ giếng Giacóp khi bà đặt vấn đề thờ phượng Thiên Chúa với Ngài:
“Người phụ nữ nói với
Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ...Cha ông chúng tôi đã thờ
phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là
nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Ðức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến
giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem.
Các ngươi thờ Ðấng các ngươi không biết; còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết,
vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này
đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần
khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên
Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí
và sự thật.” (Gioan 4:19-24)
Thần Khí ấy theo Thánh
Phaolô lại sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng không đâu xa nhưng ở trong
mọi người: “Chỉ có một thân thể và một Thần Khí, cũng như anh em được
kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một
phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của
mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.”
(Epheso 4: 4-6)
Tóm lại sự hiệp nhất
mọi tôn giáo qui phục Công Giáo, mọi tín hữu của các tôn giáo sẽ trở thành Công
Giáo là một ý tưởng do con người phóng đại và đổ cho Chúa. Ngay cái gọi là Giáo
Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền mà chúng ta đang tuyên xưng
đây nhiều khi cũng chẳng Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền chút
nào. Mỗi giám mục một ý, mỗi linh mục một ý, và mỗi giáo dân một ý. Chủ chiên
và con chiên vẫn luôn có những xung khắc, bất hòa.
-
HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC KITÔ:
Chủ yếu của sứ điệp
bên bờ giếng Giacóp là ở chỗ: “…những người thờ phượng đích thực sẽ thờ
phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ
phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Người phải
thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Gioan 4:23-24)
Qua cuộc đối thoại với
người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu đã mở rộng, khai quang con đường dẫn đến hiệp
nhất dựa trên “thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Như vậy để tiến tới hiệp
nhất với nhau và với những anh chị em tôn giáo bạn, việc làm đầu tiên của người
Kitô hữu là phải nhìn vào chính mình để canh tân và đổi mới. Khi Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II gặp Thánh Têrêsa Calcuta, ngài có hỏi mẹ câu này: “Điều
gì Giáo Hội ưu tiên cần phải thay đổi?” Câu trả lời là: “Cha và con”.
Trong chiều hướng tiến
tới hiệp nhất, việc đổi mới trước hết là đổi mới “tư tưởng” trong đó bao gồm
não trạng chủ quan và thành kiến, để ta có thể tiếp nhận và đối thạo với những
anh chị em khác tôn giáo một cách hiểu biết và tôn trọng. “Tư tưởng của Thiên
Chúa không giống tư tưởng của con người. Đường lối Ngài khác với đường lối của
ta” (Isia 55:8). Chúa Giêsu mặc dù đã nói: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ”, còn “ai
không tin sẽ bị kết án”, nhưng rồi Ngài cũng mở cửa nước trời cho những ai sinh
bởi “Thánh Thần” (Gioan 3:5). Ngoài ra, theo giáo lý Công Giáo, còn có một phép
rửa nữa mà có lẽ rất nhiều người công chính trên thế giới hôm nay đang lãnh
nhận, đó là phép rửa bằng “máu”. Họ đang bị cấm cách, trù dập, tù đầy và khốn
khó vì ý ngay lành, vì muốn ăn ngay ở lành, vì muốn chứng minh mình là con
Thiên Chúa. Nói theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trên trần gian có bao nhiêu
tỷ người, thì có bấy nhiêu tỷ con đường dẫn đến vĩnh cửu.
-
NHỮNG RÀO CẢN HIỆP
NHẤT:
Trong tu đức học có
hai loại gương mù mà chúng có thể làm cản trở con đường tiến đức của mỗi cá
nhân cũng như của những người chung quanh, đó là gương mù giáo sỹ và gương mù
giáo dân. Nói theo ngôn từ của Đức Phansicô loại gương mù giáo sỹ là hành vi,
lời nói, và cung cách sống của những “mục tử mà không có mùi chiên”. Gương mù
giáo dân dĩ nhiên là gương mù của các tín hữu cứ khư khư cho đạo mình là đúng,
là nhất mà không có cái nhìn cởi mở, và vươn rộng bàn tay ra với những anh chị
em khác tôn giáo. Cũng theo ngài, “Trong thời đại hôm nay, một Kitô hữu không
phải là nhà cách mạng, thì không phải là một Kitô hữu.”(A Christian, who in
these times in not a revolutionary, is no Christian.)
*Những mục tử không có mùi chiên:
Chúa Giêsu đã trải
lòng mình ra với ý nghĩa một mục tử nhân từ. Ngài nói: “Ta là mục tử nhân lành.
Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì chiên” (Gioan 10:11).Mục tử nhân lành tìm
cách chăm sóc và qui tụ chiên, nhưng mục tử gian ác thì họ làm gì? Isaia đã
diễn tả về loại mục tử này như sau:
“Tất cả dã thú, thú
rừng hết thảy hãy đến mà ăn. Quân canh của chúng một lũ đui mù, chúng hết thảy
đều vô tri, vô giác. Hết thảy đàn chó câm không biết sủa. Chúng mê sảng nằm
thin thít chỉ thích ngủ lười. Lũ chó háu ăn không hề biết chán. Chúng là mục tử
mà chẳng biết để ý: Hết thảy chúng ngả theo đường của chúng, mỗi người với lợi
riêng tư nơi xó của mình” (Isia 56:9-11).
Cái tâm lý ăn no, ngủ
kỹ và “ai chết mặc ai” sau này đã được Chúa Giêsu nhìn dưới một cái nhìn khác:
danh vọng và quyền bính. Ngài đã hỏi các tông đồ của Ngài bằng một câu hỏi mà
Ngài thừa biết câu trả lời. Nhưng Ngài vẫn muốn hỏi để thức tỉnh họ cũng như
những người “hầu việc Chúa” sau này: “Trên đường đi, anh em tranh luận gì với
nhau” (Máccô 9:33). Tôi mượn từ “hầu việc Chúa” của một mục sư Tin
Lành thay cho từ “phục vụ Chúa”. Tuy phục vụ hay hầu việc cùng mang một ý nghĩa
kẻ dưới thừa hành hay làm việc cho người trên, nhưng “hầu việc” nghe khiêm tốn
và thân tình hơn.
Tham quyền cố vị, ưa
sống an nhàn. Hình ảnh những tông đồ tranh nhau ngôi thứ, cùng với hình ảnh
những con chó không trung thành cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI dùng
lại trong tác phẩm “Muối Cho Đời” của Ngài để nói lên tệ trạng tha hóa của
những giáo phẩm trong Giáo Hội đã làm ảnh hưởng đến gương mặt Chúa Giêsu và làm
cho nhiều người nghi ngờ về sự thánh thiện của Giáo Hội.
Và họ chính là những
rào cản của sự hiệp nhất. Hiệp nhất trong chính đàn chiên, và hiệp nhất với
những chiên khác chưa thuộc về chuồng của Giáo Hội.
*Những Kitô hữu quá khích:
Một em thuộc giới trẻ
đã tâm sự như sau:
“Em và người yêu
của em đã quen nhau cả 8 năm nay nhưng chúng em không thể tiến tới hôn nhân
được vì cha mẹ của anh ta không bằng lòng. Họ bắt em phải gia nhập Công Giáo
rồi mới cho kết hôn. Em không thể vào đạo được, thứ nhất là ba má em nghĩ rằng
đòi hỏi kiểu đặt điều kiện như vậy không hợp tình hợp lý. Tại sao em phải bỏ
đạo của em, mà anh ta không bỏ đạo của anh ta? Đạo nào cũng là đạo. Tại sao có
thứ đạo nào lại lấn lướt và chèn ép đạo khác, như vậy tự nó đã không còn mang ý
nghĩa đạo nữa.Thứ hai cha mẹ anh ta tỏ ra khinh bỉ cha mẹ em, không thèm nhìn
mặt cha mẹ em từ đó đến giờ khi biết em là người ngoài Công Giáo.” Rồi em kết
luận:
“Em và bạn trai em đâu
cần thiết phải làm điều ấy, anh ta cũng không đòi em phải theo đạo luôn. Trên
thực tế, chính anh ta cũng bỏ đạo của anh ta từ lâu rồi, và hai đứa em đã sống
với nhau như vợ chồng từ lâu, làm phép cưới hay không phép cưới có khác gì.”
Không có gì là ngạc
nhiên, nhưng tôi đã nói chuyện với người con trai, và thì anh ta tâm sự thêm:
“Cha mẹ em đòi bạn gái
em theo đạo chỉ là mặt mũi mà thôi chứ chính ông bà ấy cũng bê bối và hình thức
lắm. Em không muốn nói xấu họ, chứ hằng ngày nghe ông bà chửi rủa nhau, mánh
mung và chộp giật thì đạo đức kiểu ấy có khác gì là vô đạo.”
Đức Giáo Hoàng
Phansicô cũng đã nói: “Better to be an atheist than a hypocritical Catholic.”
(Pope Francis, Thursday 23 February 2017). Theo ngài, “Tốt hơn là một người vô
thần còn hơn là một người Công Giáo giả hình”.
Bởi vì, “Thật là một gương xấu để nói một đàng mà làm một nẻo. Đó là một
đời sống hai mặt.” (It is a scandal to say one thing and do another. That is a
double life.) Như vậy, có gì là xấu nếu như một người vô thần mà lại làm điều
tốt: “Những người Kitô hữu nên coi những người vô thần là những người tốt nếu
như họ làm điều tốt.” (Christians should see atheists as good people if they do
good.)
Những Kitô hữu như câu
truyện được kể lại ở trên, nhất định thà mất một linh hồn hơn thà mất mặt.
Và những người Công
Giáo kiểu này cũng chính là những rào cản của sự hiệp nhất.
THAY LỜI KẾT
Hiệp nhất và yêu
thương là những yếu tố cần thiết để dân Chúa được sống và phát triển như Chúa
Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “để họ nên một như Chúng Ta là một”
(Gioan 17: 22).
Ngoài lòng mến chân
thành và đức ái thì những khảo cứu, nhận định, và phân tích dù với kiến thức
bác học về hiệp nhất thì cũng chỉ là những “sáo ngữ”, những thứ mà theo Thánh
Phaolô là phèng la, não bạt ầm vang. (I Corinthias 31:1) Theo Thánh Augustine
thế kỷ IV, để có sự hiệp nhất thì “trong tất cả, phải có tình yêu thương”.
Sống trong thời đại
hôm nay, tư tưởng về tôn giáo, về thần học, về giáo hội đang có những thay đổi
và lối nhìn mới. Nhiệm vụ của những người có trách nhiệm là phải giúp giáo dân
gia tăng sự hiểu biết về Thánh Kinh, về Thần Học, về Giáo Hội, về những tôn
giáo bạn, và về những biến chuyển của xã hội. Không có cái nhìn đổi mới, không
dám vượt ra khỏi cái vỏ sò tự tôn về tôn giáo của mình thì không có chuyện hiệp
nhất với ai cả. Và lời cầu xin của Chúa Giêsu khi xưa vẫn chỉ có mình Chúa Cha
nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét