Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

NHẬN THỨC ƠN THIÊN TRIỆU



NHẬN  THỨC  ƠN  THIÊN  TRIỆU
(Tue, 02/05/2017 - Trầm Thiên Thu)

Nhận thức ơn thiên triệu là nhận thức ơn gọi – nhất là ơn gọi linh mục – là gì? Mỗi khi các chủng sinh bước vào niên học mới và tái quyết định trở thành linh mục, rất nhiều thanh niên Công giáo tiếp tục công việc đã đưa họ tới chủng viện: Nhận thức ơn thiên triệu linh mục. Họ tiếp tục được giúp đỡ từ bạn bè, gia đình, các vị linh hướng và các vị hữu trách đào tạo.

Nếu bạn quan tâm quá trình này (hoặc bạn đang giúp đỡ người khác theo đuổi ơn gọi này), có những vấn đề liên quan giới tính và sự chín chắn về cảm xúc mà bạn nên tự vấn, thảo luận cởi mở và chân thành với các vị linh hướng và các vị hữu trách.

Câu trả lời quả quyết đối với bất kỳ vấn đề nào đều cho thấy lĩnh vực cần chú ý nhiều hơn trước khi vào tiểu chủng viện, đặc biệt là trước khi vào đại chủng viện, hoặc tham dự các khóa huấn luyện tiền thần học. Đồng thời điều đó cũng có thể cho thấy rằng bạn KHÔNG có ơn gọi làm linh mục.

1. HƠN BẤT CỨ THỨ GÌ KHÁC, ƯỚC MUỐN TRỞ THÀNH LINH MỤC CÓ THỰC SỰ CHỈ VÌ BẠN MUỐN “PHỤC VỤ” NGƯỜI KHÁC?
 Động lực thúc đẩy như vậy rất đáng hoan nghênh. Các ứng viên tiến tới chức linh mục chắc chắn phải có ước muốn phục vụ tha nhân. Có những trường hợp gọi là “ơn gọi muộn” – những đàn ông chưa kết hôn hoặc đã góa vợ, họ cảm thấy việc trở nên linh mục là con đường để họ “phục vụ” tốt hơn trong Giáo hội. Động lực thúc đẩy như vậy cũng đáng hoan nghênh, nhưng chưa đủ để chứng minh đích thực là ơn gọi linh mục.

Vấn đề chính đối với một ứng viên tiến tới chức linh mục luôn luôn thế này: Bạn đã trải nghiệm “tiếng gọi” của Đức Kitô? Chữ “vocation” (ơn gọi, ơn thiên triệu, thiên hướng) có nguồn gốc từ La ngữ là động từ “vocare” – kêu gọi, như Thánh sử Mác-cô tường thuật: “Người lên núi và GỌI đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:13-14).

Giáo hội luôn biết lời mời gọi này của Đức Kitô như động lực đầu tiên đối với việc muốn trở thành linh mục.Tuy nhiên, THỰC TẾ VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC PHONG CHỨC VÌ CÁC ĐỘNG LỰC KHÁC, ĐÔI KHI CÓ HẠI CHO GIÁO DÂN. Đây là lý do cần chú ý vấn đề “đồng nhận thức” (co-discernment): Bạn là ứng viên và những người đại diện Giáo hội cùng nhận biết bạn có ơn gọi trở nên linh mục hay không. Nhưng buồn thay, VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI THEO ĐUỔI CHỨC LINH MỤC VÌ CÁC LÝ DO SAI TRÁI (for all the wrong reasons). Vì thế, trong tài liệu PPF (Program of Priestly Formation– Chương trình Đào tạo Linh mục, xuất bản lần thứ 5), Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (United States Conference of Catholic Bishops) đã nói:“Các ứng viên có thể tiến tới chức linh mục phải cầu nguyện với Thiên Chúa và nói với Giáo hội về việc nhận biết ơn gọi của mình. Sự liên kết này rất quan trọng vì đó là thiên hướng chắc chắn để biết mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa theo cách thức cá nhân và tập trung, như thể tiếng Chúa gọi đạt tới cá nhân bằng con đường trực tiếp, không có cách nào khác là qua cộng đồng” (Pastores dabo vobis, 37). Cuối cùng, được hướng dẫn đúng, cuộc đối thoại này có thể làm cho ứng viên được chấp nhận, hoàn tất giai đoạn đầu về sự nhận thức ơn gọi” (PPF, số 33).

Vấn đề chính trong sự “đồng nhận thức” này là tiết lộ sự thúc đẩy nổi trội về lời mời gọi nhân đạo của chức linh mục Công giáo – tức là “việc phục vụ tha nhân”. Đối với người được mời gọi tiến tới chức linh mục, phải có động lực thúc đẩy sâu xa từ đáy lòng, động lực chính trong đời sống, ngoài các động lực khác với ước muốn phục vụ người khác. Đây là vài động lực thúc đẩy cần thiết:

– Yêu mến Thánh Thể.
– Ước muốn cử hành các Bí tích cho dân Chúa.
– Ước muốn xây dựng Giáo hội và thúc đẩy các mối quan hệ sâu xa trong giáo xứ.
– Ước muốntrở nên người tôi tớ và người hướng dẫn tâm linh cho người khác.
– Ước muốn sống tốt lành theo kỷ luật Kitô giáo.

Các động lực này còn phôi thai khi bạn chuẩn bị vào chủng viện. Nhưng khả năng xác định các động lực này và “liên kết” các điểm với nhau để cấu thành chứng cớ đáng kể rằng ơn gọi của bạn là xác thực.

Cuối cùng, động lực ban đầu của bạn phải nổi bật trong mối quan hệ thân mật với Đức Giêsu Kitô hằng sống và phục sinh, Đấng đến gần bạn trên “bờ biển cuộc đời bạn” và lên “chiếc thuyền cuộc đời bạn”. Từ đó, bạn có thể chia sẻ với người khác về hành trình ơn gọi linh mục của bạn rằng đó là do lòng yêu mến Chúa Kitô, như Ngài đã đón nhận Giáo hội là Vị Hôn Thê, và SUỐT ĐỜI PHỤC VỤ GIÁO HỘI VÔ ĐIỀU KIỆN (x. Mt 20:28; Mc 10:45). ĐỪNG BAO GIỜ CÓ Ý HƯỞNG THỤ HOẶC AN NHÀN, dù chỉ đối với điều nhỏ bé nhất. Chúa Giêsu đã nêu gương: PHỤC VỤ CHỨ KHÔNG HƯỞNG THỤ (Mt 20:28; Mc 10:45).

Như vậy cũng chưa đủ đối với ứng viên tiến tới chức linh mục nếu chỉ quyết định muốn “phục vụ người khác” với tư cách một linh mục. Trái tim của họ phải gắn chặt vào Chúa Giêsu, Đấng mà họ nhận thức được lời mời gọi bất khả từ là bước theo sát Ngài qua chức linh mục.

2. BẠN CÓ CẢM THẤY HÔN NHÂN KHÔNG HẤP DẪN?
Nếu vậy, bạn “có vấn đề” đấy. Có thể nói thẳng thắn: “Nếu bạn cảm thấy hôn nhân không hấp dẫn, bạn KHÔNG NÊN ƯỚC MUỐN TRỞ THÀNH LINH MỤC. Hôn nhân là “ơn gọi tự nhiên” nhằm duy trì nòi giống và bảo tồn nhân loại. Hôn nhân lãng mạn, thú vị, nhưng cũng rất thực tế (xung đột, cãi nhau, tiền bạc, bệnh tật, lo lắng, phiền phức, nhịn nhục,... và nhiều thứ rắc rối khác). Hôn nhân hấp dẫn lắm, nhưng bạn từ khước vẻ hấp dẫn đó thì mới đáng nói, đáng trân trọng.

Chức linh mục không dành cho những người coi đó là “sự thiếu sót” vìtính cách yếu đuối nên khó hoặc không thể giao tiếp với phụ nữ. Chức linh mục cũng không dành cho những người không yêu quý trẻ em. Nếu bạn cảm thấy hôn nhân không hấp dẫn, không thích làm người chồng tốt và người cha tốt, bạn cần tập trung để khám phá lý do bạn muốn trở thành linh mục để làm gì. Điều này cần được giúp đỡ của giới chuyên môn.

3. BẠN CÓ CẢM THẤY THÂN MẬT VỚI NGƯỜI KHÁC LÀ KHÓ KHĂN HOẶC GHÊ TỞM?
 Câu trả lời ở đây thực sự là “cờ đỏ” (dấu hiệu báo động). Người ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của “2002 John Jay Report on the Causes and Context of the Sexual Abuse of Minors by Catholic Priests” (Tường trình của John Jay về Nguyên nhân và Phạm vi Lạm dụng Tình dục Thiếu niên của các Linh mục Công giáo Năm 2002). Bản tường trình này ghi: “Các linh mục lạm dụng tình dục các thiếu niên không khác với các linh mục khác về tâm lý hoặc trí tuệ nhưng dễ bị tổn thương, thiếu sự thân mật, và thiếu các mối quan hệ thân thiết trước và trong thời gian học ở chủng viện”. Tôi không có ý nói về bất cứ sự không thoải mái nào trong các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau hoặc sự thiếu khả năng diễn tảvà giao tiếp cảm xúc đều có thể cho thấy rằng cá nhân đó là người lạm dụng tình dục. Nhưng bản tường trình này đã “soi sáng” về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho chức linh mục mà nhiều thập niên qua đã bị khinh suất: Khả năng của chủng sinh (và cuối cùng là linh mục) được phong phú hóa bằng cách giao tiếp tình cảm với người khác trong các mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp.

Thật vậy, linh mục không thể phát triển sự cam kết sống độc thân khiết tịnh mà không có vài người bạn thân thiết, cả nam và nữSự thân mật tình cảm không là thân mật giới tính, và chắc chắn điều này phải được phân biệt đúng đắn về biên độ giữa các cá nhân với nhau. Cũng đừng lầm lẫn sự thân mật tình cảm (emotional intimacy) với sự lệ thuộc tình cảm (emotional dependency). Hơn nữa, ở đây chúng ta đang nói về mức độ giao tiếp giữa các cá nhân với nhau thích hợp với tình trạng độc thân khiết tịnh. Nói cách khác, đó là cách thể hiện quan trọng về những gì chúng ta gọi là “chín muồi tình cảm” (affective maturity).

Như đã nói rõ trong PPF, cùng với các yếu tố khác, sự chín muồi tình cảm dẫn tới điều này:“Đào sâu khả năngTRAO và NHẬN tình yêu, đó là khả năng tự vạch trần thích hợp (capacity of appropriate self-disclosure), khả năng phát triển và duy trìtình bạn lành mạnh, khả năng đặt ra biên độ thích hợp bằng cách quyết không hành động theo cảm xúc lãng mạn và tự kiềm chế trước cơn cám dỗ” (PPF, số 94).

Chúng ta muốn thấy các ứng viên tiến tới chức linh mục vẫn phát triển tình bạn với cả nam lẫn nữ, với cả người độc thân và người đã kết hôn, nhưng họ phải biết kiềm chế và được nâng đỡ trong tình bạnlành mạnh.

4. BẠN CÓ CẢM THẤY KHÓ TIẾT DỤC, HOẶC CÓ THƯỜNG XEM HÌNH ẢNH “ĐEN”?
 Nếu có, rất nguy hiểm! Ai cũng muốn rằng ứng viên không thể hò hẹn (tình cảm), có thể duy trì và bảo vệ đức khiết tịnh trong lành trước khi bắt đầu bước chân vào chủng viện.

Người ta cũng mong muốn rằng chiến đấu với văn hóa khiêu dâm cần có thời gian để vượt qua. Chủng viện là môi trường phát triển nhân đức khiết tịnh, xử lý các cuộc chiến tương đối bình thường về lĩnh vực này. Nhưng chủng viện không là nơi để chiến đấu với các vấn đề liên quan giới tính chưa được quyết định. Thái độ ám ảnh hoặc miễn cưỡng phải được loại trừ trước khi vào chủng viện, nhất là các vấn đề liên quan hình ảnh đồi trụy trên Internet hoặc báo chí. Người nghiện hình ảnh khiêu dâm chứng tỏ rằng họ không thích hợp để tiến tới chức linh mục.

5. BẠN CÓ CHẤP NHẬN VÀ TÔN TRỌNG LUẬT ĐỘC THÂN CỦA GIÁO HỘI? BẠN CÓ MUỐN LUẬT NÀY THAY ĐỔI TRONG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG NÀY HOẶC GIÁO HOÀNG TRONG TƯƠNG LAI?
 Bạn phải tự vấn xem mình có ơn gọi sống độc thân hay không – ơn gọi này khác với ơn gọi trở thành linh mục. Ở mức độ nào đó, bạn phải biết rõ sự độc thân có ý nghĩa gì mà bạn thề hứa tuân thủ – cùng với các cám dỗ và các sự chiến đấu khác – để phát triển sự khao khát đức khiết tịnh suốt đời và khước từ sự hấp dẫn của tình dục. Chắc chắn bạn không thể có lương tâm tốt trong bất cứ giai đoạn nào qua quá trình đào tạo ở chủng viện khi bạn giấu giếm và muốn thân mật tính dục với người khác, ngay cả sau khi thụ phong linh mục cũng vậy.

Do đó, chủng sinh phải có khả năng khám phá vẻ đẹp của sự độc thân theo nền tảng thần học, phải nhận thức được tình trạng độc thân, phải biết cảm thấy thoải mái khi sống độc thân và khiết tịnh ngay cả khi giao tiếp với những bạn nữ đã kết hôn hoặc độc thân. Thật vậy, độc thân được hiểu là một tặng phẩm, và là con đường hình thành sự phát triển con người.

Nói cách khác, ứng viên tiến tới chức linh mục thực sự cần coi tình trạng độc thân có sức thu hút mạnh và có ý nghĩa sâu sắc về tâm linh – cách diễn tả lòng yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội. Trong tài liệu PPF, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói: “Ứng viên phải được chuẩn bị chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về bản năng giới tính, quyết định làm chủ các cơn cám dỗ về tình dục, được chuẩn bị sống khiết tịnh trong mọi thứ tình bạn, và cuối cùng, được hướng dẫn kiềm chế sự ham muốn để có thể sống lành mạnh, sống độc thân khiết tịnh bằng đức tin và tình yêu vị tha: Biết quan tâm người khác, giúp họ đạt tới mức cao nhất, không đầu hàng, và đầu tư mọi năng lực để chỉ phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa” (PPF, số 94).

Ứng viên chín muồi về tình cảm sẽ phát triển các năng lực chính yếu, theo đuổi và nỗ lực vì mục đích tốt lành của dân Chúa, để thánh hóa họ và tự thánh hóa. Ứng viên nhận thức được như vậy có thể duy trì thói quen thân mật với Đức Kitô qua việc cầu nguyện hằng ngày.

6. NGOÀI CÁC GIỜ KINH CHÍNH THỨC, BẠN CÓ NHU CẦU DÀNH THỜI GIAN ĐỂ CẦU NGUYỆN RIÊNG?
 Đời sống cầu nguyện là “chìa khóa” để phát triển sự chín muồi về tình cảm. Tại sao? Bởi vì sống thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi là “mối quan hệ riêng với Thiên Chúa, và cũng là giao tiếp với Giáo hội, Nhiệm Thể Đức Kitô” (PPF, số 108). Hằng ngày kết hiệp thân mật với Đức Kitô bằng việc cầu nguyện riêng (cầu nguyện thầm, suy niệm, đọc Kinh Thánh, trong phòng riêng hoặc trước Thánh Thể) sẽ giúp ứng viên ước muốn kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, Đấng kêu gọi họ. Điều đó cũng giúp ứng viên chín muồi về tình cảm và sinh hoa trái khi kết hiệp với Giáo hội. Cầu nguyện là “địa điểm” mà linh mục hướng linh hồn tới Đấng Yêu Dấu, và giữ họ theo hướng đúng là hướng về dân Chúa, dám chết vì đoàn chiên.

Trước mặt Thiên Chúa và với lương tâm đúng đắn, bạn phải trả lời “không” hoặc “có” đối với 6 câu hỏi trên đây. Hãy tìn thác cuộc đời bạn vào Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Mạch mọi Sự Thiện. Hãy phó thác cuộc đời bạn cho Đức Maria, Mẹ của các linh mục, xin Mẹ hướng dẫn bạn trên hành trình trở thành linh mục của Thiên Chúa hằng hữu và hằng sinh. Và đừng bao giờ quên noi gương Thánh linh mục Gioan Maria Vianney, bổn mạng các linh mục.

Thiết tưởng cũng nên nói thêm rằng Thánh Giáo hoàng Grêgôriô (540?-604) đã thẳng thắn và cương quyết cách chức các linh mục bất xứngcấm lấy tiền từ nhiều loại lễ, nhưng ngài lấy tiền của Tòa Thánh giúp các tù nhân của vua Lombardchăm sóc những người Do Thái bị hành hạgiúp đỡ các nạn nhân bị dịch bệnh và nạn đói. Ngài nổi tiếng là nhà cải cách phụng vụ và củng cố tín lý. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài đã dám đi chất vấn vua Lombard. [Ngài còn nổi tiếng về Bình Ca – gọi là nhạc Gregorian, loại nhạc đặc trưng của Giáo hội Công giáo].

Thánh giám mục Êusêbiô Vercelli (283? - 371) nhận xét: “Cách tốt nhất để THÁNH HÓA GIÁO DÂN là PHẢI cho giáo dân thấy GIÁO SĨ VỮNG MẠNH CÁC NHÂN ĐỨC và SỐNG CỘNG ĐOÀN. Đó mới là mục tử hết mình vì đoàn chiên. Còn Thánh linh mục Don Bosco tâm niệm: “Da mihi animas, coetera tolle – xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi”.

Ước gì Giáo hội có được những mục tử “lành nghề” để phục vụ Thiên Chúa và Dân Chúa một cách triệt để theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu!


TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Fatherberg.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét