Những thánh tích hàng đầu của Công giáo
(Chủ nhật - 21/05/2017)
Những thánh tích hàng đầu của Công giáo
Cách đây gần 3 năm, Vatican lần đầu tiên trưng bày hài cốt của
thánh Phêrô, một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng về sự tồn tại của thánh tích
trong tâm khảm của các Kitô hữu.
Một thời, thánh tích xuất hiện với số lượng
đông đảo ở thế giới phương Tây. Da, xương, móng tay và thậm chí đầu của các vị
thánh được bảo quản, mua bán, đánh cắp, và tôn thờ. Phần lớn đây là các phần
liên quan đến những người thánh thiện của Kitô giáo, là trung tâm của cộng đồng
Công giáo thời trung cổ, nhưng hiện không ít thánh tích bị nghi ngờ là giả hoặc
đã bị lấy mất. Các viện bảo tàng trưng bày những hộp thánh tích rỗng không,
được nạm vàng, bạc và đá quý, nhưng lại mất đi nội dung vô cùng ý nghĩa bên
trong. Tuy nhiên, đáng mừng là một số thánh tích vẫn đang được bảo quản cẩn
thận, vượt qua những con mắt hoài nghi, chất vấn của giới khoa học, để giữ vững
được giá trị đến ngày nay.
Đầu của thánh Catherine thành Siena
Thánh nữ Catherine
chào đời tại Siena vào ngày 25.3.1347 và qua đời ở Rome vào ngày 29.4.1380. Để
đáp ứng kỳ vọng của người dân Siena, linh mục dẫn dắt tinh thần của thánh nhân
là Raymond xứ Capua, vào ngày 13.10.1383 đã bí mật gởi phần đầu của bà về
quê hương. Khi còn tại thế, thánh nữ Catherine thành Siena là một nữ tu Dòng Đa
Minh có ảnh hưởng mạnh mẽ trong Giáo hội Công giáo. Ngài được tuyên phong làm
thánh và Tiến sĩ Hội Thánh.
Lưỡi của thánh Antôn thành Padua
Năm 2013, các lãnh đạo Công giáo và cộng đồng
tín hữu ở Anh đã tề tựu về Vương Cung Thánh Đường Westminster để tỏ lòng kính
trọng thánh tích dưới dạng mẩu lưỡi đã khô và một phần da mặt được cho là thuộc
về thánh Antôn thành Padua. Cách đây hơn 750 năm, phần lưỡi của thánh Antôn
được phát hiện trong tình trạng bảo quản tốt. Ngài được phong Tiến sĩ Hội
Thánh vào năm 1946.
Di hài thánh Máccô
Thánh Máccô tử vì đạo ở Alexandria và di hài
của ngài bằng cách nào đó đã được bảo tồn trong trạng thái tốt. Tuy nhiên,
thánh tích đã bị đưa về Venice trong một vụ cướp mộ thuộc dạng táo tợn nhất
lịch sử trung cổ. Một nhóm tội phạm người Venice đã đánh cắp di hài của thánh
nhân. Đến nay, thánh tích quý giá vẫn được cất giữ trong một nấm mồ ở Vương
Cung Thánh Đường thánh Máccô. Danh họa người Ý Tintoretto đã vẽ lại cảnh tượng
kẻ cướp thi thể thánh Máccô trong bức tuyệt phẩm St Mark’s Body Brought to
Venice.
Máu của thánh Januarius
Vào tháng 9 hằng năm,
những người hành hương và tín hữu thuần thành ở Naples lại tụ tập ở Vương Cung
Thánh Đường Naples để chứng kiến phép lạ tại đây. Bình chứa bột máu khô của
thánh Januarius tử vì đạo hồi thế kỷ thứ 4 đang được bảo tồn tại đây. Đến tháng
9 của năm, và vào 2 ngày khác trong năm, bột máu hóa lỏng, và người dân tại đây
tin tưởng rằng một lần nữa thành phố lại được bảo vệ trước thiên tai như núi
lửa, động đất và dịch bệnh.
Đầu của thánh Gioan Tẩy Giả
Theo Phúc Âm, vua
Hêrôđê đã bỏ tù thánh Gioan Tẩy Giả vì ông đã khiển trách vua ly dị vợ để lấy
chị dâu Herodias. Vào ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái của Herodias là Salome
đã làm hài lòng nhà vua với vũ điệu của mình và đòi phần thưởng là đầu của Gioan
trên mâm. Salome đã được toại nguyện. Sau đó, Vương Cung Thánh Đường Amiens ở
Pháp đã được xây dựng vào thời trung cổ để giữ gìn thánh tích trên. Tuy nhiên,
thánh tích đã bị lấy cắp vào thế kỷ 19.
Thánh tích tại Sainte-Chapelle
Vua Louis IX của Pháp, còn gọi là thánh Louis,
vô cùng tự hào về các thánh tích của Chúa Giêsu mà ông mua được từ
Byzantium. Để bảo quản kho sưu tập quý giá, ông cho xây một nhà thờ nguy nga
tráng lệ tại Paris. Sainte-Chapelle được xem là hòm chứa thánh tích lớn nhất
thế giới, và là một trong những nhà thờ kiểu gothic lộng lẫy nhất. Ngày nay,
các thánh tích trên, bao gồm mũ gai của Chúa Giêsu, được trưng bày ở Nhà thờ
Đức Bà ở thủ đô Pháp.
Ngón tay của thánh Tôma
Tông đồ Tôma là người
được Chúa Giêsu cho thọc ngón tay vào lỗ định, đưa bàn tay vào cạnh sườn Ngài
để củng cố lòng tin. Khoảng khắc này đã trở thành bất tử dưới ngòi bút của họa
sĩ Caravaggio. Tương truyền ngón tay của thánh Tôma vẫn đang được bảo quản đến
ngày nay tại nhà thờ Santa Croce ở Rome, và tại đây cũng trưng bày 3 mẩu của
Cây thánh giá Sự thật.
Nguồn
tin: Báo
Công Giáo & Dân Tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét