HẠNH PHÚC KHI CHIA TAY
( Lễ Chúa Thăng Thiên, năm A)
Sao lại hạnh phúc khi
chia ly? Lẽ thường thì không, nhưng với sự kiện Chúa Giêsu về trời thì đúng là
như vậy!
Chúa Giêsu là Vua các
vua, Chúa các chúa, được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời và dưới đất (Mt
28:18), nhưng Ngài lại tự hạ đến tột cùng, bị sỉ nhục, bị khinh miệt, và bị coi
không bằng tên gian ác khét tiếng Baraba. Thế nhưng Ngài vẫn có bản lĩnh của
một người công chính. Không phải cứ đa số là đúng. Tìm cách hạ bệ người khác là
chứng tỏ mình yếu kém!
Thế nào là quyền lực
và bản lĩnh? Chúng ta hãy suy tư hai ý tưởng này:
1. Người có quyền lực
nhất là người có thể kiềm chế các thói hư tật xấu của mình,
chứ KHÔNG phải là người độc đoán và áp chế người khác.
2. Người có bản lĩnh
nhất là người dám chê trách chính mình chứ KHÔNG phải là người
chê cười và chỉ trích người khác.
Chúa Giêsu bị giết
chết, người đời coi đó là thất bại, là “chấm hết”, thế nhưng Ngài đã sống lại
hiển vinh, và rồi trở về trời với Chúa Cha – nơi Ngài đã xuất phát: “Không
ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).
Mừng lễ Chúa Thăng
Thiên không chỉ là kính mừng Chúa Giêsu lên trời mà còn là dịp tái khẳng định
tín điều mà chúng ta vẫn tuyên xưng: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà
sống lại, LÊN TRỜI ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”. Thánh Phaolô
cho chúng ta biết rằng nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chì
là trống rỗng và vô ích, và như vậy chúng ta chỉ là những người hoang tưởng,
thế nhưng Ngài đã thực sự sống lại vàlên trời.
Lễ Thăng Thiên là một
“cuộc chia tay” – Thầy trò đôi ngả, nhưng cuộc chia ly này không buồn thảm hoặc
tuyệt vọng, mà tràn trề hy vọng và hạnh phúc. Tại sao Ngàivề trời, và Ngài về
trời làmgì? Để minh chứng và xác định lời hứa mà chính Ngài đã nói: “Thầy
đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3).Đối với phàm nhân chúng ta, chắc chắn
không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa!
Quả thật là kỳ diệu,
Thiên Chúa mà hóa thành Con Người, Con Người mà là Thiên Chúa, vừa hữu hình vừa
vô hình. Chắc chắn chẳng một thần linh nào như vậy. Chỉ có Thiên Chúa của chúng
ta như vậy mà thôi, độc nhất vô nhị, duy nhất và tuyệt đối. Thánh Phaolô đã
nói: “Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó
là: Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng
thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền
giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh
hiển” (1 Tm 3:16).
Chữ phải có ý nghĩa.
Chữ nghĩa thật kỳ diệu. Người ta chỉ nói LÊN trời, TỚI trời, hoặc VÀO trời, vì
người ta không xuất phát từ trời. Nhưng Chúa Giêsu nói VỀ trời, vì Ngài xuất
phát từ Trời và từ Chúa Cha, Đấng ngự trên trời: “Nếu anh em yêu mến
Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì
Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28).Người ta chỉ có thể VỀ nơi mà
mình đã từng ở, còn nơi mình chưa ở thì không thể dùng động từ VỀ. Thế mà chúng
ta cũng được Ngài cho phép VỀ trời với Ngài, dù chúng ta không xuất phát từ
trời, dù chỉ là bụi tro xuất phát từ đất.Ôi, thật là vô cùng kỳ diệu!
Trong sách Công Vụ,
Thầy thuốcSử gia Luca đã viết: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ
nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người
dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày
ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người
lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi
đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông
về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu
truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà
chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là:
ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu
phép rửa trong Thánh Thần”(Cv 1:1-5). Chúa Giêsu về trời, nhưng rồi Ngài
lại gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, đồng hành và hoạt động với chúng ta
mọi nơi, mọi lúc, bởi vì Ngài “không để chúng ta mồ côi” (Ga 14:18).
Quả thật, tư tưởng
loài người không cao hơn ngọn cỏ dại, tầm nhìn không vượt qua cái bóng của
mình, thế nênkhi nghe Đức Giêsu nói vậy, những người đang tụ họp ở đó tưởng
rằngNgài sắp sửa khôi phục vương quốc Ít-ra-en. Nhưng Ngài đáp: “Anh em
không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em
sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ
anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê,
Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv 1:7-8).Vừa dứt lời, Ngài được cất
lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không
còn thấy Ngài nữa. Họ ngơ ngẩn nhìn nhau rồi nhìn theo hút Ngài, chẳng hiểu ất
giáp chi cả!
Ngay khi các ông còn
đăm đăm tròn mắt nhìn lên trời phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo
trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn
lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự
đến y như các ông đã thấy Người lên trời”(Cv 1:11). Lời giải thích này cho
chúng ta biết chắc rằng Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai vào một lúc nào
đó, bất kỳ thời điểm nào mà chúng ta không thể biết được, thậm chí có thể là
ngày mai hoặc hôm nay. Vì thế mà ai cũng phải sẵn sàng và tỉnh thức. Không chỉ
vậy, với mỗi người còn là cái chết, vì tử thần có thể đến bất cứ lúc nào, không
ai có thể ngờ được!
Kiếp phàm nhân là một
chuyến đi, mỗi ngày tiến gần hơn một chút tới “miền cát bụi”. Cuộc đời Kitô hữu
là cuộc lữ hành trần gian, là hành trình đức tin, và cũng là hành trình về
trời. Đức Kitô đã về trời trước, đó là bảo chứng cho những ai tin nhận Đức
Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Vỗ tay đi nào,
muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối
Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).
Vâng, trên cả tuyệt
vời bởi vì niềm vui quá lớn, nỗi mừng khôn tả xiết. Nhưng chúng ta hữu hạn, chỉ
biết thể hiện bằng tất cả khả năng phàm nhân mà thôi: “Thiên Chúa ngự
lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và. Hãy đàn ca, đàn
ca lên mừng Thiên Chúa, đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta! Thiên Chúa là
Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ. Thiên Chúa là Vua
thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv
47:6-9). Thiên Chúa không đòi hỏi quá sức chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta chân
thành với khả năng riêng của mỗi người – nén vuông hay tròn, to hay nhỏ, dài
hay ngắn cũng không thành vấn đề, quan trọng là phải sinh lời theo khả năng của
chính mình.
“Cái tôi và sự hiểu
biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé; hiểu biết
càng ít, cái tôi càng to” (Albert Einstein, 1879-1955). Dẹp được “cái tôi” là
có thể nên thánh, ai khôn ngoan thì làm được, chưa khôn ngoan thì hãy cầu xin.
Thánh Phaolô cho biết: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa
của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để
mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy
rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia
nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền
lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep
1:17-19a). Nhận biết Thiên Chúa là niềm hạnh phúc lớn lao, nhận biết Ý Ngài và
vui mừng làm theo là niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Quả thật, chấp nhận và làm
theo Ý Chúa là điều không dễ chút nào, vì chúng ta thường chỉ muốn “được như ý”
mà thôi!
Để chúng ta khả dĩ
hiểu rõ ràng, Thánh Phaolô giải thích: “Đó chính là sức mạnh toàn năng
đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi
dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức
Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không
những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt
tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh
là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên
mãn”(Ep 1:19b-23). Đức Kitô được Chúa Cha trao ban mọi thứ, nhưng Ngài
không giữ riêng cho Ngài, mà Ngài lại muốn chia sẻ với chúng ta, muốn làm cho
chúng ta cũng được sống viên mãn với Ngài, dù chúng ta không chỉ là phàm nhân
mà còn là những tội nhân hoàn toàn bất xứng.
Thật là kỳ diệu, vì
niềm hạnh phúc như điệp khúc cứ lặp đi lặp lại trong cuộc đời chúng ta, cả ngày
lẫn đêm, trên suốt hành trình về trời. Không hạnh phúc sao được, bởi vì chúng
ta được Thiên Chúa ưu đãi quá nhiều, minh nhiên nhất là chúng ta được xóa án tử
và được khôi phục cương vị làm con, đặc biệt là cũng sẽ được về trời để tận hưởng
cuộc sống trường sinh với Ngài.
Thánh ký Mátthêu cho
biết rằng, một hôm có mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức
Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có
mấy ông lại hoài nghi. Bản tính nhân loại là thế, tận mắt thấy bao phép lạ
mà vẫn chưa đủ tin, miêng nói tin nhưng bụng vẫn ngờ vực. Vả lại, họ cứ tưởng
Đức Giêsu là chính khách, Ngài sẽ giành quyền độc lập cho Ít-ra-en từ bọn thực
dân Rôma. Khi đó, Đức Giêsu đến gần họ và nói: “Thầy đã được trao toàn
quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18).Có lẽ nghe Ngài nói vậy thì họ
càng cho rằng Chúa Giêsu đang làm chính trị thật, điều họ nghĩ không sai. Thế
nhưng lại không phải vậy, Chúa Giêsu không bao giờ làm chính trị, và Phúc Âm
cũng không là bản cương lĩnh chính trị.
Tuy nhiên, cuộc sống
không ai lại không liên quan chính trị vì sự ác luôn đối đầu với sự lành. Bảo
vệ công lý, chân lý và hòa bình là một dạng hoạt động chính trị. Đại đế
Napoléon nhận định: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không
phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những
người tốt”.
Người Công giáo là
người mang hai “quốc tịch”, trước tiên là công dân của Nước Trời, và sau đó là
công dân của một đất nước tại thế gian này. Trên đường lữ hành trần gian, với
tư cách là công dân một đất nước, người Công giáo cũng tuân hành theo luật định
của đất nước đó: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có
quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do
Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự
Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Thật thế, làm điều
thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ” (Rm
13:1-3). Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà không một người Công giáo tốt nào dám
vi phạm: luật pháp trần gian đi ngược lại với lề luật của Thiên Chúa và Giáo
Hội.
Mục đích của Chúa
Giêsuhoàn toàn khác, không phải là làm chính trị để tranh giành quyền lức ở thế
gian này. Đây là ước muốn của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt
28:19-20a).Tức là Ngài bảo mỗi chúng ta phải vào đời. Chúa Giêsu biết sắp đến
giờ phải trở về cùng Chúa Cha, nên Ngài căn dặn kỹ lưỡng. Ngài về trời nên Ngài
bảo chúng ta vào đời để làm chứng về Ngài. Đó vừa là một tặng phẩm vừa là một
mệnh lệnh, vừa là một đặc ân vừa là một trọng trách.
Trước khi về trời, lời
cuối của Chúa Giêsu trên thế gianlà một lời hứa: “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20b).Lời hứa đó đã được chứng tỏ rõ
ràng nhất là Bí tích Thánh Thể, một phép lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày ở khắp
nơi trên thế giới. Biết rõ chúng ta yếu đuối nên Chúa Giêsu rất “tội nghiệp”
chúng ta, Ngàicũng đã hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga
14:8). Và lời hứa đó lại được thực hiện ngay lập tức: Ngài về trời rồi gởi Đấng
Bảo Trợ đến ở với chúng ta (Ga 14:16). Thánh Thể và Thánh Thần luôn đồng hành
với chúng ta trên suốt Hành Trình Về Trời.
Phàm sự gì cũng có
“mở” và “kết”. Tương tự, Hành Trình Về Trời được khởi đầu từ điểm SINH và kết
thúc ở điểm TỬ. Hành trình đó có thể là “con đường” dài hoặc ngắn, không ai
biết; “con đường” đó cũng có thể rộng hoặc hẹp, nhưng ai chọn đường hẹp thì tốt
hơn đường rộng, càng thênh thang càng “dễ chết”, có thể “chết yểu”, “chết”
trước kỳ hạn, “chết” ngay khi còn đang sống. Chết như vậy thì thật là nguy
hiểm! Vì thế, chính Chúa Giêsu đã khuyên những ai thực sự muốn được trường sinh
vĩnh phúc: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang
thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật
thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14).
Không chỉ đơn giản như vậy, người ta còn phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp”
(Lc 13:24).Cách nói rất “ngược đời”, nhưng phải dám “ngược” như vậy thì mới
mong “xuôi” về vĩnh cửu.
Chúa
Giêsu đã nhập thế và đau khổ đến tận cùng bảng số. Những người muốn về trời thì
cũng không thể không đau khổ – cách này hay cách khác. Thánh nữ Faustina so sánh: “Như
bệnh tật được đo bằng nhiệt kế, sốt cao cho chúng ta biết là bệnh nặng, đời
sống tâm linh cũng vậy, đau khổ là nhiệt kế đo tình yêu Chúa trong linh hồn” (Nhật Ký, số 774). Đây là điều rất khó đối với bản
chất phàm nhân, nhưng người ta có thểchấp nhận nếucố gắng hiểu theo cách hiểu
của Chúa và vớitầm nhìn của Ngài.
Lạy Thánh Phụ, Chúa
Giêsu trở về trời là dấu bảo đảm về sự sống vĩnh hằng mà con phải không ngừng
cố gắng chiến đấu để khả dĩ đạt được. Xin mau ban Chúa Thánh Thần để đổi mới
chúng con, làm cho chúng con can đảm làm chứng về Chúa Ba Ngôi.Xin giúp chúng
con đủ sức vượt qua chính mình để xứng đáng lãnh nhận những gì Ngài đã hứa ban.
Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của
chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
------------------------
PHỤ LỤC:
+ Chúa Về Trời – Con
Vào Đời: https://www.youtube.com/watch?v=rgn5_cP8S-Q
+ Mười Bảng Chỉ Đường
Về Trời:
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/05/muoi-bang-chi-uong-ve-troi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét