16 thói quen khoa học giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và sâu giấc hơn
Trong thế giới mà mọi người luôn bận rộn và căng thẳng, khó ngủ và
mất ngủ là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Chúng có thể khiến tình trạng căng
thẳng của bạn trở nên tồi tệ hơn và hiệu quả công việc giảm sút.
Theo ước tính, người Mỹ có giấc ngủ trung bình 6,8 giờ mỗi đêm,
giảm 1 giờ kể từ năm 1942. Thậm chí, cứ 10 người Mỹ thì có 4 người còn không
ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày – thời gian ngủ mà các bác sĩ khuyến nghị. Thiếu ngủ lâu
ngày dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần trong ngắn
và dài hạn.
Sau đây là những mẹo hiệu quả giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ
và ngủ sâu giấc hơn đã được các chuyên gia nghiên cứu và kiểm chứng.
1. Dùng đèn ngủ có ánh sáng yếu
Điều này dường như là hiển nhiên, song cũng xin nhấn mạnh một lần
nữa: Một trong những điều tồi tệ nhất mà bạn có thể gây ra cho bản thân vào ban
đêm chính là để đèn sáng khi ngủ.
Ánh sáng mạnh, đặc biệt là ánh sáng màu xanh, sẽ khiến não bộ của
bạn nhận thức rằng lúc đó là ban ngày, và ngăn ngừa tiết ra những chất hóa học
quan trọng cho giấc ngủ, ví như ngăn tuyến tùng tiết ra melatonin – một hóc-môn đóng
vai trò chính điều hành chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể (nhịp thức ngủ và
các chức năng theo mùa).
Trường Y của Đại học Harvard đã khuyến cáo chúng ta nên sử dụng
ánh sáng mờ vào buổi tối, và ngược lại, nhằm giúp điều chỉnh giờ giấc cho giấc
ngủ của bạn.
(Ảnh: Joseph O’Connell/Flickr)
2. Rời xa chiếc điện thoại
Điều này sẽ mang đến cho bạn nhiều tác dụng bất ngờ. Nhưng nếu
không từ bỏ được thói quen này, thì việc bạn áp dụng các cách khác sẽ kém hiệu
quả.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dán mắt vào màn hình của các thiết
bị điện tử (ti vi, điện thoại, tablet…) trước khi đi ngủ rất không có lợi cho
giấc ngủ của bạn. Bởi vậy, nếu bạn muốn ngủ ngon giấc, hãy tránh xa những thiết
bị đó.
(Ảnh: Shutterstock)
3. Bỏ thói quen uống cà phê
Cà phê có thể khiến bạn cảm thấy không buồn ngủ, nhưng nó cũng
chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề cho giấc ngủ của bạn. Ngay cả khi bạn
không dùng nó trước khi đi ngủ, caffeine trong cà phê vẫn khiến thay đổi nồng
độ melatonin trong não bộ làm bạn trằn trọc, và giấc ngủ ngắn hơn.
(Ảnh: Pixabay)
4. Bỏ thói quen uống rượu
Dù muốn hay không bạn cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật: rượu
rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt là với những người bị mất ngủ.
Sau hàng thập kỷ tự nghiên cứu, cũng như xem xét hàng loạt các
nghiên cứu khác, Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ đã nhận thấy rằng rượu rất có
hại cho giấc ngủ. Ngay cả khi bạn chỉ uống rượu nhẹ, nó cũng khiến bạn khó ngủ,
ngủ chập chờn, và giấc ngủ ngắn hơn so với khi bạn tỉnh táo. Rượu còn tăng nguy
cơ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
(Ảnh: Rob Ludacer)
5. Không ngủ cùng những người làm bạn khó chịu
Khi phải chung phòng với người khác, nếu được lựa chọn, bạn nên
chọn ngủ cùng với người khiến bạn vui vẻ và cảm thấy thoải mái.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt bằng chứng cho thấy cặp
vợ chồng hạnh phúc ngủ ngon hơn khi ngủ cùng nhau, và ngược lại, những cặp vợ
chồng ngủ ngon cùng nhau lại là những cặp đôi hạnh phúc.
6. Lên thời gian biểu cho giấc
ngủ
Chúng ta đều biết về tầm quan trọng của việc tạo dựng thói quen
trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra
một cách xác đáng tác dụng của việc đi ngủ đúng giờ đối với người trưởng thành,
tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ngủ và thức dậy đúng giờ
là vô cùng hữu ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
(Ảnh: Makelessnoise/Flickr)
7. Giữ ấm chân tay
Để một chai nước ấm tỳ vào tay và/hoặc chân khi đi ngủ sẽ giúp bạn
nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nếu bạn thấy bất tiện với cách này, thì có thể
đi tất. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào từng đối tượng khác nhau, một số
người lại thích để chân lạnh khi ngủ.
(Ảnh: YouTube)
8.
Giảm nhiệt độ phòng ngủ
Khi ngủ, bạn nên để nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ hơn một chút so với
khoảng thời gian bình thường khác, bởi khi đó, não của bạn sẽ hoạt động tốt hơn.
Phòng thí nghiệm về giấc ngủ của Harvard khuyến cáo nên để nhiệt độ phòng xuống
dưới 16 độ C, tuy nhiên, có lẽ nên để nhiệt độ ở mức nào khiến bạn
thấy thoải mái nhất.
9. Giữ tỉnh táo
Cơ sở khoa học của phương pháp này “khá mỏng” – mới chỉ có một
nghiên cứu kiểm chứng nó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thực nghiệm phương
pháp tạo ý định nghịch lý (paradoxical intention) với các bệnh nhân mắc chứng
mất ngủ, kết quả cho thấy nó giúp cải thiện đáng kể thời gian cần thiết để họ
chìm vào giấc ngủ.
Phương pháp này về cơ bản là chúng ta sẽ không cố gắng để ngủ mà
ngược lại, cố tình giữ tỉnh táo. Nghịch lý ở chỗ khi bạn càng ngừng cố gắng để
ngủ, thì bạn lại càng có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Cách này thường được sử dụng cho những người có khó khăn khi đi
vào giấc ngủ chứ không phải khó khăn về duy trì giấc ngủ.
(Ảnh: shutterstock.com)
10. Tắm bằng nước ấm
Tuy cũng chưa có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định điều này,
song cảm giác trực quan cho thấy nó khá hiệu quả. Nếu bạn tắm bằng nước ấm
trước khi ngủ, nó sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
11. Nghĩ đến khoảnh khắc hay
hình ảnh nào đó khiến bạn thấy hạnh phúc
Nhiều người bị chứng mất ngủ thường than phiền rằng những ý nghĩ
hoặc hình ảnh không mong muốn hiện lên trong đầu khiến họ khó ngủ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tập trung và tưởng tượng ra những hình
ảnh thú vị, vui vẻ khi nằm trên giường sẽ có thể khiến bạn tĩnh tâm và chìm vào
giấc ngủ.
(Ảnh: Internet)
12. Nghe nhạc
Một nghiên cứu cho thấy nghe nhạc cổ điển giúp sinh viên bớt căng
thẳng và chất lượng giấc ngủ của họ cũng được cải thiện. Tất nhiên, không hẳn
chỉ là nhạc cổ điển, bạn có thể nghe bất cứ loại âm nhạc nào hợp với sở thích,
và âm nhạc sẽ khiến bạn cảm thấy thư thái hơn.
(Ảnh: Shutterstock)
13. Để căn phòng bạn tràn ngập
mùi hoa oải hương
Một nghiên cứu về những người ngủ ngon giấc chỉ ra rằng hoa oải
hương giúp những người trẻ tuổi ngủ sâu hơn, và mỗi khi thức dậy, họ cảm thấy
sảng khoái hơn. Ngủ trong phòng có mùi hoa oải hương, đối với cả nam và nữ đều
thu được lợi ích.
(Ảnh: Internet)
14. Thổi bong bóng
Rachel Marie E. Salas, giáo sư thần kinh học của Đại học Y
Johns Hopkins, khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này như một hình thức thể dục
đơn giản giúp hít thở sâu. Khi thổi bong bóng, bạn thường sẽ thả lỏng tâm
trí, thư đầu óc thư thái và ngủ sâu hơn.
15. Tìm ra cách hiệu quả
với bạn nhất
Các gợi ý nêu trên chủ yếu tập trung vào việc giúp bạn tìm cách
bình tâm, tạo điều kiện dễ chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, mỗi cá nhân là
khác nhau, mỗi phương pháp áp dụng với mỗi người khác nhau lại mang đến hiệu
quả khác nhau.
Ngoài những lời khuyên nên áp dụng ngay, như không uống rượu
và không xem điện thoại vào đêm khuya, bạn hãy lần lượt thử các thủ
thuật nêu trên và tìm xem giải pháp nào phù hợp nhất với bạn và áp dụng
nó một cách thường xuyên.
16. Đến gặp bác sĩ nếu các mẹo
trên đều vô tác dụng
(Ảnh: Shutterstock)
Với một số người, mặc dù dùng đến trăm phương ngàn kế, nhưng
chứng mất ngủ vẫn khiến họ khổ sở. Nguyên nhân có thể nằm ở sức khỏe nói
chung, hoặc chỉ là cơ thể có chỗ nào đó bất ổn. Dù thế nào đi nữa, mất
ngủ cũng đều có hại cho sức khỏe, tuổi thọ, và hạnh phúc cuộc sống của
bạn.
Bởi vậy, khi mắc phải triệu chứng như khó ngủ, mất ngủ, ngủ không
sâu… hãy tìm đến bác sĩ. Họ có thể chẩn đoán cơ bản bệnh tình của bạn
và giúp bạn có được phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
Theo Business Insider
Minh Minh
Minh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét