Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

TRÁI NGƯỢC (Chúa Nhật XVII TN, năm A)

TRÁI  NGƯỢC
( Chúa  Nhật  XVII  TN,  năm A)
(MONDAY, JULY 24, 2017)


Ở đời có nhiều thứ trái ngược – cả cụ thể và trừu tượng, một trong các tình trạng đối lập đó là Khôn và Khờ. Hai chữ bắt đầu bằng mẫu tự K, hai mẫu tự giống nhau về cách viết và cách phát âm, nhưng lại hoàn toàn trái ngược về ý nghĩa.
Thế nào là khôn ngoan? Ai là người khôn ngoan? Triết gia Albert Schweitzer (1875–1965, Đức quốc) nhận định: “Người lạc quan nhìn đâu cũng thấy đèn xanh, người bi quan thấy khắp nơi chỉ toàn đèn đỏ, còn người thực sự khôn ngoan thì mù màu”. Một cách nói thật thú vị. Khôn ngoan là điều rất quý giá.
Khôn ngoan là đức tính, là điều vĩnh tồn, bởi vì Kinh Thánh cho biết: “Khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn 3:15). Kinh Thánh cũng nói khôn ngoan là báu vật: “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban” (Kn 7:14).
Quả thật, sự khôn ngoan không chỉ là điều rất cần thiết trong cuộc sống mà còn là một nhân đức. Sách Châm Ngôn xác định: “Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc” (Cn 3:18). Còn sách Giảng Viên cho biết: “Sự khôn ngoan làm cho gương mặt con người ngời sáng, và nét cứng cỏi nên dịu dàng” (Gv 8:1). Và sách Huấn ca nói: “Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khỏe dồi dào” (Hc 1:14:18). Khôn ngoan thật là đa lợi ích!
Tuy nhiên, khôn ngoan không liên quan tình trạng giỏi giang, bộ óc thông minh hoặc ngu dốt. Người giỏi và thông minh chưa chắc khôn ngoan, và người ngu dốt không hẳn là thiếu khôn ngoan. Thánh Teresa Lisieux (Teresa Hài Đồng Giêsu, 1873-1897) học hành chẳng bao nhiêu nhưng được Giáo hội tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội vì thánh nữ có bí quyết nên thánh đơn giản là “con đường thơ ấu” – tức là sống đơn sơ như trẻ thơ. Chị thánh được Giáo Hội tôn phong là thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo, các phi công, những người bán hoa, và các bệnh nhân – đặc biệt là các bệnh nhân AIDS (SIDA). Thánh nữ Faustina (1905-1938) cũng chỉ là người kém cỏi về chữ nghĩa nhưng lại được Chúa Giêsu mặc khải bí quyết nên thánh là “tín thác vào Đức Kitô”. Thật là mầu nhiệm, đúng như Chúa Giêsu đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25; Lc 10:21).
Có sự trùng hợp thú vị: Khôn ngoan, Khiêm nhường và Kiêu ngạo đều bắt đầu bằng mẫu tự K. Ai khiêm nhường sẽ có khôn ngoan thật, ai kiêu ngạo sẽ có khôn ngoan ảo – tức là “khờ khạo” (cũng mẫu tự K). Thật lạ lùng! Ba mẫu tự K nhưng với hai hướng trái ngược nhau. Ước gì mỗi chúng ta luôn biết tự nhủ và hứa với Chúa: “Dầu hèn mọn và bị người khinh dể, huấn lệnh Ngài, con cũng chẳng quên” (Tv 119:141).
Ai cũng khả dĩ biết rằng có nhiều loại kho tàng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng chắc hẳn “kho tàng khôn ngoan” là kho tàng quý giá nhất. Quả thật, sự khôn ngoan rất cần thiết, nhất là đối với những người đang lữ hành giữa trần gian đầy mưu ma chước quỷ này. Vì thế, Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Chuyện Khôn – Dại cũng còn tùy quan niệm, cái khôn của người này có thể là cái dại của người khác, và ngược lại. Người Công giáo có câu vè thế này: “Khôn thế gian làm quan địa ngục, dại thế gian làm quan thiên đàng”.
Mặc dù không có niềm tin vào Đức Kitô, người đời cũng vẫn đề cao sự khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan cũng có năm nẻo, bảy đường. Văn hào Victor Hugo (Pháp) nói: “Sự thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan”. Còn Văn sĩ Robert A. Heinlein (Hoa Kỳ) so sánh: “Lòng tốt thiếu đi sự khôn khéo thì chẳng khác gì cái ác”. Kịch tác gia Menander (Hy Lạp) nhận định: “Tóc bạc không sinh ra sự khôn ngoan”. Đó là dạng triết-lý-sống ở đời, đôi khi phải biết “sống ngược đời”, như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tự trào: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người tìm chốn lao xao”. Thế đấy, mấy ai được “cái dại” như cụ Trạng Trình!
Kinh Thánh cho biết rằng, vào một đêm xa xưa tại Ghíp-ôn, Đức Chúa đã hiện ra báo mộng cho vua Salômôn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (1 V 3:5). Giấc mộng kỳ lạ quá chừng, đúng là hơn cả tuyệt vời, vì được Chúa “bật đèn xanh” như vậy thì còn gì bằng!
Tuy nhiên, trái với ý tưởng thông thường, vua Salômôn lại khiêm nhường thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay. Và bây giờ, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1 V 3:6-9). Vua Salômôn vô cùng khôn ngoan khi xin ơn khôn ngoan mà không nói rõ là sự khôn ngoan, mà chỉ xin “biết lắng nghe” và “biết phân biệt phải trái”. Biết hai điều đó thì khôn ngoan quá rồi! Quả thật, Kinh Thánh cho biết: “Chúa hài lòng vì vua Salômôn đã xin điều đó” (1 V 3:10).
Rất hài lòng về sự khéo léo của Vua Salômôn nên Thiên Chúa phán với ông: “Bởi vì ngươi ĐÃ XIN điều đó, ngươi đã KHÔNG XIN cho được sống lâu hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được TÀI PHÂN BIỆT ĐỂ XÉT XỬ, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3:11-12). Vua Salômôn không chỉ là người khôn ngoan nhất thế gian, mà có thể nói rằng ông cũng là người hạnh phúc nhất thế gian này, bởi vì ông đã chiếm hữu được “kho báu” của Thiên Chúa. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết cầu xin những điều có lợi cho người khác để làm hài lòng Thiên Chúa, và như vậy, chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ được một phần khôn ngoan của Vua Salômôn.
Thánh Vịnh gia cũng đã thực sự khôn ngoan khi thân thưa: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài” (Tv 119:57). Chúng ta phải noi gương này. Nếu vậy, chúng ta phải “coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu” (Tv 119:72). Đó là một dạng “từ bỏ mình” để theo Chúa, và như vậy là khôn ngoan. Nhưng điều đó không dễ thực hiện nếu chúng ta không “tự khó với chính mình”. Đồng thời, hãy tự cố gắng để có thể quyết tâm như “ông bụi đời” Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi – He must become greater, I must become less” (Ga 3:30).
Một quyết tâm rất khó: Hãy tự khó với chính mình (nhưng không khó với người khác), và khiêm nhường nài xin Thiên Chúa xót thương: “Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. Xin chạnh lòng thương cho con được sống, vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê” (Tv 119:76-77). Có thể quyết tâm như vậy rồi chúng ta mới dám thân thưa: “Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y. Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước, lòng ghét mọi đường nẻo gian tà. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay, nên hồn con tuân giữ. Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường” (Tv 119:127-130). Tuyệt vời quá, lô-gích quá!
Khiêm nhường là điều Thiên Chúa muốn, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng Ngài đã tự hạ đến tột cùng, tất nhiên Ngài không chỉ mong muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải sống khiêm nhường. Trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat), Đức Maria đã xác định điều đó: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52).
Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của tòa-nhà-nhân-đức, Cựu Ước cũng đề cao “viên đá góc tường” khiêm nhường và xác định: “Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay” (Hc 10:14). Ngôn sứ Isaia cũng nói rõ: “Đức Chúa làm nhục mọi đứa cao sang ngạo mạn, và hạ bệ mọi kẻ hiển danh trên mặt đất” (Is 23:9). Và thật lạ thay, chính vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã phải lên tiếng ca ngợi, tán dương và tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời công nhận mọi việc của Ngài là chân thật và đường lối của Ngài là công minh. Ông xác định: “Ngài có quyền hạ bệ kẻ quen thói kiêu căng hống hách” (Đn 4:34).
Thánh Ý Thiên Chúa cao sâu và huyền nhiệm, quan phòng kỳ diệu, tiền định lạ lùng, chúng ta không thể nào hiểu thấu. Nhưng về ý định cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:28-29). Ôi, thật là tuyệt vời! Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và thương xót, được giải thoát khỏi ách tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô, được phục hồi cương vị làm con cái, lại còn được làm em của Chúa Giêsu nữa. Phàm ngôn không thể nào diễn tả đủ mức niềm hạnh phúc mà chúng ta đã và đang được tận hưởng!
Đưa ra một chuỗi hệ lụy liên kết với nhau theo tính lô-gích, Thánh Phaolô xác định: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:30). Được “hưởng phúc vinh quang” tức là được vào Nước Trời, được vào Thiên Đàng, được hưởng phúc trường sinh. Mục đích của tín nhân là thế mà thôi!
Tuy nhiên, muốn vào Thiên Quốc hay không là quyền tự do riêng của mỗi người, Thiên Chúa không hề ép buộc bất kỳ ai, vì Ngài đã ban cho chúng ta quyền tự do trọn vẹn, và Ngài luôn tôn trọng quyền đó nơi mỗi chúng ta. Nhưng vì thương xót chúng ta, Ngài không thể bỏ mặc chúng ta, nên Ngài vẫn cảnh báo hoặc động viên chúng ta, vì Ngài muốn tất cả chúng ta được vào Nước Trời, chứ không muốn ai phải hư mất. Có lẽ vì tôn trọng tự do của chúng ta mà Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn và với cách nói: “Ai có tai thì nghe” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35). Như vậy, chúng ta cần phải thực sự tỉnh thức, tức là phải sống khôn ngoan, biết chọn lựa để có thể trở nên công dân vĩnh viễn của Thiên Quốc.
Khi đề cập Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều dụ ngôn để mô tả. Tin Mừng hôm nay gồm ba trong số các dụ ngôn đó: Kho Báu, Ngọc Quý, và Chiếc Lưới.

1. KHO BÁU (Mt 13:44) – dụ ngôn rất ngắn gọn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”. Chắc chắn dụ ngôn này không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, “bán tất cả những gì mình có” hay không, đó là quyền chọn lựa riêng của mỗi người. Cái “khó” là can đảm và dứt khoát có “bán” hay không.

2. NGỌC QUÝ (Mt 13:45-46) – dụ ngôn cũng ngắn gọn: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”. Dụ ngôn này cũng không hề khó hiểu, tương tự dụ ngôn “kho báu”, nhưng lại cũng có cái khó, vì chúng ta có quyền tự do “bán tất cả những gì mình có” hay không, không ai có thể bắt buộc.
Trong cuộc sống đời thường, có lẽ đa số chúng ta không là triệu phú hoặc tỷ phú (tính theo ngoại tệ, cụ thể là Mỹ kim, chứ nội tệ thì “tệ” lắm, ngày nay người Việt nào cũng chí ít là triệu phú, bởi vì tiền Việt là… “vô giá”, có lẽ phải gọi là Việt tệ), nhưng dù nhiều hay ít thì tài sản riêng của ai cũng “lớn” lắm, không dễ gì dứt khoát từ bỏ. Tài sản đó không phải là vật chất, mà là cái Tôi, tính tự ái, lòng kiêu ngạo, thói sĩ diện,... đặc biệt là “kho tàng” tội lỗi, bởi vì phạm tội cũng có cái “thú riêng”. Trái cấm bao giờ cũng hấp dẫn, ngọt ngào, mà “ăn vụng” mới ngon làm sao! Bởi vậy, Chúa Giêsu đã nói chắc nịch: “Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó” (Mt 6:21; Lc 12:34).

3. CHIẾC LƯỚI (Mt 13:47-50) – dụ ngôn dài hơn một chút: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Riêng dụ ngôn thứ ba này có vẻ “nặng đô” hơn hai dụ ngôn kia, cũng rõ hơn và “mạnh” hơn. Dụ ngôn này tương tự dụ ngôn “Cỏ Lùng” (Mt 13:24-30). Tất nhiên không ngư dân nào lại để chung cá xấu với cá tốt, chắc chắn họ sẽ loại cá xấu ra. Cá xấu “bị vứt ra ngoài” thì thôi rồi, “amen tùm”. Bị vào nơi chỉ có lửa thì tha hồ mà “sưởi”, rồi tha hồ khóc lóc và nghiến răng cho… “đã”, giống như kiểu người ta nói đùa là “…và làm việc đền tội cho SƯỚNG. Amen”. Ở Hỏa ngục thì “sướng” thật đấy! Cứ tha hồ than thở suốt đời mà chẳng ai dỗ dành, an ủi, chẳng ai thương xót, hết đường thoát thân, Chúa cũng không cứu nổi, bởi vì đó là cách chọn lựa theo ý muốn tự do của chúng ta. Ôi, khủng khiếp quá chừng luôn!
Đây là điều chắc chắn: Hỏa Ngục là nơi có thật, thật hơn cả sự thật. Nhiều người phải sa Hỏa Ngục bởi vì họ chưa bao giờ tin Hỏa Ngục có thật, mặc dù đã nghe nói tới nhiều rồi (x. Nhật Ký Thánh Faustina, số 741). Chúa Giêsu cũng đã mặc khải Hỏa Ngục cho vài vị thánh được thị kiến. Chuyện thật chứ không đùa. Chưa đủ lòng mến để có thể ăn năn tội cách trọn thì chí ít cũng vì sợ mà ăn năn tội cách chẳng trọn. Chúa vẫn chấp nhận vì Ngài là Đấng “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2:4).
Sau khi nói xong ba dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các đệ tử: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”. Họ cùng đáp: “Thưa hiểu”. Ngài kết luận: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Chúng ta đã nghe nói và biết nhiều về Nước Trời, càng nhiều tuổi càng nghe nhiều, phần quyết định thuộc về mỗi người. Ước gì chúng ta đủ can đảm để “bán những gì mình có” để có được tấm “Visa Nước Trời” trong tay, như vậy thì an tâm, chỉ còn chờ “chuyến bay” mà thôi!
Nói về tình-trạng-được-cứu-độ, tức là điều kiện để “được vào Nước Trời”, Thánh Tiến sĩ Lm Thomas Aquino (Tomás de Aquino, Tommaso d’Aquino, Thomas d’Aquin, 1225-1274) cho biết bí-quyết-sống: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”. Tin, Muốn và Làm là ba động từ quan trọng, giống như một tam-giác-sống đối với đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu, đó cũng là điều kiện “ắt có và đủ” để khả dĩ trở nên “công dân Nước Trời” vậy.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu, xin dạy con biết đường lối và thánh chỉ của Ngài, và xin giúp con can đảm tuân theo đến cùng; xin ban cho con ơn thông minh và khôn ngoan để sáng suốt chọn lựa những gì đúng ý Ngài; xin dẫn con đi trên đường ngay nẻo chính của Ngài, nếu không có Ngài thì con chẳng làm được gì (Ga 15:5); xin hướng lòng con nghiêng về Thánh Ý, không ngả theo danh lợi phù vân; xin giúp con biết “khao khát huấn lệnh Ngài” để con “được hưởng tình thương và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài” (Tv 119:41). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét