Mở cửa đón người tâm thần về ở
(Thứ
tư - 07/06/2017)
Nằm tại thôn Thanh Bình 1
(Bình Thạnh, Đức Trọng - Lâm Đồng), cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức suốt hơn 10
năm qua đã trở thành mái nhà chung của gần 400 bệnh nhân tâm thần khắp cả nước.
Đây là tâm huyết của vợ
chồng ông Phanxicô Bùi Văn Thu khi mang tình yêu thương bao bọc những mảnh đời
bất hạnh.
Được thành lập ngày
6.10.2005 và một năm sau, cơ sở chính thức được cấp phép hoạt động, trở thành
nơi chăm sóc và phục vụ miễn phí cho người tâm thần, người nghèo, người già neo
đơn, lang thang cơ nhỡ. “Cơ duyên với người tâm thần bắt đầu từ khi chúng tôi
nghe kể về một bệnh nhân bị xích cách xa nhà ở vì mỗi khi phát bệnh rất nguy hiểm.
Chúng tôi ghé thăm và đón anh về, cởi khóa chân tay cho anh. Đó là người tâm thần
đầu tiên đến với cơ sở này”, ông Thu nhớ lại. Từ đó, rất nhiều người khắp nơi mắc
căn bệnh này đã tìm đến đây, trong đó một nửa các bệnh nhân đã lập gia đình.
Con số ngày càng nhiều, lên tới hơn 200 nam và hơn 150 nữ, nên vợ chồng ông bà
Thu không thể tiếp nhận chăm nuôi những đối tượng khác mà chuyên tâm lo cho người
tâm thần.
Nhận thấy trước những mối
nguy hiểm khó lường trong đời sống sinh hoạt giữa các bệnh nhân nam và nữ, ông
bà gom góp tiền bạc và sự trợ giúp của ân nhân để bắt tay xây dựng hai khu
riêng ngay trên mảnh đất của gia đình và cùng sống với những người bệnh, gọi họ
bằng hai tiếng thân thương “anh em”. Tuy vẫn còn thiếu thốn nhưng đây là mái ấm
mà những người tâm thần được sống và sinh hoạt như bao người bình thường, không
có bất kỳ sự kỳ thị và xa lánh nào.
Mở cửa đón người tâm thần
về ở - Ảnh minh hoạ 2
Ngẫm lại bước đầu khó
khăn xây dựng cơ sở, ông bà Thu vẫn luôn thầm cảm nghiệm bàn tay Thiên Chúa nâng
đỡ: “Tôi vẫn luôn xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính Ngài đã thúc
đẩy và gởi các ân nhân tới giúp đỡ cơ sở, từ
người Công giáo cho đến các đoàn Phật tử, sinh viên, thiếu nhi cũng như
sự cộng tác của các hội dòng. Nhiều người ghé thăm đã cùng sinh hoạt, vui chơi
với anh em bệnh nhân, rồi tặng những phần quà thiết yếu cho đời sống”. Hồi tưởng
lại thời điểm ban đầu, ông bà không thể nào quên những tháng ngày gian nan ấy,
khi đó lương thực không đủ, hai người cùng mấy cộng sự phải chạy vạy khắp nơi
lo từng bữa cho các bệnh nhân. Dù khó khăn, nhưng họ đã cùng nhau vượt qua.
Gắn bó hơn 10 năm với người
bệnh tâm thần, ông bà Thu trải qua không ít vất vả, nếu không có tấm lòng, sự
yêu thương thì khó có thể kiên nhẫn bởi nhiều khi phát bệnh, anh em đánh đập hoặc
khỏa thân chạy rông. Đồng hành và san sẻ công việc cùng ông bà là những người
thiện nguyện chăm lo vệ sinh, nấu nướng, giặt giũ… Mỗi người đảm trách mỗi việc,
nhờ đó chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tương đối ổn thỏa.
Không chỉ chăm lo cái ăn
cái mặc, ông Thu còn xây dựng những sân chơi thể thao rộng rãi với các bộ môn
bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bida… giúp anh em bệnh nhân vận động tay chân và
trí óc, qua đó dần hồi phục. Vào thứ Năm và Chúa nhật hằng tuần còn có chương
trình sinh hoạt do các tu sĩ trong và ngoài giáo phận Đà Lạt đến tổ chức. Người
bệnh được vui chơi, hát hoặc kể chuyện cho nhau nghe, tuy có thể không hết một
bài hát hay một câu chuyện nhưng lại tạo bầu không khí thư giãn, tinh thần thoải
mái và phấn khởi.
Mỗi ngày 4 lần, ông bà
Thu quy tụ anh em bệnh nhân Công giáo lại cùng đọc kinh và lần chuỗi lòng
thương xót dưới sự hướng dẫn của các tu sĩ hoặc những cộng tác viên. “Dù có thể
anh em tâm thần trí óc không minh mẫn, nhưng tôi vẫn tin rằng tình yêu Thiên
Chúa luôn đổ tràn xuống và chữa lành những tâm hồn bất hạnh”, ông Thu chia sẻ cảm
nghiệm.
Ước ao của ông bà là có một
ngôi nhà nguyện dành cho bệnh nhân ngay tại nơi này và điều ấy cũng đã trở
thành hiện thực. Ngôi nhà nguyện đơn sơ này từng được Đức cha Antôn Vũ Huy
Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt đến làm phép. Và trong dịp lễ Đức Mẹ Lộ Đức
năm nay (11.2.2017) - quan thầy của cơ sở tình thương Trọng Đức, Đức Hồng y
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cũng đã dâng thánh lễ và ban phép lành cho công cuộc bác
ái cũng như cho mỗi thành viên mái ấm.
LÊ HÀ
Nguồn tin: Báo Công Giáo
& Dân Tộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét