Linh mục và người nghèo
(Thứ
tư - 12/07/2017- ĐGM GB. Bùi Tuần)
Linh mục được sai đi, đem
Tin Mừng đến cho mọi người. Tuy nhiên, ngài không thể quên được dấu chỉ thuyết
phục nhất về sự hiện diện của Chúa chính là đem Tin Mừng cho những người nghèo.
Xét theo giàu nghèo,
chúng ta có thể nói chung chung thế này :
Giáo hội Việt Nam chia
thành hai phần: Một phần gồm những giáo phận giàu và những giáo xứ giàu. Một phần
gồm những giáo phận nghèo và những giáo xứ nghèo. Khoảng cách giàu nghèo là khá
lớn.
Nội bộ mỗi phần thì không
đồng nhất. Giữa đa số người giàu vẫn có những thiểu số người nghèo chen vào. Giữa
đa số người nghèo vẫn có những thiểu số người giàu nổi lên như những hòn đảo
sang trọng. Khoảng cách giàu nghèo được nhận thấy rất rõ.
1/ Loan báo Tin Mừng cho người nghèo là dấu chỉ sự hiện diện của
Chúa Cứu Thế
Phúc Âm thánh Mátthêu viết:
“Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn
đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là
chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giêsu trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho
ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người
cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại. Kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11,2-5).
Chúa Giêsu trả lời thánh
Gioan bằng các việc Người làm cho kẻ nghèo khó. Những việc đó chứng minh sự hiện
diện của Đấng Cứu Thế.
Phúc Âm thánh Luca cũng kể
ra những việc cụ thể Chúa Giêsu làm cho kẻ nghèo để chứng minh Người chính là Đấng
tiên tri Isaia đã nói trước:
“Họ trao cho Chúa Giêsu
cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù
biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng
ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi
xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ:
Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,17-21).
Chúa Giêsu quả quyết Tin
Mừng cho kẻ nghèo là dấu chỉ sự Chúa Cứu Thế hiện diện.
Đã hẳn, Tin Mừng được rao
giảng cho mọi người. Nhưng, những việc bác ái dành cho kẻ nghèo được coi như bước
đầu của việc rao giảng Tin Mừng. Hơn nữa, những việc cụ thể liên hệ với kẻ
nghèo sẽ mãi mãi kéo dài trong mọi hình thức loan báo khác của Tin Mừng.
Đừng nói: Nếu không có
người nghèo thì sao? Chúa Giêsu quả quyết : “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng
có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được” (Mc
14,7). Thực tế cho thấy, số kẻ nghèo truyền thống hiện nay có bớt, nhưng vẫn
còn la liệt vô số kể. Hơn nữa, hiện đang xuất hiện nhiều thứ nghèo mới còn bi
đát hơn thứ nghèo truyền thống.
Những lời Chúa khẳng định
trên đây về Tin Mừng cho người nghèo khó đã ảnh hưởng lớn đến mục vụ và truyền
giáo thời Giáo hội sơ khai. Đến nỗi, không chỉ là giúp đỡ người nghèo, mà mọi
người đã bằng lòng chia sẻ của cải cho nhau, mỗi người lãnh nhận tùy theo nhu cầu.
Sách Tông đồ Công vụ viết
về họ như sau: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của
chung. Họ đem bán đất đai của họ, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”
(Cv 2,44-45).
Hiện nay, vì tình hình đổi
thay, sự chia sẻ của cải như thế chỉ còn rút gọn vào mấy cộng đoàn dòng tu. Tuy
nhiên bổn phận giúp đỡ người nghèo vẫn được nhắc nhở một cách nghiêm khắc.
2/ Từ chối cứu người
đói là giết họ
Công đồng Vatican II
tuyên bố: “Các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo hội dạy rằng: Mọi người có bổn phận
phải nâng đỡ người nghèo, không phải chỉ bằng của cải dư thừa. Còn những kẻ sống
trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần
thiết cho mình.
“Trước con số quá lớn những
người đói khổ trong thế gian, thánh Công đồng thiết tha kêu gọi mọi người và mọi
chính quyền nhớ lại lời sau đây của các Giáo phụ: Hãy cho kẻ sắp chết đói ăn,
vì nếu không cho họ ăn, tức là đã giết chết họ” (Cđ. Vat.II, Giáo hội trong thế
giới hôm nay, số 69-11).
Như vậy, từ Phúc Âm cho đến
Công đồng, người nghèo vẫn là địa chỉ đã được ghi rõ, để linh mục tìm đến.
Đến với người nghèo là để
thực hiện 3 việc này:
- Một là trao tặng họ một
cứu giúp nào đó.
- Hai là sự cứu giúp đó
là do tinh thần hy sinh từ bỏ của cải và bản thân mình.
- Ba là để theo Chúa
Giêsu.
Ba việc trên đây rút từ Lời
Chúa nói với người thanh niên có nhiều của cải: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo. Anh sẽ được một kho tàng
trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21-22).
Người nghèo không chỉ là
người lãnh nhận. Nhưng họ cũng là người cho đi. Chúa Giêsu khen họ, cho dù những
gì họ cho đi chẳng được bao nhiêu. Của ít mà lòng nhiều. Chuyện Đức Giêsu khen
bà góa nghèo dâng 2 đồng tiền kẽm vào thùng dâng cúng ở Đền thờ, là một bằng chứng
(x. Mc 12,41-44).
Như vậy, quan hệ của linh
mục đối với người nghèo là một điều quan trọng. Hãy coi sự xót thương người
nghèo là một cách làm chứng cho Chúa. Cách làm chứng này được coi là rất cần
cho Việt Nam của chúng ta hôm nay.
ĐGM GB. Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét