Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Tản mạn về lý tính và cảm tính

Tản  mạn  về  lý  tính  và  cảm  tính
(2 March, 2017-trithuc.net)


Trong thực tế cuộc sống, con người ta luôn muốn sống, đối nhân xử thế “có lý có tình”, “thấu tình đạt lý”. Khi quyết định hay đánh giá một con người, một vấn đề, một sự kiện, chúng ta luôn mong muốn và hướng tới “tâm phục, khẩu phục”, “công tâm, công bằng”.

Lẽ tự nhiên là vậy nhưng thực tế thì con người ta không phải ai cũng có thể xử lý mọi việc để mọi người xung quanh thật sự tâm phục, khẩu phục; người thì quá lý tính, người thì quá cảm tính, rất ít người cân bằng được giữa lý tính và cảm tính.
Yêu nên tốt, ghét nên xấu
Có một thực tế là hầu hết những người yêu nhau đều thấy người yêu của mình toàn những điều tốt đẹp, đẹp từ hình thức đến nội dung, nếu chót có điểm yếu nào đó thì hoặc họ coi cái đó là thứ yếu hoặc họ nhìn với con mắt ngược lại thành ưu điểm. Thế nhưng vẫn đôi ấy khi bỏ nhau, khi hết yêu nhau thì họ lại nhìn thấy đối phương toàn điểm xấu, xấu từ hình thức đến tính tình, đến cười họ cũng thấy vô duyên, nhiều đôi còn không thể nhìn mặt nhau.
Chính vì vậy mà ông bà ta có câu: “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông” hoặc “chanh cũng khen ngọt mà hồng chê chua” hoặc “yêu ai thì nói quá ưa, ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.
Con người ta thường sống theo cảm tính
Chúng ta ai cũng biết lý trí hay lý tính giúp con người tìm ra chân lý, tìm ra sự thật, tìm ra những cái tồn tại bất biến không phụ thuộc vào ý chí con người, nó giúp soi sáng, dẫn dắt hành vi của con người, giúp con người khỏi lầm đường lạc lối.
Nhưng cảm tính lại là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, con người ta dùng các giác quan để cảm nhận, nắm bắt sự vật. Chính vì vậy cảm tính là động lực để thúc đẩy con người hành động, tạo nên nhiệt huyết, tạo nên tình cảm, tạo nên tâm hồn, làm cho con người có sức sống.
Nếu con người chỉ thuần lý tính thì con người cũng giống như con robot vô cảm chỉ biết hành động theo chương trình sẵn có, nhưng nếu con người chỉ thuần cảm tính thì con người lại gần giống với các con động vật không có lý trí. Chính vì vậy con người phải cân bằng giữa lý tính và cảm tính, nghĩa là họ vừa có tâm hồn và con tim vừa có ý chí và lý trí lành mạnh.
Nhưng thực tế cho thấy, đa số con người chỉ dừng lại ở cảm tính, hành xử theo cảm tính, bị tình cảm và cảm xúc dẫn dắt, nếu có lý luận cũng thường do cảm tính dẫn dắt. Lý luận thường chỉ để biện minh, bảo vệ cho ý muốn, mục đích của mình, để hợp thức hóa cho những hành vi của mình. Nhà kinh tế học Richard H. Thaler sau hàng chục năm nghiên cứu đã đưa ra kết luận: “TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU HÀNH XỬ CẢM TÍNH“.
Chỉ có những người có quá trình nhận thức và rèn luyện tốt, có nền tảng văn hoá cao, vượt qua cái tôi của bản thân mới có thể hành xử cân bằng, hài hoà giữa cảm tính và lý tính, đấy là những người được bạn bè, người thân, cộng sự, đồng nghiệp yêu quí và nể trọng.
Người Việt càng sống theo cảm tính
Hầu hết các nhà nghiên cứu về văn hóa đều cho rằng hoạt động nông nghiệp mang đặc tính tĩnh hơn hoạt động du mục và công nghiệp, trong đó nông nghiệp lúa nước lại là hoạt động tĩnh nhất. Chính vì vậy mà văn hóa truyền thống Việt Nam mang nặng “âm tính”.
Với văn hoá truyền thống mang nặng âm tính nên số đông người Việt chúng ta sống theo cảm tính, suy nghĩ và hành động thường để cảm xúc và tình cảm dẫn dắt, nếu có lý luận thì cũng bị cảm giác chi phối, dùng lý luận để bảo vệ, biện minh cho cảm xúc của mình. Chính vì vậy cảm tính trở thành yếu tố quan trọng trong các quyết định, phán xét, từ đó dẫn đến việc đối nhân xử thế tuy có tình nhưng thường thiếu công minh, trong tổ chức thường có sự thiên vị, thiếu công bằng. Trong thực tế số người hành xử theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, “nhất thân, nhì quen” không phải là ít.
Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, đặc biệt là toàn cầu hoá, chúng ta học được người phương tây một số nguyên tắc hạn chế bớt cảm tính, đó là các nguyên tắc dựa trên các chỉ số (KPI), đặc biệt là các KPI số hoá để phân tích đánh giá một tổ chức, một cá nhân và nguyên lý: hãy nhìn vào kết quả để đánh giá tổ chức, con người, không nhìn vào tính tình và sở thích cá nhân.
85% thành công là nhờ các mối quan hệ
Andrew Canegie, ông vua thép, một trong 2 tỷ phú giầu nhất thế giới mọi thời đại đã đúc kết: “85% thành công trong kinh doanh là nhờ vào các mối quan hệ và chỉ có 15% là nhờ vào kiến thức chuyên môn mà thôi“.
Bằng cuộc đời mình và các đối tác, bạn bè, cộng sự của mình cộng với thấu hiểu sự thật là trong xã hội đa số mọi người hành xử theo cảm tính, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, Andrew Canegie đã đúc kết ra một nguyên lý hết sức quan trọng, giúp chúng ta định hướng tư duy, hành động của mình, nếu muốn thành công lớn.
Hoạt động kinh doanh là hoạt động mở, không bị giới hạn trong một tổ chức, một quốc gia, nó không chỉ thuần tuý là nhận xét hay đánh giá một con người mà là việc lựa chọn có hợp tác, giúp đỡ người này hay hợp tác giúp đỡ người khác. Người thành công là người nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là của những người thành công hơn.
Chính vì vậy những người thành công nhất thường dành ưu tiên thời gian cho 2 việc mà họ cho là quan trọng nhất: xây dựng và tích luỹ những giá trị sống tốt đẹp cho tổ chức, cho cá nhân và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Chân thành là cốt lõi của các mối quan hệ
Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân tôi hiểu rằng CHÂN THÀNH là cốt lõi nhất của các mối quan hệ, dù là quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên với cấp dưới, quan hệ giữa bạn hàng với nhau, quan hệ giữa người mua và người bán đến quan hệ yêu đương.
Trừ mối quan hệ xã giao trong chốc lát, phần lớn các mối quan hệ đều lâu dài, nên nếu ai đó không chân thành, không thật lòng, đóng kịch, diễn kịch hay dùng tiểu xảo dù là kín đến đâu, khéo đến đâu trước sau người khác cũng biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét