Các bậc cha mẹ nên hành xử ra sao khi con cái cãi lời?
(trithuc.net)
Khi con cái cãi lời thì bạn
không nhất định luôn phải nhẫn nhịn làm ngơ, mà cần phải có nguyên tắc, giới hạn
để đối đãi, xử lý vấn đề tốt nhất có thể.
Khi con cái cãi lời, cha
mẹ đừng vội mẳng mỏ, hãy bình tĩnh tìm nguyên nhân để tháo gỡ. (Ảnh:
Ravishly.com)
Nhiều bậc phụ huynh quan
niệm rằng con cái là phải nhất nhất nghe lời cha mẹ, và luôn mang đòn roi ra
‘đe dọa’ trẻ nhỏ mỗi khi các em phản bác. Hoặc cha mẹ lại cảm thấy bị xúc phạm
mà tức giận, nổi trận lôi đình với con.
Thực ra, trẻ mỗi ngày một
lớn lên, nhận thức về thế giới xung quanh của chúng cũng như nhân cách ngày một
thay đổi, và dần hoàn thiện hơn. Đến khi trẻ lên 6 hoặc 7 tuổi, sẽ ‘đột nhiên’
từ đang luôn luôn vâng lời cha mẹ bỗng ‘quay ngoắt’ sang học cách phản bác lại
cha mẹ. Nếu lúc ấy, cha mẹ mà ngay lập tức “nổi cơn tam bành” là hỏng việc rồi,
khi ấy cần phải nhẫn nại, tìm biện pháp để giáo dục con cái một cách có lý trí.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ
cũng đừng quá phiền muộn. Kỳ thực, đây cũng có thể coi là biểu hiện đang dần
“trưởng thành” của các em: Thuận theo thời gian, ý thức độc lập của các bé cũng
ngày một lớn dần lên, mạnh mẽ hơn, bắt đầu có quan điểm nhìn nhận vấn đề riêng
của mình.
Nếu nhân nhượng quá thì
con cái sẽ thấy cha mẹ không nghiêm khắc mà ‘được đằng chân, lân đằng đầu’, có
thể sau này sẽ phát sinh nhiều sự việc nghiêm trọng khó lường; nhưng nếu quá khắt
khe, thì con trẻ sẽ không dám biểu đạt những suy nghĩ của mình với cha mẹ, dần
dần con trẻ sẽ xa lánh cha mẹ, không còn thích trò chuyện và chia sẻ cùng cha mẹ
nữa.
Do đó, khi con cái cãi lời,
bạn hãy thử làm theo các gợi ý dưới đây xem sao:
1. Luôn bình tĩnh
Thực tế mà nói, trước khi
cha mẹ “lên lớp” cho con trẻ, các bé đã cảm nhận được một bầu không khí căng thẳng
rồi. Bởi vậy, những lúc xảy ra chuyện, cha mẹ cần gắng sức ‘hạ hỏa’ để duy trì
một bầu không khí ôn hòa nhất có thể, vì nếu la lối om sòm, dọa nạt này nọ, hoặc
giả gào lên rằng “Con thật hư đốn, dám cãi cả lời cha mẹ à?” thì chỉ tổ đẩy sự
tình căng thẳng thêm mà thôi.
Do đó, có lẽ cách giải
quyết tốt nhất là: trước tiên bạn phải kiềm chế bản thân, chớ ‘phản ứng ngay lập
tức’ mà hãy im lặng, hít một hơi thật sâu, lặp lại vài ba lần hít thở như vậy,
đếm thầm trong tâm 1,2,3… đến vài chục số, sau đó hãy tiếp tục suy xét xem cần
nói với con ra sao, cần làm những gì để hóa giải tình huống “gay go” này.
Nếu bạn vẫn cảm thấy bạn
hoặc con bạn sẽ nổi nóng, thì hơn hết hãy tiếp tục cố gắng để giữ cho tâm bình
khí hòa, nói với con hãy rằng tất cả cùng thư giãn một lát, đợi khi mọi người
bình tĩnh lại thì cả nhà sẽ tiếp tục giải quyết sự việc.
Trong trường hợp con trẻ
cãi lời bạn tại chốn đông người, thì việc bạn quở trách con trước đám đông là
điều vô cùng tối kỵ. Hãy nhẹ nhàng bảo con rằng: “Chúng ta hãy tạm gác vấn đề
đó lại không bàn đến ở đây, đợi về nhà sẽ tiếp tục nói chuyện tiếp”
(Ảnh: bigstockphoto.com)
2. Xác định căn nguyên của vấn đề
Sau khi giữ bình tĩnh để
có một ‘khoảng hòa hoãn” trong tâm mà suy xét, cha mẹ hãy suy nghĩ xem nguyên
nhân thực sự phía sau hành vi cãi lại của con trẻ. Kỳ thực, phần lớn hành vi phản
bác cha mẹ lại không biểu đạt đúng nội tâm của trẻ, không phải các em thực sự
phản đối hay không nghe lời cha mẹ.
Có thể trẻ đang phải chịu
áp lực quá lớn, hãy tìm nguyên nhân và giúp trẻ vượt qua trạng thái tâm lý đó.
(Ảnh: liveinternet.ru)
Đôi khi, việc học tập ở
trường căng thẳng, ma sát với bạn học khiến tâm tình trẻ phiền muộn không vui,
thành thử về nhà đem loại cảm xúc ấy mà “xả” hết ra với cha mẹ. Bởi theo lẽ thường,
trẻ nhỏ sẽ thấy rằng việc trút cơn khó chịu ấy với cha mẹ là an toàn nhất. Hoặc
đôi khi áp lực học hành lên trẻ quá lớn, mà có khi sẽ đột nhiên gào thét lên với
cha mẹ, thậm chí còn không cho phụ huynh ở trong phòng riêng của mình.
Khi phát sinh tình huống
này, thì lời khuyên vẫn là cha mẹ trước hết phải bình tĩnh, cố gắng hỏi trẻ xem
vì nguyên cớ gì mà lại có cảm xúc đó, ví như nói: “Hôm nay ở trường học con gặp
chuyện gì hay sao?”, “Con có muốn ở một mình một lát không?”, v.v… Sau khi hiểu
được nguyên nhân trẻ giận dữ, cộc cằn như vậy, thì vấn đề sẽ dễ dàng được giải
quyết.
3. Chỉ ra cho trẻ thấy giới hạn chịu đựng của bạn
Vừa mềm mỏng vừa nghiêm
khắc khi giáo dục con. (Ảnh: Keywordsuggests.com)
Có trường hợp khi bạn đưa
ra yêu cầu với con cái, thì một đứa trẻ tính tình vốn rất ôn thuận cũng có thể
bỗng nhiên hét lên cãi lời bạn, rằng: “Mẹ đừng suốt ngày lải nhải với con như
thế được không?”. Kỳ thực, điều mà đứa trẻ muốn biểu lộ ra là: “Việc này mẹ nói
với con quá nhiều lần rồi!”.
Gặp tình huống này, bạn
chớ nên nổi nóng, mà hãy bảo với con rằng: “Những điều cha mẹ nói có thể khiến
con không vui, tạm thời có thể không để tâm đến những gì bố mẹ yêu cầu, nhưng nếu
con la hét hoặc quát tháo bố mẹ ‘đi ra ngoài’ thì bố mẹ tuyệt đối không cho
phép!”
4.
Có biện pháp răn đe con cái một cách khôn khéo
Bình thường, cha mẹ cần
nói và phân tích để giúp con cái nhận thức được hành vi hay lời nào nên hay
không nên. Dần dần các con sẽ hiểu và biết rằng nếu làm điều không đúng, hay
nói lời không nên nói, thì sẽ bị ‘trừng phạt’. Rồi sau đó, cha mẹ có thể chế định
ra hàng loạt các “biện pháp răn đe” tương ứng, ví như không cho chơi điện tử,
không cho xem ti vi, phạt làm việc nhà, hoặc phải đi ngủ sớm…
Cha mẹ hãy thông báo các
hình thức răn đe sẽ áp dụng với con trẻ, để tránh khi trẻ phạm lỗi mà bị phạt lại
‘không phục’. Đương nhiên, “dục tốc bất đạt”, bạn cần kiên trì áp dụng các
‘hình phạt’, chỉ có như vậy, con trẻ mới thấy rằng cha mẹ rất nghiêm túc, nói
là làm, bởi vậy mà các em sẽ chú ý hơn đến cử chỉ ngôn hành của bản thân.
Tuy nhiên, việc răn đe trẻ
bằng các ‘biện pháp trừng phạt’ này nhằm gửi một thông điệp đến trẻ rằng ‘cha mẹ
là người nghiêm túc’, chứ đừng lạm dụng nó khiến trẻ khiếp sợ cha mẹ mà làm rạn
vỡ tình cảm gia đình.
5.
Khích lệ, khen thưởng kịp thời
Cha mẹ cần phải cố gắng
tu thân dưỡng tính làm gương sáng cho con cái. (Ảnh: Womenonly.gr)
Khi thấy trẻ nhỏ có cử chỉ
ngôn hành biết tôn trọng người khác, thì cần phải khen ngợi, khích lệ con. Ví dụ,
khi con nói lời ngoan ngoãn, bạn có thể nói: “Mẹ rất ủng hộ cách con trả lời
cha mẹ như vậy” hoặc là “Con trả lời như vậy thì cha mẹ sẽ không khi nào trách cứ
con, mẹ vô cùng vui lòng, con làm tốt lắm!”
Biểu dương như vậy sẽ khiến
trẻ nhỏ vô cùng vui sướng. Đồng thời, cũng giúp các em hiểu được rằng cha mẹ
không phải chỉ là chăm chăm nhìn vào tật xấu của các em, mà thực ra, cha mẹ
đang quan sát hết thảy mọi thay đổi của bản thân các em.
Tất nhiên, mục đích quan
trọng nhất của tất cả những lời khuyên ở trên vẫn là để dần dần con trẻ sẽ
không cãi lời cha mẹ nữa, mà sẽ biết cách cư xử sao cho phải phép.
Thực tế mà nói, vấn đề
canh cánh trong lòng của các bậc làm cha làm mẹ là làm thế nào để dạy con cái
ngoan ngoãn, nhưng không phải ai cũng biết cách dạy dỗ sao cho đúng. Kỳ thực,
cha mẹ là tấm gương lớn để con trẻ học tập và noi theo, nên đạo đức, lối sống,
cử chỉ ngôn hành của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của
trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ cần phải cố gắng tu thân dưỡng tính, hãy thay đổi từ
trong nhận thức về phương pháp dạy dỗ con cái để các em nên người và sống có
ích.
Minh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét