Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Trước khi đi mua thuốc, hãy thử dùng ngò gai


Trước  khi  đi  mua  thuốc,  hãy  thử  dùng  ngò  gai
(24 February, 2017)

(Ảnh: etsy.com)

Trong ẩm thực, ngò gai mang lại hương vị đặc trưng cho các món ăn. Trong y học, nó phát huy tác dụng như một ‘kho thuốc tự nhiên’, giúp trị hàng loạt thứ bệnh: trị cảm sốt, giảm đau, sỏi thận, trị hôi miệng, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Tên khoa học của ngò gai là Eryngium foetidum L, trong dân gian, rau ngò gai được gọi là mùi tàu, mùi tây. Một số tài liệu cho rằng loài cây này có xuất xứ từ châu Mỹ, cụ thể là các vùng đất xung quanh Caribê, có lẽ vì vậy nên người ta cũng gọi nó là rau mùi Mê-hi-cô (mexican coriander). Ngày nay, ngò gai phổ biến nhất tại các vùng đất nhiệt đới, đặc biệt phổ biến tại Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và một số nơi thuộc Úc.
Nghiên cứu hiện đại phát hiện ra toàn thân loài cây này chứa rất nhiều hoạt chất hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt là loại vitamin, chất khoảng và hàng chục loại tinh dầu. Chiết xuất tinh dầu ngò gai được dùng nhiều trong các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên như mát-xa, dưỡng da, kháng khuẩn, hỗ trợ hô hấp và thư giãn…

Theo Y học cổ truyền rau ngò gai có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau. Từ xưa đến nay, loại rau này vẫn được dùng như một vị thuốc để phòng và trị các bệnh thông thường trong dân gian.

Cách trị bệnh bằng ngò gai:

1-Trị hôi miệng: lấy 1 nắm rau ngò gai, rửa sạch, sắc đặc, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Sau khoảng 5 – 6 ngày, miệng sẽ bớt mùi hôi.

2-Trị đầy hơi, ăn không tiêu: dùng 50g lá ngò gai, rửa sạch, thái dài khoảng 3 – 4cm. Gừng tươi: 10g đập dập. Tất cả sắc với 400ml nước, còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần dùng cách nhau 3 tiếng.

3-Trị đầy hơi: lấy 10 – 16g ngò gai rửa sạch, vò nát, hãm như hãm chè tươi, chia uống nhiều lần trong ngày.

4-Trị cảm mạo: ngò gai phơi khô 10g, cam thảo đất 6g. Sắc với 300ml nước, đun sôi trong khoảng 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.

5-Trị cảm cúm với hạt: hạt ngò gai giúp hạ sốt và chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi.

6-Trị cảm cúm với lá: Trị cảm mạo, đau ngực, ho và trẻ em lên sởi: dùng 10 – 15g lá ngò gai, sắc trong nước ấm và uống.

7-Trị sổ mũi, sốt nhẹ do nhiễm lạnh: lấy 20g ngò gai rửa sạch, thái khúc, 30g thịt bò băm nhỏ, vài lát gừng tươi. Đem nấu chín với 400ml nước. Món này ăn nóng. Khi ăn cho thêm ít hạt tiêu. Sau khi ăn xong, đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ khỏi.

8-Trị chướng khí, thở mệt: lấy ngò gai tươi rửa sạch, phơi khô nơi thoáng mát. Mỗi lần sắc 30 – 40g với hai bát nước còn 2/3 bát thì chia uống làm hai lần.

9-Long đờm: ngò gai giúp tống các chất đờm nhớt ứ đọng trong đường hô hấp gây khó thở và gây rối loạn đường hô hấp.

10-Trị ngực bụng đầy chướng: ngò gai 30g, sao khô, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước sắc trần bì.

11-Trị đau bụng, tiêu chảy:  20g lá ngò gai; củ sả, lá tía tô, gừng sống mỗi thứ 12g, sắc với nước, uống trong ngày.

12-Kích thích tiêu hóa: lá ngò gai có tác dụng kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày.

13-Trị rối loạn tiêu hóa: 1 – 2 muỗng nước ép từ rau mùi là thức uống vô cùng hiệu quả để chữa chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, nôn mửa, kiết lỵ, viêm gan và viêm ruột kết.

14-Trị ăn không tiêu, ăn mất ngon: uống 15g nước sắc lá ngò gai, hoặc ăn lá tươi trộn với dầu mè. Có thể dùng với cam thảo nam để giúp dễ tiêu.

15-Hạ cholesterol trong máu: thường xuyên uống nước ngò gai sẽ giúp làm hạ cholesterol trong máu.

16-Lợi tiểu: Đun 1 nhúm hạt ngò gai khô trong nước sôi, lọc, để nguội và uống nhiều lần trong ngày còn giúp lợi tiểu vì kích thích sự bài tiết của thận.

17-Trị sưng đau té ngã: 15g lá ngò gai, giã nát, ép lấy nước cốt, trộn với rượu trắng và uống. Đắp phần bã trên vết thương.

18-Trị trẻ nhỏ nổi mụn đỏ ngứa ở vùng mặt: ngò gai tươi, liều dùng nhiều ít tùy vùng bệnh. Giã nát, ép lấy nước cốt bôi.

19-Trị mụn bọc và mụn trứng cá: 1 muỗng nước ép ngò gai trộn chung 1 nhúm bột nghệ, rửa mặt thật sạch rồi bôi hỗn hợp này lên mặt mỗi tối trước khi đi ngủ. Bài thuốc này còn giúp tươi da nên dùng tốt cho những người có da khô.
Theo một số nguồn tài liệu khác, ngò gai còn giúp trị bỏng, đau tai, huyết áp cao, giảm cân, ký sinh trùng, sốt rét hay thậm chí là các vấn đề vô sinh… Dùng loại cây này trong ăn uống hàng ngày, tuy không thành bài thuốc nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho cơ thể nhiều lợi ích sức khỏe.
Lưu ý: Người có bệnh bao tử thì nên xay hoặc nấu nước uống tốt hơn là ăn lá tươi, nhất là lá già. Hạn chế dùng rau mùi cho các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính. Theo kinh nghiệm của người xưa để lại, phụ nữ đang mang thai tránh ăn ngò gai.

Kiên Thành tổng hợp
Tài liệu tham khảo:Paul JH1, Seaforth CE, Tikasingh T. Eryngium foetidum L.: a review. Fitoterapia. 2011 Apr; 82(3):302-8. doi: 10.1016/j.fitote.2010.11.010. Epub 2010 Nov 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét