Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

8 điều trẻ con sợ nhất đều liên quan đến cha mẹ


8  điều  trẻ  con  sợ  nhất  đều  liên  quan  đến  cha  mẹ
Thứ Ba, 25/10/2016 •trithucvn.net


Trẻ con sợ điều gì nhất? Mất đồ chơi? Hay hết đồ ăn ngon? Đều không phải, điều mà trẻ con lo lắng, sợ hãi nhất đều có liên quan đến cha mẹ, các bậc phụ huynh mới chính là tâm điểm quan trọng của các bé.

Dưới đây là 8 điều khiến các bé lo lắng nhất, các bậc cha mẹ nên cố gắng đừng lặp lại để tránh làm tâm hồn của trẻ bị tổn thương.

1. Cha mẹ cãi nhau
Một cơ quan nghiên cứu tâm lý trẻ em đã tiến hành một cuộc điều tra tình hình tâm lý của 3.000 trẻ nhỏ ở độ tuổi nhi đồng, trong đó có một câu hỏi: “Cháu sợ nhất điều gì ở cha mẹ?”, câu trả lời nhiều nhất đó là: “Cháu sợ cha mẹ tức giận, sợ họ cãi nhau nhất”. Có một câu trả lời rất sinh động: “Cháu sợ nhất là khi cha tức giận, khi đó cha rất dữ! Làm cho mẹ khóc, cháu giống như một con chuột nhắt sợ hãi vậy, tim đập thình thịch, cơm cũng không ăn nổi nữa…”

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con cái còn nhỏ, những lời nói, hành động giữa hai vợ chồng sẽ không có liên quan gì đến con. Sự thật là những đôi mắt hồn nhiên trong sáng của các bé đều ghi nhớ hết những lời nói, hành động của cha mẹ.

Có những gia đình hai vợ chồng không ngừng cãi nhau, mở miệng ra là nói tục chửi bậy, thậm chí còn động tay động chân, không khí gia đình thường xuyên căng thẳng, điều này đã hình thành áp lực vô cùng to lớn trong lòng đứa trẻ.
Có những bậc phụ huynh không hòa hợp lâu ngày, trong gia đình không nói với nhau câu nào, các bé sống trong hoàn cảnh gia đình như thế này sẽ bị ức chế, lâu dần sẽ gây tổn thương đến sức khỏe tinh thần của các bé, sẽ khiến chúng trở nên lạnh nhạt, cô đơn, bướng bỉnh, cọc cằn, hình thành tâm lý bất ổn.

Vì thế, cho con một không khí gia đình đầm ấm là điều mà các ông bố bà mẹ biết yêu thương con cái cần phải ghi nhớ.

2. Cha mẹ nổi giận
Trẻ con ngây thơ lại vừa nghịch ngợm, khi đã nhắc nhở nhiều lần rồi mà các bé vẫn không chịu ngồi yên, các bậc cha mẹ sẽ rất khó khống chế được cảm xúc sau một ngày mệt mỏi, và sẽ la mắng các con. Tức giận với con thật sự sẽ khiến các bé sợ hãi. Trong lúc hoảng sợ, các bé sẽ không làm những việc khiến cha mẹ phiền nữa. Nhưng rồi sẽ ra sao? Có những khả năng này sẽ xảy ra:

  Ngoan ngoãn nghe lời, cha mẹ bảo làm gì làm đó.

– Các bé bị dọa sợ hãi, chỉ đứng im không nhúc nhích.

– Khóc lớn lên, không làm những việc mà cha mẹ không muốn chúng làm và cũng không làm cả những việc cha mẹ yêu cầu.

– Bắt chước cha mẹ tức giận, ném bình hoa thích nhất xuống đất.

Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Vì thế cha mẹ tức giận nhất định sẽ ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của con trẻ. Thế nhưng, các bé không hiểu được vì sao cha mẹ lại tức giận. Cũng có nghĩa là khi rất nhiều bậc phụ huynh tức giận, con trẻ tuy sẽ dừng những việc mà cha mẹ không thích, nhưng các bé hoàn toàn không biết rốt cuộc bản thân mình đã làm gì sai.

Trong cuộc sống, tốt nhất là đừng nên nổi giận với các con, nhưng nếu như thật sự vô tình bất cẩn nổi nóng với con thì sau đó cần phải giải thích rõ ràng với các bé rốt cuộc vấn đề là gì, nên làm thế nào, đồng thời cũng phải để các bé cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của bạn.

Nếu có thể, trước khi tức giận, tốt nhất là cha mẹ hãy cảnh báo trước, ví dụ như: “Cha/ mẹ sẽ giận đấy, con hãy nhanh chóng…”, “Hôm nay tâm trạng của cha/mẹ không tốt, tốt nhất là con đừng…”.

Thế nhưng cha mẹ cũng không được vì cảm giác tự trách, hối hận sau khi nổi giận mà thả lỏng, nuông chiều các con được, điều gì cần kiên trì thì phải kiên trì, cần giáo dục con lý trí.

3. Cha mẹ thiên vị, không dành tình yêu thương công bằng cho các con
Có một bộ phim điện ảnh kể về một trận động đất, trong trận động đất này, bé trai và bé gái cùng bị kẹt dưới hầm, đối mặt với việc chỉ cứu được một người, người mẹ đã chọn cứu đứa con trai, rất may là sau đó cô bé cũng được cứu sống và được một đôi vợ chồng nhận làm con nuôi. Nhưng cô bé lại oán trách người mẹ thiên vị, thế nên dù ở bên ngoài có chịu khổ cực thế nào cũng không muốn quay về nhận người thân, chia cắt với gia đình suốt 32 năm.

Sự thiên vị khiến nhiều đứa trẻ từ nhỏ đến lớn không được cha mẹ quan tâm, cùng là con trong gia đình nhưng cha mẹ đối xử lại khác nhau, điều này sẽ gây ám ảnh khi đứa trẻ trưởng thành.

Một nghiên cứu cho thấy sự thiên vị của cha mẹ sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe tâm lý của trẻ em, dẫn đến những vấn đề về hành vi ở trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, dù cho sau khi lớn các em có sống xa gia đình, có gia đình riêng thì tác động trước đây vẫn còn đó. Hơn nữa, dù là các bé được thiên vị hoặc bị lạnh nhạt, chỉ cần cảm thấy được sự thiên vị của cha mẹ thì đều sẽ bị tổn thương. Những đứa trẻ bị lạnh nhạt sẽ oán hận cha mẹ hoặc người được cưng chiều. Các bé được cưng chiều lại sẽ bị anh chị em ghen ghét.

4. Cha mẹ nói dối
Lời nói dối của cha mẹ đa phần là xuất phát từ việc học hành của con, có những bậc phụ huynh tùy tiện hứa hẹn điều kiện nào đó, nhưng khi con trẻ hoàn thành yêu cầu thì lại ra sức từ chối. Ví như có cha mẹ nói: “Mau làm bài tập đi, làm xong thì xem TV”, nhưng khi con làm xong bài tập, lại cho thêm nhiệm vụ bắt con phải tiếp tục học; có gia đình hứa hẹn với con chỉ cần kết quả thi đứng top đầu thì sẽ có thưởng, đến khi con thật sự thi tốt thì lại không thấy phần thưởng đâu cả. Trẻ em rất ghét việc cha mẹ nói mà không giữ lời, lời nói không đáng tin, đùa giỡn với các em.

Thất tín đồng nghĩa với mất uy tín, lời cha mẹ nói không có giá trị chẳng những đánh mất uy tín của chính mình trong mắt con trẻ mà còn không có lợi cho sự phát triển của các con, thậm chí còn sẽ ảnh hưởng đến hình tượng bản thân đứa trẻ. Điều này sẽ hình thành quan niệm về việc giữ lời ở con trẻ, khiến trẻ cảm thấy một người nói chuyện không cần chịu trách nhiệm, hứa chuyện gì với người khác cũng có thể không làm. Như vậy thì rất dễ hình thành thói quen xấu “hời hợt”, “không đáng tin cậy”. Sau khi trưởng thành, thói quen “thất tín” này sẽ khiến bản thân trẻ mất đi rất nhiều bạn bè và cơ hội.

Là một người đáng tin cậy thường sẽ không dễ dàng hứa hẹn, đừng vì đạt được mục đích trước mắt mà tùy tiện hứa với con trẻ. Khi các con yêu cầu, cha mẹ phải suy nghĩ kỹ càng xem yêu cầu này có hợp lý hay không, có thực hiện được hay không. Nếu như hợp lý và khả thi thì phải hứa hẹn nghiêm túc, thực hiện nghiêm túc.

5. Trả lời câu hỏi của con một cách thiếu kiên nhẫn
Tò mò là bản tính của con người, đặc biệt là khi còn nhỏ tuổi thì sẽ càng tò mò. Thế nhưng có không ít các bậc phụ huynh không xem trọng các câu hỏi của con, không làm tốt vai trò “người thầy đầu tiên” trong đời các con.

Có cha mẹ chê con phiền phức, chỉ nói hai ba câu là đuổi con ra chỗ khác chơi. Tuy trẻ còn nhỏ nhưng chúng cũng có thể cảm nhận được thái độ của cha mẹ, sự lạnh nhạt của cha mẹ sẽ khiến con trẻ cảm thấy chúng không nên hỏi gì cả, hoặc không nên hỏi những điều như thế, làm cho trẻ mất đi tự tin vào khả năng của mình.

Sự qua loa của cha mẹ còn sẽ khiến con trẻ dần dần mất đi sự ham thích học hỏi và tò mò; hiểu nửa vời, trả lời cho có. Trẻ luôn rất tin tưởng lời nói của cha mẹ, bạn cho con câu trả lời sai, nhưng con lại ghi nhớ, một khi quan niệm không đúng đã vào đầu thì rất khó sửa lại. Bạn nói rằng bạn không có thời gian trả lời câu hỏi của con, đó chỉ là cái cớ, không thể là lý do được.

Nếu như cha mẹ không có thời gian trả lời ngay thì trước tiên nên làm rõ vấn đề của con, sau đó giải thích cho trẻ rằng bạn thật sự rất bận rộn, đồng thời hứa với trẻ khi nào có câu trả lời chính xác thì sẽ trả lời câu hỏi của con.

6. Không chào đón bạn của con
Các con cũng mong có những người bạn thân, cùng con chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống và phụ huynh cũng hy vọng con mình giỏi giao tiếp. Thế nhưng có những bậc phụ huynh có thể không thích bạn của con bởi những khuyết điểm như: không được lễ phép lắm, quá tính toán, thích bắt nạt, hay nói dối…

Nhưng đối với các con, cùng với sự phát triển tâm sinh lý, các con hy vọng người lớn đối xử với chúng như “người lớn”, tôn trọng ý kiến cá nhân của các con trong việc lựa chọn bạn bè. Nếu cha mẹ luôn cứ quản giáo và không ngừng tỏ ra rằng mình không thích bạn thân của con thì sẽ sinh ra tâm lý chống đối ở các con, từ đó mà khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn dần.

Các bậc cha mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn bạn bè của các con, nên đứng trên góc độ của con để nhìn bạn con. Hãy thay đổi góc nhìn và suy ngẫm, tôn trọng sự lựa chọn của các con. Cha mẹ phải chấp nhận sự khác biệt trong việc chọn bạn của bản thân và con cái, cũng như tôn trọng sự khác biệt này. Tất nhiên, cha mẹ cũng có thể định hướng cho các con trong việc “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học”.

7. Bỏ quên ưu điểm của trẻ
Làm cha mẹ, ai cũng luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Thế nhưng trong mắt nhiều bậc phụ huynh, các con mình lại luôn không bằng “con của người khác”. Rốt cuộc vì sao lại như vậy?

Điều này bắt nguồn từ tâm lý cha mẹ “mong con thành rồng”. Thế nhưng mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm, các con cũng vậy. Cha mẹ sống cùng các con mỗi ngày nên dường như chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà bỏ quên ưu điểm của chúng.

Trong cuộc sống thực tế, cha mẹ thường xuyên hạ thấp con của mình và so sánh, thậm chí là khoa trương và mỹ miều hóa về con của người khác, vốn dĩ nghĩ là muốn con mình xem đó là tấm gương, thế nhưng thực tế lại gây nên tổn thương rất lớn đối với các con, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến các con cả đời.

Là người lớn, đừng chỉ dựa vào vẻ ngoài, thành tích… để nhận định con mình không bằng người khác, không xuất sắc. Cha mẹ nên tìm ra được ưu điểm của con, nhận ra điều khác biệt của con so với người khác, phải luôn tin tưởng con mình rất ưu tú, hãy khen ngợi con để trẻ tiếp tục phát triển ưu điểm và sở trưởng theo những lời khen đó

8. Khiển trách con trước mặt khách
Có rất nhiều bậc cha mẹ thích kể lỗi của con trước mặt người khác giống như đang kể khổ, rằng mình nuôi dạy một đứa bé thế này khó khăn như thế nào. Thế nhưng lại không biết rằng bản thân chỉ biết chỉ ra những khuyết điểm của con trước mặt người khác để được họ khen ngợi mà vô hình chung khiến các con cảm thấy mình kém cỏi, không được ai xem trọng, ví như học hành, vẻ ngoài, giao tiếp, làm việc nhà đều kém cỏi khiến gia đình mệt mỏi và cảm thấy cha mẹ không hài lòng với mình, dần dần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.

Kết quả hình ảnh cho bố mẹ chửi con trước mặt người khác
Từ 8 điều cha mẹ làm khiến trẻ sợ hãi trên đây không khó để thấy rằng trong mắt các con thì “cha mẹ tốt, gia đình hạnh phúc” là cần phải có tình yêu thương, thoải mái, bao dung, bình đẳng, không khí vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau.

Thanh Tâm

Nhảy 6 phút một tuần có thể giúp xương chắc khỏe hơn

Nhảy  6  phút  một  tuần  có  thể  giúp  xương  chắc  khỏe  hơn
Thiên Lan-14/02/2019-THANH NIÊN ONLINE



Các chuyên gia kêu gọi phụ nữ trung niên nên thực hiện bài tập nhảy bật lên khỏi mặt đất 30 cái mỗi lần trong vòng 2 phút, 3 lần một tuần, để ngăn ngừa bệnh loãng xương, theo Mail Online.

Các nhà khoa học phát hiện ra việc nhảy lên khỏi mặt đất có thể tạo đủ lực và sức căng lên cơ bắp chân và hông nhằm ngăn ngừa tình trạng loãng xương xảy ra do tuổi tác.

Tiến sĩ Gallin Montgomery, từ Đại học Manchester Metropolitan (Anh), đã thử nghiệm các bài tập trên 14 phụ nữ trong độ tuổi 50, cho biết: Những động tác này thực sự dễ dàng và có thể thực hiện thoải mái tại nhà, theo Mail Online.
Nghiên cứu cho thấy nhảy mỗi lần 30 cái, 3 lần một tuần, có thể có lợi để ngăn ngừa loãng xương.
Những người phụ nữ trong nghiên cứu đã đạt được kết quả tốt nhất từ bước nhảy phản công, nhảy vung cao tay, bật lên khỏi mặt đất.
Việc hạ chân xuống mặt đất kết hợp với sự căng thẳng trên cơ bắp của người tham gia, được đo bằng các điện cực, đã chứng minh là đủ để củng cố hệ xương. Các phép đo tương tự của tác động của cơ bắp và lực cũng đã được thấy trong các nghiên cứu trước đây.

Bác sĩ Montgomery cho biết hiệu quả của các bài tập tương đương với mức tăng ròng khoảng 2% mật độ khoáng xương mỗi năm, có thể đủ để tránh bệnh loãng xương.
Tập thể dục tác động cao đòi hỏi xương phải làm việc nhiều hơn, do đó kích thích các tế bào tăng trưởng.
Hơn 20% phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương, so với gần 7% nam giới. Một nửa số phụ nữ trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương vì tình trạng này, theo Mail Online.
Mặc dù tập thể dục giúp tăng cường xương nhưng phụ nữ trung niên, đối mặt với nhu cầu công việc và chăm sóc con, cháu và cha mẹ già, thường ít có thời gian để luyện tập.

Thông thường, nếu chỉ đi bộ thì không đủ cho sức khỏe của xương và các nhà khoa học hy vọng rằng điều này khuyến khích nhiều phụ nữ thực hiện được tại nhà chỉ trong vài phút.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng những người lớn tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập mới, theo Mail Online

SỰ CHỊU ĐỰNG


SỰ  CHỊU  ĐỰNG
Sun, 24/02/2019 - Trầm Thiên Thu



Hãy biến nỗi sợ hãi thành sự can đảm. Hãy để cho niềm tin lớn hơn sự sợ hãi. Khi có những dấu hiệu nhỏ về sự thật trong các tiền đề hiện đại này, nên cầu xin ơn can đảm để chịu đựng.

Sự chịu đựng có nghĩa bao gồm các nhân đức chủ yếu và bảy tặng phẩm của Chúa Thánh Thần. Đó là lĩnh vực đáng giá và cần thiết trong quá trình tiến bộ của chúng ta trong lĩnh vực tâm linh.

Thật là thú vị, sự chịu đựng không ngoại trừ lòng can đảm, như nhiều người trong chúng ta đã được học và nhớ có bảy ơn Chúa Thánh Thần để chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Theo các học giả ủng hộ lý thuyết của Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô, thực sự có sáu nhân đức phụ (sub-virtues), bao gồm toàn bộ sự can cảm chịu đựng.

1. SỰ CAO THƯỢNG

Theo Thánh Tôma Aquinô, sự cao thượng là “cố gắng đạt được sự xuất sắc trong mọi thứ, nhất là những thứ quan trọng”. Thói xấu đối lập với tính cao thượng (magnanimity) là tính nhỏ mọn (pusillanimity) hoặc “sự nhỏ mọn của tâm hồn”. Bạn có thể tưởng tượng về cách làm việc để đạt được sự vĩ đại trong mọi việc mình làm? Điều đó căng thẳng và khó khăn, nhưng đó lại là sự chịu đựng – chúng ta “sẵn sàng chịu khó”.

Cao thượng nghĩa là không xa cách người khác và không ngại trao tặng chính mình. Rất dễ sống xoàng xĩnh trong thời đại hiện đại ngày nay, ngại mạo hiểm và ngại vượt qua rào cản cần thiết, hoặc ngại học những bài học kinh nghiệm từ sự thất bại. Nhưng càng khó hơn khi sống trong dòng đời và tìm kiếm vẻ đẹp, sự thật và sự thiện trong những điều chúng ta nghĩ, nói và làm. Tính cao thượng là sự hào phóng trong thời đại chúng ta.

2. SỰ CỪ KHÔI

Hồi tôi còn nhỏ, “cừ khôi” là tính từ bị xói mòn thường mô tả mụ phù thủy trong truyện thần thoại. Nhưng nó thực sự đặc biệt đối với những gì chúng ta hành động với tiền bạc của mình. Một người quyết tâm làm những điều quan trọng với tài sản của mình, người đó được coi là cừ khôi. Mặc dù bạn không thực sự giàu có, điều này vẫn áp dụng cho cách bạn xài tiền, và những thứ tương tự.

Thói xấu đối lập là tính keo kiệt, bủn xỉn, hoặc hà tiện. Ebenezer Scrooge dành dụm mọi đồng tiền cuối cùng khi sống trong căn nhà đầy mạng nhện và bẩn thỉu. Chúng ta đừng coi đó là cực đoan, bạn vẫn có thể keo kiệt ngay khi bạn chỉ có ít tiền. Keo kiệt, bủn xỉn, hoặc hà tiện hoàn toàn khác với tiết kiệm. Tiết kiệm là tính tốt, người tiết kiệm vẫn sẵn sàng trao tặng người khác những thứ họ có, còn người keo kiệt lại không muốn cho ai bất cứ thứ gì – dù là thứ không đáng kể. Tính cao thượng là sự hào phóng về kho tàng.

3. SỰ KIÊN NHẪN

Kiên nhẫn tương đương việc “chịu đựng lâu dài” hoặc chấp nhận đau khổ và thử thách. Mỗi chúng ta có thể nghĩ tới những tấm gương mà chúng ta kiên trì tranh đấu với chính mình: xếp hàng dài chờ người khác – khi làm giấy tờ, đi mua hàng, đi khám bệnh, đi xưng tội,...

Ngày nào cũng có những điều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, nhưng đó là cơ hội để chúng ta thực tập tính kiên nhẫn. Hệ quả tích lũy sinh ra lợi ích phong phú đưa chúng ta tới gần lối sống chịu đựng. Ngược lại, tính táo bạo và trơ trẽn là hai thói xấu dẫn chúng ta tới lối sống bốc đồng và khinh suất chứ không muốn chịu đựng những điều trái ý mình.

4. SỰ BỀN CHÍ

Thánh Phaolô viết về sự bền chí, đôi khi được so sánh với tính chịu đựng, nhẫn nại: “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy” (Rm 5:3-4).

Khi bền lòng vững chí, chúng ta kiên cường trong mọi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta biết sẽ dẫn chúng ta tới điều tốt lành. Một tác giả đã viết: “Tôi thường gặp trở ngại, cả bên ngoài và bên trong, đối với việc hoàn tất một cuốn sách hoặc một bài viết. Nếu tôi muốn kiên nhẫn, tôi sẽ cố gắng chịu đựng để duy trì điều tốt”.

Thói xấu đối lập với tính kiên nhẫn là tính tự phụ và nhu nhược (presumption and effeminacy). Cả hai đều thiếu mối liên quan những điều khó khăn. Chúng ta tự phụ vì cho rằng mình có thể đạt được điều gì đó mà không cần nhờ ơn Chúa, chúng ta nhu nhược vì muốn tránh né khó khăn, muốn thành công mà không vất vả, muốn ngồi mát ăn bát vàng. Tính kiên nhẫn là sự hào phóng về tài năng.

5. SỰ BAO DUNG

Bao dung đối lập với “bung dao”. Nếu bạn hiểu chờ đợi thì khổ sở thế nèo thì bạn mới có thể cố gắng phát triển lòng bao dung. Theo nghĩa đen, đó là “sự kiên trì của tâm hồn”, nó cho thấy cách chúng ta mong chờ những gì tốt lành. Hãy nghĩ về sự mang thai. Khi một phụ nữ mang thai, họ biết thai kỳ cần thiết cho việc phát triển não bộ và các cơ phận của thai nhi. Do đó, thai phụ không muốn làm tổn thương đứa con, họ kiên trì chờ đợi.

Chúng ta có thể nghĩ tới cách Đức Mẹ “vội vã” đi thăm người chị họ Êlidabet, hai người đều vui mừng chờ đợi Đấng Cứu Thế và Gioan tẩy Giả. Do đó, nếu Thiên Chúa muốn bạn chờ đợi điều gì đó tốt đẹp, hãy tin rằng Ngài sẽ hoàn tất công việc mà Ngài đã bắt đầu nơi bạn.

6. SỰ HÀNH XÁC

Cuối cùng, sự hành xác là cách chúng ta “sẵn sàng chịu đau khổ”. Qua những hy sinh nhỏ hằng ngày, chúng ta học cách từ bỏ niềm vui của chính mình vì điều khác quan trọng hơn. Về cơ bản, hành xác là hành vi của ý muốn thanh tẩy tâm hồn chúng ta để hoàn tất công việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã hoạch định cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta quyết tâm từ bỏ thú vui riêng để linh hồn chúng ta được mạnh mẽ. Các thú vui đó có thể chỉ đơn giản là uống cà phê, hút thuốc, xem phim, tán gẫu,… Các thú vui đó tuy nhỏ bé mà lại phức tạp!

Sự chịu đựng củng cố tâm hồn. Chịu đựng là sức mạnh. Nếu chúng ta đối mặt với các tai họa và sự tàn bạo bất ngờ trong cuộc sống, chúng ta sẽ cần sự chịu đựng. Nó sẽ đặt nền tảng cho chúng ta ở giữa sự lầm lẫn và sự hoảng sợ, làm cho chúng ta tự tin, không nao núng, bình an trước sự bách hại và sự thù hận, dẫn chúng ta tiến lên khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta, giúp chúng ta trung tín dù sống hay chết.

JEANNIE EWING
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)


Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Những thức uống giúp đánh bại cơn đau nửa đầu


Những  thức  uống  giúp  đánh  bại  cơn  đau  nửa  đầu
Thiên Lan-15/02/2019 -THANH NIÊN ONLINE



Đau nửa đầu là những cơn đau từng cơn, nhói dữ dội ở một bên đầu, kéo dài từ vùng thái dương đến vùng trước trán, có thể gây nôn hoặc buồn nôn, chóng mặt.

Cơn đau thường kéo dài từ 4 - 72 giờ, và người bệnh cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, cảm giác mất hết sức lực, mức độ đau tăng lên khi vận động.
Theo các bác sĩ, có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng này bao gồm lo lắng, căng thẳng, tiếng ồn lớn, mùi nồng, thuốc chữa bệnh, giấc ngủ mất cân bằng, bỏ bữa...
Mặc dù, các loại thuốc khác nhau có sẵn trên thị trường có thể giúp điều trị chứng đau nửa đầu này.
Tuy nhiên, không gì có thể có lợi và an toàn hơn các biện pháp tự khắc phục tại nhà (tất nhiên, nếu đau nặng thì bạn phải đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời).
Sau đây là một số loại đồ uống tự chế có thể giúp bạn đánh bại cơn đau nửa đầu, theo The Health Site.

1.      Ớt bột
Có đặc tính giảm đau, ớt bột làm giảm lượng chất P, là một chất hóa học mang thông điệp đau đến não.
Có thể hòa ¼ muỗng cà phê ớt bột vào nước nóng và uống.

2.      Trà bạc hà
Điều đặc biệt, đau dạ dày là một trong những triệu chứng của bệnh đau nửa đầu và trà bạc hà có thể làm dịu sự khó chịu này ở dạ dày.
Có thể ăn vài lá bạc hà sống hoặc uống một ít trà bạc hà mỗi ngày là cách điều trị đau nửa đầu rất hiệu quả.
Ngoài ra, xoa dầu bạc hà lên trán có thể giúp khắc phục cơn đau nửa đầu.\

3.      Cà phê
Những người bị chứng đau nửa đầu có thể uống cà phê 2 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, cần chú ý không lạm dụng uống quá nhiều cà phê, vì có thể dẫn đến sự phụ thuộc và tăng tần suất đau nửa đầu.

4.      Nước chanh ấm
Trong cơn đau nửa đầu, hệ thống tiêu hóa bị chậm lại. Nước chanh giàu vitamin C, có thể làm sạch cơ thể và khởi động lại hệ tiêu hóa.
Để giảm cơn đau nửa đầu, hãy uống nước chanh ấm cùng với mật ong.

5.      Húng quế
Loại rau này được sử dụng để phòng ngừa chứng đau nửa đầu.
Nước ép rau húng quế có thể làm giảm cơn đau nửa đầu.

6.      Trà gừng
Gừng có thể điều trị hiệu quả chứng đau nửa đầu và đau đầu từng cơn.
Gừng có tác dụng giảm những cơn buồn nôn và chóng mặt trong cơn đau nửa đầu. Đây là một trong những biện pháp khắc phục chứng đau nửa đầu tại nhà tốt nhất
Hãy giã nhỏ gừng và cho vào vào một cốc nước nóng, có thể thêm nước chanh và mật ong vào và uống, theo The Health Site.

Ba ‘đơn thuốc’ của cuộc đời


Ba  ‘đơn  thuốc’  của  cuộc  đời
02 Tháng Hai 2019-vanlami sưu tầm



Đời người có ham muốn nên sẽ có đau khổ, biết thỏa mãn nên mới sống hạnh phúc, có thể buông bỏ nên mới được tự tại. Trân quý mỗi phút giây cuộc sống, thời gian không chờ đợi một ai.

Biết quý trọng những gì hiện tại ta đang có, sẽ phát hiện ra rằng chính mình mới là người giàu có nhất trên đời.

Có một đại gia mắc chứng bệnh lạ, ông luôn cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, trong lòng rất khổ sở. Ông thỉnh giáo một vị danh y lớn tuổi sống ẩn cư. Sau khi bắt mạch cho ông ta, vị danh y nói:

“Bệnh này chỉ có một biện pháp, ngoài biện pháp này ra thì không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Ở đây tôi có ba đơn thuốc, ông liên tục thực hiện theo như vậy, thực hiện xong một đơn thì tiếp tục mở ra một đơn khác và làm theo”.

Đơn thuốc thứ nhất.

Về tới nhà, vị đại gia liền mở ra đơn thuốc thứ nhất, thấy trên đó viết rằng:

“Ông hãy đến một bãi biển, nằm trên cát trong vòng 30 phút, thực hiện liên tục 21 ngày”.

Đại gia nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn làm theo, kết quả mỗi lần nằm trên cát liền 2 giờ đồng hồ.

Bởi vì ông ta luôn bề bộn với các dự án, công việc, cho nên chưa từng cảm thấy thoải mái như thế. Nằm trên cát, nghe thấy gió thổi, nghe được tiếng chim hải âu kêu cảm thấy nội tâm vô cùng thoải mái.

Đơn thuốc thứ hai.

Chỉ cần dục vọng của một người không có điểm dừng thì cuộc sống của người đó vĩnh viễn sẽ không có vui sướng.

Qua ngày thứ 22, vị đại gia mở tiếp đơn thuốc thứ 2, bên trong viết rằng:

“Ở trên bãi biển hãy tìm năm con vật như cá hoặc tôm hoặc con sò rồi thả chúng về với biển, thực hiện trong 21 ngày liên tục”.

Xem xong, người này lòng đầy nghi hoặc, nhưng ông vẫn làm theo.

Kết quả mỗi lần thả được con tôm, con cá về với biển xong, nhà giầu cảm thấy trong lòng không khỏi cảm động.

Đơn thuốc thứ ba.

Qua ngày 43, ông lại mở tiếp đơn thuốc thứ 3, trên đó viết rằng:

“Hãy tìm một cành cây, ở trên bãi cát viết ra hết những việc bất mãn cùng oán hận trong lòng”.

Vị đại gia làm theo, sau khi ông dùng cành cây viết lên bãi cát chưa được bao lâu thì sóng biển đánh vào bờ xóa sạch những gì mà ông đã viết, đột nhiên ông bừng tỉnh mà cảm động khóc lên.

Sau khi về nhà, vị đại gia cảm thấy toàn thân vui sướng, thực sự nhẹ nhõm mà tự tại, thậm chí không còn sợ chết nữa.

Bởi vì con người không hiểu được 3 điều này, cho nên mới không thoải mái:

Một là nghỉ ngơi

Hai là trả giá

Ba là buông bỏ.

Hãy biết quý trọng những gì hiện tại ta đang có, sẽ phát hiện ra rằng chính mình mới là người giàu có nhất trên đời.

Tham lam là một loại độc dược, dục vọng của con người vĩnh viễn không có điểm dừng. Có được cuộc sống ổn định còn muốn sống an nhàn. Có được cuộc sống an nhàn lại còn muốn hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Chỉ cần dục vọng của một người không có điểm dừng thì cuộc sống của người đó vĩnh viễn sẽ không có vui sướng.

Người biết thỏa mãn là người vui sướng. Hãy biết quý trọng những gì hiện tại ta đang có, sẽ phát hiện ra rằng chính mình mới là người giàu có nhất trên đời.




Một thầy dòng Phan sinh...


Một  thầy  dòng  Phan  sinh,  một  thầy  dòng  Đa  minh  và  một  thầy  dòng  Tên …
Daniel Esparza



Ba chuyện tiếu lâm Công giáo kinh điển cho các bạn.

***

Môt thầy dòng Phan sinh và một thầy Dòng Tên là bạn rất thân từ khi cả hai còn là tập sinh. Hai thầy đều hút thuốc lá, và thấy vô cùng khó khăn khi phải cầu nguyện hay học tập lâu hơn một giờ nếu không có “giải lao hút thuốc.” Lâm vào hoàn cảnh khó như vậy, hai người quyết định đến bề trên và xin phép được hút thuốc.

Khi hai người gặp lại, thầy Phan sinh có phần bối rối khó xử. Thầy kể với thầy dòng Tên: “Tớ hỏi bề trên là tớ có được phép hút thuốc khi cầu nguyện không và ngài nói là không được.”

“Cậu đặt câu hỏi sai rồi,” thầy dòng Tên trả lời. “Tớ hỏi bề trên là tớ có được phép cầu nguyện khi đang hút thuốc không. Và ngài nói ‘Dĩ nhiên là được!’”

***

Một thầy dòng Phan sinh, một thầy dòng Đa minh, và một thầy dòng Tên đang ngồi học với nhau trong một căn phòng, đột nhiên cúp điện.

Thầy dòng Phan sinh liền nói, “Này anh em, mình tận dụng lúc này để suy niệm về những gì chúng ta mắc nợ với người chị của chúng ta là ánh sáng, một quà tặng từ Thiên Chúa.”

Thầy dòng Đa minh thêm vào: “Đúng, nhưng chúng ta cũng phải tận dụng lúc này suy tư thật sâu để viết về sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối.”

Trong khi đó thầy dòng Tên xuống tầng hầm, tìm hộp cầu chì và bật lại cầu giao điện.

***

Một người đàn ông chuyện trò với Thiên Chúa:

Người đàn ông: Thưa Chúa, một triệu năm đối với Người là như thế nào?

Thiên Chúa: Con à, giống như một giây đồng hồ thôi.

Người đàn ông: Vậy thưa Chúa, một triệu đô-la với Người là như thế nào?

Thiên Chúa: Con à, giống như một xu thôi.

Người đàn ông: Vậy Chúa cho con vay một “xu” được chứ ạ?

Thiên Chúa: À được! Đợi ta một giây nhé …


[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2017

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Dạy trẻ tập võ là cách tốt nhất để giảm tính bạo lực


Nghiên  cứu:
Dạy  trẻ  tập  võ  là  cách  tốt  nhất  để  giảm  tính  bạo  lực
Chủ Nhật, 23/10/2016 • trithucvn.net

(ảnh minh họa, kungfupeterborough.com)

Theo một nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông CityU, dạy trẻ tập võ là cách tốt nhất để giảm các hành vi bạo lực.

Điểm cốt lõi trong nghiên cứu này là khái niệm “Võ đức”, vốn là một giá trị nền tảng trong võ thuật truyền thống.

Theo thông tin từ trang web của trường đại học, nghiên cứu được thực hiện trên 315 đứa trẻ, bao gồm 244 bé trai và 71 bé gái, tới từ nhiều trường học và gia cảnh khác nhau. Mục đích là nhằm đánh giá khả năng làm “giảm tính hung hăng” và “tác động của võ thuật cổ truyền đối với trẻ nhỏ”.

Kết quả cho thấy, những đứa trẻ được dạy dỗ về cả võ thuật lẫn võ đức đã giảm đáng kể các hành vi gây hấn và quậy phá như đánh nhau hay bắt nạt bạn khác. Ngoài ra, việc giáo dục này cũng nâng cao khả năng tập trung của trẻ.

Thuật và Đức
Những đứa trẻ tham gia nghiên cứu đã hoàn thành các phiếu khảo sát để đánh giá mức độ bạo lực hiện có của mình. Sau đó, chúng được chia thành 4 nhóm khác nhau: một nhóm được dạy kỹ năng võ thuật, một nhóm được dạy võ đức, một nhóm được dạy cả hai, và một nhóm không được dạy gì cả. Nhóm không được dạy gì cả sẽ được chọn là nhóm kiểm soát trong thí nghiệm.

Việc giảng dạy về “Võ đức” được thực hiện bằng cách cho những đứa trẻ xem các bộ phim võ thuật như Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn 2, và Tuyệt đỉnh Công phu. Các giảng viên cũng hướng dẫn các em thảo luận nhóm và đóng vai vào các tình huống xung đột trong xã hội. Nhờ vậy, những đứa trẻ hiểu được khía cạnh đạo đức được thể hiện bởi các nhân vật trong phim. Các em cũng học thuộc lòng những câu nói như: “Người không biết đánh nhau cuối cùng sẽ đánh nhau, người biết võ sẽ không đánh người khác”.

Tất cả các nhóm, bao gồm cả nhóm kiểm soát của thí nghiệm, đều cho thấy sự cải thiện hành vi, tuy nhiên thay đổi rõ rệt nhất diễn ra ở những đứa trẻ được học cả võ thuật và võ đức. Khi phải đối mặt với những tình huống cần tự vệ, phản ứng bạo lực của chúng giảm hơn 40%, và chúng cũng không phải là người khơi mào trong 65% các cuộc xung đột.

Trẻ em ở nhóm chỉ được dạy kỹ năng võ thuật cũng có sự cải thiện nhưng ít hơn. Còn với nhóm chỉ được dạy võ đức thì không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về mặt thống kê.

4 nhóm trẻ em trước và sau trong cuộc thí nghiệm (ảnh: CityU)

Võ đức
Lee Ka-hung, một võ sư và nhà hoạt động xã hội, nói rằng các nghiên cứu trước đây chỉ giới hạn ảnh hưởng của võ thuật lên sức khỏe thể chất. Ông tin rằng nghiên cứu của CityU có thể giúp truyền bá các giá trị truyền thống, giảm tỷ lệ trẻ em hư hỏng do được bố mẹ nuông chiều. Những trẻ em này thường trở nên bướng bỉnh và ngạo mạn, có khuynh hướng sử dụng cách làm cưỡng đoạt để đạt được mục tiêu của chúng.

“Tinh hoa của võ thuật cổ truyền nằm ở giá trị đạo đức”

Theo Lí Hữu Phủ, một võ sư nổi tiếng đến từ Bắc Kinh, võ thuật truyền thống bắt nguồn từ triết lý của Đạo gia, trong khi kỹ năng võ thuật hiện đại đã bỏ qua những giá trị thiết yếu này.

“Nhiều người, bao gồm cả một số người mới học, xem võ thuật cổ truyền chỉ đơn thuần là một kỹ năng đối kháng trực diện”, Tiến sĩ Fung – một chuyên gia tâm lý trẻ em và điều tra viên chính trong dự án nghiên cứu của CityU nói, “nhưng tinh hoa của bộ phận văn hóa truyền thống này lại nằm ở giá trị đạo đức”.

Mẹ của cậu bé 11 tuổi Leung Ho-hei cho biết, con trai bà đã tập võ được 4 năm, và bà cảm thấy sự lôi cuốn của võ thuật chính là nằm ở võ đức. Trong quá khứ, con bà sẽ nóng giận đánh lại khi bị bắt nạt, nhưng sau khi học võ thì Leung đã nhẫn nhịn hơn rất nhiều.

Trong một trường hợp khác, truyền thống tôn sư trọng đạo cùng với võ đức đã có tác dụng lên cậu bé 9 tuổi Hong Yi-hei, người từng đối xử không tốt với em trai mình. Sau khi 2 cậu bé học võ thuật, mẹ của Yi-hei cho biết cậu bé đã biết quan tâm chăm sóc em mình tốt hơn.

Tiên sĩ Fung nói: “Rõ ràng là, chúng ta có thể ngăn ngừa những đứa trẻ có tính tình bạo lực trở thành tội phạm trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một phương pháp giảng dạy dựa trên võ thuật cổ truyền bắt nguồn từ nghiên cứu này, và nó sẽ được ứng dụng tại các trường học trong tương lai không xa”.

Theo ET,
Hoàng Vũ

Tại sao ăn súp lơ xanh giúp ngăn ngừa ung thư?


Tại  sao  ăn  súp  lơ  xanh  giúp  ngăn  ngừa  ung  thư?
Thiên Lan-16/02/2019- THANH NIÊN ONLINE



Mỗi ngày, con người tiếp xúc với nhiều chất độc hại khác nhau từ thực phẩm ăn vào. Những chất độc hại này phải được loại bỏ khỏi cơ thể, nếu không, chúng có thể gây ra nhiều bệnh, kể cả ung thư.

Rất may là có nhiều loại thực phẩm có thể giúp giải độc cơ thể.
Một loại thực phẩm giải độc hiệu quả, đủ sức loại bỏ các độc tố gây ung thư chính là súp lơ xanh, theo New Health.

Có nhiều bằng chứng về khả năng giải độc của súp lơ xanh.
Trong một trong những nghiên cứu này, người ta thấy rằng phụ nữ sau mãn kinh, nếu ăn nhiều thịt nướng và thịt xông khói, chứa nhiều chất gây ung thư, có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Tuy nhiên, những người ăn nhiều súp lơ xanh có nguy cơ tương đối thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ có được hiệu ứng này là nhờ vào khả năng của súp lơ xanh có thể thúc đẩy hoạt động của các men giải độc trong gan, theo New Health.
Lợi ích giải độc của súp lơ xanh có thể áp đảo các chất gây ung thư trong thực phẩm.
Chúng cũng áp đảo cả các độc tố môi trường, như chất gây ô nhiễm không khí.

Tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ đau tim, hen suyễn, cũng như các loại bệnh phổi và tim khác.
Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) đã đánh giá khả năng tăng cường giải độc của súp lơ xanh.
Trước tiên, họ đã thu thập được 291 người tham gia từ một vùng nông thôn ở một trong những khu vực công nghiệp hóa mạnh nhất tại Trung Quốc và xét nghiệm mẫu nước tiểu và máu của họ để tìm chất gây ô nhiễm.
Sau đó, họ chia những người tham gia thành 2 nhóm. Nhóm đối chứng được cung cấp một loại thức uống gồm nước tiệt trùng, dứa và nước cốt chanh. Trong khi nhóm thử nghiệm sử dụng cùng một loại thức uống, nhưng có thêm bột đông khô của mầm súp lơ xanh.

Sau 12 tuần, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích lại mẫu nước tiểu và máu của những người tham gia.
Kết quả cho thấy những người trong nhóm thử nghiệm có tỷ lệ bài tiết benzen tăng 61% so với nhóm đối chứng. Benzen là chất có độ độc cao, gây tổn thương thần kinh, thị giác, máu, tim, gan, thận, phổi.
Ngoài ra, tỷ lệ bài tiết chất gây ung thư acrolein của nhóm thử nghiệm cũng tăng 23% so với nhóm đối chứng, theo New Health.
Những lợi ích giải độc của súp lơ xanh có thể nhờ vào sự hiện diện của các dưỡng chất thực vật: glucoraphanin, gluconasturtiian và glucobrassicin. Ba chất này có thể tăng cường các bước khác nhau liên quan đến quá trình giải độc cơ thể, bao gồm kích hoạt, trung hòa và loại bỏ độc tố.
Để đạt được lợi ích giải độc cao nhất từ súp lơ xanh, hãy ăn nhiều rau mầm của súp lơ xanh vì chúng có hàm lượng chất chống ô xy hóa cao gấp 50 lần và rất giàu sulforaphane glucosinolate và indole-3-carbinol, là các chất có tác dụng chống lại các chất gây ung thư.
Ngoài ra, súp lơ xanh còn có rất nhiều lợi ích về sức khỏe khác sau đây, theo New Health:

        Hạ đường huyết
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn súp lơ xanh có thể cải thiện độ nhạy insulin của bệnh nhân tiểu đường loại 2.

        Cải thiện sức khỏe tim mạch
Ăn súp lơ xanh giúp giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tim.

        Hỗ trợ tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ và chất chống ô xy hóa cao trong súp lơ xanh giúp hỗ trợ chức năng ruột và sức khỏe tiêu hóa.

        Tăng cường khả năng miễn dịch
Súp lơ xanh chứa nhiều vitamin C, là chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho chức năng miễn dịch. Một nửa cốc có thể cung cấp 84% lượng vitamin C được khuyến nghị hằng ngày, theo New Health.

phụng vụ là một kho báu...


ĐGH  Phanxicô:
phụng  vụ  là  một  kho  báu  không  thể  suy  giảm  theo  sở  thích  cá  nhân  và  xu  hướng  hiện  tại
Sat, 16/02/2019 - Jos. Tú Nạc, NMS



Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc hội kiến với Hội đồng toàn thể của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh bộ, đã chào đón Đức Thánh Cha và có đôi lời phát biểu trong hội nghị.

“Chúng con xin chân thành cảm ơn ngài đã dành thời gian cho chúng con. Chúng con rất biết ơn về tất cả mọi sự mà ngài muốn nói với chúng con. Chúng con ở đây để lắng nghe những lời của ngài, thưa Đức Thánh Cha. Cảm ơn ngài.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng đổi mới phụng vụ không có nghĩa là sao lãng sự phong phú ngàn năm của nó. Ngài nói rằng cần phải tìm sự hài hòa, tránh xa bất kỳ sự phân cực ý thức hệ nào.

Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Một khi hồi tưởng những xu hướng hoài niệm trong quá khứ hoặc muốn áp đặt những cái mới, người ta có nguy cơ đặt thành phần trước toàn thể. Cái ‘tôi’ trước dân Chúa; sự trừu tượng trước cụ thể; ý thức hệ trước khi hiệp thông và căn tính. Thế tục trước tâm linh.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh báo rằng không thể có sự sửa đổi trong phụng vụ theo sở thích cá nhân hoặc xu hướng nào đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Điểm khởi đầu là để nhận ra thực tế của phụng vụ thiêng liêng. Đó là một kho báu sinh động không thể giảm theo sở thích, cách thức hoặc xu hướng hiện tại. Nó phải được nghênh đón với sự mềm mỏng và được thúc đẩy bằng tình yêu như một thứ thực phẩm không thể thay thế cho sự tăng trưởng hữu cơ của dân Chúa. Phụng vụ không phải là “tự mình làm,” mà là Hiển Linh của sự hiệp thông giáo hội.”

Đức Thánh Cha kết luận khi nhắc nhở mọi người rằng phụng vụ là sự sống, không phải là một vài ý tưởng để học hỏi. Ngài yêu cầu Thánh bộ tiếp tục sứ vụ của mình trong việc giúp mọi người hiểu rõ hơn về mầu nhiệm thiêng liêng của Chúa và Giáo hội.

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn