Quyết định của Đức Giáo Hoàng:
Trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ
Đặng
Tự Do-16/Feb/2019-vietcatholic
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
và Bộ Giáo lý Đức tin, đã ra lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ Theodore
McCarrick, nguyên là một Hồng Y và Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận
Washington, và là một nhân vật đầy thế giá trong Giáo Hội, trong giới ngoại
giao và chính trị tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới.
Quyết định này đã được
Tòa Thánh công bố vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Hai theo sau một “thủ tục tố tụng
hành chính” do Bộ Giáo Lý Đức Tin tiến hành, trong đó McCarrick bị kết tội “gạ
gẫm trong Bí tích Giải tội, và phạm vào Điều răn thứ Sáu với trẻ vị thành niên
và người lớn, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực”.
Việc kết án được đưa ra
theo một “thủ tục tố tụng hành chính”, là một cơ chế tố tụng nhanh gọn được sử
dụng trong các trường hợp những bằng chứng phạm tội đã quá rõ ràng đến mức
không cần thiết phải xét xử đầy đủ.
Chính Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã phê chuẩn bản án và truyền lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ, đương
sự không có quyền kháng cáo, bản án không thể bị đảo ngược. Nói cách khác, phán
quyết này là chung cuộc.
Tuyên bố của Tòa Thánh
vào ngày 16 tháng Hai cho biết rằng phán quyết McCarrick có tội đã được công bố
vào ngày 11 tháng Giêng. Đương sự kháng cáo nhưng đã bị Bộ Giáo Lý Đức Tin bác
bỏ vào ngày thứ Tư 13 tháng Hai.
McCarrick đã được thông
báo về quyết định trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vào ngày 15 tháng Hai và Đức Giáo
Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra
theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata - phán quyết chung thẩm (tức
là, xác nhận rằng miễn bàn cãi thêm nữa)”
McCarrick, 88 tuổi, đã bị
buộc tội công khai hồi năm ngoái vì đã lạm dụng tình dục ít nhất hai cậu bé vị
thành niên, và trong nhiều thập kỷ đã có các hành vi cưỡng ép tình dục đối với
các linh mục và chủng sinh.
Các cáo buộc được công bố
lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2018, khi Tổng giáo phận New York báo cáo rằng họ
đã nhận được một cáo buộc “đáng tin cậy” rằng McCarrick lạm dụng tình dục một cậu
bé tuổi thiếu niên vào những năm 1970, khi đang làm linh mục ở New York. Cũng
trong tháng Sáu vừa qua, theo sự chỉ đạo của Tòa Thánh, McCarrick bị buộc không
được thi hành các thừa tác vụ công khai.
Tháng 7 năm ngoái, Đức
Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của McCarrick
và ra lệnh cho ông ta phải sống một cuộc đời cầu nguyện và đền tội trong khi chờ
Tòa Thánh hoàn thành các tiến trình điều tra về giáo luật liên quan đến các cáo
buộc. Kể từ cuối tháng 9, McCarrick đã cư trú tại cư xá St. Fidelis dành cho
các thầy dòng Capuchin ở Victoria, Kansas.
James Grein là nhân vật
chính trong số những người tố cáo McCarrick. James đã đưa ra các bằng chứng trước
các viên chức đại diện cho tổng giáo phận New York vào ngày 27 tháng 12 năm
ngoái. Cuộc điều trần này là một phần trong cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức
Tin.
Grein cho biết McCarrick,
là một người bạn của gia đình anh, đã lạm dụng tình dục anh trong một khoảng thời
gian nhiều năm, bắt đầu từ khi anh lên 11 tuổi. Anh ta cũng tố cáo McCarrick đã
lạm dụng tính dục anh ngay trong tòa giải tội. Chỉ với tội này mà thôi,
McCarrick đã vi phạm giáo luật một cách nghiêm trọng, đến mức đáng lãnh hình phạt
trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.
Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng
đã nhận được báo cáo từ một nạn nhân khác của McCarrick – bị lạm dụng tính dục ở
tuổi 13; và của 8 nạn nhân là các chủng sinh trong các giáo phận Newark và
Metuchen ở New Jersey, nơi McCarrick từng là giám mục trước đây.
Trong tư cách là Tổng
Giám Mục Washington, D.C., và trước đó là Giám mục Metuchen và Tổng Giám mục
Newark, McCarrick đã chiếm một vị trí nổi bật trong Giáo hội Hoa Kỳ.
Ông cũng là người tham
gia hàng đầu trong việc phát triển Hiến chương Dallas và Các Tiêu Chuẩn Thiết Yếu
của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nhằm thiết lập các thủ tục giải quyết các cáo buộc
lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục.
Mặc dù bị trục xuất khỏi
hàng giáo sĩ, về mặt bí tích mà nói, McCarrick vẫn còn là giám mục, vì một khi
được tấn phong, bí tích truyền chức linh mục và tấn phong giám mục không thể bị
hủy bỏ.
Hình phạt trục xuất khỏi
giáo sĩ - thường được gọi là huyền chức hay hồi tục - ngăn McCarrick không được
tự xưng hoặc hoạt động như một linh mục, dù ở nơi công cộng hoặc trong chốn
riêng tư. Vì việc phong chức có một đặc tính bí tích, nên không thể bị hủy bỏ bằng
một quyết định của Giáo Hội. Tuy nhiên, theo sau việc huyền chức, ông ta bị tước
bỏ tất cả quyền lợi và đặc quyền của một giáo sĩ bao gồm, về mặt lý thuyết, quyền
nhận được hỗ trợ tài chính từ Giáo Hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét