ĐỐI LẬP
MONDAY, FEBRUARY 11, 2019
Đối lập là tình trạng
trái ngược nhau, đối nghịch, bất đồng, mâu thuẫn. Phải có ít nhất hai thứ (người,
vật, phe, hướng,...) mới xảy ra tình trạng đối lập, chỉ một thì không thể.
Trong mọi lĩnh vực, cụ thể và trừu tượng, đều có nhiều thứ đối lập: cao – thấp,
dài – ngắn, vuông – tròn, trắng – đen, đẹp – xấu, tốt – xấu, hay – dở, khôn – dại,
yêu – ghét, thiện – ác, phúc – họa, sinh – tử. Và còn nhiều thứ khác...
Một trong các cặp đối lập
“nổi bật” liên quan tinh thần là cặp đôi “phúc – họa”, được đề cập trong Gr
17:5-8. Chính Đức Chúa đã tuyên phán: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa!”. Đó là cái họa
lớn nhất và nguy hiểm nhất.
Tại sao nguy hiểm? Như một
cách giải thích, cũng chính Đức Chúa cho biết: “Người đó sẽ như bụi cây trong
hoang địa CHẲNG ĐƯỢC THẤY hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng CHẲNG NHÌN
RA, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người”.
Người ta nói đó là tình trạng “có mắt mà không tròng” hoặc “có mắt mà như mù”.
Thế thì thật nguy hiểm và đáng sợ, vì đó là đại họa!
Ngược với cái họa là cái
phúc. Chắc chắn chẳng có phúc nào bằng phúc của Thiên Chúa trao ban: “Phúc thay
kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như
cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng
chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và
không ngừng trổ sinh hoa trái”. Thánh Vịnh gia so sánh tín nhân như cây tươi tốt
vì đủ nguồn nước để phát triển, rất dễ hiểu và thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng
đã xác định: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại
trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được” (Ga 15:5).
Thánh Vịnh gia nói tới
“hai con đường” liên quan Phúc – Họa: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn
ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn
kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2).
Cách so sánh cũng rất cụ thể: “Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng
mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi
cũng sẽ thành. Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay” (Tv
1:3-4).
Nguyên nhân thế nào thì hệ
quả như vậy, chúng ta gọi là nhân – quả. Và hệ lụy là điều tất yếu và minh
nhiên: “Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân
đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1:6). Cái gì Tốt thì Lành, dù cụ thể hay trừu tượng.
Vấn đề tâm linh cũng không ngoài quy luật tất yếu như vậy.
Qua trình thuật 1 Cr
15:12, 16-20, Thánh Phaolô đề cập cặp đối lập đặc biệt nhất: Sinh – Tử. Thánh
nhân đặt vấn đề: “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy
thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?”. Sống
hôm nay, chết ngày mai, rồi chấm hết. Nếu chỉ thế thôi thì cũng không hơn gì
cây cối và thú vật, người ta không gì phải lo sống tốt hay xấu. Cứ xả láng rồi
sáng về sớm cũng chẳng sao.
Thánh Phaolô giải thích:
“Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức
Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn
còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức
Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà
thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Ôi, tội nghiệp thật.
Và chỉ như thế thì chán thật, cũng chẳng có gì để người ta phải cố gắng chi cho
mệt.
Nhưng không phải thế!
Nhân quả của con người khác hẳn thảo vật và động vật: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ
cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà
nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại”. Đó mới là
chuyện đáng nói, đáng nỗ lực không ngừng. Nếu sinh – tử theo kiểu luân hồi thì
cũng chẳng đáng quan ngại, vì cứ như vòng tuần hoàn thì không gì phải lo lắng
cho nhọc óc, nghĩa là cứ “vô tư”. Thế nhưng không như thế, cho nên cứ “vô tư”
thì hóa “đại ngu”, ta tự hại mình!
Trình thuật Lc 6:17,
20-26 (≈ Mt 14:1-12) đề cập một cặp khác cũng đặc biệt: Phúc – Họa. Hôm đó, Đức
Giêsu đi xuống cùng với các ông, Ngài dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông
đảo môn đệ của Ngài, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng
như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn. Chúa Giêsu nói hai vấn đề:
Thứ nhất là các MỐI PHÚC
(Lc 6:20-23 ≈ Mt 14:3-10). Thánh Mátthêu cho biết đầy đủ chi tiết hơn, gọi là
Bát Phúc, còn Thánh Luca tóm tắt thành Tứ Phúc: “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn
các môn đệ và nói: PHÚC cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là
của anh em. PHÚC cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ
cho anh em được no lòng. PHÚC cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì
anh em sẽ được vui cười. PHÚC cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán
ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng
nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi
lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế”.
Thứ nhì là các MỐI HỌA
(Lc 6:24-26 ≈ Mt 14:11-12), Thánh Luca phân định thành Tứ Khốn: “KHỐN cho các
ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. KHỐN
cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
KHỐN cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải
sầu khổ khóc than. KHỐN cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ
giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.
Cách phân định của Thánh sử
Luca tạo thành hai vế đối cân bằng: Tứ Khôn và Tứ Khốn. Phải chịu khốn vì không
sống khôn, nếu sống khôn thì tránh được cái khốn – cái họa. Liên quan sự khôn
ngoan có truyện “Bán Sự Khôn Ngoan” thế này:
Một ngày nọ, hiền triết
Diogène (Hy Lạp) đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều với tấm bảng ghi
đậm hàng chữ: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
Một bậc khoa cử tình cờ
đi qua căn lều, đọc được lời rao và cười thầm trong bụng. Muốn biết phía sau
căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho
được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra
đi làm theo lời căn dặn của chủ. Anh ta đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng chủ của
anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, hiền triết Diogène vẫn thản
nhiên và ôn tồn nói với người đầy tớ: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu
này: ‘Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến Cùng Đích’. Vậy nhé!”.
Vị khoa cử thành Athènes
vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như
khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày, và cũng để mọi người đi
qua trước nhà ông đều có thể đọc được: “Trong tất cả mọi sự, hãy suy nghĩ đến
Cùng Đích”.
Nghĩ đến Cùng Đích là
nghĩ đến cái gì? Đó là Cái Chết. Nghĩ đến Cái Chết không phải là ý tưởng tiêu cực,
bi quan, chán đời hoặc yếm thế, mà lại chính là CÁCH SỐNG KHÔN NGOAN, với hệ lụy
tất yếu: sống Khôn để thoát Khốn. Chính Thiên Chúa cũng đã nhắc nhớ: “Ngươi là
bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Người Latin có thành ngữ: Memento
Mori – Hãy Nhớ Mình Sẽ Chết. Nhớ làm gì cái thứ đó? Nhớ để nên khôn bằng cách
Luôn Sẵn Sàng – Semper Paratus – Always Ready.
Lạy
Thiên Chúa chí minh và chí thiện, Ngài thấu suốt mọi sự, biết cả những gì con
chưa nghĩ tới, xin ban Thần Khí soi sáng để con biết việc phải làm cho hợp ý
Ngài, biết khôn ngoan chọn những gì đẹp ý Ngài, và cố gắng sống vuông tròn cho
tới hơi thở cuối cùng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của
nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét