Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Kitô hữu và Tết


Kitô  hữu  và  Tết
Thứ hai - 28/01/2019-Aug. Trần Cao Khải




Tết đối với người tín hữu chúng ta luôn mang hai ý nghĩa, ý nghĩa phong tục và ý nghĩa tôn giáo. Vì là người Việt Nam, con Rồng cháu Tiên, nên chúng ta không thể thờ ơ với Tết, trái lại phần đông cảm thấy nôn nao, mong chờ Tết đến.

Thực vậy, “Tết là khoảng thời gian đặc biệt mà người Công giáo Việt Nam muốn dành cho Thiên Chúa, cho gia đình và cho tha nhân. Ngoài những phong tục truyền thống của ngày Tết như chúc Tết, xông đất, mừng tuổi hay mâm cỗ, người Công giáo không quên Thiên Chúa luôn là mùa xuân của mỗi người. Bởi đó, ta thấy những thánh lễ, buổi nguyện cầu thật thiêng liêng đầm ấm của người Công giáo nơi giáo đường, trong gia đình, và trong từng lời chúc”[1].

Thời gian trước và trong dịp Tết, xem ra ai cũng rất bận rộn, vì có khá nhiều việc phải làm. Như dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, đi mua sắm quần áo mới, đồ Tết vv. Những ai có điều kiện và thời gian thuận tiện thì đi chợ Tết, vui Xuân... Riêng những người ở xa thì lục đục kéo nhau về quê ăn Tết. Cách chung hầu như ai cũng mang tâm trạng nôn nao, háo hức hòa nhịp trong bầu không khí chào Xuân, đón Tết.

Riêng đối với Ki-tô hữu chúng ta thì việc đón Tết chào Xuân còn được thực hiện theo tinh thần “cái Tết của người có Đạo”. Do đó, trong những ngày Tết, người Công giáo chúng thường tới nhà thờ để tham dự Thánh lễ đặc biệt mừng Xuân. Và Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã qui định: a- Tối giao thừa có thánh lễ Tạ Ơn; b- Ngày mồng một Tết thánh lễ cầu bình an cho năm mới; c- Ngày mồng hai Tết thánh lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ; d- Ngày mồng ba Tết thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm.

Như vậy, cái Tết của người Ki-tô mang đầy đủ ý nghĩa của một nếp sinh hoạt thấm đượm niềm tin và tinh thần Tin Mừng Ki-tô giáo. Ta có thể liệt kê những sinh hoạt và việc làm của người Ki-tô hữu trong mấy ngày Tết, như sau:

* TẾT TẠ ƠN

Ngày cuối năm, chúng ta tham dự thánh lễ Tất niên. Và thời khắc giao thoa giữa năm cũ và mới, có thánh lễ đêm Giao thừa. Trong những giờ phụng vụ này, Hội thánh nhắc nhở chúng ta hướng về Thiên Chúa để tạ ơn. Vì thế, đối với Ki-tô hữu chúng ta, Tết trước tiên là Tết Tạ Ơn. Trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ bước sang năm mới, chúng ta có dịp nhìn lại những ân huệ Chúa đã ban cho ta. Ân huệ phần xác cũng như phần hồn. Thực ra, không phải đợi đến dịp Tết chúng ta mới quan tâm tới việc tạ ơn Thiên Chúa, nhưng đây là mốc thời gian thuận tiện và thích hợp để chúng ta làm việc này. Như lời thánh vịnh thúc giục chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, / muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1); “Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa, / sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời” (Tv 146, 2).

Chúng ta tạ ơn Chúa vì cuộc sống này là của Chúa ban, thời gian này là quà tặng của Người cho chúng ta. Thiên Chúa làm chủ thời gian. Người là Chúa Xuân. Trong dịp Tết này, chúng ta cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt một năm sắp qua đi, đồng thời chúng ta phó thác những ngày tháng sắp tới cho bàn tay quan phòng và yêu thương của Người. Chúng ta cũng cám ơn tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, đã nâng đỡ, ủi an và góp phần xây dựng cuộc đời chúng ta.

Dịp Tết, ngoài việc tạ ơn Chúa, chúng ta không quên nhớ đến công ơn ông bà tổ tiên và cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Chính vì vậy Hội thánh chọn ngày mùng hai để cử hành thánh lễ kính nhớ tổ tiên và cầu cho cha mẹ. Bên cạnh đó, Ki-tô hữu chúng ta cũng thường có thói quen xin lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời. Ngoài ra, nhiều Ki-tô hữu cũng có truyền thống viếng mộ thân nhân vào ngày Tết. Vì thế, vào những ngày trước Tết, các gia đình thường sửa sang lại phần mộ của những người đã khuất, người ta trưng bông, đặt những giỏ hoa tại phần mộ. Và ngày mồng hai Tết, các giáo xứ thường tổ chức ít là một thánh lễ ở nghĩa trang.

* TẾT MỪNG TUỔI

Một trong những cách cư xử đặc trưng nhất trong dịp Tết, đó là người ta mừng tuổi nhau. Ngày đầu năm, nhiều cộng đoàn cũng có thói quen mừng tuổi Chúa và mừng tuổi nhau. Mỗi năm mới người ta thêm tuổi, đời sống sẽ dài thêm và sẽ cơ hội đón nhận những điều mới lạ trong cuộc sống. Vì thế người chúc mừng nhau.

Dịp Tết, tại nhiều giáo xứ, cũng có tục lệ hái lộc Xuân. Một tác giả đã ghi lại như sau: “Trong đêm giao thừa và ngày đầu năm, sau khi đi lễ tại đình chùa, người Việt Nam có tục hái lộc đem về nhà. Người Công giáo, sau khi tham dự thánh lễ giao thừa, cũng hái lộc đầu Xuân. Không biết xuất phát từ đâu, mà trong khoảng thời gian hai ba chục năm nay, giáo xứ nào cũng tổ chức cây mùa Xuân để cho mọi người tới hái lộc. Lộc ở đây, không phải là một cành cây phải hái, phải bẻ, nhưng là một Lời Chúa được in rất đẹp trên giấy và được cuộn lại cũng rất đẹp. Lời Chúa được chọn theo chủ đề của mỗi năm, chẳng hạn như về gia đình, đức tin, truyền giáo vv. Mỗi gia đình nhận một Lời Chúa, như là ý lực sống cho suốt cả một năm. Tờ Lời Chúa, hay lộc đầu Xuân này, được mang về nhà và được để ở gần bàn thờ, để mọi người trong nhà cùng suy gẫm và thực hành” [2].

Đây là một việc làm đạo đức có nhiều ý nghĩa và mang lại hiệu quả sống đạo rất cao.

Bên cạnh việc mừng tuổi, người ta cũng không quên trao cho nhau những lời Chúc Xuân. Chúc Xuân qua tấm Thiệp Xuân. Chúc Xuân qua tin nhắn điện thoại hay email hay qua Facebook. Chúc Xuân trong gặp gỡ đầu năm. Chúng ta gửi đến nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Một cách đơn giản là câu “Chúc Mừng Năm mới”, “Cung Chúc Tân Xuân” hay “Happy New Year”. Hoặc “Chúc Mừng Năm Mới Khang An Thịnh Vượng” vv. Tuy nhiên, thiết nghĩ, bên cạnh đó cũng có rất nhiều câu chúc chỉ là sáo ngữ, trống rỗng và không thích hợp với Ki-tô hữu chúng ta, cho nên tốt nhất chúng ta nên tránh dùng.

Thực vậy, “Nếu những ngày năm mới người người chúc cho nhau làm ăn phát đạt, thì người Công giáo dành cả một thánh lễ mồng ba Tết để cầu mùa. Trong thánh lễ này, họ tin Thiên Chúa là đấng làm chủ thiên nhiên, ban cho họ một năm mới với nhiều huê lợi, được mùa. Ai cũng xin Chúa ban ơn trợ giúp để công ăn việc làm trong năm mới được thuận buồm xuôi gió. Công việc ổn định và cuộc sống ấm no hạnh phúc luôn là ước vọng chính đáng của mỗi người. Chắc hẳn Thiên Chúa không quên những ước nguyện đầu năm đầy chân thành của mỗi người. Do đó, ai cũng hy vọng một năm mới với nhiều ơn lành của Chúa, từng dự định của mỗi người sẽ gặp nhiều thuận lợi, vận may. Thật ý nghĩa và dễ thương biết bao khi người Công giáo chúc cho nhau những điều tốt đẹp đến từ Thiên Chúa. Những ngày xuân tay bắt mặt mừng, họ cầu mong cho người thân, bạn bè nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa. Trong từng câu chúc, họ tin vào bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa. Khi đó, niềm vui của ngày Xuân luôn lan tỏa đến từng người mà họ có dịp gặp gỡ, chuyện trò” (x. Jos Phạm Đình Ngọc SJ, bài đd).

* TẾT XUM VẦY

Tết luôn luôn là dịp để người ta họp mặt bạn bè và đoàn tụ gia đình. Tết mà không có xum vầy thì mất đi ý nghĩa của Tết. Xum vầy để họp mặt chúc Xuân, để chia vui sẻ buồn, để vui chơi, ăn uống. Việc ăn uống trong dịp Tết là điều đương nhiên, nhưng ta không nên biến nó thành việc ăn nhậu, say sưa tốn kém. Những tai nạn giao thông trong dịp Tết thường do ăn uống nhậu nhẹt mà ra, vì khi say người ta không làm chủ tốc độ, dẫn đến những thảm kịch chết chóc kinh hoàng. Ki-tô được khuyến khích “ăn Tết” một cách lành mạnh, giản dị, đúng theo truyền thống và nhất là nên tiết kiệm.

Những lời chúc đầu năm đều mang ý nghĩa đem lại ấm no hạnh phúc, mạnh khỏe và bình an. Nếu chúng ta biết kiềm chế để sắm sửa và tổ chức một cái Tết lành mạnh thì những buổi họp mặt gia đình sẽ đem lại một bầu không khí tươi vui, đầm ấm và đáng khích lệ.     

* TẾT BÁC ÁI

Trong dịp tết, nhiều giáo xứ và nhiều cá nhân Ki-tô hữu tổ chức những đợt đi thăm viếng tặng quà cho các đối tượng người già neo đơn, bệnh tật, những gia đình khó khăn và những trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật. Những việc làm này thật ý nghĩa, nhất là nó thể hiện tinh thần bác ái yêu thương của Chúa Ki-tô. Tết khi đó không còn là cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho xứ đạo mình mà còn cho xã hội, cho con người bất kể là lương hay giáo.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu, mỗi gia đình Công giáo bớt đi những chi tiêu hoang phí cho ngày Tết để đóng góp một chút phần quà tham dự vào công cuộc “mừng Xuân không quên người nghèo” thì thiết nghĩ chúng ta sẽ có một cái Tết khá ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và đem lại niềm vui cho tha nhân và cho chính chúng ta./.

Aug. Trần Cao Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét