Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Feb 10, 2019 - Chúa nhật 5 thường niên năm C


Feb  10,  2019 - Chúa  nhật  5  thường  niên  năm  C
Tuyệt  đôí  vâng  lời  Chúa!




                      https://youtu.be/ezbZoXHWIeM


Các Bạn thân mến,

Hồ nước danh tiếng tại Galile dược gọi bằng ba tên khác nhau: biển Galile, biển Tiberiat, và hồ Ghennexaret. Hôm nay Thánh Luca dùng tên mà chúng ta ít có dịp nghe, đó là biển hồ Ghennexaret. Hồ dài gần 21 km, rộng gần 13km và ở vào chỗ trũng của mặt đất, nơi sâu nhất hơn 200m dưới mặt nước biển, nên nó có khí hậu như nhiệt đới. Vào thời Đức Giesu, đây là khu vực sầm uất, đông dân cư.


 Tại đây chúng ta đối diện với một khúc quanh trong chức vụ của Đức Giesu. Lần trước Ngài giảng dạy trong nhà hội, bị dân chúng phẫn nộ xô đuổi, bây giờ Ngài ra bờ hồ, và đám đông khác lại chen lấn đến sát bên Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Thấy vậy, Ngài mượn chiếc thuyền đánh cá để làm tòa giảng. Thái độ này cho thấy Ngài sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào mà người ta muốn nghe Ngài, dường lộ, ngõ hẻm, triền núi hay bờ hồ…


Tuy nhiên Tin Mừng hôm nay không chỉ dừng lại ở đó, mà còn nói về một chuyện lạ lùng, một phép lạ khích động do lòng tin tưởng, sự vâng phục.


 1.  "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá":


-   Tin Mừng ghi lại:"Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới."


-    Điều này cho thấy công việc đánh cá đã chấm dứt, người ta giặt rũ lưới để cất đi, và ra về nghỉ ngơi.


-    Nhưng khi Đức Giesu giảng xong, Ngài lại bảo ông Simon chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.


-    Ông Simon Phero đáp:"Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả."


-    Nghề chài lưới là nghề chính, cha truyền con nối của ông Phero, nên chắc chắn ông đánh bắt cá giỏi hơn, kinh nghiệm hơn hẳn Đức Giesu là người thợ mộc!


-    Hơn nữa hồ Galile có rất nhiều cá, thường tụ thành từng bày đến nỗi có thể che đặc cả mặt biển trong một khu rộng lớn.


-    Bạn nào đã đi hành hương Do Thái và từng ghé sông Giocdan, một nhánh nhỏ chẩy ra hồ Galile, thì cũng thấy hồ có rất nhiều cá, cá nhỏ nhưng mạnh dạn; nếu chúng ta bước xuống nước, tức thì chúng nhanh chóng bu lại đầy chân chúng ta ngay!


-    Một môi trường như thế mà cả đêm lại không bắt được con cá nào thì thật lạ lùng phải không?


-    Nhưng con mắt thấu suốt mọi sự của Đức Giesu đã nhìn thấy bầy cá lớn mà bao nhiêu cặp mắt trần gian của các ngư phủ không nhận ra!


-    Thật vậy, ai cũng có thể nhìn thấy cùng một sự vật, cùng một hiện tượng, cùng một con người, nhưng không phải ai cũng có con mắt mà người ta gọi là"biết nhìn thấy", nghĩa là nhìn sâu được những gì bên trong, nhìn rộng nhìn xa những gì sẽ xẩy ra của sự vật, của hiện tượng, của con người.


-   Như con mắt chuyên môn của James Watt, người phát minh ra máy hơi nước,  nhờ nhìn hiện tượng nước sôi làm bật cái nắp đậy; Newton tìm ra lực hấp dẫn của trái đất nhờ nhìn thấy trái táo rơi; Đức Giesu nhìn thấy khả năng lãnh đạo của Phero...


-   Thế giới đầy những cơ hội, những phép lạ cho những ai biết nhìn xem như vậy.


-    Ở đây dù ông Phero không nhìn thấy bầy cá lớn, dù mệt mỏi, dù thấy vô lý, dù không thể thành công, nhưng Phero đã sẵn lòng vâng theo lời Ngài mà thả lưới một lần nữa.


-    Đức Giesu không ép buộc ông Phero chèo ra chỗ sâu thả lưới, nhưng Ngài chỉ gợi ý mời gọi ông. Thế mà ông đã sẵn sàng nghe theo.


-    Và mẻ cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phero cùng các bạn nhận ra thân phận siêu phàm của Đức Giesu, và phận yếu đuối của mình, đồng thời cũng là phần thưởng cho Phero, được Đức Giesu khai mở một cái nhìn mới, một nhiệm vụ mới to lớn vinh quang, đó là thu phục mọi người về cho Thiên Chúa.


-     Có lẽ thấy các ông đã sẵn sàng, Đức Giesu lên tiếng mời gọi các ông, tức khắc họ từ bỏ tại chỗ mọi sự để theo làm môn đệ Ngài


-     Câu chuyện người ngoài nghe có vẻ viển vông, thiếu thực tế, thiếu khoa học và thiếu cả kinh nghiệm, nhưng lại là câu chuyện có thật, rất thuyết phục, còn là bài học cho những ai sớm ngã lòng, mệt mỏi buông rơi, mất niềm tin… có lý do để nhìn vào cuộc đời của một Phero lao động vất vả, nóng nẩy, cục cằn nhưng đã được đổi mới nhờ biết nghe Lời Chúa.


-      Phần chúng ta, nhiều khi vì mải mê lo lắng những chuyện trần gian, nên hay bỏ qua, lơ là những lần Chúa lên tiếng kêu gọi.


-     Để đi theo nhiều thứ chúng ta quá yêu thích, quyến luyến, ngày đêm nghĩ đến nó mà không thể từ bỏ để nghe lời Chúa, dù biết nó là xấu.

 2.    Chúa mời gọi:

 Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu nhiều điều về ơn gọi, đó là những bài học quí gía:

     a)    Chính Thiên Chúa kêu gọi con người trước:

-     Ngài đã gọi Isaia khi ông ở trong đền thờ.


-     Phero và các bạn chài lưới khi đang đánh bắt cá.


-     Phaolo đang trên đường lùng bắt các tín hữu Kito.


-     Lời mời gọi có thể có từ một thời điểm thánh thiêng như Chúa gọi Isaia; có khi từ một cơ hội gặp gỡ đặc biệt, nẩy sinh cảm nghiệm sâu sắc, cuốn hút con người, như trường hợp Chúa gặp Phaolo; hay trong hoàn cảnh bình thường, đang làm công việc hằng ngày, như Phero và các bạn đánh cá.


-     Trực tiếp hoặc qua một trung gian, như tất cả chúng ta.


-     Tất cả những người được kêu gọi, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều cảm thấy mình bất xứng.


-     Isaia thấy mình tội lỗi khi đứng trước Thiên Chúa thánh thiện hơn mức mình tưởng nghĩ rất nhiếu.


-     Phaolo tự nhận là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, còn không xứng đáng được gọi là tông đồ - là kẻ sinh non.


-      Phero thì sấp mình kêu lên:"Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi."


         b) Tín nhiệm:


-    Cũng chính Ngài tín nhiệm và trao sứ mạng ngôn sứ, tông đồ cho Isaia, Phero, Phaolo, các môn đệ rồi đến chúng ta.


 -    Mặc dù cả Isaia, Phaolo và Phero đều có những lời tự nhận, như bầy tỏ sự bất lực của mình.


 -    Nhưng các Ngài đã đáp lại sự tín nhiệm ấy cách nhiệt thành và chu toàn sứ mạng được trao.


-    Chính sự bất lực này đã làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa qua những phép lạ.


-    Và vì được Thiên Chúa tín nhiệm mà con người sẵn sàng vâng phục trước uy quyền của Ngài, đem lại thành quả vượt sức tự nhiên của loài người.


-    Như một chuỗi liên hoàn: từ gặp gỡ đến vâng phục, đến phép lạ, đến niềm tin, đến trở thành môn đệ đắc lực của Chúa.


-   Có lẽ chúng ta cũng có ít nhiều kinh nghiệm về sự tín nhiệm của Thiên Chúa đối với riêng mình?


        c) Vâng phục:


-    Được Chúa mời ra thả lưới chỗ nước sâu, Phero thấy vô lý, mất thời gian công sức, nên trình bầy rằng các ông đã cố gắng vất vả hết sức cả đêm rồi.


-    Và dù quá mệt mỏi, ông lại vâng phục ngay: "Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."


 -    Cũng như Đức Giesu trên thập giá:"Lạy Cha, xin cất chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con."


 -    Đó thật sự chỉ là một chút bối rối, mệt mỏi của Phero cũng như Đức Giesu, nên sau đấy các Ngài vẫn tỏa ra được sự khiêm tốn, tín thác nơi Thiên Chúa.


 -    Những khi thất bại, kiệt sức, mỏi mệt, chúng ta cũng thường rơi vào tâm trạng băn khoăn bối rối, hãy xin Chúa cho chúng ta lấy lại được niềm tin ngay để có quyết định nhanh chóng như Phero và Đức Giesu mà tiếp tục vâng phục.


   -   Vâng phục là khi tư tưởng, suy nghĩ, lời nói, hành động theo mệnh lệnh, ý kiến, hướng dẫy cuả người khác, có thể là người lãnh đạo, cấp trên, người đáng kính, đáng yêu, đáng thương, cũng có khi là kẻ thù, người xa lạ, đáng ghét, thấp hèn...nghĩa là dù tốt xấu, hợp lý hay nghịch lý, cũng không phải là ý riêng cuả mình.


-    Thế nên vâng phục có thể là tình nguyện, khuyến kích, ép buộc, hay trấn áp...


-    Với nghĩa nào thì vâng phục cũng bao hàm sự hy sinh, mất mát về tinh thần, thể chất, như tự do, danh dự, tình cảm, cá tính...


-    Như khi không ăn một cái kẹo, không hút một điếu thuốc lá có thể là chuyện rất nhỏ đối với mọi người, nhưng nó lại là chuyện lớn, thật khó chịu với người bị bệnh tiểu đường, bệnh ung thư phổi...Vì họ phải từ bỏ đam mê.


-    Nên chúng ta hiểu được sự vâng lời của Phero ở đây thật đáng khâm phục, dù không biết lý do nào Phero làm như vậy? 

-  Bởi tin tưởng? Bởi vừa được nghe giảng? Bởi muốn thử xem? Bởi muốn xem ai là người đúng? Bởi nể lời Chúa? Hoặc bởi ơn Chúa?...


-    Cho nên vâng phục không phải là điều nhỏ, không dễ dàng, không dễ chịu, mà thường bực bội, bị ức chế...


 -    Vâng phục những vĩ nhân, những người tốt lành tài giỏi, những điều hay lẽ phải thì chắc chắn dễ dàng, sẽ đem lại kết quả tốt, và vâng phục Thiên Chúa thì lại càng tuyệt vời hơn vì là những đối tượng tuyệt vời, hơn hẳn chúng ta nên nó có thể giải thoát chính mình và cứu cả các linh hồn.


-    Bởi vậy, đừng vịn những lý do quen thuộc mà mỗi người thường dùng như không muốn xía vào chuyện người khác, bận rộn, không phù hợp, thiếu khả năng, thiếu sức khỏe, thiếu thời gian, thiếu phương tiện, ngại ngùng, lười biếng…mà thoái thác vâng lời Thiên Chúa.


  -   Hãy nhớ rằng không phải người này người nọ kêu gọi, nhờ vả, truyền lệnh, mà chính Chúa làm những điều đó cho chúng ta qua họ, nên hãy mau mắn vâng lời họ!


-    Bởi lời kêu mời của Chúa dành cho tất cả, không ai được miễn trừ, dù tuổi tác, sức khỏe, nghề nghiệp, thân phận…


  d) Nhẫn nại:


  -    Chung quanh chúng ta có nhiều người không đáng phải chịu sự thảm hại trong công việc, nhưng vì họ ngã lòng quá sớm.


  -    Thật vậy, những người đầu hàng thường đông hơn những người chiến thắng, họ không thiếu bất cứ điều gì, mà chỉ thiếu lòng kiên nhẫn, là năng lực hàng đầu của con người.


  -    Đúng thế, có biết bao người tài năng, mà vẫn cứ thất bại; bao nhiêu thiên tài đã không được tán thưởng; đầy dẫy những kẻ có học thức mà vô dụng; bao nhiêu người giầu có sụp đổ dần trong đam mê…


  -    Vậy chỉ có lòng kiên trì và tính cương quyết là vạn năng, nếu thêm vào đó năng lực của sự cầu nguyện thì không có gì có thể địch nổi.


 -    Mặt khác, người đời cũng hay chờ đợi thời cơ thuận tiện mới khởi đầu công việc, nhưng như thế cũng có nghĩa là sẽ khó hoặc không bao giờ chúng ta bắt đầu được, vì cơ hội thường chỉ đến một lần.


 -    Như ở đây, đêm đã qua, nghĩa là thời gian không thuận lợi cho việc đánh bắt cá, nhưng Chúa bảo, thì Phero nhẫn nại làm theo.


  -    Và kết qủa rõ ràng do quyền phép siêu nhiên, khiến Phero cảm thấy sợ hãi như một người đang đối diện với uy quyền của Thiên Chúa.


  -    Đức Giesu liền đánh tan sự kinh hãi của ông, đem lại can đảm cho ông và các bạn trong thời gian tới:"Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống ngưới ta."


  -    Thất bại là điều không ai muốn, cho dù đã cố gắng làm hết sức mình, đôi khi chúng ta cũng vẫn bị thất bại.


 -    Điều đó rất bình thường, điều quan trọng chúng ta cần khi đó là được ai đấy thông cảm, an ủi, tin tưởng và khuyến khích mình đứng dậy, vươn lên.

- Đức Giêsu đã làm như thế với Phero, và ông đã vươn được lên cao thật/

Ngài biết ông có khả năng làm được những việc lớn, và Ngài đã khích thích đúng vào tiềm năng ấy của ông, để ông bắt được mẻ cá lớn nhiều đến rách lưới, và rồi các ông hăng hái bỏ mọi sự, cả mẻ cá ấy mà theo Ngài.

 Lạy Chúa, Isaia, Phaolo và Phero là những gương mặt lớn, mà hôm nay Giáo Hội nhắc nhở chúng con noi theo. Cả ba vị đã làm được những việc trọng đại cho Chúa, cả ba đều biết nhận thức về thân phận bất xứng của mình, nhưng biết vâng phục Ngài.
Xin cho chúng con bình tâm nhớ lại những ân sủng Chúa ban cùng những thiếu sót đã qua để luôn biết chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn đời.

Cùng  đặc biệt cho chúng con biết quyết tâm nghe lời dạy của Chúa là hãy để cho Ngài lo tất cả  mọi việc, điều quan trọng duy nhất chúng con phải lo, là tìm biết ý Chúa là Cha chúng con và cố gắng làm theo ý Ngài. Vì Đức Giesu, Chúa chúng con. Amen

Than men,

duyenky

                                    

                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét