VÌ VÂNG LỜI
Kinh Thánh xác định:
“Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Điều đó chứng tỏ rằng nhân
đức vâng lời rất quan trọng. Thật vậy, khi Chúa Giêsu mặc xác phàm làm người,
và theo nhân tính, Ngài cũng đã run sợ trước “chén đời” quá đắng, nhưng Ngài vẫn
bỏ ý riêng mình mà hoàn toàn xin vâng theo ý Chúa Cha (Mt 26:39 và 42; Mc 14:23
và 36; Lc 22:42).
Vâng lời liên quan sức mạnh.
Vâng lời KHÓ đối với người yếu, vâng lời DỄ đối với người mạnh. Ở đây là sức mạnh
tinh thần chứ không là sức mạnh thể lý, bởi vì có người yếu đuối thể lý nhưng mạnh
mẽ tinh thần, có người mạnh mẽ thể lý nhưng yếu đuối tinh thần. Vâng lời là
tuân phục, tạo nên sức mạnh. Thánh Giacôbê khuyên: “Anh em hãy phục tùng Thiên
Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em” (Gc 4:7). Tuyệt chiêu!
Với ít nhiều kinh nghiệm,
ai cũng biết rằng Yếu và Mạnh là hai thái cực đối nghịch nhau. Yếu – Mạnh có thể
về thể lý, tâm sinh lý, tinh thần, năng lực,… Theo khái niệm đó, mỗi người đều
có sở trường (yếu điểm, điểm mạnh) và sở đoản (nhược điểm, điểm yếu). Con người
có vẻ mạnh mẽ nhưng lại yếu đuối, con kiến có vẻ yếu đuối nhưng lại mạnh mẽ. Thật
vậy, con kiến có thể kéo một vật nặng hơn thể trọng của nó gấp nhiều lần, còn
con người thì không thể làm như vậy!
Như một chân lý đời thường,
người ta thường nói: “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”. Vật chất và đồng tiền
có thể đổi trắng thay đen. Nhưng Thánh Phaolô minh định: “Khi tôi yếu, chính là
lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Đó là dạng nghịch lý mà người đời không thể hiểu nổi,
nếu không cảm nghiệm được chính “sự yếu đuối” của Đức Kitô, nhất là khi Ngài ở
trong Vườn Dầu và trên Thập Giá.
Cái yếu có thể hóa cái mạnh
– và ngược lại, cái không có thể thành cái có – và ngược lại. Có những cái
không thực sự không đáng sợ, nhưng có những cái không lại rất đáng sợ. Những
cái-không-rất-đáng-sợ đó là gì? Đây là vài “cái không rất đáng quan ngại” mà
các thánh tiết lộ:
1. “KHÔNG có đức tin thì
KHÔNG thể vui trong Thiên Chúa, KHÔNG có lòng lương thiện thì cũng KHÔNG vui với
người, càng KHÔNG thể chăm sóc người” (Thánh Bênađô).
2. “KHÔNG có đức ái mà đi
truyền giáo thì giống như mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy”
(Thánh Inhaxiô Loyola).
3. “Nếu KHÔNG có đức ái
thì KHÔNG có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu KHÔNG có mặt trời thì cũng
KHÔNG có một tinh tú nào cả” (Thánh Tôma Aquinô).
4. “Nếu ai KHÔNG có đức
ái thì dù có đức tin chính xác thì đều KHÔNG thể có hạnh phúc vĩnh viễn; bởi vì
trong tất cả các nhân đức thì đức ái chiếm hàng thứ nhất” (Thánh Hiêrônimô).
5. “Hơi thở hôi là bằng
chứng bao tử bị hư hoại, dễ nói lời châm biếm người khác là bằng chứng tâm hồn
băng hoại, người KHÔNG có đức ái thì miệng chỉ nói lời làm tổn thương người
khác” (Thánh Ambrôsiô).
Thật tuyệt vời với lời
ngôn sứ Isaia cho biết: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự
trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các
thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để
che chân và hai cánh để bay” (Is 6:1-2). Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh!
Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời
vinh quang Chúa!” (Is 6:3). Trong các Thánh Lễ, hằng ngày Giáo Hội chúc tụng và
tôn vinh Thiên Chúa bằng lời kinh này.
Các vị đó là các thần
Xêraphim (seraphim), nghĩa là “lửa cháy”, được mô tả có 6 cánh, luôn bay quanh
ngai tòa Thiên Chúa và ca tụng: “Thánh, thánh, thánh”. (Seraphim là số nhiều –
đọc là ˈsɛr.ə.fɪm, tiếng Do Thái là שְׂרָפִים – đọc là śərāfîm; số ít là
seraph, tiếng Do Thái là שָׂרָףśārāf; tiếng Latin là seraphi[m], seraph[us]; tiếng
Hy Lạp là σεραφείμ.
Và vô cùng lạ lùng, tiếng
tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển, và khói toả mịt mù khắp Đền Thờ.
Lúc đó, ngôn sứ Isaia vừa ngạc nhiên vừa hoảng sợ nên đã phải thốt lên: “Khốn
thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân
môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is
6:5). Ông cảm thấy mình quá yếu đuối và nhỏ bé. Khi được diện kiến Tôn Nhan
Chúa, người ta mới biết rõ mình bất xứng tới mức nào, phàm ngôn không thể đủ từ
ngữ để diễn tả. Thiết tưởng có một cách tương đối để chúng ta khả dĩ cảm nhận:
Khi bình thường, chúng ta ra bờ biển và thấy vẫn bình thường, nhưng khi trời
chuyển mưa hoặc giông tố, chúng ta sẽ cảm thấy mình quá bé nhỏ trước sự hùng vĩ
của biển. Và thật đáng sợ!
Được chứng kiến tỏ tường,
ngôn sứ Isaia kể: “Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn
than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm
vào miệng tôi và nói: ‘Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi
và xá tội’. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ
đi cho chúng ta?’. Tôi thưa: ‘Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6:6-8). Ông cảm
thấy lo sợ, nhưng ông vẫn cảm thấy vui thích, vì thế ông đã phấn khởi nhận lời
Chúa sai đi. Ông thấy mình yếu đuối nhưng rồi ông đã hóa nên mạnh mẽ!
Chúng ta may mắn là Kitô
hữu vì được thông phần ba chức vụ ngay khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy: Tư tế,
ngôn sứ, và vương đế. Trở thành Kitô hữu nghĩa là chúng ta được sai đi trên những
“nẻo đường” khác nhau, với các sứ vụ khác nhau, thậm chí cả mức độ cũng khác
nhau. Vì thế, chúng ta phải ý thức trách nhiệm mà cảm tạ Thiên Chúa: “Lạy Chúa,
con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần,
xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh
Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của
Ngài trên tất cả mọi sự. Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng
nghị lực cho tâm hồn” (Tv 138:1-3). Ngài trao trọng trách cho chúng ta, nhưng
Ngài không phó mặc chúng ta, mà Ngài luôn che chở và độ trì mọi nơi, mọi lúc.
Mọi loài đều phải khâm phục
Thiên Chúa vì Ngài là Đấng Toàn Năng duy nhất: “Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần
đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa:
Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao! Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo
toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy
tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138:4-5). Do đó, mỗi chúng ta cũng phải không
ngừng chân nhận, tôn vinh và cầu xin Ngài: “Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn
tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài
thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:8).
Một trong ba chức vụ mà
chúng ta dễ nhận thấy là nhiệm vụ ngôn sứ, không hẳn là phải loan báo Tin Mừng
bằng lời nói, mà là hành động, cách sống, sáng tác (thơ, văn, nhạc, họa,...) hoặc
viết lách. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng
tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh
em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh
em có tin cũng vô ích” (1 Cr 15:1-2). Tin thì phải chứng minh đức tin đó ra,
như Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 và
26). Đó là sống đức tin một cách cụ thể và tích cực.
Có gì thì chia sẻ cái đó,
không thể giữ riêng cho mình. Thánh Phaolô xác định và chứng minh: “Trước hết,
tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã
chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng,
và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông
Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em
một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp
đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người
cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr
15:3-8).
Tiếp theo, thánh nhân
khiêm nhường cho biết: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ,
tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.
Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không
vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không
phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao
giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy” (1 Cr
15:9-11). Những lời chân thành như rót vào tai, như được uống những giọt mật ngọt
ngào vậy. Cũng giống như ngôn sứ Isaia, Thánh Phaolô thấy mình yếu đuối nhưng rồi
ông lại hóa nên mạnh mẽ!
Như một đoạn phim phóng sự
qua trình thuật Lc 5:1-11 (≈ Mt 4:18-22; Mc 1:16-20), Thánh sử Luca tường thuật
sự việc: Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn
nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ
hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu
xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Ngài xin ông chèo thuyền ra
xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Ngài bảo ông
Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simôn vừa gãi đầu vừa
đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng
VÂNG LỜI Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5). Ông Phêrô ngần ngại lắm, vì ông là
ngư dân nên ông biết con nước này không có cá. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện vì
vâng lời Sư Phụ. Tốt lắm! Lạ lùng thay, họ đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu
như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp.
Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Một
phép lạ nhãn tiền, và chỉ có Thiên Chúa mới làm được đại sự kỳ diệu như vậy, chứ
chẳng một thần linh nào có thể làm được.
Rất rõ ràng, thế nên ông
Simôn Phêrô run sợ vì cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối, ông liền sấp mặt dưới
chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Một
câu thú nhận trên cả sự tuyệt vời! Chúa chỉ mong chúng ta như vậy thôi. Ngài muốn
thấy chúng ta tự nhận mình là tội nhân, luôn cảm thấy yếu đuối. Đó là khiêm nhường,
và rồi hồng ân và lòng thương xót của Ngài sẽ tác động mà biến đổi người yếu
thành người mạnh, nhỏ thành to, không thành có.
Nhìn mẻ cá vừa bắt được,
ông Simôn và mọi người có mặt ở đó đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê
là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Họ cứ nhìn
nhau, mắt chữ O và miệng chữ A mà chẳng nói được lời nào. Bình thường thì con
nước này làm gì có cá, thế mà… Ôi chao, vô cùng lạ lùng!
Đúng là kỳ diệu quá chừng.
Thấy vậy, Chúa Giêsu trấn an ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục
người ta”. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết
mọi sự mà theo Đại Sư Giêsu. Ông Phêrô đã biến đổi từ một người yếu để trở
thành người mạnh, nhờ Đức Giêsu Kitô, và được làm Giáo hoàng tiên khởi của Giáo
hội chiến đấu – tức là Giáo hội trần gian. Chúng ta cũng phải bỏ tất cả để theo
Ngài: Thói hư, tật xấu, tội lỗi, kiêu căng, ích kỷ, lười biếng, thù hận, lọc lừa,
đểu cáng, khoe khoang, xu nịnh, phe cánh, tham lam, ghen ghét,…
Lạy Thiên Chúa duy nhất
và toàn năng, xin tha thứ và nâng đỡ chúng con, xin biến đổi chúng con từ những
con người yếu đuối trở thành những con người mạnh mẽ, để chúng con loan truyền
Thánh Danh Ngài và Lòng Xót Thương của Ngài. Xin Đức Mẹ dạy chúng con luôn biết
xin vâng như Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người
và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét