TẾT ĐỜI VÀ TẾT ĐẠO
Thứ năm - 24/01/2019-Hoàng Mai-tinvui
Trong
các lễ tiết, tết Nguyên Đán được mừng một cách “hoành tráng” nhất. Người đón tết
một cách nồng nàn, người ta đợi tết một cách trịnh trọng và người vui tết một
các náo nhiệt hân hoan. Trong bài này, xin dựa vào cuốn “Tín ngưỡng Việt Nam” của
Toan Ánh, để đưa ra một vài phong tục trong dân gian về ngày tết, rồi cùng với
những ghi nhận cá nhân, sẽ điểm qua những cố gắng của Giáo Hội trong chiều hướng
hội nhập vào những sinh hoạt của cộng đồng dân tộc trong dịp vui mừng này.
TẾT ĐỜI
Tết
Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng giêng, nhưng thực sự người ta đã sửa
soạn tết ngay từ đầu tháng chạp. Nhà nhà lo mua gạo nếp, đậu xanh để đến ngày gần
tết gói bánh chưng. Người ta cũng sửa soạn cho vại dưa hành ngay từ đầu tháng
chạp, vì dưa hành cần phải muối sớm, đến Tết mới kịp ăn, bởi vì trong ngày Tết
không thể thiếu món này: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, nêu cao, pháo nổ, bánh
chưng xanh. Người ta đi chợ tết để mua sắm gà vịt, bông hoa, bánh mứt và những
thứ cần thiết khác, một phần dành cho gia đình, một phần mang biếu những người
mình đã chịu ơn. Có những người chờ tới ngày 30 mới đi sắm vì hy vọng sẽ mua được
giá rẻ, bởi vì người bán muốn bán cho hết, khỏi phải mang về. Tuy nhiên đây
cũng là điều may rủi, bởi vì có những năm sáng ba mươi đã cạn hàng và lập tức
người bán tăng giá lên vùn vụt. Người ta rủ nhau đánh đụng để ngày gần Tết hùn
nhau mổ lợn, bởi vì ngày Tết cũng phải có tí thịt cho gia đình: Số cô chẳng
giàu thì nghèo, ba mươi tết có thịt heo trong nhà. Người ta cũng lo tới bộ áo
quần ngày tết, nhất là đối với các em nhỏ và các cô gái mới lớn.
Tết
là bắt đầu cho một năm. Người ta phải đón xuân trong một khung cảnh sáng sủa, sạch
sẽ và đẹp đẽ. Do đó, trước ngày Tết, người ta lo lau quét, trang hoàng nhà cửa
cho xứng đáng với năm mới. Từ trong nhà đến ngoài cửa, chỗ nào trông cũng như mới,
thật ăn khớp với khung cảnh của mùa xuân với những lời chúc tụng tốt đẹp nhất.
Trong
dịp vui xuân, người Việt cũng muốn gia tiên về hưởng Tết. Bởi vậy, ở nhiều nơi,
sau khi sắm sửa Tết, người ta có tục đi viếng và đắp lại phần mộ, thắp nhang khấn
mời hương hồn những người quá cố về hưởng Tết. Chiều ba mươi, khi mọi việc sửa
soạn đã xong và khi đi viếng mộ đã về, người ta sửa lễ cúng gia tiên và sau đó
đèn nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày tết. Cúng gia tiên ba mươi tết, nhưng
sáng ngày mồng một, người ta sẽ lại cúng một lần nữa.
Theo
sự định nghĩa thì nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán là Tết
mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Năm mới
đến, những sự may mắn cũng đến và bao nhiều điều đen đủi của năm cũ đều theo
năm cũ mà hết. Và như chúng ta đã biết Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ lúc giao
thừa. Vậy giao thừa là gì?
Giao
là trao, thừa là nhận. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, thì giao thừa
nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Lẽ trời đất có khởi đầu thì cũng phải có kết
thúc. Một năm bắt đầu từ lúc giao thừa và cũng kết thúc vào lúc giao thừa.
Trong giây phút linh thiêng này, người ta cử hành lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ
này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở và cũ kỹ của năm cũ sắp qua, để đón những
cái mới mẻ và tốt đẹp của năm mới sắp tới. Mang tính cách tống cựu nghinh tân,
nên lễ này được tổ chức rất trang trọng từ tư gia cho tới các đình chùa. Đồng
thời, vì được cử hành vào lúc giao thừa, nên lễ này còn được gọi là lễ giao thừa.
Sau
lễ giao thừa ở nhà, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa để cầu phúc cầu may,
để xin Phật Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình.
Lễ
xong, người ta có tục hái một cành cây mang về, ngụ ý là lấy lộc của Trời Đất,
Phật Thần ban cho. Trước cửa đình, cửa chùa, thường có những cây đa, cây đề,
cây si cổ thụ, cành lá xum xuê, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh gọi là cành
lộc. Cành lộc này mang về được cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Vì tin tưởng
lộc hái về trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người dân Việt
trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Tục hái lộc là một tục tốt
đẹp, nhưng ngày nay nhiều người đi lễ trong đêm trừ tịch vác cả dao cả búa đi đẵn
cây trong các đình chùa, biến tập tục này trở thành một tai hại cho các nơi thờ
tự.
Sáng
mồng một, sau khi cúng gia tiên, con cháu tới lạy mừng và chúc tết ông bà. Con
cháu chúc các cụ một năm mạnh khỏe và bình yên. Các cụ cũng chúc lại con cháu
những điều tốt đẹp. Trong lúc chúc tết, con cháu thường dâng các cụ một món quà
tết như bánh trái hay một món tiền đặt trong bao giấy hồng. Tiền này được gọi
là tiền mở hàng đem lại may mắn lại cho các cụ. Đồng thời các cụ cũng mở hàng
cho con cháu và được gọi là tiền mừng tuổi. Giàu hay nghèo các cụ cũng mừng tuổi
lại cho con cháu. Giàu thì nhiều tiền, nghèo thì tượng trưng một vài đồng để
con cháu gặp được tốt đẹp quanh năm.
Ngoài
ra, trong ngày Tết, các chú các cô các dì cũng thường mừng tuổi cho các cháu,
và khi tới nhà một người bạn chúc tết, có trẻ nhỏ thì người ta cũng mừng tuổi
cho các em để các em hay ăn chóng lớn, học hành thông mình, khỏe mạnh và ngoan
ngoãn. Thực vậy, với năm mới người ta thêm một tuổi. Đó là điều đáng mừng. Đối
với người già là tăng tuổi thọ, đối với các em bé là thêm tuổi để thêm lớn. Vì
thế trong lúc chúc tết, người ta có lệ mừng tuổi. Tiền mừng tuổi bao giờ cũng
có tiền lẻ, có ý là tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở. Riêng trong Nam, tiền mừng tuổi
cho các em còn được gọi là tiền lì xì.
Sau
cùng là tục gửi Tết và biếu Tết. Gửi Tết là đem đồ lễ đến nhà trưởng tộc để người
này cúng tổ tiên trong dịp Tết. Con cháu gửi tết để tỏ lòng nhớ ơn và kính mến
tổ tiên. Tục này cũng thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa những người trong
quyến thuộc xa gần: Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng
sông sâu, người ta nguồn gốc từ đâu? có tổ tiên trước rồi sau có mình.
Cùng
với việc gửi tết nhà trưởng tộc, người ta cũng nghĩ đến việc biếu Tết. Đây là dịp
để người ta trả ơn những người đã có công với mình: Học trò biếu Tết thầy, con
bệnh biếu Tết ông lang, dân biếu Tết quan, con nợ biếu Tết chủ nợ, bạn bè biếu
tết lẫn nhau, kẻ dưới biếu Tết bề trên. Trong việc biếu Tết, quà biếu thường chẳng
đáng bao nhiêu, nhưng tấm lòng thành mới là đáng kể.
Dĩ
nhiên trong dân gian còn nhiều tục lệ, nhiều kiêng cữ khác nữa, gã xin miễn bàn
tới, mà chỉ đề cập đến một vài tục lệ tốt đẹp và có ý nghĩa, hiện còn được tuân
giữ mà thôi.
TẾT ĐẠO
Hòa
vào niềm vui chung của dân tộc, người công giáo cũng ăn Tết giống như mọi người,
nhưng lại mang những nét đặc sắc riêng biệt, phản ảnh cho một niềm tin sâu xa.
Thực vậy, vào những ngày trước Tết, người công giáo cũng đi chợ tết và mua sắm
những thứ cần dùng. Người công giáo cũng dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, để sẵn
sàng tiếp đón họ hàng cũng như bè bạn tới viếng thăm. Người công giáo cũng chúc
tuổi ông bà, cha mẹ và lì xì cho con cháu.
Đây
là dịp để đoàn tụ gia đình. Con cháu đi làm hay đi học xa đều trở về sum họp với
những người thân yêu. Bữa cơm gia đình thường được tổ chức, có nhà vào ngày ba
mươi Tết, có nhà vào ngày mồng một, mồng hai hay mồng ba Tết, nhờ đó mà tình
nghĩa ruột thịt giữa ông bà, cha mẹ, con cháu và anh chị em được thêm khắng
khít.
Hồi
còn bé, cứ sáng mồng một, mấy anh chị em chúng tôi đều được cha mẹ sai mang đồ
lỡi đi tết các bác và các chú, các cô và các dì. Đi suốt buổi sáng không hết
vòng họ hàng bà con, thì ban chiều đi tiếp. Tới nhà nào, chúng tôi cũng phải
chúc tuổi và tới nhà nào chúng tôi cũng được ăn bánh mứt và nhất là được nhận
tiền lì xì. Tiền lì xì thường gửi cho mẹ giữ hộ.
Trong
những ngày Tết, người công giáo thường tới nhà thờ để tham dự Thánh Lễ. Và Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã qui định:
-
Tối giao thừa: Thánh lễ tạ ơn
-
Mồng một Tết: Cầu bình an cho năm mới
-
Mồng hai Tết: Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
-
Mồng ba Tết: Thánh hóa công việc làm ăn.
Hầu
như các nhà thờ tại Việt Nam đều tổ chức Thánh Lễ Giao Thừa. Trong Thánh Lễ
này, chúng ta cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt
một năm sắp qua đi, đồng thời chúng ta phó thác những ngày tháng sắp tới cho
bàn tay quan phòng và yêu thương của Ngài. Chúng ta cũng cám ơn tất cả những
người, bằng cách này hay cách khác, đã nâng đỡ, ủi an và góp phần xây dựng cuộc
đời chúng ta.
Như
trên gã đã trình bày, trong đêm giao thừa, sau khi đi lễ tại đình chùa, người
Việt Nam có tục hái lộc đem về nhà. Người công giáo, sau khi tham dự thánh lễ
giao thừa, cũng hái lộc đầu xuân. Không biết xuất phát từ đâu, mà trong khoảng
thời gian hai ba chục năm nay, giáo xứ nào cũng tổ chức cây mùa xuân để cho mọi
người tới hái lộc. Lộc ở đây không phải là một cành cây phải hái, phải bẻ,
nhưng là một Lời Chúa được in rất đẹp trên giấy và được cuộn lại cũng rất đẹp.
Lời Chúa được chọn theo chủ đề của mỗi năm, chẳng hạn như về gia đình, đức tin,
truyền giáo… Mỗi gia đình nhận một Lời Chúa, là như ý lực sống cho suốt cả một
năm. Tờ Lời Chúa hay lộc đầu xuân này được mang về nhà và được để ở gần bàn thờ,
để mọi người trong nhà cùng suy gẫm và thực hành.
Ngày
mồng một Tết, người công giáo cầu bình an cho năm mới. Tương lai còn đang ở
phía trước, chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn là sẽ có
nhiều khó khăn vất vả. Chúng ta cầu xin Chúa giữ gìn bản thân, gia đình, giáo xứ
và quê hương đất nước được bình an bằng tình yêu thương của Ngài. Trong thánh lễ
này, cộng đoàn dân Chúa cũng chúc tuổi lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta cầu chúc
cho nhau những điều tốt đẹp là một chuyện, còn thực hiện được những lời cầu
chúc ấy lại là một chuyện khác. Vì thế, chúng ta cũng xin Chúa thực hiện thay
cho chúng ta những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, chúng ta gửi đến cho nhau trong dịp
đầu xuân năm mới.
Ngày
mồng hai Tết, người công giáo kính nhở tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì thế, vào những
ngày trước Tết, các gia đình thường sửa sang lại phần mộ của những người đã khuất,
người ta đặt những giò hoa tại phần mộ. Và ngày mồng hai Tết, các giáo xứ thường
tổ chức ít là một Thánh Lễ ở nghĩa trang. Rất nhiều lần tôi đã thực sự xúc động
khi tham dự Thánh Lễ ở nghĩa trang. Đứng bên cạnh phần mộ của những người thân
yêu, hồi tưởng lại những kỷ niệm của một thời đã cùng nhau chung sống và chia sẻ.
Với làn khói hương lan tỏa trong bóng chiều nhẹ buông, lời nguyện cầu trong bầu
khí thánh thiện này quả thật là sốt sắng. Tôi cảm thấy như người thân yêu đang ở
rất gần, hay như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh
thiêng vào đời”. Ngày tàn, những ngọn nến được thắp sáng trên các phần mộ, như
muốn chiếu tỏa cho một niềm tin và sưởi ấm cho những người còn đang phải chèo
chống giữa giòng đời đầy sóng gió.
Ngày
mồng ba tết, người công giáo thánh hóa công việc làm ăn. Chúng ta cầu xin Chúa
cho mưa thuận gió hòa, để những lao công vất vả của chúng ta được mang lại những
thành quả tốt đẹp. Ý nguyện của ngày mồng ba Tết khiến gã nhớ tới lời của Thánh
Phaolô: Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Chỉ một
cơn bão, cũng đủ để phá hủy mùa màng, giật sập nhà cửa, làm tiêu tan sản nghiệp
chúng ta đã chắt chiu vun trồng. Nhưng chuyển hướng cơn bão, để nó không gây
nên những thiệt hại, lại là chuyện quá dễ dàng đối với quyền năng Chúa.
Đồng
thời, trong khi thánh hóa công việc làm ăn, chúng ta cũng nhận ra những giá trị
của lao động, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, tiếp
nối những gì Ngài đã thực hiện, để làm đẹp cho bộ mặt trái đất. Và nhất là nếu
chúng ta biết làm việc vì lòng yêu mến Chúa, thì những công việc tầm thường và
nhỏ bé nhất cũng sẽ có được một giá trị cứu độ, cũng sẽ trở thành những lời
kinh xuất phát từ lòng cuộc đời, những vất vả của chúng ta trở thành những sợi
chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời và làm cho nó có một giá trị to lớn trước mặt
Chúa. Và như vậy, cái Tết thật có ý nghĩa và trong năm mới, chúng ta sẽ được
bình an và hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét