THÁCH THỨC
TUESDAY, JANUARY 29, 2019- TRẦM THIÊN THU
GIẢ HÌNH HỢM HĨNH
QUÂN BIỆT PHÁI
XẢO QUYỆT MƯU
MÔ LŨ QUỶ MA
Ác nhân luôn mưu mô những
điều xấu xa, chỉ vì tư lợi chứ không vì công ích. Sự dã tâm là ác ý, có ý “chơi
khăm” người nào đó, “bằng mặt mà không bằng lòng”, trước mặt nói ngọt sớt như
mía lùi mà sau lưng bất ngờ đâm thọc. Loại người này được gọi là “khẩu phật,
tâm xà”, miệng nam-mô mà bụng một bồ dao găm, ác như mãng xà độc hại, rất đáng
quan ngại!
Kẻ dã tâm khôn ranh rất
tinh vi, vị kỷ mà không vị tha, chỉ tìm cách thỏa mãn tư lợi, còn ai ra sao
cũng mặc, như người ta thường nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ
túi”. Đó là dạng “nhiễm xạ” tinh thần – cũng nguy hiểm như nhiễm chất phóng
xạ thật. Kiểu như nhóm biệt phái giả hình, xét nét người khác để bắt bẻ, đả phá
chứ không xây dựng.
Thách Thức tương
đương Thử Thách nếu đó là điều khó khăn, mức yêu cầu, sự trở ngại có thể
khó nhận ra hoặc tiên liệu, những thứ đó thường vượt tầm khả năng giải quyết.
Đó là cuộc trải nghiệm quý giá, là vốn sống, là ngọn lửa thử vàng của ý chí và
tài thao lược. Để thấu hiểu và vượt qua thách thức, thậm chí biến thách thức
thành cơ hội, điều cốt lõi là bản lĩnh cá nhân, nhưng tinh thần và trí tuệ của
tập thể cũng hữu ích, có thể là lá chắn và thanh gươm giúp chúng ta chiến thắng
hoặc thành công.
Thách Thức tương đương
Thách Đố nếu đó là kiểu gây hấn, chống đối người khác. Kiểu này nguy hiểm vì
“cái tôi” bắt đầu nổi dậy, đè bẹp sự khiêm nhường. Thường thì kẻ yếu thế lại muốn
chứng tỏ mình mạnh, giống như kẻ kém võ lại thích khua múa, kẻ ít chữ lại hay
nói văn chương, kẻ nghèo lại khoái phô trương,... Cứ tưởng Khôn mà hóa Khốn!
Kinh Thánh đã minh định: “Khôn
ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời” (Hc
1:4). Ai cũng được Thiên Chúa ban cho sự khôn ngoan, với mức độ có thể khác
nhau, nhưng sự khôn ngoan cũng vẫn cần được trau giồi, và quan trọng là cách sử
dụng sự khôn ngoan sao cho hợp lý. Có Khôn rồi mà còn phải Khéo nữa.
Ý thức nghiêm túc, tác giả
sách Huấn Ca đặt vấn đề: “Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho
ai? Và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ?” (Hc
1:6). Và sau đó liền có câu trả lời mạch lạc: “Sự viên mãn của khôn
ngoan là KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA. Khôn ngoan lấy hoa trái của mình làm cho họ say sưa,
lấy bảo vật của mình chất đầy nhà cửa họ, đem sản phẩm của mình đổ đầy kho lẫm”(Hc
1:16-17). Kinh Thánh cũng đã xác định nguồn gốc của sự khôn ngoan: “Tất
cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến
muôn đời” (Hc 1:1).
Một danh nhân nào đó xác
định: “Người khôn ngoan là người thấy cái gì cũng mới lạ”. Thấy mới
lạ không là để tò mò, mà để khám phá và tìm hiểu thấu đáo. Đó là con người
trong cuộc sống đời thường. Còn về tâm linh, người khôn ngoan là người biết
kính sợ Thiên Chúa: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn
ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào. Đức Chúa đã thấy và đã đếm khôn
ngoan, Người đổ mưa am tường và hiểu biết của trí tuệ, nâng cao vinh dự của những
kẻ gắn bó với khôn ngoan” (Hc 1:18-19). Sự khôn ngoan rất cần trong đời
sống, nhưng còn càng cần hơn trong đời sống Kitô hữu.
Tuy nhiên, điều quan trọng
là người khôn ngoan không cậy nhờ phàm nhân, mà chỉ cậy nhờ vào Chúa. Họ tâm niệm
và chân thành thân thưa: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để
con phải tủi nhục bao giờ” (Tv 71:1). Chắc chắn họ sẽ không phải hổ
ngươi, vì được Chúa soi sáng và hướng dẫn. Ngay trong những khi gặp thử thách,
họ vẫn trọn niềm tín nguyện: “Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải
thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài” (Tv
71:2-3). Đúng như Thánh Phaolô xác định: “Không có gì tách được chúng
ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm
8:39).
Phàm nhân luôn bị tác động
bởi thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố,dục). Đôi khi cầu nguyện mà có vẻ như
không thấy “động tĩnh” gì, thế nhưng họ vẫn tin tưởng và khôn ngoan, vẫn vững
tâm kiên trì: “Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ,
khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng
con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh
xuân” (Tv 71:4-5). Và họ xác tín từ những điều xem chừng rất tự
nhiên: “Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi
lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi” (Tv 71:6). Đó là niềm tín
thác đích thực, chắc chắn Chúa vui lòng và sẽ không ngơ mãi, không nỡ để họ phải
thất vọng.
Tin là chấp nhận hoặc từ
chối. Làn ranh rất mong manh. Một niềm giữ vững đức tin, họ hiên ngang vui mừng
thể hiện niềm tin đó: “Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường
thuật ơn cứu độ Ngài ban, ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể! Con thuật lại bao
chiến công của Chúa, nhắc nhở rằng: chỉ mình Ngài chính trực công minh. Từ độ
thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn
truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:15-17). Người biết tín thác vào
Chúa thì đúng là người khôn ngoan thực sự.
Hằng ngày, mọi nơi và mọi
lúc, chúng ta có được gì cũng đều là hồng ân Chúa ban. Quả thật, nếu xét cho
cùng, ngay những gì chúng ta đang sở hữu cũng không hoàn toàn thuộc quyền mình,
vì chúng ta có thể mất chúng bất kỳ lúc nào – kể cả sự sống. Thánh Phaolô
nói: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn
cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1
Cr 12:31). Con đường trổi vượt đó là con đường khôn ngoan luôn sáng rực ánh hồng
ân huyền nhiệm.
Kinh Thánh đã xác định
khôn ngoan là biết kính sợ Chúa, mà kính sợ Chúa thì phải biết yêu thương – tức
là đức mến. Một hệ lụy lô-gích, tính liên đới kỳ diệu. Vừa như một cách định
nghĩa và vừa là cách giải thích, Thánh Phaolô nói về đức mến: “Đức mến
thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không
làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha
thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr
13:4-7). Nghe có vẻ dài dòng, nhưng rõ ràng đến từng chi tiết. Đây là chương
nói về đức mến rất tuyệt vời trong các thư của Thánh Phaolô. Quả thật, đức mến
không đơn giản như chúng ta tưởng.
Như chúng ta đã biết, đức
mến là một trong ba nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến), cả ba đều quan trọng,
nhưng đức mến quan trọng nhất, vì “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr
13:8a). Thật vậy ư? Chắc chắn đúng như vậy: “Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ
nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng
còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn” (1
Cr 13:8b-9). Lạ thật! Cái gì cũng hữu hạn, nhưng lòng yêu thương lại vô hạn. Ác
nhân không hề có lòng yêu thương, thế nên họ ích kỷ và luôn tìm cách ghen ghét,
mưu hại người khác, tìm cách thách thức bất cứ ai.
Đề cập tầm quan trọng của
đức mến, Thánh Phaolô lý giải: “Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần,
có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con,
hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn,
thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1 Cr 13:10-11). Cách so sánh rất
cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu.
Thánh Phaolô nói cả ba
nhân đức đối thần quan trọng, nhưng không phải vì vậy mà coi nhẹ các đức đối
nhân – nghĩa là chúng cũng không kém phần quan trọng. Không ai tin cậy và yêu mến
Thiên Chúa lại là người mưu mô, xảo quyệt, ác độc, nham hiểm, không biết thương
xót đồng loại. Chỉ có loài quỷ đội lốt người mới như vậy.
Sống yêu thương là thể hiện
đức tin, mà đức tin thì trừu tượng, nếu không khéo sẽ hóa thành ảo tưởng. Thánh
Phaolô cho biết: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương,
mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi
sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13:12). Và ngài tái
xác định tầm quan trọng của đức mến: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến,
cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13).
Thách thức liên quan kiêu
căng. Trình thuật Lc 4:21-30 đề cập sự thách thức của người Do Thái đối với
Chúa Giêsu. Một lần tại Hội đường, khi mở Sách Thánh gặp câu nói về Thần Khí,
Chúa Giêsu nói với cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị
vừa nghe”. Nghe vậy, mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp
thốt ra từ môi miệng Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đúng là một “nhân vật đặc biệt
nhất”, một “dị nhân” chính hiệu, khiến ai cũng phải tâm phục và khẩu phục. Thế
nhưng vẫn có những kẻ ác ý xấu xa muốn hại Ngài. Bản chất khó dời!
Chúa Giêsu biết bụng dạ xấu
xa của họ nên Ngài nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục
ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã
làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”. Người
ta có dã tâm không phải vì Chúa Giêsu làm gì sai trái, mà vì tính đố kỵ, thói
ghen ghét, không muốn người khác hơn mình, sợ mình lép vế, quen thách thức và
ưa thọc gậy bánh xe. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên nói tiếp: “Tôi bảo thật
các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Thế kỷ
XXI rồi mà câu nói này vẫn đúng, bởi vì người ta khó có thể chấp nhận tài năng
của những người cùng quê hương với mình!
Họ im lặng, không đối đáp
được câu nào. Đuối lý, cụt hứng, hết cãi. Mà còn nói gì được nữa chứ? Chúa
Giêsu liền nói thẳng một hơi: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào
thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ
dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp
một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước
Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ
Xy-ri thôi”. Quá rõ, thật thấm thía và đau điếng, trúng tim đen quá mà! Chẳng
ai dám lý luận chi nữa!
Quái gở! Lũ ác nhân lật mặt
như trở bàn tay, mới khen nức lòng mà lại chống đối ngay, bằng chứng là lời kể
của Thánh Luca: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng
dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận
đỉnh núi để xô Ngài xuống vực” (Lc 4:28-29). Đúng là quá đểu – đểu thật
chứ không đểu giả!
Tuy nhiên, chính những
con người đểu cáng đó, dã tâm và nham hiểm, cũng chẳng làm gì được người ngay
lành, chính trực. Thật vậy, Chúa Giêsu thấy họ phẫn nộ mà Ngài vẫn thản nhiên
“băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4:30). Chắc hẳn lúc đó lũ “quỷ sống” ấy muốn lộn
ruột gan và phát điên lên được. Ngày nay, những người mưu mô nham hiểm với người
khác cũng vậy thôi. Loại ác nhân như vậy ở đâu cũng có, chẳng trừ nơi nào, y
như ma quỷ có mặt mọi nơi để rình rập người tốt vậy. Chúng ẩn náu và hóa trang
rất tinh vi bằng các loại trang phục nhân nghĩa hào nhoáng rất bắt mắt: “Lạ
gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr
11:14).
Có nhiều mối phúc, một
trong các mối phúc đó liên quan cách sống khôn ngoan và hướng thiện: “Phúc
thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2).
Lạy Thiên Chúa nhân lành
chính trực, xin giúp con biết ghê tởm chính mình, nhưng biết cảm thông và yêu
thương mọi người, nhất là những người hèn mọn, vô danh tiểu tốt, cô thân cô thế.
Xin hoán cải và biến đổi con theo Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét