Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

5 bệnh nam khoa quý ông hay mắc



5  bệnh  nam  khoa  quý  ông  hay  mắc
Thứ năm,9/5/2019- vnexpress


Ảnh: Health

Yếu sinh lý, rối loạn xuất tinh, bệnh lý tuyến tiền liệt, bao quy đầu, tinh hoàn là bệnh đàn ông thường gặp.

Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết nam giới mắc các bệnh lý về nam khoa ngày càng phổ biến. Nhiều người vì tế nhị nên ngại chia sẻ với người khác dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số bệnh thường gặp:

Yếu sinh lý

Yếu sinh lý là tình trạng dương vật không có khả năng cương cứng hoặc không duy trì được trạng thái cương cứng khi quan hệ nam nữ. Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc ở nam giới tăng dần theo tuổi. Cụ thể, tuổi từ 21 đến 70 tuổi ở Mỹ tỷ lệ mắc bệnh 18%, ở châu Âu 17%, ở Đông Nam Á 10%, Trung Quốc 28%, ở Việt Nam 15,7%. Tỷ lệ bệnh ngày càng tăng một phần do bệnh nhân chủ động đi khám nam khoa, hoặc đôi khi bạn tình của họ yêu cầu.

Nguyên nhân gây yếu sinh lý do các yếu tố về sức khỏe, tâm lý, chất kích thích, tuổi tác, các bệnh lý khác. Ví dụ: mệt mỏi, căng thẳng trong thời gian dài, hay hưng phấn quá độ sẽ dẫn tới mất cân bằng nội tiết tố. Rượu bia, thuốc lá, ma túy gây ra rối loạn chức năng cương cứng và giảm khả năng sản xuất tinh binh. Tuổi cao thì sức đề kháng cũng kém, nội tiết tố bắt đầu bước vào thời suy giảm, mãn dục. Các bệnh gan, thận, huyết áp cao, tiểu đường, cũng gây yếu sinh lý.

Yếu sinh lý nam giới ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tình dục, quan trọng hơn là hạnh phúc gia đình.

Rối loạn xuất tinh

Rối loạn xuất tinh dùng để chỉ các trường hợp bị xuất tính sớm, xuất tinh muộn, không xuất tinh, xuất tinh ra máu, xuất tinh ngược, đau khi xuất tinh, di tinh...

Nam giới thường đi khám xuất tinh sớm khi thời gian giao ban chỉ đạt dưới 5 phút. Thời gian giao hợp không phải là yếu tố bất biến, đôi khi có là sớm với cặp đôi này nhưng nó lại là vừa đủ với cặp đôi khác.


Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn xuất tinh, trong đó có thể do các bệnh sẵn có như mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh, mất cân bằng nội tiết tố, suy thận, suy gan, nghiện rượu và ma túy.

Nguyên nhân tâm lý như công việc căng thẳng, lo lắng về khả năng tình dục, bị trầm cảm, hoặc những ảnh hưởng của một chấn thương tình dục trong quá khứ. Đôi khi do tác dụng phụ của một số loại thuốc, như thuốc chống trầm cảm.

Bệnh lý bao quy đầu

Bệnh lý bao quy đầu thường gặp nhất là hẹp, bán hẹp bao quy đầu, da bao quy đầu dài gây viêm tái phát, ảnh hưởng tới tình dục.

Hẹp khít bao quy đầu dẫn đến tính trạng viêm tái phát kéo dài. Nếu kết hợp với tình trạng sùi mào gà đó là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dương vật. Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến tiểu khó hoặc bí tiểu, tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến suy chức năng thận. Khi bao quy đầu hẹp khít, dù ở độ tuổi nào thì bác sĩ cũng chỉ định cắt bao quy đầu, kể cả trường hợp bao quy đầu dài gây viêm tái phát.

Bệnh lý tinh hoàn

Mỗi nam giới trưởng thành đều có hai tinh hoàn, đảm nhận chức năng tạo ra tinh trùng để duy trì nòi giống và tiết vào máu những hormone sinh dục nam. Bệnh nhân thường khám khi tinh hoàn, bìu sưng to đau, tinh nhỏ hoặc không nhìn, sờ thấy tinh hoàn. Một số bệnh lý của tinh hoàn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới: viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn, ung thư tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn một phần hoặc toàn bộ mạch máu, thần kinh bị xoắn khiến máu không lưu thông, gây đau đột ngột, dữ dội vùng bìu, tinh hoàn. Bệnh hay gặp ở nam giới độ tuổi vị thành niên. Trẻ nhỏ bị xoắn tinh hoàn thường khó phát hiện nên khi trẻ bị đau, sưng vùng bìu nên được đi khám ngay. Nếu không được điều trị sớm sẽ phá hủy tinh hoàn, có thể gây vô sinh ở nam giới.

Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, có cảm giác đau và sưng đỏ tại tinh hoàn, vùng bìu, đùi, háng, có thể đi tiểu ra máu. Viêm mào tinh hoàn chủ yếu xảy ra ở nam giới có độ tuổi từ 19 - 35 tuổi. Viêm mào tinh hoàn cấp tính sẽ chuyển thành viêm mào tinh hoàn mạn tính, teo tinh hoàn và có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (GTMTT) chiếm khoảng gần 1/3 các ca vô sinh nam. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như những triệu chứng điển hình của bệnh. Một số dấu hiệu đáng chú ý có thể kể đến là: Cảm giác căng nhức, nặng, sưng ở bìu, thể tích tinh hoàn nhỏ, bất thường của tinh dịch đồ, giảm nồng độ testosterone.

Khối u và ung thư tinh hoàn ít gặp hơn, chủ yếu thường phát sinh ở thanh niên độ tuổi từ 25-50. Đây là loại bệnh diễn tiến âm thầm qua nhiều năm nên rất khó phát hiện sớm. Trước đây, ung thư tinh hoàn có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khoảng 70%. Hiện nay, nhờ sự ra đời của các hóa chất trị liệu, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, nhiều trường hợp đã khỏi hẳn. U tinh hoàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Tinh hoàn ẩn trong ống bẹn, đặc biệt là tinh hoàn ăn trong ổ bụng tỷ lệ ung thư cao hơn rất nhiều so với trường hợp tinh hoàn trong bìu. Khi trẻ nam sinh ra nếu không sờ thấy tinh hoàn cần khám ngay để được tư vấn và điều trị sớm.

Bệnh lý về tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt nằm trong hệ sinh sản của nam giới có chức năng tạo chất dịch để nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng khi xuất tinh, đồng thời góp phần kiểm soát dòng nước tiểu.

Các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt bao gồm: viêm tuyến tiền liệt, tăng sinh lành tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt. Các bệnh lý tiền liệt tuyến, tình dục cũng như các bệnh lý khác tăng dần theo tuổi.

Dấu hiệu: Cảm thấy đau hoặc khó chịu, chủ yếu ở tầng sinh môn, tinh hoàn, bụng, niệu đạo, thắt lưng, vùng chậu, hậu môn, háng, dương vật, quy đầu, tiểu lắt nhắt, tiểu không hết, nước tiểu có nhiều bọt bóng, khó tiểu, tiểu đau, đi tiểu thấy nóng, tiểu mót cấp bách, khó đi tiểu, nước tiểu vàng sẫm hơn, tiểu thất thường, đời sống tình dục thay đổi...

Bác sĩ Việt khuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nam khoa, khi thấy có biểu hiện bất thường, nam giới cần vượt qua ngại ngần và đi khám chuyên khoa nam học, tránh để lâu bệnh dễ thành mạn tính, khó chữa và ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Thúy Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét