Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

May 26, 2019 - Chúa nhật thứ VI Phục Sinh năm C - Ơn Bình An


May 26, 2019 - Chúa  nhật  thứ  VI  Phục  Sinh  năm  C - Ơn  Bình  An



                          https://youtu.be/BOnfUqr3gIQ
                       

Các Bạn thân mến,
Biết rõ sự bình an là điều cần thiết cho các môn đệ khi Đức Giesu ra đi về Trời, nên ngay khi Phục Sinh, mỗi lần Đức Giesu hiện ra với các ông, Ngài đều ban bình an và nói đến Thánh Thần, vì thế Giáo Hội đã gọi ơn ban của Chúa Phục Sinh là Đấng Bảo Trợ Bình an và Tình yêu.
Ngài đã nói đến những vấn đề này trước khi ra đi chịu chết, như những lời trăn trối, những lời tha thiết nhất của Ngài.
Tin Mừng chúa nhật này nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Vì thế thái độ của con người là:
    . Yêu mến Chúa Con là tuân giữ những điều Ngài dạy,
    . Tin cậy vào Chúa Thánh Thần vì Ngài sẽ giúp đỡ để thực hành những điều đó.
    . Kết quả là Ba Ngôi sẽ yêu mến, tỏ mình ra và ở trong người ấy.

 1.  "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người đó":
-  Là giữ các điều mà Đức Giesu đã lập đi lập lại rất nhiều lần:"Các con hãy yêu thương nhau!"
 -  Mà yêu thương thì thật dễ dàng, bởi bản tính con người có sẵn nhu cầu về yêu thương, muốn yêu và muốn được yêu. Từ lúc mới sinh đã muốn được bế ẵm, nâng niu, vuốt ve; lớn lên mong muốn thương yêu ai đó, và suốt đời ai cũng muốn được sống trong yêu thương, cũng là lẽ thường tình.
-  Tuy nhiên yêu thương có nhiều mức độ khác nhau, chính điều này làm yêu thương trở nên khó khăn nhưng đáng quí:
         .  yêu thương là điều dễ dàng: khi được đón nhận thì ham thích, sung sướng, thèm khát yêu thương và làm đủ cách để yêu thương, vì ở mức độ này, yêu thương là được đón nhận, được chăm sóc, chiều chuộng, vuốt ve, âu yếm...
         .  khó hơn một chút: là phải cho đi một phần những gì mình ưa thích, quí giá, phải hơi cố gắng, chịu cực, cho đi một phần những gì mình có, như làm giúp việc khó, giúp đỡ vật chất.
         .  hết sức khó: vì phải cho đi rất nhiều, hy sinh lớn lao, nên phải đau khổ, chịu đựng gần như hoàn toàn.
-  Diễn tiến quá trình của yêu thương thật đúng với đời sống vợ chồng, đời sống gia đình hoặc với người khác cũng tương tự: 
         .  có người mình yêu thương thật dễ dàng, đó là những người có lợi cho mình, làm đẹp lòng mình, giúp đỡ an ủi mình.
         .  có người mình thấy lúc dễ thương, lúc khó ưa, bởi lúc họ làm mình vui, lúc lại làm mình buồn, nhưng không to lớn lắm, mình chỉ chiu đựng chút ít, nên vẫn thương họ được, bởi mình vừa đón nhận vừa cho đi; 
        .  cũng có những người chẳng mang lại lợi lộc gì cho mình, mà chỉ làm bực bội, thua thiệt, đau khổ, như người nghèo, bệnh tật, tội lỗi, nguời không ưa mình, kẻ thù...
 -  Tới đây chúng ta đủ hiểu yêu thương đúng nghĩa như thế nào và nó khó ra sao!?
 -  Nhưng Đức Giesu lại muốn chúng ta yêu thương mọi người với mục độ cao nhất, mức độ cuối cùng.
  -  Vì thế chúng ta hiểu được giá trị của lời Ngài nói:"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy."

 2. Bình an:
-   Chúng ta đã được ban và hiểu khá đầy đủ về Bình an trong chúa nhật thứ II Phục Sinh. Nhưng hôm nay Đức Giesu lập lại để mở rộng thêm nữa về Bình an của Ngài.
-   Có thể nói: bình an là hiện trạng vẫn có thể sống an bình ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời.
-   Như Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giesu vẫn có thể bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần để bắt và giết Ngài.
-   Khi Ngài nói: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiều thế gian", nghĩa là bình an không phải sự yên ổn bên ngoài, mà là bình an ở bên trong, có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột, rắc rối …
-  Bình an cũng là trạng thái tâm hồn đang được hiệp thông với Chúa, là kết quả của lòng tin cậy, và làm đẹp lòng Chúa với tha nhân. Bởi thế không có bình an cho kẻ dữ, cho người tôi lỗi.
-   Bình an Đức Giesu ban cho chúng ta là sự bình an chiến thắng, hoàn toàn độc lập với mọi hoàn cảnh bên ngoài, không có gì ở trần gian có thể làm giảm hoặc cướp đi.
-  Đây là kinh nghiệm mà chúng ta có thể đã nghe, biết về nhiều tội nhân không chịu nổi tình trạng cắn rứt, bất an của lương tâm, phải ra tự thú, dù đã trốn tránh nhiều năm, cả khi mọi người không còn nhớ đến tội của họ.
-  Nhẹ hơn thì cũng mất ăn mất ngủ, ra vào bực bội không yên vì mối thù hận trong lòng.
-  Ngược lại người có bình an trong tấm lòng thì hạnh phúc, bề ngoài vui vẻ, yêu đời, thoải mái với mọi người.
-  Vậy nên cần nhìn thế giới chung quanh và mọi người không phải như họ là ai, mà như cái họ là...

3. Chúa Thánh Thần:
Đức Giesu nói về Chúa Thánh Thần với những điều liên hệ cơ bản:
     a) Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta mọi điều:
-   Các môn đệ sẽ phải tiếp tục học với Đức Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ dẫn các ông đi sâu vào mầu nhiệm Đức Kito.
-  Và chúng ta cũng vậy. Bởi trong đời sống, chúng ta chỉ có thể biết được những gì bình thường mà chẳng bao giờ có thể nói được mình đã biết đầy đủ chân lý.
 -  Nên phải luôn học hỏi, trao đổi, đặc biệt mở rộng tấm lòng đón nhận sự dạy dỗ về chân lý của Thánh Thần.
 - Trong Đức tin Kito, chẳng có lý do nào bào chữa cho việc đóng chặt tâm trí mình lại.
 -  Cần cảnh giác đề phòng tư tưởng, cảm nhận mình chẳng còn gì để học hỏi nữa, vi đây là nguy cơ sai phạm đến Chúa Thánh Thần, là chưa hiểu biết giáo lý của Ngài.
     b)  "Làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em", điều này ngụ ý:
-   Trong các vấn đề đức tin, chúa Thánh Thần thường xuyên đưa chúng ta về với những gì Đức Giesu đã phán dậy.
 -   Chúng ta có bổn phận phải suy nghĩ, còn mọi kết luận cần được thử nghiệm bởi Lời Chúa.
-   Chúng ta không cần khám phá ra chân lý, vì Đức Giesu đã dạy, chúng ta chỉ cần khám phá ý nghĩa của chân lý, của những điều Đức Giesu đã truyền.
-   Chúa Thánh Thần còn cứu chúng ta khỏi những tư tưởng ngạo mạn và khỏi sự suy nghĩ sai lầm.
-   Chúa Thánh Thần cũng giúp chúng ta biết cư xử đúng.
-   Đây là bài học ai cũng dã trải qua, ai cũng có kinh nghiệm ít nhiều, là khi bị cám dỗ, chúng ta thấy trong tâm trí mình như hiện lên một điều gì đó của Đức Giesu, Đức Mẹ, Kinh Thánh hoặc của ai đấy mà chúng ta ngưỡng mộ, yêu mến…
-   Cả trong những lúc nguy hiểm, những điều đó cũng lóe lên, dù chỉ một giây phút. Đó là việc làm của Chúa Thánh Thần.
 
Lạy Chúa, Ngài quả là một người cha, người mẹ, người thầy chu đáo, bởi ngay cả lúc sắp rơi vào tay kẻ thù, Ngài cũng không quên trấn an các môn đệ bằng những lời trăn trối rằng dù vắng mặt, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các môn đệ và ban bình an cho các ông. Ngài hiện diện không chỉ một mình, mà cùng với Chúa Cha và Chúa Thành Thần trong những kẻ yêu mến Ngài, trong những kẻ thực hành và giữ lời Ngài. 
Xin cho chúng con luôn sốt sắng tuân giữ lời Ngài để xứng đáng được đón nhận sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì Đức Kito Chuá chúng con. Amen.
  Thân mến,
   duyenky

        
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét