LỜI THỀ
SUNDAY,
APRIL 28, 2019- TRẦM THIÊN THU
Lời thề là lời nói nghiêm
túc để cam kết điều quan trọng nào đó. Cụ Nguyễn Du viết: “Chỉ non thề biển nặng
gieo đến lời”. Có nhiều lĩnh vực cần thề hứa, đơn giản và phổ biến là tình yêu,
cụ thể là lời thề hứa trong hôn nhân. Tình yêu trừu tượng và bao la, chưa ai có
thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ và chính xác nhất. Người ta định-nghĩa-mà-không-định-nghĩa,
và chỉ “mơ hồ” nói: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Thế nào là ít hay nhiều? Mức
độ cũng vẫn trừu tượng lắm!
Trong tình yêu (nói
chung, theo nghĩa rộng), người ta có thể cảm thấy hạnh phúc hoặc đau khổ, mà
thường thì khổ nhiều hơn, nhưng người ta vẫn phải có trách nhiệm – dù ít hay
nhiều, nhẹ hay nặng. Tình yêu thuộc lĩnh vực tình cảm, của trái tim, nhưng vẫn
cần có lý trí, dù đôi khi chính lý trí cũng không thể hiểu lý lẽ của trái tim.
Thế mới là tình yêu. Nhiêu khê lắm!
Cứ nói đến tình yêu là mặc
nhiên đề cập trái tim, và trái tim được coi là biểu tượng của tình yêu. Trái
tim là trung tâm yêu thương, nơi phân phối máu giúp cơ thể sống, trung tâm này
phân phối máu, và máu liên quan tình yêu. Tình yêu đa dạng, riêng tình yêu Công
giáo được mệnh danh là đức mến hoặc đức ái. Thánh Hirônimô phân tích: “Nếu ai
không có đức ái thì dù có đức tin chính xác, đều không tài nào có hạnh phúc
vĩnh viễn; bởi vì trong tất cả các đức thì đức ái chiếm hàng thứ nhất. Linh hồn
không có tình yêu thì tuyệt đối không thể sống nổi, linh hồn cần có tình yêu”.
Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại.
Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Tất cả đều liên quan với nhau rất
lô-gích.
Tình yêu có vẻ bình thường
mà lại mạnh hơn Tử Thần. Sự chết so với tình yêu chân thật thì chỉ là… “chuyện
nhỏ”. Mối tình “lịch sử” nổi tiếng thế giới là mối tình của Romeo và Juliet mà
đại văn hào Shakespeare đã phác họa. Việt Nam cũng có chuyện tình Lan và Điệp,
chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ, hoặc chuyện tình Mộng Thường. Thảo nào đại văn
hào Victor Hugo đã kết luận: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Thật lạ
lùng!
Sau khi Chúa Giêsu phục
sinh, các tông đồ bị bắt và bị điệu đến giữa Thượng Hội Đồng. Vị thượng tế hỏi:
“Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà
các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho
máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” (Cv 5:28). Rất thản nhiên, ông Phêrô và
các tông đồ khác mạnh mẽ xác định: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người
phàm” (Cv 5:29). Một câu nói can đảm và tuyệt vời, Phêrô hôm nay chứ không còn
là Phêrô hôm qua nữa. Một con người nhưng hai phong cách khác nhau hoàn toàn. Mới
khác cũ – mới lạ chứ không cũ rích nữa.
Còn hơn thế, hôm đó ông
Phêrô đã hùng hồn nói thẳng thắn: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà
giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và
Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ,
hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi
xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng
lời Người” (Cv 5:30-32). Một Phêrô mạnh mẽ của ngày hôm nay chứ không còn là một
Phêrô yếu đuối của ngày hôm qua nữa. Tuyệt vời!
Họ cấm nói tới danh Giêsu
mà cứ nói thì họ chẳng để yên. Y như rằng, các tông đồ bị họ đánh đòn rồi được
thả. Tuy nhiên, khi ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng các ông “hân hoan bởi được
coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5:41). Yêu như điếu đổ,
yêu hết cỡ thợ mọc, yêu như điên, càng khổ càng thú vị. Trong xã hội đời thường,
người ta gọi đó là “thú đau thương”. Lĩnh vực tâm linh cũng tương tự, vì cảm nhận
được lòng thương xót của Chúa rồi nên các ông không thể làm trái với tiếng gọi
của con tim – mãnh lực tình yêu đâu dễ gì cưỡng lại.
Biết là đúng thì không thể
không tin, tin rồi thì không thể im lặng. Thánh Vịnh gia tuyên xưng: “Lạy Chúa,
con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười
con” (Tv 30:2). Không sợ bị thua thiệt.
Quả thật là thế, rạch ròi
là “từ âm phủ Ngài đã kéo lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv
30:4). Do đó, Thánh Vịnh gia muốn chia sẻ bằng cách mời gọi: “Hỡi những kẻ tín
trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ Thánh Danh Người. Người nổi giận, giận
trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm
buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 5:5-6). Có quan tâm mới góp
ý chân thành, dù lời thật làm mất lòng, như tục ngữ Việt Nam nói: “Thương con
cho roi, cho vọt; ghét con cho ngọt, cho bùi”. Yêu thương thật khác với yêu
thương giả tạo, thời gian sẽ cho biết thật – giả.
Chân thành tin mến, chúng
ta hãy thành tâm cầu nguyện và tuyên xưng: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót
thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,
cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và
không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn
thu” (Tv 30:11-13).
Kể lại thị kiến, Thánh
Gioan cho biết: Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh
ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu.
Các vị lớn tiếng hô: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và
uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung
chúc” (Kh 5:12). Con Chiên Giêsu đã chịu đau khổ đến tột cùng nên Ngài xứng
đáng lãnh nhận những gì xứng đáng nhất. Ai yêu nhiều thì được thương nhiều, ai
khổ luyện thì thành tài, ai lao nhọc thì được thưởng công. Đó là công lý, công
minh và chính trực. Thiên Chúa luôn công bằng, chẳng thiên vị bất kỳ ai (Đnl
10:17-18; Hc 35:12; Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9).
Và rồi Thánh Gioan cho biết
thêm: Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài
biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự
trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến
muôn thuở muôn đời!” (Kh 5:13). Cả bốn Con Vật thưa: “Amen”. Và rồi các Kỳ Mục
cùng phủ phục xuống thờ lạy. Mọi loài đều tâm phục khẩu phục mà thờ lạy Thiên
Chúa duy nhất, vì mọi loài tin thật và yêu mến.
Trình thuật Ga 21:1-19 đề
cập hai điều quan trọng: mẻ cá kỳ lạ và việc trao quyền cho “ngư phủ” Phêrô –
giáo hoàng tiên khởi.
Một hôm, tại Biển Hồ
Tibêria, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ. Cách Ngài tỏ mình ra như thế
này: Ông Simôn Phêrô, ông Tôma – Điđymô, ông Nathanaen – người Cana miền
Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với
nhau. Vốn năng động và bộc trực, ông Simôn Phêrô không thể ngồi yên nên nói:
“Tôi đi đánh cá đây”. Có lẽ ngồi không cũng buồn, thế nên các ông khác muốn đi
cùng. Rồi mọi người cùng lên thuyền, nhưng suốt đêm hôm đó họ không bắt được gì
cả. Mệt mỏi mà lưới trống, thuyền không.
Đến sáng, Đức Giêsu đứng
trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Ngài nói với
các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”. Các ông trả lời: “Thưa không”. Ngài
bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Dù
chưa nhận ra đó là Sư Phụ Giêsu, nhưng các ông vẫn thả lưới xuống, và rồi họ
không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Lạ thật, Phêrô kinh nghiệm đánh cá
bao năm mà cũng phải khâm phục.
Ngay lúc đó, người-môn-đệ-được-Đức-Giêsu-thương-mến
nói nhỏ với ông Phêrô: “Chúa đó!”. Ôi chao! Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn
Phêrô giật mình và vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi ông liền nhảy ùm xuống
biển. Ngại quá đi! Nhưng bản tính Phêrô là thế, nóng nảy mà thật thà, có gì nói
thẳng, chẳng úp mở chi cả, và muốn làm gì thì làm ngay, làm cho bằng được. Thấy
anh Hai Phêrô làm vậy, các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá,
vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Quá đã
luôn!
Vừa lên bờ, các ông nhìn
thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo họ
đem ít cá mới bắt được tới. Ông Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy
những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không
bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!”. Trong lúc các ông gom cá thì Thầy
Giêsu nướng cá, xong việc là có cái ăn ngay. Thầy chu đáo quá. Bữa điểm tâm
sáng hôm đó chắc chắn ngon hơn mọi ngày khác. Lúc này các ông biết rõ đích thực
là Thầy Giêsu rồi. Ngài đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Ngài cũng
làm như vậy. Và đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các ông, kể từ sau
khi trỗi dậy từ cõi chết.
Mọi người đã ăn xong,
giây phút quan trọng bắt đầu. Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn,
con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Có lẽ ánh mắt Chúa
Giêsu lúc đó âu yếm lắm. Ông đáp ngay: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Ngài nói với ông: “Hãy chăm sóc CHIÊN CON của Thầy”. Rồi Ngài lại hỏi: “Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?”. Ông cũng nói ngay: “Thưa Thầy
có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ngài nói: “Hãy chăn dắt CHIÊN của Thầy”.
Sau đó, Ngài hỏi lần thứ
ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”. Ông Phêrô...
gãi đầu. Hôm nay sao Thầy kỳ ghê, hỏi hoài! Ông buồn vì Ngài hỏi tới ba lần. Và
ông vẫn xác quyết: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc CHIÊN của Thầy”. Rồi Ngài nói thêm với ông: “Thật,
Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu
tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và
dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”.
Theo Thánh Gioan, ý Ngài
nói vậy là ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Nghĩa
là Thánh Phêrô cũng bị đóng đinh vào thập giá y như Thầy, nhưng cảm thấy bất xứng
nên ông xin được đóng đinh ngược đầu xuống đất. Vậy là ông đã trung tín với lời
mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy theo Thầy” (Ga 21:19). Ba lần chối bỏ được “đền tội”
bằng ba lần tuyên tín, và Phêrô đã trung thành thới hơi thở cuối cùng, trọn lời
thề với Đức Giêsu Kitô.
Theo cách nói của Người
Việt là “quá tam ba bận”. Có sự trùng hợp thú vị: Chúa Giêsu cũng muốn ông
Phêrô xác nhận ba lần, không phải Ngài ép buộc, mà Ngài muốn người ta hoàn toàn
tự do mà tình nguyện theo Ngài. Đó cũng là lời Chúa Giêsu vẫn hỏi chúng ta hằng
ngày, và Ngài muốn chúng ta trả lời thật lòng chứ không khiên cưỡng. Hoàn toàn
tự do. Tự bản chất, tình yêu có sức mạnh phi thường, một khi đã thực sự cảm
nghiệm được tình yêu thì khó có ai khả dĩ cưỡng lại mãnh lực này. Và khi đó,
người ta không ngần ngại thề nguyền và cố gắng giữ trọn.
Lời thề có thể là công
khai hoặc thầm kín, chung hoặc riêng. Mỗi Kitô hữu cũng đã thề hứa với Thiên
Chúa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy: tin kính một Thiên Chúa, và từ bỏ mọi hoạt
động của ma quỷ.
Nói về tình yêu có nhiều
cách, mỗi vị thánh cũng có cách cảm nhận khác nhau: “Yêu là chiến thắng Thiên
Chúa” (Thánh Bênađô), “Thiên Chúa dùng tình yêu thánh thiện để cứu chuộc loài
người chúng ta, đến nỗi vì chúng ta mà hy sinh mạng sống của mình. Như vậy, mặc
dù chúng ta hết lòng yêu Ngài thì cũng không đủ để báo đáp tình yêu của Ngài”
(Thánh Phanxicô Salê), “Chúa Giêsu là nguyên nhân của tình yêu đến cuồng nhiệt”
(Thánh Madeleine Barat), “Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn
thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng” (Thánh Augustinô), “Chỉ mong con
yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con” (Thánh Phanxicô
Assisi), “Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho
Vua Giêsu ngự trị trong lòng mọi người” (Thánh Terese Hài Đồng Giêsu), “Tình
yêu là sợi dây đoàn kết mọi chi thể của Giáo Hội, không chỉ là đối với người
hàng xóm còn sống, mà còn mở rộng ra đến cả những người chết trong ân sủng và
tình yêu” (Thánh Tôma Aquinô), “Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như
mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy” (Thánh Inhaxiô Lôyôla). Mỗi
người mỗi vẻ, như hoa muôn sắc màu, cách diễn tả tình yêu cũng rất đa dạng…
Nhưng tất cả đều đồng quy về một lời thề hứa: mến Chúa và yêu người suốt đời.
Lạy Thiên Chúa là Tình
Yêu Vĩnh Hằng, Đấng giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con biết chân thành thể
hiện yêu thương như Đấng Phục Sinh. Nguyện xin Tình Yêu Đức Kitô thúc bách và
biến đổi tất cả chúng con hành động nhờ tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, và
giúp chúng con trung thành giữ lời hứa với Ngài cho đến hơi thở cuối cùng.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét