Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

7 ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHÚA GIÊSU


7  ĐIỀU  CHƯA  BIẾT  VỀ  CHÚA  GIÊSU
Sun, 05/05/2019 - Trầm Thiên Thu




1. CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH SỚM HƠN CHÚNG TA TƯỞNG

Theo lịch hiện hành, sai về thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh (A.D., anno domini, La ngữ có nghĩa là “năm của Chúa”). Qua các sử gia Rôma, chúng ta biết rằng vua Hêrôđê chết khoảng năm 4 trước công nguyên. Nhưng Chúa Giêsu giáng sinh khi Hêrôđê còn sống. Thật vậy, vua Hêrôđê đã ra lệnh giết hết các trẻ trai từ 2 tuổi trở xuống ở Belem, có ý giết Đấng Mêsia.

Mặc dù người ta tranh luận về niên đại, cuộc điều tra được đề cập trong Lc 2:2 có thể xảy ra vào khoảng năm 6 trước công nguyên. Tính theo các chi tiết này và các chi tiết khác cho thấy Chúa Giêsu giáng sinh trong khoảng năm 6 và năm 4 trước công nguyên.

2. CHÚA GIÊSU BẢO VỆ DÂN DO THÁI TRONG CUỘC XUẤT HÀNH

Ba Ngôi luôn hành động cùng nhau. Khi người Do Thái trốn Pharaô, ghi chi tiết trong sách Xuất Hành, Chúa Giêsu đã che chở họ trong hoang địa. Sự thật này được tông đồ Phaolô cho biết trong 1 Cr 10:1-4: “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô”.

Đây không là thời gian duy nhất Chúa Giêsu giữ vai trù chủ động trong Cựu Ước. Vài lần xuất hiện khác, gọi là hiển linh, cũng được đề cập trong Kinh Thánh.

3. CHÚA GIÊSU KHÔNG CHỈ LÀ THỢ MỘC

Mc 6:3 gọi Chúa Giêsu là “bác thợ”, nhưng rất có thể Ngài có nhiều kỹ năng khác về gỗ, đá và kim loại. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, chữ thợ mộc là “tekton”, một từ cổ thời thi sĩ Homer, ít là từ năm 700 trước công nguyên.

Theo nguyên ngữ, chữ “tekton” đề cập người làm việc về gỗ, rồi phát triển theo thời gian được hiểu bao gồm cả các chất liệu khác. Một số học giả Kinh Thánh nói rằng gỗ tương đối hiếm vào thời Chúa Giêsu, hầu hết các căn nhà đều làm bằng đá. Học theo Dưỡng Phụ Giuse, Chúa Giêsu có thể đã đi khắp miền Galilê, xây dựng các hội đường và các cấu trúc khác.

4. CHÚA GIÊSU NÓI BA HOẶC BỐN NGÔN NGỮ

Qua các Phúc Âm, chúng ta biết Chúa Giêsu nói tiếng Aram, ngôn ngữ hằng ngày của dân Israel xưa bởi vì một số từ ngữ Aramaic mà Ngài đã nói được ghi lại trong Kinh Thánh. Là một người Do Thái sùng đạo, Ngài cũng nói tiếng Do Thái, ngôn ngữ được sử dụng khi cầu nguyện tại hội đường. Tuy nhiên, nhiều hội đường sử dụng Bản bảy Mươi (Septuagint, LXX), Kinh Thánh Do Thái được dịch sang tiếng Hy Lạp.

Khi nói chuyện với dân ngoại, có thể Chúa Giêsu đã nói tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ giao thiệp thời đó ở Trung Đông. Mặc dù chúng ta không biết chắc, nhưng có thể Ngài đã nói chuyện với viên đội trưởng La Mã bằng tiếng Latin (Mt 8:13). 

5. CÓ THỂ CHÚA GIÊSU KHÔNG ĐIỂN TRAI

Kinh Thánh không mô tả vóc dáng Chúa Giêsu, nhưng ngôn sứ Isaia cho biết gợi ý quan trọng về Ngài: “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53:2).

Bởi vì Kitô giáo bị người La Mã bách hại, thế nên các tranh khảm Kitô giáo thời sơ khai đều mô tả Chúa Giêsu – các tranh khảm này có niên đại khoảng năm 350 sau công nguyên. Các tranh này cho thấy Chúa Giêsu có mái tóc dài phổ biến trong thời Trung Cổ và thời Phục Hưng, nhưng Thánh Phaolô nói trong 1 Cr 11:14 rằng nam giới để tóc dài là “bất xứng”. Chúa Giêsu phản đối vì Ngài nói và làm, chứ không theo cách chúng ta nhìn thấy nơi Ngài.

6. CHÚA GIÊSU CÓ THỂ NGẠC NHIÊN

Ít nhất trong hai trường hợp, Chúa Giêsu bày tỏ sự kinh ngạc: Chúa Giêsu đã “ngạc nhiên” khi thấy người ta không tin Ngài khi Ngài về quê hương Nadarét và không thể làm phép lạ ở đó (Mc 6:5-6), và khi thấy đức tin kỳ lạ của viên sĩ quan La Mã, một người ngoại, xin chữa lành cho người đầy tớ (Lc 7:9).

Các Kitô hữu từ lâu đã tranh luận về Pl 2:6-8: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về vấn đề “từ bỏ” (trút bỏ – kenosis) của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người một cách trọn vẹn khi Ngài hóa thành nhục thể.

7. CHÚA GIÊSU KHÔNG ĂN CHAY TRƯỜNG

Theo Cựu Ước, Chúa Cha đã ấn định một hệ thống hiến vật như phần chính của việc thờ phượng. Tương phản với các quy luật của người ăn chay hiện đại, không ăn thịt vì vấn đề luân lý, Thiên Chúa không  hạn chế như vậy đối với những người theo Ngài. Tuy nhiên, Ngài đưa ra danh sách các thực phẩm không sạch phải tránh, như thịt heo, thịt thỏ, các sinh vật dưới nước không có vây, và một số thằn lằn và côn trùng.

Là người Do Thái sống đức vâng lời, chính Chúa Giêsu đã ăn thịt chiên trong ngày thánh trọng đại là Lễ Vượt Qua. Các Phúc Âm cũng cho biết rằng Chúa Giêsu đã ăn cá. Việc hạn chế trong việc ăn kiêng được các Kitô hữu thêm vào sau đó.


TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ LearnReligions.com)

Chúa Nhật III PS-C, 5-5-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét