Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Đời người được chưa hẳn là phúc, mất chưa hẳn là họa


Đời  người  được  chưa  hẳn  là  phúc,
mất  chưa  hẳn  là  họa
An Hòa •Thứ Hai, 20/05/2019- Trithucvn


Xưa nay, rất nhiều người cho rằng khi đạt được thứ gì thì đó là phúc và khi mất đi thì là họa. Nhưng có rất nhiều sự tình trong cuộc đời được chưa hẳn đã là phúc, mất chưa hẳn đã là họa.

Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều người lấy góc độ được mất của bản thân để đo lường sự việc là tốt hay xấu, là phúc hay họa. Lại có những người mỗi ngày đều vì được mất một chút lợi nhỏ mà vui hay buồn. Nhưng bởi vì mọi người đều chỉ là nhìn thấy biểu tượng bên ngoài của sự tình mà không nhìn thấy hết được quan hệ họa phúc của nó. Kỳ thực, có rất nhiều sự tình xảy ra không thể lập tức phán đoán được đó là họa hay là phúc. Người ta không có sự suy sụp sẽ không có được trí tuệ, không có sự trả giá thì sẽ không có được thu hoạch.

Lão Tử

Trong chương 58 cuốn “Lão Tử” có viết: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục” tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau. Họa là điều kiện tiên quyết để tạo thành phúc, còn phúc lại hàm chứa cả nhân tố của họa. Hay nói cách khác, việc tốt và việc xấu là có thể chuyển hóa được cho nhau. Ở vào điều kiện nhất định, phúc sẽ biến thành họa và họa cũng có thể biến thành phúc. Loại biến hóa này sâu không lường trước được, ai cũng khó có thể đoán biết được.

Một ví dụ minh họa rõ nét nhất về việc phúc họa chuyển hóa cho nhau chính là câu chuyện “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc”. Câu chuyện được ghi trong sách “Hoài Nam Tử. Nhân gian huấn” như sau:

Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ, có nuôi một con ngựa. Một hôm con trai ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa chạy vọt qua nước Hồ mất tăm. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.

Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi”.

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất tăm ấy lại quay trở về và dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, vừa cao lớn vừa mạnh mẽ.

Những người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.

Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói:  “Biết đâu việc được ngựa Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”.

Con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì rất thích, liền nhảy lên lưng cưỡi nó chạy đi. Con ngựa này chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Một lần, con ông lão không cẩn thận để ngựa hất xuống, té gãy xương đùi, bị què chân, tật nguyền.

Những người trong xóm lại vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua này lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.

Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc”.

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lược Trung Nguyên. Tất cả thanh niên trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống giặc Hồ. Quân Hồ mạnh, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng chỉ có con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính. Nhờ vậy mà cha con ông bảo toàn được tính mạng, sống an bình suốt quãng đời còn lại.

Bởi vậy có thể thấy, đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm dường như đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được.

Trong thơ cổ viết: “Sơn cùng thủy tẫn nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng. Cho nên, trong cuộc sống, khi làm một sự tình nào đó thành công không cần phải dạt dào đắc ý, khi gặp phải khó khăn suy sụp cũng không cần phải chán nản thất vọng.

Nếu một người không cố chấp vào biểu tượng bên ngoài của vấn đề , dùng thái độ đạm nhiên để nhìn nhân sinh thì sẽ hiểu rằng không thể lập tức phán đoán một sự tình là phúc hay họa. Bởi vì hết thảy những sự tình trong đời người đều ẩn chứa cơ hội và cạm bẫy.

Mỗi một lần thất bại trong cuộc đời là một ngày nghỉ, người lạc quan rộng rãi sẽ tận hưởng ngày nghỉ chứ không dùng để oán trách người khác. Trái lại, họ tận dụng cơ hội này để khiến thân và tâm được nghỉ ngơi thật tốt, tĩnh tĩnh suy xét nhân sinh, tổng kết kinh nghiệm, chờ thời cơ. Càng là ở vào thời điểm “tối tăm, u ám” thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng. Càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng là có thể hy vọng đang ở ngay trước mắt, nhất định sẽ xuất hiện ánh sáng mặt trời.

An Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét