Sư tử cái giao phối với nhiều bạn tình để bảo vệ con
Thứ
năm, 2/5/2019- vnexpress.net
Một
con sư tử cái nằm nghỉ cùng hai con non trong vườn quốc gia Gir. Ảnh: National
Geographic
Sư tử cái trong rừng Ấn Độ
phải giao phối với nhiều con đực từ những đàn khác để chúng không giết con non
vì nghĩ đó là con mình..
Sư tử cái FLG10 là một bà
mẹ tốt và một thợ săn đáng gờm. Nó đang chăm sóc đàn con trong khu rừng ở vườn
quốc gia Gir tại Gujarat, Ấn Độ. Năm 2015, các nhà khoa học phát hiện FLG10 thực
hiện hành vi chưa từng gặp ở sư tử trước đây. Nó không chỉ giao phối với các
thành viên trong đàn mà còn giao phối với nhiều con đực ở một số liên minh gần
đó.
Đối với nhóm nghiên cứu
đang theo dõi nó, dường như FLG10 giao phối theo chiến lược rõ ràng. Thông qua
giao phối với những con đực đến từ mọi liên minh tiến vào lãnh thổ của nó, con
sư tử cái 10 tuổi có thể bảo vệ đàn con khỏi bị đồng loại cố ý giết hại do
không thể xác định rõ danh tính sư tử bố.
Chiến lược này rất hiệu quả,
không có con non nào của FLG10 bị giết chết, theo nghiên cứu công bố hôm 26/4
trên tạp chí Sinh thái học hành vi. "Nếu một con sư tử đực gặp con non mà
nó cảm thấy không phải nòi giống của mình, nó sẽ giết chết con non",
Stotra Chakrabarti, nhà sinh vật học ở Viện Động vật hoang dã Ấn Độ, đồng tác
giả nghiên cứu, giải thích. "Sư tử cái giao phối với nhiều con đực, khiến
chúng nhầm lẫn về quan hệ cha con và cho rằng tất cả sư tử non đều là con
mình".
Không chỉ quan sát những
con sư tử đực đeo vòng phát sóng vô tuyến, Chakrabarti và đồng nghiệp còn xây dựng
cây phả hệ của FLG10, sử dụng dữ liệu quan sát trong nhiều thập kỷ từ khi
Yadvendradev Jhala, thầy của Chakrabarti, bắt đầu dự án theo dõi dài hạn vào
năm 1996. Tiếp theo, để xem xét sư tử cái khác có áp dụng chiến lược tương tự
hay không, nhóm nghiên cứu dành 4 năm theo dõi 9 đàn sư tử cái, bao gồm đàn của
FLF10 và 11 liên minh sư tử đực. Kết quả cho thấy chúng dùng cách này khá thường
xuyên và hiệu quả.
Mỗi con sư tử cái sinh
con ít nhất hai lần trong thời gian nghiên cứu và đều giao phối với nhiều con đực.
Điều thú vị là không có con sư tử cái nào bị mất con do các thành viên liên
minh mà nó giao phối cùng.
Mục đích của chiến lược
giao phối cùng nhiều con đực là làm tăng tính may rủi, theo Chakrabarti.
"Cái giá phải trả khi sư tử đực giết nhầm con mình cao đến mức chúng không
dám giết tất cả con non của sư tử cái", Chakrabarti nói. Nhưng chiến lược
này cũng có mặt hạn chế, đó là không có tác dụng đối với những liên minh mới mà
sư tử cái chưa có cơ hội giao phối.
Đàn của FLG10 trải qua cuộc
thảm sát vào năm 2017 khi một liên minh sư tử đực mới kéo tới giết chết con non
của nó và các thành viên khác. Sau trận chiến, những con sư tử đực nắm vai trò
thủ lĩnh. "Sư tử đực muốn con của chúng sinh ra và phát triển. Bởi vậy, nếu
bầy sư tử cái đã có con từ trước, sư tử đực không muốn chờ những con non này
trưởng thành", Meredith Palmer, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học
Princeton, cho hay.
An Khang (Theo National
Geographic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét