YÊU VỢ NỂ VỢ HAY SỢ VỢ
Trần
Mỹ Duyệt
Có bao nhiêu người chồng
dám nhận mình “sợ vợ”? Và có bao nhiêu được cho là sợ vợ? Nếu “sợ vợ” là một
hành động chỉ sự yếu đuối, hèn nhát, nhu nhược trong mối tương quan vợ chồng,
thì liệu có bao nhiêu đàn ông tự tin rằng họ có thể đồng hành với vợ mình trong
cuộc sống hôn nhân mà không mang tiếng sợ vợ? Thật ra, chẳng ai biết rõ những
gì đang xảy ra bên trong căn nhà và cuộc sống của người khác, tuy nhiên, theo
cái nhìn chung, hôn nhân vẫn là cuộc sống đem lại hạnh phúc cho con người. Bởi
vì hôn nhân được xây dựng trên tình yêu.
Thông thường, có ba loại
đàn ông hạnh phúc với hôn nhân. 1) Những
đàn ông yêu mù quáng vợ, và để nàng toàn
quyền quyết định mọi chuyện: “Nhất vợ nhì trời”. 2) Những đàn ông nhu nhược, ba
phải. Sao cũng được miễn là vợ con đừng làm gì phiền toái, gây rắc rối, “Vợ ta
không sợ, sợ ai?” 3) Những đàn ông uyển chuyển, biết tôn trọng và lắng nghe ý
kiến của vợ.
Trong ba mẫu đàn ông
trên, ngoại trừ những người uyển chuyển, biết tôn trọng và lắng nghe vợ, thì dù
thuộc loại yêu mù quáng hay ba phải, ta vẫn thấy hình bóng “sợ vợ” đâu đó. Vậy
thế nào là những dấu hiệu của hành vi sợ vợ?
-Tỏ ra hết sức thận trọng
về mọi chuyện trước mặt vợ.
-Một số đề tài không bao
giờ dám thảo luận trước mặt vợ. Thí dụ, đề tài về sinh lý, tài chánh của gia
đình, hoặc việc nuôi dạy con cái.
-Thấy vợ kính trọng cha mẹ
vợ nhưng ghét cha mẹ chồng. Cấm không cho chồng mời cha mẹ, người thân đến thăm
trong những dịp lễ lạt đặc biệt mà vẫn nghe theo.
-Trước những sai trái,
khuyết điểm của vợ, không hề dám góp ý hoặc sửa sai.
-Mỗi lần định nói “không”
với vợ là tim đập loạn nhịp, tay chân lạnh, toát mồ hôi.
-Mỗi lần định đưa ra một
vấn đề để thảo luận với vợ là ngập ngừng và rồi bỏ dở.
-Bị vợ kiểm soát mọi chuyện:
Đi đâu, làm gì… cũng đều phải hỏi ý kiến vợ trước.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
tuy là một thi nhân nổi tiếng của xã hội nho giáo Việt Nam, nhưng ông đã sớm nhận
ra điều bất ổn trong quan hệ hôn nhân khi người chồng tỏ ra dấu hiệu sợ vợ. Ông
đã làm một bài thơ nổi tiếng với tựa đề “Cứu Cấp Sự Sợ Vợ”. Theo ông, vợ chồng
đến với nhau trước là vì tình, từ tình sinh ái, từ ái sinh úy. Và úy là “sợ”.
Trong tình có yêu, và trong yêu có sợ. Vẫn theo Tản Đà thì vợ là một nhân vật
đáng sợ, nhưng sợ đây là phát xuất từ tình yêu chân chính, không muốn phiền
lòng người mình yêu. Nó khác với cái sợ do tâm lý như nhược, yếm thế và tự ty.
Tóm lại, Tản Đà gọi người
sợ vợ một cách chính đáng là “ông” chồng. Thỉnh thoảng sợ một lần, một cái gì
đó là “anh” chồng. Cái gì cũng sợ gọi là “thằng” chồng. Sợ như vậy, theo ông là
có vấn đề. Cũng theo cái nhìn tâm lý hôn nhân ngày nay là cần phải được trị liệu,
cần được cố vấn, và hướng dẫn. Để đọc toàn văn bài “Cứu Cấp Sự Sợ Vợ” của tác
giả Nguyễn Khắc Hiếu, mời tham khảo Khối Tình Con. Quyển II (1918), Thơ Tản Đà.
Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng.
Tuy nhiên, sợ vợ không chỉ
là căn bệnh của những “thằng chồng”, người xưa cũng có câu “Sợ vợ mới anh
hùng”. Trong thực tế có những anh hùng sợ vợ, ngược lại, chính vì họ sợ vợ mới
là anh hùng. Khổng Tử đã nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Họ là những vỹ nhân, những con người tượng
trưng như:
-Tổng Thống Abraham
Lincoln nước Mỹ.
Là vĩ nhân nắm trong tay
quyền lực tối cao, nhưng lại sống khổ sở dưới sự đay nghiến của vợ mình.
Abraham Lincoln vị tổng thống thứ 16 và được xem là một trong những tổng thống
vĩ đại nhất nước Mỹ nhưng về đời tư, Linlcon lại rất khổ sở: ông bị vợ hành hạ suốt
cả cuộc đời. Ông cưới bà Mary Told năm 1842 khi ông 33 tuổi, và bà Mary mới 23
tuổi, con nhà danh giá, con gái của thống đốc ngân hàng. Vì biết gia đình mình
không “môn đăng hộ đối”, nên Abraham đã phải cân nhắc quyết định hôn nhân của
mình trong 3 năm.
Tuy vậy, hôn nhân của ông
đã trở thành một cuộc thử thách lớn lao cho ông. Là một phụ nữ duyên dáng, trí
thức, thời trang, thông minh, nhưng cũng là một người vợ có tính kỳ quái, ưa bẳn
gắt, gây sự với chồng và rất dễ nổi giận. Bà thường xuyên ghen tỵ với mọi người
quanh chồng, nhiếc mắng chồng một cách rất thậm tệ dù cả khi ông đã là tổng thống. Chê bai ngoại hình của chồng, la hét, bù lu
bù loa và chửi bới chồng không chút nể trọng. Có lần bà đã lên cơn điên cầm
tách cà phê nóng ném vào mặt ông trước mặt nhiều người trong một quán trọ.
Đau đầu vì chuyện chính
trị, khi về nhà, Abraham Lincoln lại gặp phải một người vợ với những hội chứng
“tâm thần” thường xuyên gây nhiều bão tố và thách đố hơn cả chính trường. Vậy
mà vị tổng thống vẫn nhẫn nhục và trung thành với đời sống hôn nhân mà không hề
có ý định ly dị. Ông xứng đáng danh hiệu cao quí của một vỹ nhân ngoài xã hội,
một người chồng cao cả trong gia đình.
-Triết gia socrate, Hy Lạp.
Triết gia Hy Lạp Socrate
được nhiều người quỳ gối ngưỡng mộ. Ông là bậc thầy của ngành triết học, là một
triết gia siêu việt, nhưng với bà vợ Xanthippe thì ông chỉ là “con tép”
Socrate lấy vợ khi đã 50
tuổi, vợ ông trẻ hơn ông rất nhiều. Nhưng vợ ông lại là người phụ nữ mà cả
thành Nhã Điển (Athen) ai cũng đều biết tiếng. Bà dữ dằn, hung ác, và đanh đá.
Suốt ngày bà la hét, chửi bới và hành hung chồng, đến nỗi tên của bà đã biến
thành danh từ chung chỉ những ác phụ, những người đàn bà đanh đá, lăng loàn.
Ngược lại với vợ, Socrate được tiếng là người chồng “ngoan”, chẳng bao giờ cãi
nửa lời.
Chuyện kể về sự ghen
tương bệnh hoạn của vợ nhà triết học thì nhiều, đáng nhớ nhất là một lần thầy
trò Socrate đang trao đổi về triết học, Xanthippe bỗng xuất hiện la mắng um
xùm. Không thấy ai phản ứng gì, tức giận bà đem cả vò nước xối lên đầu chồng.
Socrate đã chữa thẹn cho vợ: “Sau sấm sét bao giờ trời cũng đổ mưa”. Lần khác,
Socrate đang ăn cơm với bạn thì bà ném cả mâm cơm ra sân. Bình tĩnh, ông nói với
bạn bè: “Chắc bà ấy muốn chúng ta ra sân ăn cho mát”. Có lẽ tính khí của vợ ông
đã giúp ông sống với những suy nghĩ của mình. Ông đã khuyên các thế hệ trẻ đang
muốn bước vào đường hôn nhân như sau: “Các bạn cứ lấy vợ đi, nếu may mắn các bạn
sẽ hạnh phúc, còn nếu không ít nhất cũng trở thành một triết gia”
- Văn hào Lev Tolstoi,
Nga.
Đại văn hào Nga Lev
Tolstoi đã bỏ nhà đi giữa trời tuyết giá, rồi chết ở một nhà ga. Ông không muốn
phải thấy mặt vợ.
Là bá tước, là văn hào được
cả thế giới ca tụng. Cuộc hôn nhân của ông và người yêu Sofya bắt đầu từ một
tình yêu tuyệt đẹp. 48 năm trong hôn nhân, họ đã có với nhau nhiều mặt con.
Sofya không chỉ là vợ mà còn là người phụ tá, thư ký cho chồng, tận tụy hỗ trợ
ông trong công việc, nhưng cuối đời, hôn nhân của họ đã trở thành một bất hạnh,
bế tắc. Sofya thường cằn nhằn, trách móc, đay nghiến, mạt sát chồng với những lời
độc địa, chua cay. Có những lúc Sofya như phát điên, nằm lăn ra đất lăn lộn, vật
vã, dọa tự tử, dọa đâm đầu xuống giếng…
Quan niệm về xã hội, triết
lý sống giữa hai người khác nhau, và vì những căng thẳng ngày càng trở nên tồi
tệ, một ngày trời đầy tuyết, Tolstoi bỏ nhà ra đi rồi 11 ngày sau, ông được tìm
thấy đã chết ở một nhà ga với ước nguyện cuối cùng là không muốn nhìn thấy vợ nữa.
Cái chết của ông đã để lại nhiều cuộc tranh cãi, kẻ khen, người chê ông là sống
ảo tưởng, con người mang những hoài bão “đập đá vá trời”, thiếu thực tế. Âu
cũng là tâm thức và lối sống của những thi văn xưa nay. Phần Sofya cũng có người
khen, kẻ chê. Người ta bênh bà vì suốt đời phải sống với một người chồng “ăn
cơm nhà, vác ngà voi”, chỉ lo chuyện thiên hạ. Tóm lại, bá tước, đại văn hào
Tolstoi đáng khen ở chỗ ông đã nhẫn nại trước những sóng gió, bão táp gây ra do
người vợ. Nhưng mặt khác, chính ông cũng là người đã gây nên những bão tố
đó.
Trong ba người đàn ông
trên, Tổng Thống Lincoln hành xử chuyện gia đình với phán đoán và cái nhìn của
một chính trị gia. Socrate nhìn và giải quyết qua cung cách của một triết gia.
Tolstoi nhìn những khó khăn của đời sống vợ chồng với suy nghĩ một văn sỹ, một
lý thuyết gia. Tuy nhiên, ở phần cuối ông đã tỏ ra thua cuộc vì hành động tự ý
bỏ nhà và chọn cho mình một cái chết mà trong lòng còn mang sự hận thù với vợ.
Ngày nay, trong thế giới
hiện tại qua phong trào phụ nữ bình quyền, nữ giới đang làm chủ tình hình trong
gia đình cũng như ngoài xã hội. Văn hóa trọng nam khinh nữ không còn nữa, thay
vào đó là văn hóa “lady first”. Nó đang xâm chiếm vào mọi lãnh vực từ gia đình,
xã hội, chính trị, kể cả một số sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, nếu thái quá
không tốt, thì bất cập cũng không phải là điều tốt. Vậy làm sao để quân bình
hóa quan niệm sống và tình cảm trong tương quan vợ chồng.
Nghiên cứu về đời sống
gia đình cho thấy rằng trong đời sống hôn nhân nếu muốn có hạnh phúc đòi hỏi vợ
chồng phải lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Ở một mặt khác, đàn ông biết lắng
nghe, chiều ý kiến vợ một tí, nôm na là biết “nể vợ”, hay “sợ vợ” thì đời sống
hôn nhân sẽ hạnh phúc, ít bị ly dị hơn nhưng người chồng ương ương, dở dở, dùng
quyền thì không xong, mà theo ý kiến vợ thì mặt mũi, danh dự… Đây là kết quả khảo
cứu dài hạn 130 cặp vợ chồng do tiến sỹ tâm lý John Gottman thực hiện. Theo ông
trong tác phẩm “7 nguyên tắc để hôn nhân thành công”, thì 65% người chồng thường
làm tăng sự tiêu cực trong những cuộc cãi vã. Nghiên cứu cũng cho thấy 81% khả
năng một cuộc hôn nhân sẽ tan vỡ khi người đàn ông không chịu nghe ý kiến của vợ.
Để tránh những ảnh hưởng
tiêu cực của hôn nhân, ông đã đưa ra 4 điều mà phía người chồng phải lưu
ý: Chỉ trích, đề phòng, khinh thường và
câm lặng. Đây không phải là tác phong và lối hành xử của một người đàn ông trưởng
thành, người chồng có tư cách và hiểu biết. Thật ra, sợ vợ hay sợ chồng chỉ là
mặt trái của đồng tiền tình yêu. Cha ông xưa đã dạy: “Tương kính như tân”.
Tiến Sĩ
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét