Chúa Giêsu khao khát ban cho chúng ta nước trường sinh
Fri,
14/02/2020 - Lại Thế Lãng dịch
Trong cuộc sống của nhiều
vị thánh, chúng ta thấy rằng họ đều nhìn nhận những lời kêu gọi họ là đến từ
Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần suy nghĩ về ơn gọi của thánh Antôn thành Abbot đến
bởi lời lẽ từ Tin Mừng “hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, . . . rồi hãy đến theo tôi. (Matthêu 19: 21).
Chúng ta có thể nghĩ về vai trò của câu “Cứ để trẻ em đến với Thầy” (19: 14)
trong cuộc sống của những nhà giáo dục thánh thiện hay là vai trò của câu
“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Luca
10: 14) đối với nhiều nhà chiêm niệm.
Còn đối với Mẹ Têrêsa
Calcutta: tiếng kêu của Chúa Kitô trên thập giá Sitio “Ta khát”. Hai từ ngữ này
được viết bên cạnh cây thập giá trên bàn thờ của các nhà nguyện thuộc dòng Thừa
Sai Bác Ái.
Sitio “Ta khát” là lời Mẹ
Têrêsa nhận được tại chính thời điểm Thiên Chúa kêu gọi Mẹ phục vụ những người
nghèo nhất trong những người nghèo. Nhưng chỉ cho đến cuối đời, Mẹ mới quyết định
giải thích cho các nữ tử trong dòng của Mẹ. Trong lá thư đó, viết tại Varanasi
trong mùa Chay năm 1993 Mẹ đã nói:
Đã đến lúc để tôi giải
thích cách đầy đủ nhất có thể về cơn khát của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với
tôi. Đối với tôi cơn khát của Chúa Giêsu là điều gì đó rất riêng tư – Vì vậy
tôi cảm thấy e ngại cho đến bây giờ mới nói về nó. Tôi muốn làm như Đức Mẹ “Giữ
tất cả những điều này ờ trong lòng”.
Đối với tôi rõ ràng là
như vậy - tất cả mọi thứ tồn tại ở trong dòng Thừa Sai Bác Ái là để thỏa lòng
mong muốn của Chúa Giêsu. Những lời của Ngài trên tường ở mọi nhà nguyện của
nhà dòng không chỉ từ qúa khứ, nhưng tồn tại ở đây và bây giờ đã nói với chúng
ta . . . Tôi sẽ cố gắng giúp chúng ta hiểu – nhưng chính Chúa Giêsu mới là người
nói với chúng ta “Ta khát”.
Những gì Mẹ Têrêsa nói ở
đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Nó là phần rất nhỏ của lời này đã có
trong cuộc đời của Mẹ. Từ lúc đầu nó là một trải nghiệm mầu nhiệm chân thật. Mẹ
Têrêsa thực sự đã “nghe” Chúa Giêsu trong cơn hấp hối nói lời này trong tâm hồn
Mẹ. Nó giống như những dấu thánh vô hình đã khắc ghi trong tâm hồn Mẹ mãi mãi.
Mẹ Têrêsa đã để lại từ ngữ
Sitio như là một di sản của Mẹ, cũng giống như Phanxicô Assisi để lại Đức Bà
Nghèo khó như là một di sản cho các anh em của ông. Điều này không có nghĩa tất
cả các nữ tử của Mẹ đều có thể cảm nhận cùng một cách như Mẹ Têrêsa đã cảm nhận.
Thiên Chúa không áp đặt trên những tạo vật của Ngài; Ngài muốn sự đa dạng.
Trong phạm vi gia đình thiêng liêng của Mẹ cũng vậy, có chỗ cho những cảm xúc
khác nhau, những ân sủng tâm linh đa dạng và những trải nghiệm khác nhau. Những
gì Mẹ Têrêsa chủ yếu đề nghị cho gia đình thiêng liêng của Mẹ không phải chỉ là
từ ngữ mà là sự gợi ý: một câu trả lời trọn vẹn cho tình yêu của Chúa Kitô được
biểu lộ trong việc phục vụ người nghèo.
Cơn khát thể chất của
Chúa Giêsu
Thông thường các thánh
không đến với chân lý của Kinh Thánh bởi sự suy nghĩ của trí tuệ. Thay vào đó,
chân lý đến với họ ngay lập tức bởi một sức mạnh mà không có một sự uyên bác
nào có thể đem lại. Nhưng sau đó các vị muốn biết tất cả những gì có thể về những
điều các học giả đã khám phá và các vị không bao giời mệt mỏi nghe về nó. Chúng
ta hãy xem những gì sự uyên bác nói về lời này từ Chúa Giêsu trên thập giá – và
chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhớ lại đoạn Kinh Thánh sau đây:
Sau khi mọi sự đã hoàn tất
Chúa Giêsu nói (để ứng nghiệm lời Kinh thánh) “Ta khát”. Ở đó có một bình đựng
đầy giấm, người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành
hương thảo, rồi đưa lên miệng Chúa Giêsu. Nhắp xong, Ngài nói: “Thế là đã hoàn
tất!” và Ngài gục đầu trút linh hồn (Gioan 19: 28-30)
Ý nghĩa đầu tiên của từ
ngữ này liên quan đến cơn khát thể chất của Chúa Kitô. Không có gì khó để hiểu
rằng khi cơ thể Chúa Kitô bị tra tấn và máu chảy đầm đìa, Ngài sẽ cảm thấy khát
khô họng. Tác giả Kinh Thánh thấy rằng chính thời điểm này ứng nghiệm lời Kinh
Thánh “Cổ họng tôi khô . . . và vì tôi khát người ta đưa giấm cho tôi uống”
Cơn khát tâm linh của
Chúa Giêsu
Nhưng theo Gioan, tiếng
kêu của Chúa Giêsu khi hấp hối cũng có một ý nghĩa biểu tượng. Trong một quãng
đời của Ngài, Chúa Giêsu cũng xin được uống. Ngài nói với người phụ nữa Samaria
“Chị cho tôi xin chút nước uống!” và trong câu trả lời đày hoang mang của người
phụ nữ này, Ngài nói “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói
với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho
chị nước hằng sống.” (Gioan 4: 7, 10).
Đó không phải là ngẫu
nhiên sau khi tường thuật lời Chúa Kitô “Ta khát” ngay lập tức Gioan cho biết
thêm “Người gục đầu xuống và trút linh hồn” (Gioan 19: 30). Trên bình diện biểu
tượng và mầu nhiệm, điều này trong thực tế có nghĩa là Ngài trao ra Thần khí
như được biểu lộ bởi nước và máu tuôn ra ở cạnh sườn Ngài.
Từ điều này chúng ta hiểu
rằng Chúa Giêsu đang xin đươc ban phát, Ngài khao khát được chúng ta khao khát
Ngài bởi vì chỉ có như vậy mới cho phép Ngài ban cho chúng ta nước trường sinh
và cuộc sống vĩnh cửu.
Đáp lại tiếng kêu của
Chúa Giêsu, quân lính đã đưa giấm cho Ngài. Đây là sự nhạo báng tột cùng, thêm
đau khổ vào đau khổ. Nó phản ảnh những gì xẩy ra trong thực tế: con người đáp lại
cái khát của Chúa Kitô bằng sự vô ơn, nhục mạ, lạnh nhạt và hay quên.
Giống như những lời của
Chúa Giêsu khi hấp hối, “Ta khát” đã trải qua nhiều thế kỷ như ngọn đuốc luôn
cháy sáng. Mỗi người chúng ta, như Mẹ Têrêsa nói, nên cảm thấy rằng những lời
đó đang nói với mỗi cá nhân chúng ta ở đây và bây giờ. Nó buộc chúng ta phải tự
hỏi “Tôi phải làm gì để đáp lại Chúa Kitô? Rượu mới của tình yêu không phân rẽ
hay giấm của thỏa hiệp, một đức tin nhạt nhẽo hay co cụm với chính mình?”. Thật
không đủ để làm nhiều điều cho Chúa Kitô; Ngài lập lại với mỗi người chúng ta
những gì Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô “điều tôi tìm kiếm không phải là của
cải của anh em, mà là chính anh em” (2 Côrintô 12: 14).
Dâng điều tốt
đẹp cho Chúa
Khi Mẹ Têrêsa viết cho
các nữ tu năm 1993 trong ánh sáng của thông điệp mùa Chay của Đức Thánh Cha có
chủ đề Sitio (Ta khát). Nhưng điều gì đã có thể tác động đến Mẹ trong thông điệp
đó. Thông điệp mà chủ đề không đề cập nhiều đến cơn khát của Chúa Kitô trên thập
giá cho bằng cơn khát của hàng triệu người thiếu nước uống? Mẹ Têrrêsa đã tìm
thấy trong thông điệp đó cùng một sự liên kết giữa cơn khát của Chúa Kitô với
việc phục vụ người nghèo mà người ta gọi là “hai cột trụ” trong công tác của Mẹ.
Công tác cho người nghèo,
dù nhỏ bé hay khiêm nhường đến thế nào đã làm cho cuộc sống của chúng ta một điều
gì đó tốt đẹp đối với Thiên Chúa. Chúng là những món qùa quý giá nhất của Thiên
Chúa đối với xã hội chúng ta – Sự hiện diện ẩn mình của Chúa Giêsu trở nên rất
gần đến có thể chạm vào. Nếu không có công việc dành cho người nghèo . . . cơn
khát của Chúa Giêsu chỉ là những từ ngữ vô nghĩa và không có sự đáp trả.
Mẹ Têrêsa thấy sự liên hệ
giữa hai điều không chỉ tồn tại trong tâm hồn Mẹ. Nó được đặt trên nền tảng
giáo lý của thân thể mầu nhiệm Giáo hội. Blaise Pascal đã từng nói “Chúa Giêsu
sẽ còn bị đau buồn cho đến ngày tận cùng của thế giới”. Vì đâu mà Ngài đau buồn
nếu không phải từ những thành viên trong thân thể của Ngài, đặc biệt là những
người nghèo khó và đau khổ. Tiếng kêu “Ta khát” vang lên từ những thành viên
đau khổ của thân thể Chúa Kitô, cũng giống như trong cơ thể vật chất, khát là kết
quả của hàng tỉ tế bào đòi hỏi có nước để tồn tại.
Như là nhu cầu quan trọng
nhất của mỗi sinh vật. Khát đại diện cho những nhu cầu căn bản nhất của con người:
nhu cầu nước và thực phẩm, nhưng cũng cần có sự quan tâm, yêu thương và nụ cười.
Người ta có thể sống mà không cần ăn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần lễ nhưng
không thể sống mà không uống nước. Những lời của Chúa Giêsu “Ta khát, các ngươi
đã cho uống” (Matthêu 25: 35) đã cho Mẹ điều gì đó thực tế và đơn giản hơn là
cho người tín hữu bình thường.
Chúng ta có thể
rửa chân Chúa Giêsu
Trong một bức khảm ở nhà
nguyện Mẹ thuộc dòng Chúa Cứu Thế tại Vatican, một nghệ sĩ, cha Marko Rupnik đã
vẽ một chiếc bàn dài. Ở một đầu là Maria Bêtania cúi xuống xức dầu chân Chúa
Kitô với nước hoa từ một bình đựng dầu thơm quý giá. Ở đầu bên kia là Chúa
Giêsu cũng ở vị trí tương tự như Maria và rửa chân cho Phêrô trong Bữa ăn cuối
cùng. Nếu tôi là một nghệ sỹ tôi sẽ vẽ Mẹ Têrêsa trong tư thế của Maria Bêtania
cúi mình rửa chân cho một người nghèo khổ mà khi nhìn lên, Mẹ nhận ra là Chúa
Giêsu.
Chúa Giêsu đã về trời
nhưng chân của Ngài vẫn còn ở trên trái đất bởi vì bàn chân của Chúa Kitô chính
là người nghèo, những người mà Chúa Giêsu nói rằng chúng ta luôn gặp được họ.
Thánh Thể, Mẹ Têrêsa nhắc nhở, cho phép tất cả mọi người canh tân sự nối kết giữa
đáp ứng cơn khát của Chúa Kitô và sự sẵn
sàng của chúng ta cho người nghèo khổ - giữa bánh Thánh với thân thể thực sự của
Ngài và sự kết hợp với thân thể mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta thỏa mãn cơn khát
của Chúa Giêsu bằng việc tôn thờ Ngài trong Bí tích Thánh Thể, trong cuộc gặp gỡ
mặt đối mặt giữa cá nhân chúng ta với Ngài. Canh tân lòng nhiệt thành để làm dịu
cơn khát của Ngài dưới những tấm bánh và trong dáng vẻ buồn rầu của người nghèo
nhất trong người nghèo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét