Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Tháng Năm




Tháng  Năm
Sat, 02/05/2020 - Lại Thế Lãng



Christopher Castagnoli

Tháng Năm là thời gian đặc biệt để người Công giáo tỏ lòng kính mến Mẹ Maria. Chúng ta có rất nhiều kinh để cầu nguyện với Mẹ vào những dịp khác nhau hay với những ý cầu nguyện khác nhau.

Cần lưu ý rằng chúng ta nói chúng ta kính mến Mẹ Maria. Trái với sự hiểu lầm của những người thuộc hệ phái Phúc Âm và Tin Lành, chúng ta tôn vinh Mẹ Maria. Chúng ta không tôn thờ Mẹ.

Maria có một vai trò duy nhất trong lịch sử cứu độ, là Mẹ Thiên Chúa, sinh ra không tì vết tội lỗi, người với sự tự do sẽ chấp nhận đem “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Gioan 1: 14), Chúa chúng ta và Chúa Giêsu Kitô cứu thế vào thế giới.

Maria được tiên báo là người sẽ đạp lên đầu con rắn (tượng trưng cho ma qủỉ) trong sách Sáng Thế đoạn 3 câu 15, thông qua Thánh Tử của Mẹ. Mặc dàu vậy Mẹ không hề che bóng Ngài và Mẹ cũng không bao giờ muốn như vãy.

Đời sống của Mẹ trong những năm Phúc Âm là phục vụ và cống hiến tuyệt vời cho Chúa Giêsu. Từ hang Belem nơi Mẹ sinh hạ Ngài đến núi Canvariô ở Giêrusalem, nơi Mẹ đứng bên thập giá trong cuộc tử nạn của Ngài. Từ máng cỏ đến thập giá như đã xẩy ra.

Trong lúc hình bóng của Mẹ có vẻ mờ nhạt trong Phúc Âm, lời nói của Mẹ vẫn còn vang vọng trong chúng ta hôm nay. Thách thức chúng ta noi theo gương Mẹ về lòng khiêm nhường, vâng lời và phục vụ Thiên Chúa.

Chúng ta đã đọc, khi Mẹ ưng thuận trở thành mẹ của Chúa Giêsu “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Luca 1: 38). Sau đó không lâu Mẹ tuyên bố với niềm hân hoan trong bài ca Tạ Ơn, khi Mẹ đến thăm Êlisabet, người chị họ “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Luca 1: 47-48).

Cuối cùng, Mẹ đã nói những lời sau cùng gì trong Phúc Âm? “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Gioan 2: 5). Đây là lời Mẹ nói với những người phục vụ trong tiệc cưới tại Cana, ngay trước khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu.

Việc Maria được nhắc tới ít ỏi trong Phúc Âm khiến nhiều người trong hệ phái Phúc Âm, Tin Lành cũng như tác giả nổi tiếng  Mark Shea đã có lần suy diễn rằng ý tưởng tận hiến cho Mẹ của người Công giáo cách nào đó có vẻ là tà đạo khi tôn sùng một người phụ nữ bình thường, biến người phụ nữ ấy thành vật cản trở trong việc thờ phượng Thiên Chúa.

Tuy nhiên trong sự tạo dựng, Mẹ là người duy nhất không nhiễm tội Nguyên Tổ (ngoài Chúa Giêsu dĩ nhiên, người vừa có nhân tính vừa có thiên tính). Thiên Chúa dù sao đã chọn Maria cách đặc biệt để đóng vai trò quan trọng trong sự cứu rỗi chúng ta.

Sự thụ thai tinh khiết của Maria đã cho phép Mẹ cưu mang con Thiên Chúa không tì vết của tội lỗi và cho phép Mẹ hiến dâng cuộc sống cho Chúa Giêsu trong cách yêu thương và tận tụy nhất.

(Chúng ta có thể tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu Mẹ nghiêng về bản chất yếu đuối của con người như tất cả chúng ta? Nếu Mẹ, cách nào đó tha thiết bảo vệ Thánh Tử của Mẹ, ví dụ không muốn chịu đựng những nỗi đau buồn cũng như những niềm vui như Mẹ của Chúa chúng ta).

Nói về những đau buồn, khi Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá, Ngài đã trối lại Mẹ Ngài là Mẹ của chúng ta cũng như khi Ngài trao phó Mẹ cho thánh Gioan (Gioan 19: 26-27). Nhiêu nhà thần học và các thánh đã xác nhận điều này.

Maria đã được sinh ra và sống cuộc sống “đầy ân sủng” (Luca 1: 28). Và Mẹ ước muốn san sẻ những ân sủng Mẹ nhận từ Thiên Chúa cho chúng ta. Thánh Benardine thành Siena có lần đã nói “Mọi ân sủng được thông ban cho thế giới này có ba tiến trình. Nó từ Thiên Chúa đến Chúa Kitô, từ Chúa Kitô đến Maria và từ Maria đến chúng ta.

Đức Thánh Cha Piô XII đã không vô cớ khi nói “Bất cứ khi nào chúng ta nói về Maria hay nói với Maria, chúng ta đừng quên rằng Maria thực sự là Mẹ của chúng ta, bởi vì qua Mẹ chúng ta nhận được đời sống thánh thiện. Mẹ đã cho chúng ta chính Chúa Giêsu, nguồn mạch của ân sủng. Maria là đấng trung gian và là người phân phát ân sủng”.

Nhiều Kitô hữu không phải là Công giáo có thể bám vào vấn đề với ý niệm  này dựa vào các trích dẫn nổi tiếng của thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Timôtê “chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su”  (1 Timôthê 2: 5). Tuy nhiên điều quan trọng cần lưu ý là từ ngữ “một” ở đây có nghĩa là “đầu tiên” chứ không phải là “chỉ”.

Bạn có bao giờ xin người khác cầu nguyện cho bạn chưa? Đó chính là loại can thiệp chúng ta đang nói đến ở đây. Maria như là Mẹ yêu thương của Thiên Chúa, thực hiện sự cầu thay nguyện giúp đầy uy quyền cho chúng ta.

Cũng cần lưu ý rằng nhiều lần Maria hiện ra nhân danh Con của Mẹ được Giáo hội công nhận (như là Đức Mẹ Guadalupe hay Đức Mẹ Lộ Đức) đã củng cố đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Sứ vụ trần thế của Ngài không chỉ là sứ vụ của nhà triết học hay của người thầy thông thái nào đó.

Đức Mẹ đã cho chúng ta thấy một số phép lạ tuyệt vời nhân danh Ngài có thể củng cố đức tin của chúng ta. Chẳng hạn “phép lạ mặt trời” từ Đức Mẹ Fatima.

Trong những phép lạ này cùng những phép lạ khác nữa, Mẹ thúc giục tất cả chúng ta “Con cháu Evà ở chốn khách đầy” chấp nhận tận tụy và dấn thân hơn nữa cho Thiên Chúa và người lân cận. Nhưng chúng ta có nghe không? Đó là vấn đề. Mẹ cũng đã cho chúng ta vũ khí thiêng liêng tuyệt vời là kinh Mân côi. Thánh Francis de Sale gọi đó là “phương pháp cầu nguyện vĩ đại nhất”.

Chân phước Alan de Rhoche nói kinh nguyện này là “kho tàng của muôn vàn ơn phúc”. Và thánh Padre Pio có lần đã nhấn mạnh “kinh Mân côi là vũ khí Maria ban cho chúng ta để chống lại những mưu chước của kẻ thù địa ngục”. Nó không chỉ đem ân sủng đến cho chúng ta mà còn là cách tốt nhất làm trung gian  giữa Chúa chúng ta với Mẹ Ngài.

Chính Mẹ Maria có lần đã nói với Chân phước Alan rằng “Khi con lần hạt Mân côi, các thiên thần hoan hỉ, Ba Ngôi Thiên Chúa vui mừng, Thánh Tử của Ta cũng tìm thấy niềm vui ở trong đó và chính Ta cũng hạnh phúc nhiều hơn là con có thể đoán biết. Sau Thánh lễ, không có gì trong Giáo Hội mà Ta yêu thích hơn kinh Mân Côi”.

Hãy nhớ rằng Maria luôn muốn tìm cách trở thành chiếc cầu nối chứ không phải là rào cản đối với Thánh Tử của Mẹ, Chúa chúng ta và Chúa Cứu thế Giêsu Kitô! Đừng bao giờ ngần ngại đến với Mẹ trong cầu nguyện để nhận được ân sủng, sức mạnh và sự cầu bầu của Mẹ với Chúa Giêsu cho những ý nguyện riêng tư của chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét