Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

May 24, 2020 - Chúa nhật VII Phục Sinh năm A


May  24,  2020 - Chúa  nhật VII  Phục  Sinh  năm  A
Lễ  Đức  Chuá  Giesu  về  Trời
"Thầy    cùng  anh  em  mọi  ngày  cho đến  tận  thế"






Các Bạn thân mến,
Theo lịch Phụng Vụ thì thứ năm 21/ 5 /2020 lễ Đức Giesu về Trời. Còn chúa nhật này là chúa nhật thứ VII Phục Sinh. Nhưng Giáo Hội đã cho phép mừng lễ Đức Giesu Lên Trời vào chúa nhật 24.5.2020. Nên xin chia sẻ Tin Mừng về Lễ Đức Giesu Lên Trời vào chúa nhật thứ VII Phục Sinh.
 Như chúng ta biết, thời gian còn ở trần gian với các môn đệ, nhiều lần Đức Giesu đã nói đến việc Ngài sẽ về trời, về với Đấng đã sai Ngài, là Cha của Ngài. Giờ đây là lúc Ngài thực hiện điều ấy.
Việc Đức Giesu về Trời cả hồn xác hay Thăng Thiên, mãi mãi là một huyền nhiệm mà trí khôn cùng ngôn ngữ của loài người không thể giải thích, diễn tả đúng đắn được. Nhưng điều quan trọng và chắc chắn là biến cố ấy đã xẩy ra công khai trước mắt các môn đệ và nhiều người Galile thời đó.
 Sự Đức Giesu thăng thiên có tính chất quan trọng, cần thiết truyệt đối, bởi việc:
   * Đức Giesu trở về vị trí cũ:
 -    Nghĩa là Ngài phải trở về nơi cũ của Ngài, nơi trước khi Ngài đến thế gian, trở về với địa vị vinh hiển của Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa Trời.
 -    Đó là điều dễ hiểu, vì Ngài đã đến thế gian vào một thời điểm nhất định thì nhất thiết cũng phải có một thời điểm nhất định nào đó để Ngài lìa bỏ thế gian.
 -   Thời gian sau Phục Sinh của Ngài rõ ràng không thể kéo dài mãi, cũng không thể từ từ thưa đi, rút dần sự hiện diện của Ngài. Vì thế Ngài đã xác định điểm tận cùng cho Ngài là điều hợp tình hợp lý. Đấy là lúc Ngài từ giã các môn đệ để về trời.
  * Trời - Thiên đàng:
-   Ngày nay chúng ta không còn xem Trời, Thiên đàng là một nơi chốn nào đó trên chín tầng mây hay các tầng trời cao tít trên đầu chúng ta nữa.
 -   Mà được hiểu Thiên Đàng là tình trạng hạnh phúc khi được ở trong an lành, vui sướng, vinh hiển với Thiên Chúa.
 -   Do đó Đức Giesu cần chứng minh rõ ràng cho các môn đệ và mọi người để không ai còn thắc mắc gì về việc Ngài trở về cõi vinh hiển với toàn thân xác, thì sự thăng thiên là tuyệt đối cần thiết.
 Tin Mừng Thánh Mattheu hôm nay cho biết:"Mười một môn đệ đi tới miền Galile, đến ngọn núi Đức Giesu đã truyền cho các ông đến" để gặp Đức Giesu lần cuối, và nghe Ngài phán những lời sau cùng: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thanh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
"Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế", lời sau cùng này Đức Giesu nói với các môn đệ khi xưa cũng như Ngài nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Nhưng chúng ta thường có khuynh hướng quá bận rộn với những khó khăn ngày này sang ngày khác trong cuộc sống, để rồi quên lời hứa qúi báy ấy, đâm ra lo lắng hết chuyện này đến chuyện kia. Hãy bình tĩnh để cố quên đi mọi lo lắng buồn phiền, giúp chúng ta có thể để tâm trí nhớ rằng Đức Giesu luôn hiện diện với chúng ta ngay bây giờ, như khi Người hiện diện với các môn đệ khi còn sống ở thế gian.
Và suy nghĩ kỹ hơn về ngày lễ Thăng Thiên hôm nay. Đó là một ngày lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ, vì bao gồm sự vui mừng chiến thắng của Đức Giêsu trên tội lỗi cùng sự chết và sự trở về vinh hiển với Chúa Cha trên thiên đàng. Ở đó Người ngự bên hữu Chúa Cha, với tư cách là đầu của Thân Thể Hội Thánh, và là Vua của mọi tạo vật.
Thế nên đúng hơn, lễ Thăng Thiên mừng sự tiếp tục hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng ta trong sự vinh hiển mầu nhiệm qua một phương cách hoàn toàn mới và mạnh mẽ hơn. Đó là Ngài hiện diện với chúng ta qua thân thể mầu nhiệm của Ngài trong phương cách thiêng liêng.
Chúng ta cũng vui mừng với sự uỷ thác mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ của Ngài và cả chúng ta. Là mọi người được mời gọi để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự ở trần gian, khi Ngài hiện diện trong thân xác như chúng ta.
Có nghĩa rằng chúng ta phải ra đi và thực sự rao giảng về Đức Giêsu như các môn đệ đã thi hành. Rồi thông báo cho thế gian biết Ngài đòi hỏi mọi người tin nhận Ngài, phải chịu Phép Rửa bằng nước. Vì Phép Rửa ấy là chìa khóa đẫn đến một đời Kito hữu chiến thắng. Đó cũng chính là chặng đường dẫn tới hạnh phúc thiên đàng.
Suy niệm về lễ Thăng Thiên còn cho chúng ta nhận ra một sự gắn bó mật thiết, hữu lý, đứng đắn giữa cuộc đời Đức Giesu với cuộc sống chúng ta và cho chúng ta thêm niềm tin tưởng, an ủi tuyệt đối nơi Ngài.  Hôm nay chúng ta cử hành sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Giêsu giữa chúng ta trong thân thể thiêng liêng của Ngài, là Hội Thánh.
Và nhớ đến sự uỷ thác mà Đức Giêsu đã trao cho chúng ta là làm chứng cho Ngài bởi chính đức tin và gương mẫu của mình.

 A.  Tín hữu được kết hợp với Đức Giesu:
       1.   Ngài đã chết - Tín hữu cũng chết trong Ngài:
-   Trước khi chịu Phép Rửa, con người cũ đầy tội lỗi của chúng ta như chết về mọi mặt, không còn nhận biết gì về Thiên Chúa, về những điều tốt xấu, những nguy cơ sai phạm, những hậu qủa của tội lỗi.
-    Khi chịu phép rửa, thì con người cũ như bị đóng đinh trên thập giá với Đức Giesu. Thể xác tội lỗi bị tiêu diệt, tâm lòng được giải tỏa, thanh thoát nhẹ nhàng, chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa.
        2.   Ngài bị chôn - Tín hữu cũng bị chôn với Ngài:
-    Phép Rửa làm cho người ta thay đổi hoàn toàn, như việc chết rồi sống lại.
-    Kito hữu chết thuộc linh trong Phép Rửa, như cùng bị chôn với Đức Giesu trong mồ.
-    Nhưng không phải chôn ẩn mình trong lòng đất, mà là được gói gém, được bọc kín bởi Đức Giesu Kito.
        3.   Ngài đã sống lại - Tín hữu cũng có một đời sống mới trong Ngài:
-    Khi được giải phóng khỏi tội lỗi, chúng ta đã có một đời sống mới trong Đức Giesu.
-    Đã liên hợp với Ngài trong sự chết, thì chúng ta cũng sẽ được liên hợp với Ngài trong sự sống lại vinh quang như Ngài.
        4.   Ngài đã lên trời – Tín hữu cũng được ở trong Ngài:
-    Trong Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa cất bổng chúng ta lên cao, cho chúng ta cùng ngồi với Đấng Cứu Thế trên trời.
-    Đã cùng đi với Đức Giesu qua từng giai đọan, được bước đi trong đức tin và sống đức tin ấy, chắc chắn chúng ta cũng sẽ được lên trời như Ngài.
B.  Những ích lợi:
Khi được liên kết với Đức Giesu trong sự chết và sự sống lại của Ngài thì Thiên Chúa làm ích lợi cho chúng ta:
     1.   Phép Rửa đưa chúng ta qua nước Thiên Chúa:
-    Chúng ta sẽ được mang sang chính vương quốc của Thiên Chúa.
-    Để chúng ta được sống trực tiếp dưới quyền lực của Ngài.
-    Sự di chuyển này do Thiên Chúa thực hiện, không phải tự sức lực chúng ta.
-    Đó là sự cứu vớt thương xót chúng ta.
      2.    Từ tối tăm qua sáng láng:
-     Không có Chúa thì nhân loại sống trong bóng tối của nghi ngờ, ngu dốt, tội lỗi, bi đát, yếu đuối, …
-    Trong Đức Giesu, Thiên Chúa đã cho chúng ta một tia sáng để nhờ đó chúng ta lạc quan, tin tưởng sống, không còn quờ quạng vấp váp trong bóng tối đam mê nữa.
      3.   Từ nô lệ sang tự do:
-     Đúng là sự di chuyển này như từ vị trí bị trói buộc, bị nô lệ sang địa vị được tự do như con cái trong nhà.
-     Là một sự cứu chuộc, sự được giải phóng khỏi nô lệ.
-     Không có Thiên Chúa, loài người chỉ là nô lệ cho sự bất tài, bất lực và lầm lỗi của mình.
-     Trong Đức Giesu, một cuộc giải phóng đã đến, mọi sự sợ hãi, thất vọng, chán nản, đau khổ bị xua tan nhanh chóng.

 C.  Đời sống mới tràn đầy Đấng Cứu Thế:
 Khi đã qua được những chặng đường trên, chúng ta sẽ có được một cơ nghiệp vững chắc, lớn lao để sống phong phú dồi dào:

      1.   Đời sống có Đấng Phục Sinh là đời sống vâng phục và thanh khiết:
-    Được Thiên Chúa tuyển chọn là được một đặc ân lớn lao kèm theo một trách nhiệm quan trọng.
-    "Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh."[Lv 11,44]
-     Nghĩa là chúng ta được tuyển chọn cho một công tác thánh thiện trong thế gian và cho một số phận phúc hạnh trong cõi đời đời.
-     Chúng ta được tuyển chọn để sống cho Thiên Chúa trong một thời gian ở trần thế này và sống với Thiên Chúa mãi mãi trong vĩnh cửu.
-     Nên nhiệm vụ của chúng ta là phải tuân thủ lề luật của Thiên Chúa và sống đời sống của Ngài, phải sống khác hẳn trần gian, phải siêu thoát thánh thiện.

      2.   Đời sống tràn đầy ơn Phục Sinh là đời sống kính sợ:
-     Kính sợ là tâm trạng của người luôn ý thức rằng mình đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa quyền năng.
-     Chúng ta là người sống ở trọ trong thế gian này, mỗi người một thời gian, dài, ngắn tùy người. Bởi ai cũng chỉ sống ở đó với số thời gian nhất định, rồi sẽ ra đi mãi mãi, không bao giờ trở lại.
-     Thế nên cuộc sống mà chúng ta đang sống đúng là một hành trình, mà chúng ta cần ý thức rằng sẽ có một ngày chúng ta tới đích, ngày tổng kết, mỗi người có một vận mệnh để chiến thắng hay thua cuộc.
-     Vì thế đời sống ở thế gian vô cùng quan trọng, bởi nó như báo trước, dẫn đến một đời sống bên kia cái chết.
-     Chúng ta phải sống một đời sống kính sợ Thiên Chúa. Vì đời sống đó rất cao qúi, đắt giá; do cái giá phải trả ấy là chính mạng sống và sự chết của Đức Giesu, nên không bao giờ có thể coi nhẹ, phung phí, hoặc vất bỏ.
-     Do đó chúng ta không chỉ phải tôn trọng đời sống của mình mà còn phải tôn trọng cả đời sống của anh em, phải yêu thương anh em cách chân thành, tha thiết và bền lâu.

Lay Đức Giesu Thăng Thiên, xin cho chúng con:
-     nhìn thấy sự hiện diện của Ngài ở bên chúng con dù dưới muôn ngàn dáng vẻ,
-     thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Ngài.
-     gặp Ngài nơi bất cứ ai là con người vì họ cũng có khuôn mặt của Ngài,
-     khám phá ra Ngài đang hẹn gặp chúng con nơi mỗi biến cố buồn vui của cuộc đời,
-     đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Ngài trên mọi bước đường đời của chúng con, để chúng con luôn đón nhận Ngài và được Ngài ở cùng mỗi ngày cho đến tận cùng, hầu chúng con được lên trời như Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen. (mượi lời) 

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét