Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Tha thứ để làm chứng cho tình yêu thương xót của Chúa


Tha  thứ  để  làm  chứng  cho  tình  yêu  thương  xót  của  Chúa
Thứ Tư, 13 Tháng Năm, 2020



1.

Những ngày này, tình hình diễn biến rất phức tạp, do dịch bệnh Corona, do biến đổi khí hậu và do nhiều biến cố gây bất ổn.

Tình hình đó là u ám, là bi thảm.

Với đức tin, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá.

2.

Ðột nhiên, tôi nghe thấy từ thập giá, Chúa Giêsu cầu xin với Ðức Chúa Cha lời này: “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34)

3.                                                                                                                                                                                                                                         

Nghe lời đó rồi, tôi được Chúa soi dẫn cho biết; dấu chỉ quan trọng nhất của tình yêu thương của Chúa, chính là: tha thứ.

4.

Tôi chợt nhìn lại đời mình, thì thấy đúng là một chuỗi dài được Chúa tha thứ.

5.

Tối nào xét lại mình, tôi cũng thấy mình đã có nhiều lỗi lầm. Tôi sám hối và được Chúa tha thứ.

6.

Sáng nào cũng vậy, khi dâng lễ và tham dự thánh lễ, tôi đều coi việc đón nhận ơn Chúa tha thứ là việc hết sức quan trọng.

7.

Dần dần, tôi gọi Chúa Giêsu là Ðấng hay tha thứ. Ðúng như Người đã nói xưa.

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (nghĩa là để họ được ơn tha thứ).

8.

Hằng ngày được đón nhận ơn tha thứ của Chúa, đó là một diễm phúc. Nhưng nếu ỷ lại ơn tha thứ đó, để cứ tiếp tục phạm tội, thì sẽ là đại họa do chính mình gây ra cho mình. Ðiều đó dễ hiểu.

9.

Nhất là được Chúa tha thứ, mà lại không tha thứ cho kẻ khác như Chúa đã tha thứ cho mình, thì sẽ là điều vô phúc tự mình gây ra cho mình.

10.

Biết đón nhận sự tha thứ, biết cho đi sự tha thứ, đó là những việc hết sức quan trọng, nhưng không dễ dàng.

“...Không tha thứ cho người khác, đó là một gánh nặng mình tự tạo ra cho mình, luôn làm khổ mình, trước khi làm khổ người khác...”

11.

Riêng tôi, tôi rất ý thức điều đó, mà chẳng biết phải làm gì. Chỉ biết cậy tin vào Ðức Mẹ.

Với chuỗi tràng hạt Mân Côi luôn trong mình, tôi bám chặt lấy Ðức Mẹ. Từng giờ, từng phút, từng giây, tôi ôm lấy Mẹ. Mẹ giúp tôi đón nhận tha thứ, và cho đi tha thứ. Mẹ luôn nhắc nhở: “tha thứ, tha thứ.”

12.

Không tha thứ cho người khác, đó là một gánh nặng mình tự tạo ra cho mình, luôn làm khổ mình, trước khi làm khổ người khác.

13.

Trái lại, tha thứ cho người khác, sẽ là cách giải thoát chính mình, để được hưởng phần nào hạnh phúc thiên đàng, trong đó chỉ có tình thương. Khi tha thứ, tôi cảm thấy mình được thanh thản, nhẹ nhõm, được nên mới, nhất là được Chúa thứ tha.

14.

Tha thứ như Chúa dạy đang là một giá trị thiêng liêng có tính cách phân loại ai tốt, ai xấu, có sức đem lại hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác, và cũng làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

15.

Tới đây, tôi chợt nhớ tới người bạn thân thiết của tôi là Ðức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài nói với tôi là: Mẹ ngài luôn khuyên ngài tha thứ cho những người phản bội.

Chính ngài cũng theo gương mẹ ngài mà tha thứ cho bất cứ ai đã làm khổ ngài.

Ngài khuyên tôi hãy biết tha thứ, hãy năng xin Chúa xót thương tha thứ.

Theo bạn tôi, tha thứ là hãy xóa tội cho người xúc phạm, và xóa cả mặc cảm nơi họ nữa.

16.

Riêng tôi, tôi tha thiết xin Chúa giàu lòng thương xót tha thứ cho tôi về muôn vàn tội lỗi của tôi. Tôi cũng xin mọi người tha thứ cho tôi như vậy.

ĐGM GB Bùi Tuần, 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét