Hàng nghìn người tình nguyện nhiễm nCoV
Thứ
hai, 18/5/2020-VnExpress.net
MỸ-Năm 18 tuổi, Abie
Rohrig tự quyết định hiến thận, cứu được một người. Nay vừa 20, Rohrig tiếp tục
đăng ký tình nguyện nhiễm nCoV.
"Mẹ tôi lo lắng hơn
nhiều so với hồi tôi hiến thận. Bà ấy ngập ngừng ‘Gì cơ? Mẹ không biết nữa’ và
tỏ ra khá hoài nghi", cậu kể lại.
Rohrig là một trong số
hơn 16.000 người, hầu hết trẻ tuổi, ủng hộ phương pháp phát triển vaccine gây sốc:
chủ động lây nCoV cho tình nguyện viên. Họ đều đăng ký tham gia chiến dịch 1
Day Sooner (Sớm hơn Một Ngày) thông qua trang web chính thức.
Abie Rohrig, 20 tuổi, một
tình nguyện viên chủ động nhiễm nCoV tại Mỹ. Ảnh: CNN
Chủ động nhiễm trên người
(human-challenge study) giúp rút ngắn tiến trình nghiên cứu vaccine thông thường
xuống còn vài tháng. Thay vì chờ đợi thời gian dài để đánh giá số lượng tình
nguyện viên miễn dịch sau tiêm chủng, các nhà khoa học sẽ trực tiếp lây virus
cho họ qua đường tiêm, uống, muỗi đốt hoặc xịt mũi.
Phương pháp này là một
"con dao hai lưỡi". Dù Covid-19 ảnh hưởng đến người già nhiều hơn
thanh thiếu niên, đây vẫn là một mầm bệnh mới, khó lường, có thể khiến những vận
động viên khỏe mạnh nhất nhập viện. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị còn hạn
chế. Nếu rủi ro xảy ra, tình nguyện viên sẽ phải lãnh hậu quả.
Sau 4 tháng bùng phát,
Covid-19 vẫn diễn biến khôn lường, giết chết hơn 316.000 người. Nhiều nhà khoa
học cho rằng thực hiện các nghiên cứu đột phá hơn bình thường là xứng đáng để
ngăn chặn đại dịch.
Ý tưởng lây nhiễm nCoV
cho tình nguyện viên bắt nguồn từ một bài phân tích trên Tạp chí Infectious
Diseases. Các tác giả nhận định dù thử nghiệm có rủi ro nhất định, nhưng
"mỗi tuần chưa có vaccine, thế giới phải trả giá bằng hàng nghìn người chết".
"Thoạt nghe, đây là
phương pháp gây tranh cãi. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng nếu lựa chọn người tham
gia và tiến hành đúng cách, nguy cơ sẽ thấp một cách đáng kinh ngạc, chắc chắn
nằm trong giới hạn cho phép", bài báo viết.
Chủ động nhiễm virus trên
người không phải mới. Cách làm này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển
vaccine sốt rét, cúm và sốt xuất huyết.
Các tình nguyện viên có
những lý do khác nhau khi tham gia thử nghiệm. Nhiều người xuất phát từ lòng
bác ái, số khác thực tế hơn. Đối với Abie Rohrig, quyết định được đưa ra sau
khi đọc tin tức về chứng đột quỵ ở thanh thiếu nhiễm mắc Covid-19.
"Tôi biết sẽ có những
rủi ro. Nếu tôi làm điều này và chịu kết cục không tốt đẹp, gia đình sẽ rất buồn.
Nhưng phải có ai đó xung phong", Rohrig nói.
Theo tiến sĩ Nir Eyal, Đại
học Y Rutgers, tỷ lệ tử vong khi chủ động nhiễm nCoV bằng với việc hiến thận,
khoảng 3/10.000 người.
Tuy nhiên, không phải
tình nguyện viên nào cũng ở độ tuổi lý tưởng là 20. John Gentile, một doanh
nhân ở Alabama, vừa bước sang tuổi 41 ngày 14/5. Giống như Rohrig, Gentle tin rằng
mình đang đóng góp vào nỗ lực tìm ra phương pháp đẩy lùi đại dịch, giúp ích xã
hội.
Song anh cũng có lý do
khác, thực tế hơn nhiều để tham gia chương trình. Là một doanh nhân, anh thường
xuyên phải đến thăm các kho bãi và đi lại giữa các nước. Gentle cho rằng dù muốn
hay không, mình chắc chắn sẽ mắc Covid-19.
"Tôi cảm thấy nhiễm
nCoV ở môi trường có kiểm soát sẽ tốt hơn nhiều so với việc lây bệnh mà chẳng
hay biết, cho đến khi triệu chứng xấu tới nỗi bản thân nhận ra", ông nói.
Doanh nhân John Gentile
cùng gia đình. Ảnh: CNN
Trên thực tế, thử nghiệm
theo phương pháp chủ động nhiễm trên người được tiến hành dưới các điều kiện
nghiêm ngặt. Báo cáo trên Tạp chí Infectious Diseases khuyến nghị cách ly tình
nguyện viên vài tuần, đảm bảo họ tiếp cận trang thiết bị y tế hiện đại nếu cần
thiết.
"Là một phần của thử
nghiệm, họ sẽ được đảm bảo chăm sóc tuyệt đối", Marc Lipsitch, chuyên gia
dịch tễ, Đại học Havard, cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải
hơn là chế độ bồi thường khi có rủi ro. Nếu khoản tiền quá ít, nghiên cứu có thể
không thu hút được tình nguyện viên. Trái lại, mức đền bù quá lớn có thể khiến
nhiều người tham gia vì tiền, không màng đến sự an toàn của bản thân. Kịch bản
thứ hai xảy ra trong đợt thử nghiệm vaccine sốt vàng.
Seema Shah, chuyên gia y
đức, phó giáo sư Trường Y khoa Feinberg, Đại học North West, cho biết các tình
nguyện viên nhiễm nCoV được trả khoảng 2.300 USD trong 40 ngày gần đây.
"Một số bị tiền tác
động, số khác muốn trải nghiệm, nhưng cũng có người thực sự muốn giúp đỡ cộng đồng",
bà nói.
"Nhiều người sẵn
sàng chấp nhận rủi ro, mối đe dọa tính mạng vì lợi ích chung. Đây không chỉ là
một hành động, nó là nghĩa cử cao đẹp. Chúng tôi không những khuyến khích mà còn phụ thuộc nhiều vào điều
này, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống", ông Lipsitch bổ sung.
Thục Linh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét