Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Những người nhiễm nCoV sợ đến bệnh viện


Những  người  nhiễm  nCoV  sợ  đến bệnh  viện
Thứ năm, 7/5/2020-VnExpress net


Người nghèo xếp hàng nhận thực phẩm ở New York hôm 29/4. Ảnh: AFP


MỸ-Sợ bị trục xuất, sợ không đủ tiền, sợ trở thành 'gánh nặng xã hội', những người nhập cư không giấy tờ tránh đến bệnh viện dù nhiễm nCoV.

Nhiều người mắc bệnh rồi tử vong và nCoV vẫn lây lan trong cộng đồng mà ít ai được xét nghiệm.

Victoria, một bảo mẫu người Mexico sống ở thành phố New York, cho hay chồng cũ của bà là một trong số đó. Người đàn ông 69 tuổi không có giấy tờ, thất nghiệp, bị bệnh thận và tiểu đường, đã qua đời tuần trước sau khi mắc Covid-19.

"Ông ấy bị bệnh rất nặng nhưng không muốn tới bệnh viện", bà Victoria nói. "Sau hai tuần, khi ông ấy không còn thở hay đi lại được nữa, con gái tôi đã bất chấp nguy hiểm đưa ông ấy lên xe và chở tới bệnh viện. Ba tuần sau đó, ông qua đời".

Chồng cũ của bà Victoria sống ở bang New Jersey với 12 người nhập cư khác và tất cả đều bị nhiễm nCoV.

New York, nơi gần 20.000 người đã tử vong vì Covid-19, là tâm dịch của Mỹ. Những người Mỹ gốc Latinh và gốc Phi là các nạn nhân chủ yếu, với tỷ lệ tử vong gần gấp đôi so với người Mỹ da trắng.

Đại dịch đặc biệt ảnh hưởng nặng nề lên 11 triệu người nhập cư gốc Latinh không có giấy tờ tại Mỹ. Nhiều người là những lao động chủ chốt làm việc trong các siêu thị, các nhóm dọn dẹp vệ sinh hoặc làm những việc như đóng gói thịt và bị lây nhiễm. Chỉ 16% trong số họ có thể làm việc tại nhà, theo Bộ Lao động Mỹ.

Nhiều người sống chật chội, đông đúc và mắc các bệnh nền như hen suyễn, tiểu đường và cao huyết áp. Họ không có bảo hiểm y tế và học vấn thấp. Một số người thậm chí không nói được tiếng Anh. Họ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và không thể mong chờ 1.200 USD từ gói cứu trợ của liên bang dù tất cả vẫn đóng thuế.

Một số bang đã đưa ra giải pháp hỗ trợ, như bang California sẽ tặng 500 USD cho 150.000 người nhập cư không giấy tờ. Tại New York, nhờ Quỹ Xã hội Cởi mở của tỷ phú George Soros, khoảng 20.000 người cũng sẽ được nhận 400 USD.

Tuy nhiên, động thái này hầu như không giải quyết được nhu cầu của 2,5 triệu người nhập cư ở hai bang trên.

"Từ khi chính quyền Donald Trump áp đặt chính sách chống nhập cư, người nhập cư bắt đầu sợ đến bệnh viện", ông Francisco Moya, ủy viên hội đồng New York, người đại diện cho cho ba khu dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nói.

Cục Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho hay họ sẽ không bắt giữ người nhập cư trái phép ở các bệnh viện, dù có vài trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, "vẫn có những nỗi lo sợ", Jae Young Kim, thuộc Dịch vụ Pháp lý Bronx, một nhóm hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nhập cư, nói.

Kim cho hay các khách hàng của bà rất lo lắng về quy định "gánh nặng xã hội" mới mà Trump đưa ra, khiến người nhập cư khó đạt được tư cách pháp lý khi họ sử dụng những trợ cấp xã hội như nhận thực phẩm miễn phí hay chăm sóc y tế khẩn cấp.

Quy định trên ngoại trừ những trường hợp mắc Covid-19, nhưng nhiều người nhập cư không biết hoặc đơn giản là không tin chính phủ Mỹ. Tại thung lũng Coachella ở California, Rosa, 26 tuổi, người đã mất công việc thu hoạch súp lơ, cho hay nếu bị nhiễm nCoV, bệnh viện sẽ là nơi cuối cùng cô đến.

"Rất khó khăn khi bạn không có tiền để trả", Rosa nói. Bố cô từng bị thương và cần phẫu thuật nhưng không thể trả 40.000 USD viện phí. Nhiều năm sau, ông vẫn tiếp tục trả nợ.

Carlos Buri, một người Ecuador 46 tuổi, sống ở New York, cuối cùng đã đi viện vì vợ ông nghĩ chồng sắp chết. Sau nhiều ngày có những triệu chứng giống Covid-19 như sốt cao, tiêu chảy, khó thở và không đi nổi, ông được gọi xe cấp cứu.

Buri có kết quả dương tính với nCoV nhưng các bác sĩ cho về nhà và yêu cầu cách ly 14 ngày, vợ ông, Blanca Velez, cho biết. Velez và con trai 10 tuổi sau đó cũng nhiễm nCoV.

Khi hồi phục, gia đình họ đón nhận một cú sốc mới: hóa đơn cho chuyến xe cấp cứu ngắn ngủi trên là 1.330 USD, và cả Buri lẫn Velez không thể trả nổi vì cả hai đều mất việc.

"Bây giờ, chúng tôi rất sợ quay lại bệnh viện. Họ sẽ bảo ông ấy nhận gói cứu trợ y tế rồi ông ấy trở thành 'gánh nặng xã hội' ", Velez nói khi xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí tại một tổ chức từ thiện địa phương.

Ở quận Brooklyn gần đó, Guadalupe Galicia, một người bán hàng rong gốc Mexico, 40 tuổi, cũng nghi mình đã nhiễm nCoV nhưng rất sợ đến bệnh viện. Hai tháng nay cô không còn ra ngoài để bán bánh tamale và đã thông báo với chủ nhà rằng mình không thể trả tiền trọ.

Trường học đóng cửa, Galicia, người không biết nói tiếng Anh, phải cho 4 con tự học ở nhà. Thi thoảng, gia đình cô chỉ ăn tối với đậu.

"Với bọn trẻ, điều đó thật đáng buồn", Galicia nói.

Anh Ngọc (Theo AFP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét