SỨC SỐNG
Tuesday,
April 28, 2020
Mục Tử Thật Hy Sinh
Mạng Sống
Người Làm Thuê Bỏ Mặc
Đàn Chiên
Đó là “bí quyết” chính
Chúa Giêsu đã “bật mí” để có thể phân biệt người thật và việc thật, hoặc người
giả và việc ảo, và được Thánh sử Gioan đã ghi lại. (Ga 10:11-12)
Ngày xưa, khi thấy đám
đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã chạnh
lòng thương họ và nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy
anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37-38)
Với lòng thương xót vô tận,
Ngài không muốn ai phải sống èo uột, mà chỉ muốn mọi người được sống dồi dào, sống
viên mãn, sống đúng nhân vị và nhân phẩm của con người, đồng thời cũng được hưởng
nhân quyền và sự tự do đích thực. Ngài không chỉ muốn chúng ta được hạnh phúc đời
sau mà còn được hạnh phúc ngay đời này.
Nếu chúng ta muốn được hạnh
phúc như vậy thì chắc chắn phải “đi qua” Đức Giêsu Kitô – Đấng chịu chết và phục
sinh. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô là Con Đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:6)
và là Nguồn Sống Viên Mãn. (Ga 10:10) Ngài không chỉ nuôi sống chúng ta bằng ân
sủng mà đặc biệt là chính Mình Máu Ngài để chúng ta được sống dồi dào, vì Ngài
là Thiên Chúa của người sống chứ không là Thiên Chúa của người chết. (Mt 22:32;
Mc 12:27; Lc 20:38) Đó là vấn đề thực sự quan trọng.
Tuy nhiên, nếu muốn được
sống viên mãn thì mỗi “cành nho” chúng ta phải nối kết với Cây Nho Thật để được
truyền nhựa-yêu-thương. (Ga 15:1-17) Cây có nhiều nhựa thì có nhiều sức sống,
con người cũng vậy, đặc biệt là sự sống tâm linh, sự sống từ Thiên Chúa, sự sống
dồi dào thực sự.
Người ta sẽ biến đổi hoàn
toàn để trở thành một con người mới khi được tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô. Ngày
xưa, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn
tiếng nói với tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, và họ lắng nghe
ông nói: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã
treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv
2:36) Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, rồi họ hỏi ông Phêrô và các tông đồ
khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37) Biết hỏi như vậy là
dấu hiệu tốt lành, vì chứng tỏ tâm hồn đã thực sự sám hối lỗi lầm, khao khát điều
tốt và ước muốn hướng thiện. Chắc chắn ước muốn thì sẽ được, như người Pháp có
câu: “Vouloir, c’est pouvoir.”
Ông Phêrô nghe họ hỏi vậy
thì đáp: “Anh em hãy SÁM HỐI, và mỗi người hãy CHỊU PHÉP RỬA nhân danh Đức
Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật
vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất
cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.”
(Cv 2:38-39) Ông Phêrô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và
khuyên nhủ họ. Rồi ông nói: “Anh em hãy TRÁNH XA thế hệ gian tà này để được cứu
độ.” (Cv 2:40) Những ai đã đón nhận lời ông thì đều xin được lãnh nhận phép rửa,
muốn được tái sinh để hy vọng được vào Nước Trời. (Ga 3:5) Ngay trong ngày hôm ấy,
có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. Cây đức tin có sức sống thật mạnh.
Khoa học tiến bộ, ngày
nay có phương tiện định vị toàn cầu giúp người ta định hướng, nhưng vẫn có thể
lạc lối, chắc chắn chỉ có Chúa Giêsu mới chính là “định vị kế” chuẩn mực nhất.
Người nào nhận biết được như vậy thì luôn an vui tín thác vào Thiên Chúa quan
phòng và xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong
đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong
lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của
Người.” (Tv 23:1-3) Thực sự an bình, thanh thản.
Đồng thời người đó cũng
luôn an tâm vững chí, và hạnh phúc thân thưa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con
sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu
thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ
tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài
triền miên.” (Tv 23:4-6) Thật vậy, ai tuân giữ lời dạy của Đức Kitô thì không
bao giờ phải chết. (Ga 8:51) Điều Chúa hứa sẽ luôn chính xác tuyệt đối, chẳng
bao giờ sai chút nào.
Tín nhân không xa lạ với
lòng nhân hậu và tình thương của Chúa, vì đó chính là Lòng Thương Xót mà ngày
nay đang rất phổ biến khắp nơi trên thế giới, từ thành thị tới thôn quê, từ người
già tới người trẻ, bởi vì không ai lại không là tội nhân, và vì thế mà bất cứ
ai cũng cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Hằng ngày, khi cầu nguyện bằng Kinh Mân
Côi, chúng ta nhiều lần kêu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu
chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những
linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn.” Đó là lời nguyện Đức Mẹ dạy ba trẻ
tại Fátima. Thế nhưng cũng rất có thể vì quen quá hóa nhàm, và rồi chúng ta
không thực sự chú ý hoặc không cảm nhận lời cầu tha thiết như vậy. Linh hồn nào
cũng cần được Thiên Chúa thương xót, dù người đó còn sống hay đã qua đời.
Theo bản tính phàm nhân,
con người có thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Đời sống tâm linh được lồng
trong đời thường, và cũng có những cảm xúc khác nhau. Do đó, chúng ta luôn phải
cố gắng không ngừng, sơ sảy một chút là té nhào ngay. Đôi khi còn có những điều
trái tai, gai mắt, và chúng ta phải nỗ lực vượt qua chính mình. Thánh Phêrô đặt
vấn đề: “Nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu thì nào có vẻ vang gì? Nếu
làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, đó là ơn Thiên Chúa
ban.” (1 Pr 2:20) Thật thế sao? Hãy nghe Thánh Phêrô giải thích: “Anh em được
Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để
lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng
ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa
lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công
bình.” (1 Pr 2:21-23) Đó là sống theo Thánh Ý Thiên Chúa.
Là Nguồn Sống nhưng Chúa
Giêsu đã chịu bị giết chết, không phải Ngài đáng bị như vậy, mà Ngài chịu thay chúng
ta, Ngài chịu chết để chúng ta có cơ hội sửa sai và có thể phục sinh vinh quang
như Ngài: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên
cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công
chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật,
trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị
Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.” (1 Pr 2:24-25) Chúa Giêsu chết vì tội lỗi
của chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta phải dám chết cho tội lỗi của mình – và của
người khác, nhờ đó mà được sống lại và có sức sống của Đấng Phục Sinh Giêsu
Kitô.
Chúa Giêsu là ai và là
gì? Chính Ngài xác định Ngài là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, (Ga 14:6)
đồng thời Ngài còn là Cửa, (Ga 10:9) chính Cửa này dẫn vào Nguồn Sống Viên Mãn
của Thiên Chúa: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn
chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi
qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên
nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra
hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng
người lạ.” (Ga 10:1-5) Nghe nói vậy, người ta không hiểu Chúa Giêsu nói gì. Tại
sao? Bởi vì hiểu theo ý loài người và muốn hiểu theo ý riêng mình.
Điều đó không chỉ khó hiểu
đối với nhóm Pharisêu hồi đó, mà còn khó hiểu đối với cả chúng ta ngày nay, thậm
chí có khi chúng ta còn không muốn hiểu. Thật vậy, những lời Chúa Giêsu nói
nghe không thấy có gì “gay gắt,” nhưng thực ra hiểu rồi thì mới cảm thấy “đụng
chạm” và “nhức óc” lắm, vì Ngài muốn nhấn mạnh đến tính chất nhân lành cần thiết
của Mục Tử, nghĩa là người đó phải thể hiện lòng thương xót và dám thí mạng vì
đoàn chiên.
Trong cơn đại dịch
Corona, nhiều linh mục đã xả thân nơi tuyến đầu để cứu giúp những người không
may bị nhiễm bệnh dịch, mặc dù có thể nguy hiểm tới tính mạng của mình. Đó là tấm
gương sáng của những người theo Thầy Chí Thánh Giêsu.
Đề cập lòng trắc ẩn, chắc
hẳn không thể quên tấm gương sáng chói của Thánh tử đạo Maximilian Maria Kolbe,
linh mục Dòng Phanxicô. Ngài sinh ngày 08-01-1894, tử đạo ngày 14-08-1941 tại
trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã hồi thế chiến II. Ngài được mệnh danh
là vị tử đạo bác ái, vì ngài đã chạnh lòng thương xót mà dám chết thay cho một
tử tù còn vợ con. Ngài được Thánh GH Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày
10-10-1982, được tôn phong là bổn mạng của những người nghiện ma túy, các tù
nhân chính trị, các gia đình, các ký giả, và phong trào bảo vệ sự sống. Thánh
GH Gioan Phaolô II đã tôn ngài làm “Thánh Bổn Mạng của Thế Kỷ Khó Khăn Chúng
Ta.” Thánh Maximilian đã nỗ lực thúc đẩy phong trào tận hiến và phó thác cho Đức
Mẹ, do đó ngài được mệnh danh là Tông Đồ Tận Hiến cho Đức Mẹ. Chính cái chết của
ngài là đỉnh điểm của sự sống hoàn toàn tận hiến cho Đức Mẹ, ngài được gọi là
“Gã Khờ của Đức Mẹ,” vì ngài đã làm mọi thứ vì Đức Mẹ. Thật tuyệt vời!
Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân
Lành đích thực, Ngài yêu thương mọi người, và Ngài chỉ muốn mọi người “đừng yêu
thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc
làm,” (1 Ga 3:18) nhất là những người được lãnh nhận tác vụ linh mục, họ cũng
PHẢI là những mục tử nhân hậu, PHẢI biết phục vụ chứ không hưởng thụ. (Mt
20:28) Tuy nhiên, thời nào cũng vẫn thấy có những người thích dùng quyền và ra
lệnh hơn là khiêm nhường phục vụ vì yêu thương. Con sâu làm rầu nồi canh. Có lần
Đức Phanxicô đã cảnh báo các giám mục: “Mục tử có nguy cơ bị mê hoặc bởi viễn
tượng nghề nghiệp, bởi cám dỗ về tiền bạc, và những thoả hiệp theo tinh thần thế
gian.” Lần khác ngài còn nhấn mạnh rằng giám mục là người được chọn để PHỤC VỤ
một Giáo Hội duy nhất, vì thế KHÔNG ĐƯỢC tìm kiếm một việc gì khác ngoài việc
phục vụ Giáo Hội, và ngài đã nói thẳng: “Nếu tìm kiếm một việc gì khác thì
chính giám mục đó đang ngoại tình.” Tấm gương mờ của “giám mục xa hoa” Franz
Peter Tebartz van Elst (người Đức) còn đó, và rồi ông đã bị đình chỉ nhiệm vụ hồi
tháng 10-2013. Chắc hẳn Mục Tử Giêsu buồn lắm!
Gương có nhiều loại – to
hoặc nhỏ, sáng hoặc mờ. Một loại “gương lạ” là ĐGM Sebastianappan Singaroyan,
68 tuổi, GP Salem, bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Sau 19 năm thi hành sứ vụ giám mục,
ngài từ chức giám mục để làm cha phó tại một họ đạo nghèo, và ngày 09-03-2020,
ĐTC Phanxicô đã chấp nhận. Ngài là một người nổi tiếng là “giám mục của dân”
qua cách sống thanh bần và gần gũi với mọi người.
Khi đề cập vấn đề “nhạy cảm”
như vậy, có những người cảm thấy “nhột” (chính họ nhột hoặc nhột dùm), nhưng phải
nhột như vậy mới có thể “qua cơn mê” mà kịp thức giấc. Chúng ta chỉ tâng bốc
nhau bằng những lời khen sáo rỗng để lấy lòng nhau thì chẳng lợi ích gì, thay
vì dìu nhau vào miền ánh sáng thì lại đưa nhau vào con đường mê lầm. Dám nhìn
thẳng vào sự thật mới là người yêu sự thật, và nhờ đó mới có thể thành nhân. Sợ
sự thật hoặc tránh sự thật là đồng lõa với sự giả dối, đừng biện hộ vì thế này
hoặc thế nọ, và cũng đừng ảo tưởng “chiếc bánh vẽ” nào đó.
Thật chí lý với nhận định
của đại nhân Tuân Tử: “Người chê ta mà chê đúng thì là thầy ta, người khen ta
mà khen đúng thì là bạn ta, những kẻ nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.”
[Xin được “mở ngoặc” nhỏ: Câu nói này thường thấy người ta sai sót cho là của
Khổng Tử.]
Tương tự, khi đọc Lời
Chúa thì người ta chỉ thích đọc những câu “vừa ý mình,” tránh những câu “chói
tai” càng nhiều càng tốt. Người ta nói rất mạnh khi gặp đoạn Kinh Thánh không
“đụng chạm” tới mình, nhưng lại “bẻ lái” khi gặp đoạn Kinh Thánh “hóc búa,” vì
có những câu “va chạm” mạnh quá, thế nên họ cảm thấy… “nhột” và rất ngại ngùng,
cứ lùng bùng lỗ tai.
Chúa Giêsu luôn thẳng thắn,
dù lời Ngài nói ra có thể “mất cả xảo long.” Nhưng không thể khác được. Cũng vậy
đối với Kinh Thánh – Lời Chúa. Có lúc Lời Chúa làm cho chúng ta vui mừng phấn
khởi, nhưng có lúc lại khiến chúng ta xấu hổ, đau lòng. Nhưng ai dám chịu nỗi
đau đó thì mới khả dĩ “bừng cơn mê” mà sớm thành nhân và nên hoàn thiện. Chỉ có
thuốc đắng mới khả dĩ chữa lành bệnh tật – cả bệnh của thân xác và tật của tâm
hồn.
Mục Tử Giêsu xác định:
“Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng
chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy
sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ.
Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10:7-10) Mục Tử
Nhân Lành là vậy, luôn sống và hành động vì người khác, vì đoàn chiên. Ai không
là chủ chiên nhân hậu như Đức Giêsu Kitô thì chỉ là “thợ chiên” (chăn thuê) mà
thôi. Đi qua Cửa đó sẽ phải chịu “đau nhức” lắm. Bức tượng càng đẹp thì càng chịu
đục đẽo và chà xát nhiều.
Liên quan sự viên mãn,
Thánh Phaolô có mơ ước và cũng là lời kêu gọi: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin,
được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững
chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích
thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương
vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của
Thiên Chúa.” (Ep 3:17-19) Trong lời kinh hòa bình, Thánh nghèo khó Phanxicô
Assisi đã nguyện ước thực tế mà sâu sắc: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự
Chúa trong mọi người.” Và ngài tin chắc: “Chính lúc chết đi là khi vui sống
muôn đời.” Đó chính là sức sống mãnh liệt của những người thực sự tin Đức Giêsu
Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai, Đấng nhập thể làm người, là Con Chiên hiến tế và
đã từ cõi chết sống lại vinh quang.
Trong Việt ngữ, mẫu tự
kép CH được phát âm là “chờ” – bắt đầu cả hai chữ Chủ Chiên. Ý nghĩa thật thâm
thúy: CHỜ và CHO. Ai chờ và chờ ai? Chờ gì và cho gì? Và CH còn bắt đầu chữ CHẾT
– Chịu Chết. Chúa Giêsu đã sống các mẫu tự kép CH như vậy.
Lạy Thiên Chúa
toàn năng, xin ban cho chúng con sự sống của Ngài, để chúng con đủ sức mạnh mà
hành động vì chân lý đích thực, và mỗi người sống như một “Kitô khác” chứ không
“khác Kitô.” Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Độ
duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét