NIỀM HY VỌNG CUỐI CÙNG
Sun,
24/05/2020 - Trầm Thiên Thu
Trong những ngày đen tối
không chắc chắn này, chúng ta phải ngước mắt lên trời. Chính nhờ Chúa Kitô lên
trời và trở về với Chúa Cha mà chúng ta học cách theo bước Ngài đến cùng. Ngài
cho chúng ta thấy rằng ngôi nhà thực sự của chúng ta sẽ không thể tìm thấy ở thế
gian tạm bợ này. Chúng ta được tạo dựng cho cuộc sống vĩnh cửu. Chính thông điệp
hy vọng này mà chúng ta phải bám lấy và mạnh dạn tuyên bố khi chúng ta tiếp tục
vượt qua cơn đại dịch corona và phải xa cách các Bí tích trong rất nhiều giáo
phận trên khắp thế giới.
Sau khi phục sinh, Chúa
Giêsu đã chuẩn bị cho các tông đồ trước khi Ngài trở về với Chúa Cha, nhưng họ
không thể chịu nổi tin tức đó. Họ đầy đau buồn, vì vậy Chúa Giêsu nhẹ nhàng tiết
lộ kế hoạch của Ngài cho họ rằng Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần – Đấng bảo trợ và
an ủi chúng ta. Tuy nhiên, việc Ngài trở về với Chúa Cha là điều cần thiết bởi
vì chúng ta được mời gọi đi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài đã đi.
Qua sự kiện thăng thiên,
Chúa Kitô hoàn thành cuộc hành hương trần thế của Ngài và dẫn chúng ta đến ngôi
nhà cuối cùng và kết hiệp với Ngài. Chúng ta không thể đạt được sự sống đời đời
một cách trọn vẹn cho đến khi Ngài trở về với Chúa Cha. Lễ Thăng Thiên hướng tầm
mắt chúng ta về phía trời cao.
Lễ Thăng Thiên là lễ của
niềm hy vọng, một dự báo ngọt ngào của Thiên Đàng. Bằng cách đi trước chúng ta,
Chúa Giêsu – Đầu của chúng ta – đã cho chúng ta quyền theo Ngài đến nơi đó vào
một ngày nào đó, và chúng ta có thể cùng với Thánh Leo nói rằng: “Trong Đức
Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh mà sống
lại với đời sống ân sủng, và chúng ta cũng được tới trời cao qua cuộc thăng
thiên Ngài. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của
Ngài, hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Ngài.”
Nhờ bí tích Thánh Tẩy,
chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng
phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Ngài. Chúng ta cũng sẽ theo Ngài đến
cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Thăng Thiên là sự kiện
phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh hằng.
Đức cậy siêu nhiên là tặng
phẩm của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta cởi mở chính mình tròn đầy hơn cho kế
hoạch của Chúa đối với cuộc sống của chúng ta. Niềm hy vọng mà chúng ta trải
nghiệm trong cuộc sống này là dự báo về việc hoàn thành niềm vui tối thượng của
chúng ta, nơi được sống trong sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi chí thánh, với các
thiên thần và các thánh đến muôn đời. Giáo lý Công giáo nói: “Niềm hy vọng là
nhân đức đối thần mà chúng ta mong ước Vương Quốc Thiên Đàng và sự sống vĩnh hằng
là hạnh phúc của chúng ta, tin vào lời hứa của Chúa Kitô và dựa vào không chỉ bằng
sức mạnh mà là sự trợ giúp đỡ của ơn Chúa Thánh Thần.” (GLCG số 1817)
Là những người hy vọng
vào Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống khác với những người chưa biết Ngài.
Phản ứng của chúng ta đối với đau khổ và phiền não, ngay cả trên phạm vi toàn cầu
– như trong đại dịch corona này, nên là một trong những niềm hy vọng và niềm
tin không ngừng vào Chúa Kitô. Chúng ta đã được ban cho tầm nhìn siêu nhiên, nhờ
đó chúng ta hiểu rằng bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống này, tất cả sẽ được
đổi mới vào cuối thời gian và chúng ta sẽ sống trong hạnh phúc vĩnh cửu với Đức
Kitô nếu chúng ta kiên trì trên đường nên thánh.
Chúng ta phải tránh những
cám dỗ, sợ hãi, hoảng loạn và tuyệt vọng. Chúa Kitô ở cùng chúng ta và Ngài
đang dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh hằng. Ngài chỉ cho chúng ta con đường qua
sự thăng thiên của Ngài. Lời hứa này là nguồn hy vọng của chúng ta, nghĩa là
chúng ta nên là sự phản chiếu ánh sáng và sức mạnh cho thế gian. Chúng ta phải
tìm cách tín thác vào Chúa Kitô thậm chí đến mức vượt qua nỗi sợ chết về thể lý
và không ngừng tìm kiếm những sự trên trời. Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta đến
niềm hy vọng này trong Thư đầu tiên gửi cho người Têxalônica, mà Đức Benedict
XVI đã trình bày trong tông thư về niềm hy vọng – Spe Salvi.
Thánh Phaolô nói: “Thưa
anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng
hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người
không có niềm hy vọng.” (1 Tx 4:13) Ở đây chúng ta cũng thấy một dấu hiệu riêng
biệt của các Kitô hữu là họ có tương lai: “Không phải là họ biết chi tiết về những
gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết một cách chung chung rằng cuộc sống của họ sẽ
KHÔNG KẾT THÚC trong sự trống rỗng. Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tế
tích cực thì mới có thể sống tốt trong hiện tại.” (Spe Salvi, số 2)
Chúng ta có thể sống
trong an bình và hy vọng ngay trong đại dịch vì chúng ta biết loại virus này sẽ
không có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi cái chết đến với chúng ta, chúng ta vẫn
thanh thản trong niềm hy vọng cuối cùng là đạt được sự sống vĩnh hằng. Đó là ý
nghĩa của cuộc đời mỗi tín nhân chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta biết
rằng chúng ta sẽ không thoát khỏi đau khổ trong cuộc sống này. Chúng ta biết đó
là sự bảo đảm, vì chúng ta được mời gọi chịu đóng đinh với Chúa Kitô. Tuy
nhiên, cái chết đã bị chinh phục qua sự phục sinh của Đức Kitô và con đường dẫn
đến sự sống vĩnh hằng mở ra cho chúng ta qua sự thăng thiên của Ngài. Như Đức
Benedict XVI nói: “Đối với tương lai, cửa thời gian tối tăm đã bị mở tung. Người
hy vọng sống khác người đã được ban tặng sự sống mới.” Chúng ta đã được ban sự
sống mới trong Chúa Kitô và đó là niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta trong tất
cả các cơn bão đang hoành hành xung quanh chúng ta.
Chúng ta nên hy vọng những
điều tốt đẹp trong cuộc đời này, nhưng hy vọng của chúng ta không thể phụ thuộc
vào những điều tốt hay xấu xảy ra trong cuộc đời này. Chúng ta cầu xin cho đại
dịch kết thúc, có việc làm cho người thất nghiệp, có lương thực cho người đói
khát và chữa lành cho người nhiễm bệnh – nhưng chúng ta luôn làm như vậy để hiểu
rằng mọi thứ cuối cùng thuộc về Chúa. Chúng ta biết rằng ngay cả những người
đau khổ nhất thì cuối cùng cũng sẽ được bù đắp.
Chính tầm nhìn siêu nhiên
này mang đến cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần để tin tưởng khi đứng dưới
chân của bất kỳ dạng thập giá nào mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc đời này,
biết rằng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến từ nó như là một phần trong kế hoạch cứu
độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy theo Chúa
Kitô trên đường hành hương đến ngôi nhà cuối cùng của chúng ta, ngay cả khi
chúng ta vác thập giá nặng nề, và bất kỳ thập giá nào trong tương lai đặt lên
vai chúng ta. Mặc dù mọi sự khốn khó, thử thách, phiền não và thất vọng, chúng
ta biết rằng niềm hy vọng của chúng ta không thể tìm thấy trên thế gian này.
Chúng ta phải ngước mắt
lên trời và chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, Đấng đã về trời với Chúa Cha, để chuẩn
bị chỗ vĩnh cư cho mỗi người chúng ta.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ
từ CatholicExchange.com)
Lễ Chúa Thăng Thiên –
2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét