Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

NHẮC NHAU THÔI!

 

Tue, 26/07/2022 - Lm Anmai, CSsR

NHẮC  NHAU  THÔI!

          Có lần Cha Tập Sư ghé tai nói : “Bọn trẻ nó thích cậu giảng ! Cậu không bắt chúng phải làm như thế này, phải sống như thế kia ... Cậu hay mở ngõ để cho bọn trẻ tự do lựa chọn cung cách sống chứ không o ép. Cậu giảng xem chừng nhẹ nhàng ...”

          Nghe lời ấy dĩ nhiên là cảm ơn Cha Giáo cũng như cố gắng vun đắp bài giảng của mình ở chừng mực nào đó và nhất là đừng bảo hay bắt người khác làm theo những giáo điều. Chả phải bài giảng, trong bài viết cũng vậy, thường tôi vẫn bỏ ngõ cho sự tự do chọn cho mình cung cách sống.

          Nhiều bài giảng và bài viết nếu để ý một tí thì người đọc cũng như người nghe sẽ thoáng thấy tôi hay đề cập đến sự chết, đến ngày con người phải từ giã cõi tạm để ra đi. Nói như vậy không phải là trăn trối nhưng chính yếu là nhắc chính bản thân của mình về ngày đó.

          Quả thật! Là người thì không ai có thể thoát hay tránh cái ngày định mệnh đời của mỗi người. Thường xuyên nhắc nhau như vậy để cho mình bớt đi cái tham sân si trong cuộc đới cũng như sống nhẹ nhàng với nhau hơn.

          Đâu đó hình ảnh cũng như lời trách của Chúa Giêsu về những Biệt Phái, Luật Sĩ, Pharisêu vẫn cứ quanh quẩn trong đầu. Nghĩ về những người đó để tự nhắc mình đừng đi theo vết xe đổ đó. Họ là những người như Chúa nói là sống giả hình, sống chủ yếu khoe cho người khác thấy cũng như đặt nặng trên vai người khác những gánh nặng mà chính họ họ không bao giờ đưa tay lay thử. Và có lúc họ vụ luật để tìm cách giết chết con người. Tôi vẫn ngán nhất cái hình ảnh mồ mả tô vôi mà Chúa nói để tự nhắc mình đừng hành xử cũng như sống như vậy.

          Trên facebook, vô tình chợt thấy hình ảnh của cánh cửa Nhà Thờ được khóa lại. Kèm theo hình ảnh đó là câu Kinh Thánh mà Chúa trách Luật Sĩ và Biệt Phái: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào”. (Mt 23, 13)

          Thì ra là ... thôi chuyện tế nhị không nên viết. Chỉ hiểu đại loại là có những Biệt Phái và Luật Sĩ thời hiện đại.

          Với tất cả những điều đó, tôi tự nhắc mình đừng rơi vào cung cách sống của Pharisêu và Luật Sĩ. Sống như thế thì kẹt cho chính bản thân mình cũng như cho nhiều người khác nữa.

       Và tôi tự luôn nhắc mình như tâm tình của Thánh Phaolô  : “Thưa anh em, chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”. (2 Cr, 7)

          Nhắc đến bình sành, nhăc đến thợ gốm và đất sét thì trong sách ngôn sứ Giêrêmia ta đã nghe: “Này hỡi nhà Ítraen, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.” (Gr 18, 6)

Thiên Chúa chính là Bác Thợ Gốm, và chúng ta là đất sét trong tay Ngài. Ngài sẽ nhào nặn và tạo nên chúng ta, để chúng ta có thể trở thành một tác phẩm hoàn mỹ để hoàn thành ý muốn tốt lành, ưng ý và trọn hảo của Ngài

Và từ đó, con người phải biết rằng con người tùy thuộc vào tầm nhìn và ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải của mình: “Hỡi người, bạn là ai mà dám cãi lại Thiên Chúa? Chẳng lẽ sản phẩm lại nói với người sản xuất: Sao ông làm ra tôi như thế này? Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất mà nắn ra đồ vật khác nhau, cái thì dùng vào việc cao quý, cái thì dùng vào việc thấp hèn. Thiên Chúa cũng vậy: dù muốn cho thấy cơn thịnh nộ và cho biết sức mạnh của Người, nhưng Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ và chờ sẵn ngày diệt vong. Thiên Chúa cũng muốn cho biết vinh quang của Người dồi dào biết mấy đối với những kẻ được Người thương xót, những kẻ mà Người đã chuẩn bị trước cho họ lãnh nhận vinh quang đó.” (Rm 9, 20-23).

Ý thức như vậy nên tôi viết ra chả phải giáo huấn, chả phải lên lớp, cũng chả phải dạy đời hay câu like, câu view hay khoe mẽ nhưng là tự nhắc mình cùng những người quen biết. Tôi luôn ý thức thân phận mỏng giòn và yếu đuối của mình để không bao giờ trách cứ ai một điều gì dù người đó có làm gì hại tôi hay làm tổn thương tôi. Thay vì trách móc thì thêm lời cầu nguyện.

Kèm theo đó, 3 lời nguyện trong Thánh Lễ kỷ niệm ngày thụ phong luôn nhắc nhớ tôi:

Lạy Cha chí thánh, ngày hôm nay làm con nhớ lại rằng chính Cha đã chọn con, đã cho con được tham dự vào chức vụ tư tế độc nhất của Ðức Kitô để phục vụ Hội Thánh. Xin ban cho con một niềm tin mạnh mẽ để con vừa cương nghị, vừa khiêm tốn trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Như thế, con sẽ phân phát các mầu nhiệm cứu độ như một người quản lý trung thành. Chúng con cầu xin...

 Lạy Chúa, chúng con dâng tiến Chúa của lễ này để ca tụng ngợi khen Chúa. Chúa đã đoái đến con mặc dầu con bất xứng, xin Chúa cũng gia tăng ân sủng giúp con chu toàn sứ mạng Chúa đã giao. Chúng con cầu xin...

Lạy Chúa, nhân ngày kỷ niệm con thụ phong linh mục, con đã cử hành mầu nhiệm đức tin để tôn vinh Chúa quyền uy cao cả. Xin cho trọn cuộc đời chúng con cũng trở nên lời ca tụng Chúa. Chúng con cầu xin...

Với tất cả tâm tình đó, những trang viết, những bài giảng trước tiên là giảng và viết cho tôi cũng như nhắc nhớ chính bản thân tôi ngày mỗi ngày phải sống tốt hơn và nhất là luôn hướng về ngày cánh chung. Nguyện chúc cho nhau những lời tốt đẹp cũng như luôn đón nhận lời nhắc nhở của nhau để ngày mỗi ngày ta sống tử tế hơn với nhau.

Lm. Anmai, CSsR

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH

 

Văn hoá ứng xử - Tránh tranh cãi vô ích

7/26/2022

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH - BÀI 35

1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu nhẫn nhịn tha nhân như sau:

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).

35.jpg

2. CÂU CHUYỆN: SỰ NHẪN NHỊN CỦA SƯ TỬ CHA.

Sư tử cha trông thấy một con chó điên đến gần liền tránh mặt. Sư tử con thấy vậy đã lên tiếng trách:

- Con thấy cha dám sống chết đánh nhau với hổ dữ, nhiều lần cùng loài báo to lớn so tài. Sao hôm nay cha lại khiếp nhược sợ hãi một con chó điên nhỏ bé như vậy? Thật mất mặt quá!

Sư tử cha hỏi con:

- Con thấy thắng một con chó điên có vinh quang không? Sư tử con lắc đầu.

- Nếu chẳng may con lại bị nó cắn một miếng thì chẳng phải là xui xẻo lắm sao?”. Một lần nữa sư tử con lại gật đầu đồng ý.

- Như vậy, chúng ta cần chi phải gây sự đánh nhau với con chó điên ấy phải không con?

3. SUY NIỆM:

- Trong cuộc sống có nhiều hạng người. Đối với những người thiện chí muốn nghe thì bạn không cần nói dài dòng. Ngược lại, đối với những người cố chấp hay đang tìm cách công kích bạn, thì cho dù bạn có giải thích đến đâu cũng phí công vô ích.

- Khi KHỔNG TỬ đang đi chu du liệt quốc, ngày nọ gặp hai người thợ săn ở bìa rừng đang tranh cãi nhau quyết liệt. Khi tìm hiểu, Khổng Tử mới biết họ đang cãi nhau về số học đơn giản: Người thợ săn lùn nói 8 lần 3 là 24, đang khi người thợ săn cao nói 8 lần 3 là 23. Hai bên đều cho mình là đúng. Cuối cùng họ quyết định tìm một vị thánh hiền phân giải, và kẻ nào thắng sẽ được hưởng các thú săn được hôm ấy.

- Nghe biết Khổng Tử là một thánh hiền trong thiên hạ, nên cả hai đến nhờ phán quyết. Khổng tử phán người thợ săn cao đúng và người thợ săn lùn sai. Người thua phải trao các con thú săn được hôm ấy cho người thắng. Sau khi chiến thắng, người thợ săn cao vui mừng bỏ đi, đang khi người thợ săn lùn không phục nên đã ở lại gặp riêng Khổng Tử. Anh ta nói với vẻ đầy tức giận: “3 lần 8 là 24. Ngay cả một đứa trẻ cũng biết rõ như vậy. Ông là bậc thánh hiền trong thiên hạ. Vậy mà ông lại bảo là 23 nghĩa là sao? Phải chăng danh hiệu thánh hiền của ông chỉ là hư danh!”

Bấy giờ Khổng Tử liền cười đáp: “Anh nói không sai: 3 lần 8 là 24, và đây là chân lý mà một đứa trẻ con cũng biết. Nhưng nếu anh đã biết đó là chân lý thì tại sao lại phải tranh cãi với một kẻ ngốc?” Nghe vậy, người thợ săn lùn như bừng tỉnh. Bấy giờ Khổng Tử liền nhẹ nhàng vỗ vai anh ta và nói: “Người thợ săn kia tuy nhận được vài con thú săn, nhưng anh ta vẫn là một kẻ ngốc. Còn anh tuy thua, nhưng lại nhận được bài học sâu sắc cho cuộc sống phải không?”.

Nghe vậy, người thợ săn lùn lại gật đầu lia lịa tỏ ý bái phục lời dạy của Khổng Tử.

- Trong cuộc sống, chân lý tuy cần phải giữ vững, nhưng không phải lúc nào cũng nên mang ra tranh luận. Do vậy khi bị chỉ trích hay hiểu lầm, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh cãi hơn thua. Tốt hơn là hãy im lặng lùi lại một bước và dùng cái tâm an hoà để đối xứ với người kia. Chắc chắn sớm muộn họ cũng sẽ nhận ra chân lý. Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng : Cứ nói nhiều là sẽ khẳng định chân lý thuộc về mình. Đang khi thực ra chân lý vốn là đạo cao siêu của vũ trụ vượt trên con người, nên mọi người đều nhận biết mà không cần tranh cãi.

TÓM LẠI: Trong cuộc sống, nếu thấy người nào đó không đáng làm đối thủ của bạn, thì bạn đừng mất thòi gian tranh cãi hơn thua làm chi. Bạn chỉ cần mỉm cười và im lặng rời xa họ là đủ. Đừng để họ có cơ hội làm hại danh dự và uy tín của bạn như nhà văn Mark Twain người Mỹ từng nói: “Đừng bao giờ tranh cãi với những kẻ ngu ngốc. Họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp với họ, và sẽ đánh bại bạn bằng kinh nghiệm láu cá của họ”.

4. SINH HOẠT: Khi gặp kẻ ngu dốt cố chấp, thay vì tranh cãi mất thời giờ, bạn nên làm gì để giữ được an bình và giúp người kia tự tìm ra chân lý?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Con thường không giữ được bình tĩnh khi thấy ai đó nói những điều không đúng. Con muốn chứng tỏ cho mọi người biết con hoàn toàn có lý và người kia hoàn toàn sai. Nhưng thực ra, dù con có chiến thắng cũng chẳng vẻ vang gì, và về mặt giao tế con lại tỏ ra thiếu khôn ngoan khi có thêm kẻ thù mới. Xin cho con biết tránh làm mất thể diện của kẻ khác, nhờ đó con xứng đáng nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

CHÚA GIÊSU KHÁC THƯỜNG


Thu, 28/07/2022 - Trầm Thiên Thu

CHÚA  GIÊSU  KHÁC  THƯỜNG

Tượng Cristo de la Vega (Chúa Kitô Vega) là duy nhất. Tượng yêu quý này được rước vào Thứ Sáu Tuần Thánh trên đường phố Toledo, Tây Ban Nha. Thay vì bị đóng đinh vào Thập Giá, tượng này có cánh tay phải Chúa Giêsu vươn xuống, như thể nhẹ nhàng ra hiệu cho những người chào đón Ngài.

Tượng này cũng được rước vào các ngày thứ Sáu trong thời gian giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần (tổng cộng là 7 ngày thứ Sáu), để tưởng nhớ Bảy Lời Cuối của Chúa Giêsu. Tư thế đặc biệt của tượng này gợi lên câu hỏi tại sao tay phải Chúa Giêsu không bị đóng đinh vào Thập Giá.

Có ít nhất ba truyền thuyết khác nhau giải thích lý do cánh tay phải của Chúa Giêsu lại hạ xuống, như thể ra hiệu cho những người chào đón Ngài. Trong đó, hình ảnh thiêng liêng đóng vai trò quan tòa hoặc nhân chứng, đáp ứng một cách kỳ diệu cho lời yêu cầu.

1. MỘT MÓN NỢ

Như Mónica Arrizabalaga giải thích với ABC, Lm Antonio de Quintadueñas đã viết một bản tóm tắt có tựa đề “Các Thánh của Thành Phố Đế Quốc Toledo” năm 1651, kể về truyền thuyết tượng Cristo de la Vega như sau:

Trên bàn thờ chính, tôi nhìn thấy ảnh của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Vóc dáng cao lớn và bị cụt tay phải, một số người cho rằng một người Do Thái không muốn trả một số tiền cho một Kitô hữu, lập luận rằng anh ta không nợ Kitô hữu kia bất cứ điều gì, và nói Chúa Kitô làm chứng cho anh ta. Lúc đó, hình ảnh hạ cánh tay xuống, chỉ vào Kitô hữu, ngụ ý nói rằng món nợ có thật.

2. HAI HIỆP SĨ

Sixto Ramón Parro là người viết biên niên sử thế kỷ 19, ông kể một câu chuyện khác. Trong cuốn “Toledo En La Mano” (Toledo Trong Tay Bạn), ông tuyên bố rằng có hai hiệp sĩ tổ chức cuộc đấu tay đôi ngay trước tu viện khổ hạnh có tượng Chúa Kitô. Người đầu tiên xúc phạm đối thủ liền bị ngã xuống đất, người chiến thắng tha mạng. Khi họ cùng đi cầu nguyện trước tượng thánh, Chúa Kitô hạ cánh tay xuống về phía hiệp sĩ chiến thắng để tán thành hành vi cao thượng của anh ta.

3. MỘT VỊ THÁNH

Bản tóm tắt của Quintadueñas gợi ý rằng tượng Cristo de la Vega có thể là phiên bản của tượng được tìm thấy tại nhà nguyện San Miniato ở Florence. Thật vậy, câu chuyện về hai hiệp sĩ có thể là một biến thể của câu chuyện này. Tương truyền, khi còn đi lính, Thánh Giovanni Gualberto (đừng nhầm với Thánh Galgano) đã trả thù một kẻ thù. Sau khi bị đánh bại, người kia van xin thương xót, quỳ gối với cánh tay dang rộng. Gualberto đã ân xá cho anh ta và đi vào tu viện gần đó để cầu nguyện trước Thánh Giá. Chúa Giêsu đã hạ cánh tay phải xuống như thể chúc phúc cho Gualberto. Sau đó Gualberto trở thành tu sĩ Biển Đức.

DANIEL ESPARZA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT HY VỌNG!ĐỪNG BAO GIỜ BỎ LỠ CUỘC GỌI

 

Wed, 27/07/2022 - Lm Minh Anh

ĐỪNG  BAO  GIỜ  ĐÁNH  MẤT  HY VỌNG!

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”.

Charles Read viết, “Gieo một hành động, gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt một tính cách. Gieo một tính cách, gặt một số phận!”. Gieo một điều thiện, gặt một niềm vui; gieo một niềmcậy trông, gặt cả mùa hy vọng! ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng lạc quan của Charles Read được gặp lại trongLời Chúa hôm nay. Giữa một hoàn cảnh nghiệt ngã, có lúc dường như tuyệt vọng, bạn vẫn ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Giêrêmia nói với dân, ‘Đừng tuyệt vọng!’; Chúa Giêsu nói với chúng ta, ‘Hãy cứ hy vọng!’.

Bài đọc Giêrêmia phản ánh mặt tối,cũng là mặt thực,của một dân bị Chúa nghiêm phạt.“Bước chân ra đồng nội, này kẻ chết vì gươm; quay gót trở về thành, nọ bao người đói lả!”. Các nhà lãnh đạo, các tiên tri và các thầy tế lễ cũng đang kiệt lực ở mút cùng của sự hiểu biết; từ vực thẳm, họ thưa lên, “Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Ngài ghê tởm Sion nữa?”; “Cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?”; “Mong đến thời bình phục mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”. Ấy thế, giữa những tàn khốc và tăm tối của cuộc khủng hoảng tôn giáo, chính trị như thế, dân Chúa vẫn không mất niềm cậy trông vào lòng thương xót của Ngài, “Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con”.Thật khó để có thể giữ niềm tin khi con người dường như không còn gì để mất; tuy nhiên, Thánh Kinh vẫn luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục cậy tin và ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng’,cả khi“ở trong vực thẳm khổ đau”. Cứ kêu cầu Ngài,Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con!”.

Với dụ ngôn ‘cỏ giữa lúa’, Tin Mừng thừa nhận, không phải lúc nào công việc tốt lành của Thiên Chúa cũng xuôi thuận và được thế gian đón nhận.Hạng người mà Chúa Giêsu gọi là “kẻ thù” -luôn chống lại mục đích tốt đẹp của Chủ Mùa, người gieo giống tốt -sẽ tìm cách bóp chết lúa tốt. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo đảm, cuối cùng, mục đích của Thiên Chúa vẫn đi đến cùng, “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. Chúa Cha đang làm việc và tiếp tục làm qua Chúa Giêsu, và con cái Ngài; và Ngài sẽ chiến thắng các thế lực của sự dữ, bảo đảm một sự toàn thắng cuối cùng. Phaolô đã diễn tả niềm xác tín này một cách cô đọng, “Ở đâu tội lỗi đầy tràn; ở đó, ân sủng càng chan chứa!”. Đó là nền tảng niềm hy vọng, một hy vọng không bắt nguồn từ con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa; mà với Phaolô, hy vọng đó “có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới!”.

Anh Chị em,

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. An ủi biết bao, khẳng định của Chúa Giêsu! Bởi lẽ, bao lâu còn trong thế giới, chúng ta còn phải chiến đấu; và cam go nhất vẫn là cuộc chiến trong lòng mỗi người. Cái ác dường như đang trên đà chiến thắng; nhưng đừng quên, nó không bao giờ là tiếng nói cuối cùng; cũng như cuộc chiến nội tâm là cuộc chiến trường kỳ nhất! Nhìn vào Chúa Giêsu, dường như Ngài đã thua cái ác và sự dữ khi chết ô nhục trên thập giá; vậy mà, Chúa Cha đã phục sinh Ngài ; để sự dữ, người dữ, và việc dữ dần dần được biến đổi và được cứu. Vậy, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, đuối sức vì chiến đấu, chúng ta đừng bỏ cuộc. Hãy nhìn lên Ngài để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Không có Ngài, chúng ta bất lực. Vì thế, hãy kiên trì “gieo niềm cậy trông”, tựa nương vào Chúa;Đấng đang rộng mở Vương Quốc Ngài phía trước để chào đón các chiến sĩ Kitô, con cái Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, cuộc chiến mỗi ngày của con thật đáng quý trong mắt Chúa.Nên dù phải gian nan thử thách, xin dạy con nhìn lên thánh giá, để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************

ĐỪNG BAO GIỜ BỎ LỠ CUỘC GỌI

“Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ thánh Giacôbê trình bày một bức tranh nội tâm rất thật, không chút giấu giếm, của 12 tông đồ nói riêng, và của con người nói chung: hai người xin chỗ nhất, mười người còn lại ganh tức ! Và ngay trong thời đại của Công Giáo chúng ta, “Được gọi để phục vụ”, một trong những câu cửa miệng, xem ra bị lạm dụng quá nhiều đến mức trở thành sáo rỗng! Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại cung cách phục vụ của mình, làm sao để ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’.

Bản năng của con người là đặt quyền lợi và cái tôi của mình trên hết và trước hết; đang khi tinh thần của Chúa Giêsu thì hoàn toàn trái ngược, “Tôi đến để phục vụ!”. Là môn đệ Giêsu, lẽ ra,mỗi người phải biến đổi để nên giống Ngài, đang khi chúng ta lại có nguy cơ quên rằng,làm sao phục vụ phải là trọng tâm của một đời sống Kitô hữu ! Các phút giây trong cuộc sống của chúng ta bị tiêu hao bởi một dòng chảy không ngừng của những công việc quan trọng và khẩn cấp ; tuy nhiên, giữa những điều này, có phải chúng ta thực sự đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để phục vụ? “Được gọi để phục vụ”. Vâng, nhưng chúng ta bỏ lỡ cuộc gọi; và sứ vụ bị gạt sang một bên ! Nếu phục vụ tha nhân không phải là một yếu tố bình thường trong cuộc sống của tôi với tư cách là Kitô hữu, thì chắc chắn một điều, tôi đã không thắng nổi việc tự lừa dối bản thân hoặc tôi đã lạc đường nghiêm trọng ở đâu đó.Vậy , làm sao để‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’.

Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô xác tín, “Được gọi để phục vụ” là “Sứ vụ chúng tôi mang nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành”; sứ vụ đó là được gọi để hiến mình một cách không dè giữ cho người khác như ‘sự tiếp nối của Đức Kitô’. Ngày nay, “Sự Tiếp Nối Của Đức Kitô ” không còn tạo nên một văn bia tuyệt vời sao? Có chứ ! Vì thực sự, nếu việc phục vụ nơi chúng ta không phải là sự kéo dài, mở rộng tình yêu Chúa Kitô; nếu không trao Ngài cho người khác ; hoặc nếu những người mà chúng ta phục vụ không khám phá ra Ngài trong chúng ta… thì sự phục vụ của chúng ta đơn giản không phải là phục vụ ! Nó có thể là từ thiện, đồng cảm, nhưng không có nghĩa là phục vụ của một Kitô hữu đích thực. Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta phải nên ‘ít hơn’, để trong mỗi người, Chúa Kitô có chỗ nhiều hơn, hầu anh chị em chúng ta không bị lừa dối khi gặp gỡ một Đức Kitô mà họ thầm ao ước khám phá trong mỗi người.

Anthony Fortosis nói, “Chúa các chúa trở nên đầy tớ thấp hèn để phục vụ những con người đáng thương! “Con Người Của Các Nỗi Buồn” làm quen với vực thẳm của đau buồn để trở thành niềm vui cho thế giới! Và chúng ta đến với thế giới để sống; còn Ngài, đến để chết!”.

Anh Chị em,

“Đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”. Đúng như Fortosis nói, “Ngài đến để chết!”, Chúa Giêsu quả quyết điều đó với người đương thời và Ngài đã chết thật ! Và không chỉ chết cái chết thể lý chiều thứ Sáu, Ngài đã chết từng ngày qua phục vụ, qua việc bỏ ý riêng, qua nhẫn nhịn… và Ngài đã phục sinh! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan!”. Như vậy, tất cả cái chết đó cũng như cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu đều mang một giá trị cứu độ. Cũng thế, là môn đệ Giêsu, chúng ta được gọi để nên đồng hình, đồng dạng với Ngài; mỗi ngày, chúng ta chết cho cái tôi ích kỷ, và cùng Ngài “phục vụ những con người đáng thương”, “trở thành niềm vui cho thế giới”,và sẵn sàng “chết” với Ngài. Vì thế, hãy tận dụng mọi cơ hội để ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi’ này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin cho con luôn trở nên một “Sự Tiếp Nối Của Đức Kitô”; Chúa mời gọi con,trong mọi đấng bậc, để phục vụ ; xin cho con ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

ƯỚC MƠ NGU NGỐC

 

Mon, 25/07/2022 - Trầm Thiên Thu

ƯỚC  MƠ  NGU  NGỐC


La Fontaine (1621-1695, Pháp) là thi sĩ ngụ ngôn. Ông có truyện thơ “Con Ve và Con Kiến” (dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Việt ngữ năm 1928).

Chuyện kể rằng Ve suốt ngày rong chơi, ca hát, chẳng lo tương lai. Ngược lại, Kiến luôn chăm chỉ làm việc. Rồi mùa đông đến, Ve hết đồ ăn nên phải sang vay Kiến. Kiến hỏi Ve làm gì khi trời nắng, Ve vẫn sĩ diện và kiêu căng: “Tôi ca hát đêm ngày, thế thì thiệt gì bác?” Kiến thản nhiên: “Trước chú vui ca hát, giờ thử múa coi đi!” Nói vậy, Kiến ngụ ý nói Ve là đồ ngu ngốc.

Trình thuật Lc 12:13-21 cho biết về việc ỷ lại, không tích cốc phòng cơ, cứ bóc ngắn, cắn dài, vung tay quá trán, cứ tưởng cuộc sống cứ êm xuôi, bất ngờ gặp sự cố thì trở tay không kịp. Thiên Chúa không cảnh báo dạng tích lũy để làm giàu, đầu cơ tích trữ của con buôn chợ đen, mà Ngài khuyên phải biết tiết kiệm, chứ không hà tiện. Vả lại, tiết kiệm là một đức tính tốt.

Thiên Chúa không bảo chúng ta tích lũy của cải vật chất với tham vọng, coi trọng tiền bạc, sống thực dụng đến nỗi bất chấp mọi thứ. Kiểu đó sẽ gây xung đột và tranh chấp, rất nguy hiểm. Vì thế, Ngài cảnh báo phải cẩn trọng và cảnh giác!

Thánh Luca cho biết rằng, một hôm có người trong đám đông đề nghị với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Ngài hỏi lại: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Rồi Ngài nói với họ: “Anh em PHẢI coi chừng, PHẢI giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Thảo nào “người giàu cũng khóc” đấy thôi. Họ khóc vì đau khổ. Giàu sang mà chẳng vui sướng là tại sao? Vì không có hạnh phúc. Họ giàu vật chất mà nghèo tinh thần, nghèo yêu thương, nghèo nhân ái,...

Rồi Ngài nói với họ dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Rồi Ngài nói thẳng đại gia: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, số phận cũng như thế đó.”

Chắc hẳn cũng đã có những lúc chúng không chỉ vội vã vơ vét về vật chất mà còn “tích lũy” các thói hư tật xấu, đôi khi chúng ta còn “hãnh diện” vì đã lừa bịp, sỉ nhục hoặc chơi xấu được người khác. Và cứ thế, “vốn tích lũy” khá nhiều khiến chúng ta bị “khóa chặt” trong vòng xoáy tam độc Tham-Sân-Si.

Thật kinh hãi khi một tiến sĩ của Việt Nam nhận định: “Giả dối là chuẩn mực văn hóa của người Việt.” Không biết gã tiến sĩ giấy này lấy tiêu chuẩn nào mà “chụp mũ” người Việt như vậy. Không còn gì để nói với loại văn hóa rởm của những kẻ ngu xuẩn. Thảo nào họ biến giáo dục thành kinh doanh!

Cứ 20 năm là một thế hệ. Gần nửa thế kỷ sống chung với cỏ lùng thì khó mà không bị chèn ép và ảnh hưởng, nhất là giới trẻ ngày nay. Và rồi Chúa Giêsu cũng đành lòng mà nguyền rủa chúng ta là “đồ ngốc” vậy thôi. Ngu ngốc thật, bởi vì ở nơi không khác gì Hỏa Ngục mà cứ ảo tưởng và mạo nhận là Thiên Đường.

Mức độ ngu ngốc có khác nhau, tùy vào cách “thu gom” những thứ xấu xa. Có nhiều dạng tích lũy: tích lũy của cải, kiến thức, kinh nghiệm, tinh thần, sức khỏe,... Người ta có quyền ước mơ, nhưng phải là ước mơ đẹp, hữu ích cho mình và người khác. Kinh Thánh nói: “Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con, mà thỏa mãn những đam mê của lòng mình.” (Hc 5:2)

Ước mơ liên quan tích lũy, phải cố gắng và phấn đấu. Có những thứ cần tích lũy trong một thời gian – có thể mau hoặc lâu, nhưng có những thứ phải tích lũy cả đời. Con người có hai phần là xác và hồn, việc tích lũy cũng có hai phần rạch ròi – không thể lo cho phần này và bỏ mặc phần kia. Chắc chắn phần tốt nhất đối với một Kitô hữu vẫn là cách tích lũy tâm linh – cố gắng vượt lên chính mình trên đường nhân đức. Đó là hoàn thiện, là nên thánh, là điều Thiên Chúa mong muốn.

Một trong các kho tàng quý giá nhất chính là sự khôn ngoan: “Trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại.” (Kn 3:15) Mọi thứ vật chất sẽ hết, nếu không hết thì cũng không thể đem theo khi bước vào đời sau. Những gì của chúng ta thì người khác sẽ sử dụng, những gì chúng ta cho đi thì còn mãi. Vì lo tích lũy mà nảy sinh xung đột, tranh giành, rồi sinh ra chiến tranh. Tiền tan, tình tàn. Đôi bên đều đau khổ. Không hơn gì, chẳng lợi chi!

Với kinh nghiệm sống dày dạn, ông Côhelét cảm nghiệm sâu sắc: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?” (Gv 1:2-3) Thật chí lý khi tiền nhân đã nói: “Ky cóp cho cọp xơi.” Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, mà tối ngày cứ chạy theo đồng tiền. Kinh Thánh xác định: “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:21-23) Cách đặt vấn đề rất độc đáo và thú vị.

Thánh Phaolô nói: : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc.” (1 Tm 6:10) Tiền chỉ là tờ giấy mỏng, nhưng nó có thể “cưa đứt” mọi song sắt của các cửa trần gian, kể cả “cửa tâm hồn.” Tiền có sức mạnh hầu như bất khả kháng, người ta gọi đó là ma lực. Tiền không có mùi nhưng “hương vị” của nó quyến rũ lắm. Dính vào nó thì khó mà gỡ. Tiền bạc làm người ta mất lương tri, mất tình nghĩa – kể cả tình gia đình. Nó có thể khiến người ta mất trắng, vậy mà người ta vẫn không mê muội, tôn giáo cũng chẳng thoát. Đúng là “ngu ngốc” thật!

Ma quỷ rất ranh mãnh, lơ là một chút sẽ chết với nó ngay, lịch sử xưa nay cho thấy rõ hệ lụy này. Tông đồ Giuđa sẵn sàng bán Thầy không văn tự, nhiều cha mẹ bán con ruột của mình, chồng bán vợ, người ta dám bán cả đất nước, thậm chí là buôn thần bán thánh,... Thiên hình vạn trạng. Bán để làm gì? Để lấy tiền. Đơn giản thế thôi!

Muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiền bạc, chỉ có cách duy nhất là “bám chặt vào gấu áo Chúa Giêsu.” Áo Ngài có bị xé rách thì cứ giữ lấy miếng vải đó làm “bùa hộ mạng.” Chắc chắn ma quỷ sẽ sợ. Bám vào Chúa thì an tâm, an tâm thì vui mừng, vui mừng thì ca hát, và không thể không chia sẻ với người khác: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2)

Cứ vui mừng nhưng chớ ngủ quên trong chiến thắng, chớ ỷ lại mà làm con tim xơ cứng, đừng bắt Chúa phải lên tiếng như Ngài cảnh báo dân Israel: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9) Yếu đuối là bản chất con người, thế nên luôn phải cảnh giác. Bởi vì “cái tôi” luôn muốn vùng lên bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, với bất cứ ai. Cứ biện hộ với những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ,… thì tiêu đời, bởi vì đó là dạng kiêu ngạo, không phục thiện. Nói thẳng ra là tự đề cao mình, cho mình là đúng.

Khuyên nhủ, phân tích và nhắc nhở, Thánh Phaolô cho biết: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.” (Cl 3:1-5) Thảo nào Chúa bảo chúng ta “vốn là những kẻ xấu.” (Mt 7:11)

Chỉ vì chúng ta xấu xa nên mới “tham,” vì tham mà hóa “sân” khi không thỏa mãn, và rồi cứ miệt mài trong cõi “si” nên ảo tưởng, mạo nhận mình tốt lành. Thật khó thoát khỏi “tam độc” đó. Thánh Phaolô tiếp tục khuyến cáo: “Anh em ĐỪNG nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng CHỈ CÓ Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.” (Cl 3:9-1

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ ngu ngốc, xin giúp con biến đổi trước khi quá muộn, để có thể tích lũy chút việc lành nhỏ mọn khi còn Giờ Thương Xót, trước khi Thẩm Phán Công Minh tái lâm. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 

 

July 31, 2022 - Chúa nhật 18 thường niên năm C - Gía trị thật của tiền bạc.

July 31,  2022 - Chúa  nhật 18   thường  niên  năm  C-Gía  trị  thật  của  tiền  bạc.




Các Bạn thân mến,
Mình có một ông cậu bà con nổi tiếng là ngoan đạo, hà tiện. Đến khi ông xây nhà lầu khoảng thập niên sáu, bẩy mươi gì đó, mọi người mới biết ông có nhiều tiền.
 Kinh nghiệm cho thấy ông nào căn cơ, tần tiện thì trong gia đình cũng nắm tài chính. Ông cậu mình cũng vậy, ông lại là lao động chính trong nhà, nên mọi chi tiêu đều do ông quyết định, ban phát. Người vợ chỉ có bổn phận sinh nở, chăm lo con cái và chợ búa, cơm nưóc.
Đến tuổi gìa, các con đã trưởng thành, ông cũng vẫn tần tiện chi tiêu, ăn uống và nắm quyền hành như vậy.
Rồi một tai nạn giao thông xẩy ra, ông chết oan uổng. Vợ và các con đều biết ông có tiền, có vàng, nhưng không biết có bao nhiêu và không biết ông giấu ở đâu. Cả nhà tìm bới khắp nơi, cầu khấn Chúa và cả vong linh cũa ông nữa. Suy nghĩ nát óc, rồi một ý kiến bật ra: ”Hay ông chôn dưới nền nhà? Thế là những tấm gạch men được dỡ tung! Cũng chẳng thấy gì! Đang lúc hồ nghi thất vọng, lại một ý kiến nữa:”Hay ông chôn trong cột nhà?” Vậy là cả nhà lại đục, khoét tất cả các cây cột trong nhà! Và qủa thật đã tìm thấy những lượng vàng ông cất giấu! Chẳng biết đó có phải là tất cả của cải ông cất giấu hay không, nhưng gia đình mệt mỏi, không muốn tìm kiếm thêm nữa. Tuy nhiên chắc chắn đó là những gì ông vất vả làm ra, nhịn ăn uống tiêu sài và bắt mọi người trong gia đình cũng phải tiết kiệm tối đa như ông, mà cho đến chết ông cũng chẳng được hưởng những gì do của cải mang lại, chỉ hai bữa cơm thanh dạm, mấy bộ quần áo đơn giản. May mà ông đã biết xây được căn nhà gạch sạch sẽ để gia đình ở.
Sự thật thì mình không biết ông dành dụm được tiền bạc là do ông tham lam hay dư giả mà xa? Dù với lý do nào thì cũng đúng với Lời Chúa mà Tin Mừng Thánh Luca ghi lại hôm nay.

1. Dụ ngôn nhà phú hộ:
  Ông phú hộ này đại diện cho những người có lòng tham vô đáy,“coi Trời bằng vung!”.
-  Họ không nhìn xa hơn chính bản thân mình, ích kỷ, chỉ biết nỗ lực, thu vén cho thân mình. Họ tìm hạnh phúc bằng cách bám chặt lấy của cải.
-   Họ không nghĩ đến việc đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ ai.
-  Chỉ ước ao được có thêm, thêm mãi, được giầu, giầu thêm nữa.
-  Tất cả chương trình kế hoạch gì cũng chỉ là nền tảng cho cuộc sống luẩn quẩn trong thế giới riêng của họ.
-   Họ sống như thân xác là vĩnh cửu, của cải là mục đích, an toàn, bảo đảm thỏa mãn mọi khát vọng của họ.
-   Đam mê lý tưởng tích trữ của cải, nghỉ ngơi ăn xài thỏa lòng khiến họ phá hủy bản thân và cả xã hội của họ mà họ không quan tâm.
-   Điều này thật rõ ràng trong thời đại chúng ta, thời đại của nền kinh tế thị trường, nền văn minh hưởng thụ, không chỉ ho ra bạc, khạc ra tiền, mà còn ho một tiếng thành triệu phú, khạc một cái thành tỷ phú dollars, dầu lửa, internet, kinh doanh…
-   Thế nên người khôn vẫn khan hiếm, không biết tỷ lệ được mấy phần trăm hay mấy phần ngàn, mặc dù Tin Mừng được nghe đi nghe lại không chỉ trong thánh lễ hằng tuần, hằng năm, mà còn nơi hội họp sinh hoạt và tràn đầy trên thông tin báo chí, mạng lưới toàn cầu internet với những giải thích rõ ràng, hướng dẫn cụ thể, thực tế và kinh nghiện qúi gía.
-   Nhưng chúng ta vẫn như những con thiêu thân!
-   Xin Chúa, Người đã dựng nên của cải ban cho chúng ta dùng, giúp chúng ta tránh được những càm dỗ mê hoặc ngốc nghếch như ông phú hộ này.

2.Gía trị của cải:
-  Của cải là vàng bạc, những tấm giấy có gía trị như tiền bạc, và tất cả nhửng tài sản mà tiền bạc có thể mua, đổi được như ruộng đất, nhà cưả, xe cộ, máy móc, súc vật…
-  Tiền bạc của cải luôn cần thiết cho đời sống con người để trao đổi, hưởng dùng, không phải để sở hữu vỉnh viễn.
-  Thế nên chúng ta ai cũng cần tiền, ai cũng ham tiền, bởi nó cho chúng ta đời sống tinh thần vật chất đầy đủ, thoải mái, nhà cửa tiện nghi, ăn ngon mặc đẹp, được học hành, thành đạt, gíup đỡ người khác, được nhiều người tôn trọng…
-  Vì thế ai cũng lo kiếm tiền để chi tiêu, giải quyết cuộc sống, dành cho con cháu, làm việc bác ái từ thiện.
-  Tuy nhiên cũng có những thứ mà tiền không thể mua, như tâm lòng chân thật, trong sạch, niềm vui mạnh khỏe…
-  Nhiều người biết cách kiếm tiền, nhưng lại không biết cách tiêu dùng, để rồi họ cũng như những ngừơi bất hạnh nghèo nàn.
-  Cần ý thức rằng của cải là do Chúa dựng nên cho chúng ta dùng, vì Ngài không muốn chúng ta phải đói khổ, mà muốn mọi ngừơi được đầy đủ, sung túc.
-  Ngài không đề cao, không khinh rẻ tiền bạc, chỉ muốn lưu ý chúng ta nhận định thật gía trị của nó để xử dụng đúng.
-  Bởi tiền bạc vật chất mang lại cho con người nhiều tiện nghi sung sướng hạnh phúc nhưng cũng có thể khiến con người say mê nó mà quên các gía trị đích thực khác.
-  Vì đứng trứơc tiền của, con người cũng có nhiều thái độ khác nhau:
     . người quá thận trọng, chỉ nhìn mặt trái của nó, thì tiền bạc không mang lợi ích phong phú cho họ,
     người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay lại qúa cậy dựa vào tiền của nên khi thần chết bất ngờ đến thì lượng tiền bạc lớn thế cũng không cứu được thể xác và linh hồn ông.
     . người có thái độ đúng mức về tiền bạc, biết coi nó là phương tiện đạt đến cứu cánh cuả mình thi tiền bạc sẽ giúp ích cho họ.
-  Bởi thế không phải mọi người giầu có đều không được vào mước thiên đàng, người giầu có biết xử dụng của cải thì ngay ở đời này đã được ca ngợi, phong thánh như Giakeu, vua thánh Henry, vua thánh Louis, thánh Catharina hoàng hậu…
-   Bao lâu chúng ta còn ở trần gian, chúng ta đều phải chịu khó làm việc để phát triển thế giới, phát triển tài năng, nuôi sống bản thân và gia đình. Sự giầu có không phải là điều xấu, nhưng chúng ta đừng chỉ cậy dựa vào tiền bạc mà quên cuộc đời sau, phải biết dùng của cải chúng ta có để làm vinh danh Thiên Chúa, giúp vào công cuộc truyền giáo, giúp đỡ những người nghèo khó, bịnh hoạn, những người cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đó là những cách làm giầu đẹp lòng Thiên Chúa.

3. “Lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”:
-  Nhận định của Thiên Chúa về ông phú hộ này là:"đồ ngốc!”, vì đã tin vào của cải mau hư nát để bảo đảm cho cuộc đời mình.
-  Ngừơi khôn ngoan phải dùng của cải đời này làm phúc mà mua lấy của cải bền vững ở đời sau, đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.
-  Nếu chúng ta ý thức và có thái độ đứng đắn với vật chất, sẽ hiểu rằng tiền của không tạo nên nội dung thật của cuộc sống.
-  Có được các thứ đầy đủ cần thiết để sống và phát triển là tốt và chân chính.
-  Nhưng nhớ rằng mỗi một sự thăng tiến đều có hai mặt: nó cần thiết để con người được sống hạnh phúc, ý nghĩa, nên ngừơi hơn, đồng thời nó cũng giam hãm, áp lực với con người khi nó trở thành gía trị cao nhất, phủ lấp các gía trị khác.
-  Lúc ấy con người trở thành chai lì, tính toán, mưu mô, trắng trợn, cạnh tranh, chống đối, giết hại nhau bằng nhiều thủ đoạn…
-  Tất cả vì lòng tham, là tội lộ liễu nhất của tình trạng luân lý thấp kém, sa sút của con người.
-  Phần đông chúng ta ít tham lam những gì của người khác, nhưng thắng được sự tham lam tạo ra và thu góp của cải cho chính mình thì lại rất khó.
-  Bởi chúng ta hay lo xa mà quên cuộc sống này là tạm bơ, mọi thứ sẽ qua đi cùng với thời gian, cùng với thế gian của nó.
-  Nhưng đó là chân lý hoàn tòan khách quan, khôn thì hiểu biết, nghe theo, dại khờ thì ngu ngơ gỉa điếc làm lơ, cũng không giữ được gì bởi chính thân xác mình cũng phải qua đi!
-  Nên cần nghe theo lời dạy: “Hãy sống như phải chết mỗi ngày”, chúng ta có thể dập tắt được phần lớn lòng tham lam, hầu có thái độ đúng mức và biết lợi dụng tiền bạc để lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”:
      .  chia xẻ cho người thiếu thốn, hoạn nạn, bất hạnh,
      .  giúp đỡ người bệnh tật, neo đơn, gìa cả,
      .  nâng đỡ, nuôi dưỡng, đào tạo mầm non của xã hội, Giáo hội…
      đóng góp xây dựng những công trình công cộng cần thiết cho khu phố, làng xóm, đất nước,
      .  giúp đỡ các cơ quan, đoàn thể từ thiện, bác ái, phục vụ…
      .  đền bù thiệt hại, công bằng cho những người do mình, anh em, gia đình, cộng đòan mình gây ra,
     .  cao thượng, dũng cảm hơn nữa là“bán tất cả đi, phân phát cho người nghèo rồi đến theo Ta”!
     .  Rồi luôn nhớ lời Đức Giêsu đã dạy chúng ta "hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam; vì chẳng phải do sự giầu có mà đời sống được bảo đảm đâu.... Kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì cũng như vậy."
    
Lạy Chúa, người đời nói: “có tiền mua tiên cũng được”, nên chúng con đã loay hoay vun vén. Và qủa thật tiền đã làm cho trần gian qúa đẹp, khiến chúng con đắm chìm trong nó. Mà chẳng còn nghĩ đến thiên đàng qúa xa xôi!
Xin tha thứ cho qúa khứ đầy tham lam của chúng con, và khơi dạy những khát khao cao cả, gíup chúng con biết dùng của cải đời này mà tích trữ kho tàng trên trời.
Đặc biệt biết phó thác nơi Chúa quan phòng, để chúng con theo lời Ngài, chỉ xin lương thực hàng ngày hầu tránh khỏi lòng tham. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,
M.Gorettiduyenky

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

“TÔI KHÔNG CÒN YÊU NỮA”: CÂU NÓI NGỤY BIỆN HAY MỘT LỜI TỰ BÀO CHỮA?

Wed, 27/07/2022 - Trần Mỹ Duyệt

“TÔI  KHÔNG  CÒN  YÊU  NỮA”:  CÂU  NÓI  NGỤY  BIỆN  HAY  MỘT  LỜI  TỰ  BÀO  CHỮA?

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, và cũng căn cứ vào những trường hợp thường xảy ra chung quanh cuộc sống, phần đông các trường hợp ngoại tình, bất trung trong hôn nhân bao giờ người chủ động cũng luôn hay nói một câu: “Tôi không còn yêu anh/em nữa”. Hoặc “Trái tim tôi đã chết rồi!”  Nhưng nếu tình yêu không còn, trái tim đã chết thì sao? Còn có lý do nào khác để giải thích cho cái chết ấy, cho tình yêu đã cạn kiệt ấy không? Hay đó chỉ là những lời biện hộ mang tính cách tự bào chữa? Câu trả lời thì hầu như ai cũng biết.

Trong một khảo cứu nhằm trả lời câu hỏi: “Tại sao ngoại tình lại là một vấn đề?” (Why cheating is a problem?) Tất cả những người tham dự đều nhìn nhận rằng ngoại tình có thể phá vỡ một cuộc hôn nhân, làm hao mòn niềm tin vào những người mình sẽ gặp gỡ sau này, gây đau khổ cho con cái, ngay cả dẫn đến trầm cảm, hoang mang, bực tức, hoặc hội chứng hậu chấn căng thẳng (post-traumatic stress disorder - PTSD). Tóm lại, ngoại tình là một việc làm sai lầm, nhưng đâu đó có khoảng 39 đến 52% đã có kinh nghiệm thế nào là ngoại tình ở một thời điểm nào đó trong đời.  [1]

Mặt khác, một trong những lý do dẫn đến ly dị là ngoại tình.

Trong một khảo cứu khác dựa trên những tương quan xã hội, và những kinh nghiệm thường phát xuất trong đời sống hôn nhân, gia đình, ngoại tình dẫn đầu trong 10 lý do dẫn đến ly dị, chiếm 20-40% các cuộc đổ bể trong hôn nhân. Những nguyên nhân khác bao gồm:

-Những khó khăn về tài chính (Trouble with finances).

-Thiếu sự cảm thông (Lack of communication).

-Luôn cãi vã (Constant arguing).

-Lên cân (Weight gain).

-Những kỳ vọng không thực tế (Unrealistic expectations).

-Thiếu tình thân mật (Lack of intimacy).

-Thiếu sự bình đẳng (Lack of equality).

-Hôn nhân thiếu chuẩn bị (Not being prepared for marriage).

-Ngược đãi tình cảm và thể lý (Physical and emotional abuse). [2]

Nhưng đâu là lý do dẫn đến ngoại tình?

“Say nắng” (falling out of love) là lý do đầu tiên trong 8 lý do khiến nhiều người ngoại tình. Một đôi khi (không phải là luôn luôn) nhu cầu sinh lý không được thỏa mãn cũng là lý do dẫn đến ngoại tình. Trên ¾ tức 77% những người tham dự khảo cứu cho biết rằng việc đói khát, thiếu thốn tình yêu từ người phối ngẫu, ngược lại với sự đáp trả nhiệt tình của người ngoài cuộc là lý do chính và mạnh mẽ dẫn đến ngoại tình. Thêm vào đó tâm lý “ăn chơi ngon hơn ăn thật” vô tình đã khiến những người ngoại tình bị thu hút và lún sâu vào con đường yêu đương sai trái này.

Ngoại tình vì dục vọng? Không mấy ai chấp nhận điều này, mặc dù khoảng 1/3 những người tham dự cuộc khảo cứu, tương đương với 32% đã xác nhận lý do ngoại tình của họ là vì dục vọng. Có thể đây là tâm lý muốn thử nghiệm “của lạ”, bị thách thức bởi bạn bè, hoặc cũng có thể là hình thức trao đổi tình dục mà họ cảm thấy lạ, hấp dẫn và thu hút. Riêng về điều này, phái nam trổi vượt hơn phái nữ (Selterman et al., 2019) [3]

Kết quả cuộc khảo sát về những lý do dẫn đến ly dị và ngoại tình vừa được nêu ở trên, phần đông những cặp vợ chồng gặp khó khăn, khủng hoảng trong hôn nhân mà có ý định ly dị đã đổ lỗi cho nhau về nhiều vấn đề, nhưng khó khăn và khủng hoảng mà đa số thường dấu hoặc ngại ngùng không muốn nói, đặc biệt là phái nam, đó là đời sống chăn gối. Để che dấu, hoặc dối mình, họ luôn luôn tránh né vấn đề bằng câu: “Tôi hết yêu rồi”, hoặc “tôi không còn cảm giác yêu thương người đó nữa. Tim tôi đã chết!” Nếu trong hôn nhân, tình yêu là yếu tố chính để gắn bó và liên kết hai người lại mà không còn nữa, trái tim họ đã chết, đã ngưng đập một cách tâm lý, thì mối tình ấy, hôn nhân ấy quả là đang gặp thử thách. Tuy nhiên, đối với những ai đã từng có kinh nghiệm về hướng dẫn hoặc hàn gắn những đổ vỡ của hôn nhân, gia đình đều biết rất rõ, những lời nói ấy chỉ là ngụy biện nhằm che dấu một sự thật. Sự thật ấy là nếu trái tim người này chết với vợ hoặc với chồng thì lại đang đập một cách mãnh liệt với một hình bóng khác. Nói một cách khác, họ đã và đang ngoại tình: ngoại tình trong tư tưởng, hoặc ngoại tình bằng hành động.

Và cũng một kinh nghiệm rất thực tế nữa là, nếu ai đó đã dính vào ngoại tình thì trước mắt họ lúc bấy giờ người chồng hay người vợ rất đáng ghét, đáng khinh, đáng coi thường. Người này có làm cái gì tốt mấy đi nữa cũng chỉ là những việc tầm thường, không có giá trị, và không đáng quan tâm. Trường hợp sau đây chỉ là một thí dụ:

Một người ngoại tình đã tâm sự và khoe với bạn: “Mình đang gặp một người mà người đó rất tâm lý, tế nhị, hiểu, và đem lại cho mình những giây phút hết sức thoải mái, hạnh phúc. Mình có cảm tưởng như con cá trong vũng bùn, trong chiếc ao tù mà nay được bơi lượn, được vẫy vùng giữa một đại dương bao la trong mát.” Chính trong lúc đang bơi lượn giữa đại dương hạnh phúc như vậy, thì người này đã lạnh lùng nói với người chồng của mình: “Tim tôi đã chết!” Và cái kết là một gia đình tan vỡ!!! Nhưng cũng như nhiều trường hợp khác, con người tưởng như đã tìm được hạnh phúc ấy, sau một thời gian vùng vẫy, giờ đây lại đang tự thu mình trong cái ốc đảo riêng tư và cô đơn!

Có một điều mà ít ai biết hoặc quan tâm đến, đó là người đàn ông khi ngoại tình còn có thể quay trở về với gia đình. Căn bản hành động này đối với nhiều đàn ông chỉ là ham của lạ, ham vui, muốn chứng tỏ khả năng chinh phục của mình, và cũng có thể là do bị đói khát tình dục ở nhà. Cái khó ở đây là những người vợ của họ có hiểu hoàn cảnh và tha thứ cho họ hay không.

Ngược lại, khi người phụ nữ ngoại tình thì hầu như không mấy ai quay về nổi. Lý do ngoại tình của phụ nữ hầu hết là do những động lực thôi thúc từ bên trong cuộc sống của hai vợ chồng, hoàn cảnh gia đình, và cũng có thể họ là nạn nhân của những hành động vũ phu, hoặc lạm dụng tình dục. Điểm nổi vượt về tâm lý phụ nữ ở đây là người đàn bà chỉ chấp nhận hành động tình dục khi đã yêu hoặc nghĩ rằng mình đang được yêu. Có nghĩa là người này thực sự trong những giây phút ấy cảm thấy mình hạnh phúc và sẵn sàng dâng hiến. Thêm vào đó, nếu có con trong thời gian ngoại tình thì điều này cũng là một trong những lý do khiến sự quan về hầu như vô vọng. Như vậy, nếu việc quay trở về của người đàn ông gặp sự không tha thứ của người đàn bà, thì ngược lại, dù người đàn ông   có sẵn sàng, dễ dàng tha thứ, người đàn bà chưa chắc đã chấp nhận quay trở về.

Tóm lại, dù là bất cứ lý do gì đi nữa, khi nói câu: “Tôi không còn yêu anh/em nữa” hoặc “tim tôi đã chết” trong những trường hợp ngoại tình, thì đó chỉ là một câu nói ngụy biện hoặc mang tính cách tự bào chữa. Trái tim của những người ngoại tình chỉ “chết” đối với vợ, với chồng, nhưng thực sự lại “sống” rất mãnh liệt, đập những nhịp đập cuồng loạn, mỗi khi gần một ai đó. Do đó, trong đời sống tình cảm, tình yêu, chúng ta thỉnh thoảng cũng phải dành ít phút để chẩn đoán lại tình trạng sức khỏe tâm lý, hầu kịp thời nhận ra những dấu hiệu có thể khiến cho trái tim mình chết, hoặc tình yêu bị vụt tắt!

(Mời vào thăm www.giadinhnazareth.org để tham khảo thêm những bài viết về tình yêu, hôn nhân, gia đình, giáo dục, tâm lý và xã hội).

____________

Tài liệu tham khảo:

1. Why Do People Cheat? 8 Reasons for Infidelity, Explained by ...

https://www.prevention.com › sex › relationships › why...

2. 10 Most Common Reasons for Divorce - Marriage.com

https://www.marriage.com › advice › 10-most-common...

3. The 8 Main Reasons Why People Cheat | Psychology Today

https://www.psychologytoday.com › blog › the-8-main...

 

 

HÀNH ĐỘNG THEO LẼ PHẢI

 

Tue, 26/07/2022 - Trầm Thiên Thu

HÀNH  ĐỘNG  THEO  LẼ  PHẢI

Ngày nay, chữ “thận trọng” đã bị sai lệch với mức độ nào đó trong thời đại chúng ta. Lời nhắc nhở từ xưa: “Hãy để lương tâm hướng dẫn của bạn!” Câu đó đã bị thay thế bằng khẩu hiệu hiện đại này: “Hãy theo đuổi sự thúc đẩy đó!” Nếu bạn cảm thấy điều gì đúng đắn cần làm, hãy tiếp tục và thực hiện điều đó. Đừng để mình bị cản trở bởi sự sai khiến của lý trí. Vì thế, hãy theo triết lý cá nhân, nếu có thể gọi như vậy, của rất nhiều người cùng thời chúng ta. Bằng chứng của thực tế này là tình trạng thất thường gia tăng mà hôn nhân được tạo ra và đổ vỡ. Bỏ qua mọi trách nhiệm với Thiên Chúa hoặc với con cái, người ta cứ tiếp tục, qua tòa án ly hôn, từ mê đắm này tới mê đắm khác. Đối với họ, lý trí đã bị truất phế vì tình cảm.

Người thận trọng không phải là người nô lệ cho cảm xúc, cũng không phải là người rụt rè hay thận trọng quá mức. Đức tính thận trọng chỉ đơn giản là thói quen hành động theo nguyên tắc của lẽ phải. Hành vi thận trọng là hành vi hợp lý, được phân biệt với hành vi bốc đồng. Người thận trọng cân nhắc hậu quả – đối với bản thân và người khác – của hành động trước khi quyết định. Người đó hành động không dựa trên những gì họ cảm thấy muốn làm, nhưng dưới ánh sáng của tất cả những gì họ phải làm.

Sự thận trọng là dấu xác nhận của sự trưởng thành thực sự. Lúc nào cũng vậy, người “không bao giờ lớn lên” là người thiếu thận trọng. Sự thận trọng có thể là một đức tính tự nhiên hoặc siêu nhiên. Sự thận trọng tự nhiên chủ yếu liên quan các vấn đề trần tục. Bạn khóa cửa vào ban đêm để đề phòng kẻ trộm, đó là sự thận trọng tự nhiên. Tương tự, bạn cũng rất thận trọng khi giữ tín dụng tốt bằng cách thanh toán các hóa đơn ngay lập tức. Thận trọng tự nhiên là đức tính có thể đạt được thông qua kinh nghiệm – kinh nghiệm của chính mình và của người khác. Chúng ta đặc biệt học hỏi qua những sai lầm của chính mình. Đã làm điều dại dột, để lại hậu quả đáng tiếc, chúng ta cẩn thận hơn (nếu thông minh) để không lặp lại hành động dại dột đó.

Tuy nhiên, sự thận trọng siêu nhiên không thể đạt được. Với những đức tính cơ bản khác là công bình, dũng cảm và tiết độ, sự thận trọng siêu nhiên đã được truyền vào linh hồn chúng ta nhờ ân sủng của Phép Rửa. Bốn đức tính này xứng đáng được gọi là “chủ yếu,” từ tiếng Latinh là “cardo” – nghĩa là bản lề. Tất cả các đức tính luân lý khác đều xoay quanh sự thận trọng, công bằng, dũng cảm và tiết độ. Nếu không có bốn đức tính này, không một đức tính luân lý nào khác có thể được thực hành với bất kỳ mức độ hoàn hảo nào. Sự thận trọng siêu nhiên là phương thế do Thiên Chúa ban tặng để phân biệt điều gì đúng và điều gì sai theo nghĩa luân lý, và để phân biệt điều gì tốt và điều gì tốt hơn. Nếu thanh toán hóa đơn để bảo toàn tín dụng của mình, bạn đang thực hành sự thận trọng tự nhiên. Nếu thanh toán các hóa đơn của mình vì bạn coi đó là nghĩa vụ theo lương tâm, bạn đang thực hành sự thận trọng siêu nhiên. Với đàn ông đã kết hôn, nếu tự nhủ: “Tôi phải ngừng tán tỉnh cô gái đó, nếu không tôi có thể làm tổn hại danh tiếng của mình.” Anh ta thực sự thận trọng. Nếu anh ấy xác định: “Tôi phải ngừng tán tỉnh cô gái đó nếu không tôi sẽ phạm tội ngoại tình.” Anh ấy rất thận trọng.

Rõ ràng rằng sự thận trọng, tự nhiên cũng như siêu nhiên, là một đức tính rất đáng được đánh giá cao. Đôi khi chúng ta sẽ khó xác định, trong một trường hợp cụ thể, liệu sự thận trọng của chúng ta là tự nhiên hay siêu nhiên, vì chúng ta thường khó biết động cơ của chúng ta thuộc thế giới này hay thế giới khác. Chúng ta không cần phải lo lắng. Nếu chúng ta có sự thận trọng tự nhiên để xây dựng, nó sẽ dễ dàng hơn nhiều để sự thận trọng siêu nhiên hoạt động. Đó là châm ngôn thần học rằng ân sủng hoạt động hiệu quả nhất khi được củng cố bởi sự tốt lành tự nhiên. Có lẽ không nhiều người nghĩ rằng họ phải cầu xin Chúa, nhưng sự gia tăng thận trọng siêu nhiên chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Cả bây giờ và sau này, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự thận trọng.

LM. LEO J. TRESE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)