Wed, 13/07/2022 - Lm Nguyễn
Văn Độ - thanhlinh.net
Cầu Nguyện và Hoạt Động
Suy niệm Chúa Nhật XVI
Thường niên - C- (Lc 10, 38-42)
Cầu nguyện và hoạt động
chắp lại với nhau thành đôi cánh giúp người tín hữu trở nên hoàn thiện, gặp được
Chúa, đến với tha nhân, kiện toàn bản thân.
Abraham và Sara
Tổ phụ Abraham và Sara là
đại diện cho lối sống này. Bài đọc I mô tả khi Abraham ngưới mắt lên thấy ba vị
khách quí, ông sấp mình xuống van xin để được đón khách vào nhà, rồi gọi vợ là
Sara : “Em ơi ra làm bánh, tiếp khách mau, anh đi bắt bê non làm thịt đãi
khách” (x. St 18,). Chính ông đứng hầu khách nữa.
Tiếng cười vang dội sau bữa
ăn vì tin vui đến. Một trong ba vị khách nói, bà sẽ sinh con và trở thành mẹ của
nhiều dân tộc. Nghe tin ấy Bà cười phá lên. Vì dưới cái nhìn của chính bà thì lời
này là không thể, vì ông đã già và bà đã lão. Nên sau này khi sinh con, ông bà
đặt tên cho là "Anh cười", tiếng Do thái là Isaac. Đây là kết quả của
cầu nguyện và hoạt động song hành với nhau. Thiên Chúa hứa ban cho ông bà.
Marta và Maria
Hai phụ nữ này quê ở
Betania, bà con với Chúa Giêsu. Hai bà với hai cách hành xử được người ta qui
chiếu về hai cách sống và ơn gọi của người Kitô hữu là: chiêm niệm và cầu nguyện.
Thánh sử Luca miêu tả họ như sau: Maria thì ngồi dưới chân Chúa "lắng nghe
lời Người", trong khi Marta bận rộn với nhiều việc phục vụ (x. Lc
10,39-40), nàng bận bịu tới độ hướng tới Chúa Giêsu và nói: "Lậy Thầy, em
con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm gì sao? Xin Thầy bảo em con
giúp con với" (Lc 10, 40). Nhưng Chúa Giêsu dịu dàng quở trách:
"Marta, Marta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà
thôi, là con hãy nghỉ ngơi, và ngay cả điều quan trọng nhất, con hãy nghỉ ngơi
bên cạnh Thày, chiêm ngắm Thầy và nghe Thầy nói" (Lc 10, 41).
Chính lời trên của Chúa
Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho
Marta, vì Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Marta, trong lúc cô ta vui
hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu, thì lại được khen là người khéo chọn
" phần tốt nhất ". Vậy là việc cô làm chưa phải là tốt nhất.
Trong thực tế, cả hai
thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc
chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự.
Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta.
Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ
muốn mượn hình ảnh của Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với
Thiên Chúa.
Áp dụng
Phần lớn trong chúng ta,
được Thiên Chúa đã kêu gọi sống như "Marta". Nhưng cũng đừng quên rằng
Chúa muốn chúng ta ngày càng như "Maria": Đức Giêsu Kitô cũng mời gọi
chúng ta "chọn phần tốt hơn" và không để cho bất cứ ai lấy mất.
Chúng ta nên nhớ rằng điều
quan trọng nhất không phải là những gì chúng tôi có thể làm, nhưng là Lời Chúa
soi sáng đời sống chúng ta, và do đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà việc
chúng ta làm chất chứa tình yêu.
Chúa Giêsu không có nói
xuông, Người đã đi bước trước làm mẫu gương cho chúng ta trong đời sống lao động
và cầu nguyện. Lần giở lại các trang Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra một ngày
ở Caphácnaum được sánh ví như “ngày làm việc mẫu” của Chúa Giêsu. Trong ngày
đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ làm việc liên lỉ, rao giảng Tin mừng, chữa
lành bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng,… mà còn không ngừng kết hiệp với Chúa
Cha qua đời sống cầu nguyện. (Mc 1, 29 – 39)
Không chỉ làm việc, Chúa
Giêsu còn tìm mọi thời gian, bao có thể để cầu nguyện. Có thể nói, cầu nguyện
là điều không thể thiếu trong đời sống tại thế của Chúa Giêsu. Người làm việc
không ngừng, nhưng cũng kết hiệp với Chúa Cha cách liên lỉ. Chúng ta thấy Chúa
Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha, trò chuyện tâm sự với Cha của Người. Cầu nguyện
không ngừng nhất là trong những công việc quan trọng cần đến sự cố vấn của Chúa
Cha luôn là điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì thế, đời sống cầu
nguyện của Chúa Giêsu là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.
Chuyện kể rằng: Có một
chàng thanh niên thông minh trí thức đi tìm thầy để học thêm, nhưng để gặp được
thầy, anh phải qua sông, mà phương tiện chỉ là thuyền đò. Anh bước xuống thuyền
của một ông già. Anh nhìn thấy trên mái chèo của ông lái đò, mái bên phải có
hàng chữ (cầu nguyện), mái chèo bên trái mang chữ (lao động). Chàng trai nhếch
mép cười vào nói: Bố già ơi! Lẩm cẩm chậm tiến quá! Đã lao động thì cần gì phải
cầu nguyện nữa.
Ông lái đò chẳng nói gì cả,
ông gác mái chèo cầu nguyện lên mạn thuyền và chỉ chèo với cái mái chèo lao động.
Ông chèo, chèo mãi … nhưng thuyền cứ quay tròn chứ không tiến lên phía trước.
Chàng trai hoảng hồn tưởng đò sắp đắm, liền kêu to: Ông ơi, ông làm gì vậy, sao
ông lại chèo có một mái, ông chèo cả hai mái cho cân mau, thuyền đắm bây giờ.
Ông nhẩn nha nói : thì cậu chẳng bảo tôi rằng, đã lao động thì cầu gì phải cầu
nguyện nữa.
Ông bà anh chị em thấn mến,
đời sống người kitô hữu chúng ta được ví như một chiếc thuyền lênh đênh trên biển
cả thế gian này, để tới bến nước thiên đàng chúng ta rất cần hai mái chèo là
“lao động” và “cầu nguyện”. Hai mái chèo cùng kết hợp hài hoà với nhau, thì khi
điều khiển con thuyền mới mau cập bến. Nếu chỉ lao động làm ra nhiều của cải vật
chất phục vụ cho cuộc sống mà không nghĩ tới việc cầu xin cùng Chúa, thì cũng
như chèo đò với một cái mái chèo. Như mẩu chuyện trên, để từ bờ bên này sang bờ
bên kia, cập bến bình an, đò cần phải hai mái chèo, chèo với một mái chèo “lao
động” thì cái xuồng sẽ cứ mãi quay tròn, không thể tiến về phía trước để cập bến
được.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét