Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Ðối với Giáo hội Công giáo, không ai là khách lạ, không ai bị loại trừ, không ai là xa cách

 

Thứ Sáu, 15 Tháng Bảy, 2022

Ðối  với  Giáo  hội  Công  giáo,  không  ai  là  khách  lạ, không  ai  bị  loại  trừ,  không  ai  là  xa  cách

Ngày 11.10 năm nay sẽ là kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Nhân dịp này, tôi xin nêu lên vài nét của Công đồng thứ 21, một Công đồng đã và đang ảnh hưởng đến Giáo hội toàn cầu nói chung và các cộng đoàn tín hữu tại Việt Nam nói riêng.

MỘT SÁNG KIẾN CAN ĐẢM

Công đồng Vatican II là một sáng kiến can đảm của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Bằng việc triệu tập Công đồng chung, Đức Gioan XXIII muốn Giáo hội Công giáo nhìn lại chính mình, để đổi mới, nhờ ơn Chúa Thánh Linh, hầu cho dung mạo của mình được thực sự phản ánh Tin Mừng, như một hiện diện huynh đệ và truyền giáo giữa thế giới hôm nay.

Bốn trách vụ được đặt ra cho Công đồng:

- Giáo hội nhận thức về chính mình.

- Giáo hội đổi mới.

- Giáo hội thiết lập sự hiệp nhất với mọi người tin Đức Kitô.

- Giáo hội đối thoại với mọi người.

Để thực hiện những công việc lớn lao đó, Công đồng đã là nơi gặp gỡ các dòng tư tưởng và các kinh nghiệm. Hiện diện có 2.800 nghị phụ đến từ 141 nước, 453 chuyên viên, 58 dự thính viên giáo dân và 101 quan sát viên của các tôn giáo ngoài Công giáo.

Với 168 phiên họp khoáng đại, Công đồng đã trải dài qua các mùa thu 1962, 1963, 1964, 1965, dưới thời hai Đức Thánh Cha: Gioan XXIII và Phaolô VI.

Công đồng là một chuyến đi vất vả, với nhiều vấn đề khó khăn phức tạp, với nhiều tranh luận gay gắt. Một thí dụ điển hình, đó là Hiến chế tín lý về mạc khải (Dei Verbum). Bản dự thảo thứ nhất bị loại ngày 19.11.1962 với 1.368 phiếu trên tổng số 2.190 nghị phụ hiện diện. Bản dự thảo thứ hai đệ trình ngày 22.4.1963 đã không được bàn tới. Bản dự thảo thứ ba đệ trình ngày 20.9.1964 được khuyến cáo phải sửa lại. Bản dự thảo thứ tư đệ trình ngày 20.9.1965 được sửa lại thêm. Bản dự thảo thứ năm được chấp thuận ngày 18.11.1965 với 2.344 phiếu trên 2.350 nghị phụ hiện diện.

Làm việc trong Công đồng, các nghị phụ đã phải nhìn các vấn đề với nhiều chiều kích khác nhau: Đức tin, mục vụ, khoa học, tâm lý, xã hội…

Kết quả được công bố của Công đồng là 16 văn kiện quan trọng gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn, chưa kể 2 Thông điệp Mở đầu và Kết thúc. Hiến chế có giá trị vững bền, như Hiến chế tín lý về Giáo hội. Sắc lệnh mang nội dung cần thực hành ngay, như vấn đề huấn luyện linh mục. Tuyên ngôn nêu lên những nhận định trong một giai đoạn lịch sử, như vấn đề các phương tiện thông tin.

TRỞ VỀ NGUỒN

Đọc các văn kiện của Công đồng Vatican II, người ta có thể thấy ưu tư lớn nhất của Công đồng là mục vụ.

Mục vụ tốt không phải là biết nêu lên những chân lý để khai thác, nhưng là trở về gắn bó với Đức Kitô, vị Mục tử tốt lành. “Đức Kitô là nguyên lý của chúng ta, là đường đi của chúng ta, là người hướng dẫn của chúng ta, là hy vọng của chúng ta và là mục đích của chúng ta” (Diễn văn khai mạc khóa hai của Đức Phaolô VI, ngày 29.9.1963).

Nếu mục vụ là đổi mới con người, thì mô hình con người mới và nguồn ơn đổi mới chính là Đức Kitô.

Thực vậy, vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Nhờ vậy, một cách nào đó, Người kết hợp với mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người. Người đã suy nghĩ với trí khôn con người. Người đã hoạt động với ý chí con người. Người đã yêu thương với trái tim con người. Người đã trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta hoàn toàn, chỉ trừ tội lỗi.

Vì yêu thương, tuy vô tội, Người đã vui lòng đổ máu mình ra để cứu chúng ta khỏi xiềng xích ác quỷ và tội lỗi, đem lại cho chúng ta sự sống. Nhờ vậy, Người không những đã nêu gương sáng cho chúng ta chiêm ngưỡng, mà còn mở ra cho chúng ta một con đường mới, để cho chúng ta đi vào.

Con đường mới đó là thực thi điều răn mới của Người, tức giới luật yêu thương, tham gia vào sự sống mới của Người bằng cách sống mầu nhiệm Thánh Giá và Phục Sinh, đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, chúng ta sẽ được một địa vị mới, đó là: Trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, có thể kêu lên rằng: “Abba (Lạy Cha)” (Xem Hiến chế Vui mừng và Hy vọng chương I, Đức Kitô con người mới, số 22).


NẮM BẮT CÁC DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Trung thành với Con Thiên Chúa nhập thể, Giáo hội hòa nhập vào thân phận con người trong thế giới hôm nay, để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Muốn thực thi sứ mệnh Chúa trao ban một cách thích hợp, Giáo hội sẽ dựa vào các dấu chỉ của thời đại. Dấu chỉ lớn nhất và rõ nhất của thời đại này là quan tâm đến con người và thế giới. Giáo hội đã nhận ra dấu chỉ đó và đã tập trung mục vụ vào dấu chỉ đó.

Đức Phaolô VI quả quyết: “Giáo hội của Công đồng không những suy nghĩ về bản tính của mình và những dây liên hệ ràng buộc mình với Thiên Chúa, mà còn quan tâm đến con người, con người như đang xuất hiện trong thời đại này”...

“Hơn bao giờ hết, Giáo hội cảm thấy mình cần phải biết, phải gần gũi, phải hiểu, phải thấu triệt, phải phục vụ, phải Tin Mừng hóa xã hội xung quanh mình, phải nắm bắt, và có thể nói, phải theo dõi nó trong những chuyển biến mau lẹ và liên tục của nó” (Diễn văn phiên họp khoáng đại cuối cùng, ngày 7.12.1965).

Khi đã đặt trọng tâm mục vụ vào việc phục vụ con người, Giáo hội sẽ biết lắng nghe những băn khoăn, ưu tư và hy vọng của con người. Những biến cố lịch sử, những hoàn cảnh kinh tế, luân lý, chính trị, khoa học đều là những gặp gỡ giữa con người và Giáo hội. Giáo hội sẽ không xét đoán, nhưng đầu tiên là sẽ quan sát và tìm hiểu. Trong mọi sự, Giáo hội giữ một thái độ bác ái của Đức Kitô, để nhân loại thấy rằng: Mọi vấn đề của con người đều vang dội trong Giáo hội. Giáo hội chia sẻ thực sự thân phận con người. Hình ảnh một thế giới, một đất nước, một dân tộc sẽ không được nêu lên để chỉ trích, mà để tìm hiểu một cách thận trọng.

Nhờ tiếp cận thường xuyên với những chuyển biến mới của con người và xã hội, Giáo hội cảm thấy bổn phận phải có những tìm tòi mới, những hiểu biết mới, những hành động mới, những giải pháp mới. Và mục vụ tất nhiên phải mới hơn.

NHÌN KHIÊM TỐN VỀ CHÍNH MÌNH

Như thế là Giáo hội sau khi đã trở về với Đức Kitô, sẽ phải trở về với con người, để phục vụ con người.

Đức Phaolô VI nhận định rõ điều đó. Ngài nói: “Giáo hội có một vị trí giữa Đức Kitô và thế giới. Giáo hội không tự mãn về mình. Giáo hội không là tấm màn che khuất Đức Kitô. Giáo hội không coi mình là mục đích, nhưng hết lòng mong muốn mình phải hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, trong Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đồng thời Giáo hội cũng mong muốn mình phải hoàn toàn thuộc về nhân loại, giữa nhân loại và vì nhân loại. Giáo hội coi mình như một trung gian khiêm tốn và vinh dự giữa Đấng Cứu Thế và nhân loại, để bảo toàn, gieo vãi chân lý và ơn thánh của sự sống siêu nhiên” (Diễn văn khai mạc khóa ba Công đồng, ngày 14.9.1964).

Trong ý hướng đó, Đức Phaolô VI đã dám có một kiểu nói rất khác xưa. Thay vì nói: Giáo hội là Mẹ và là Thầy, ngài đã nói: “Giáo hội có quyền được tuyên bố mình là nữ tỳ của nhân loại... Tư tưởng phục vụ con người đã chiếm một chỗ trọng yếu trong Công đồng” (Diễn văn phiên họp khoáng đại cuối cùng ngày 7.12.1965).

BẦU KHÍ BÁC ÁI

Một thoáng nhìn trên đây cho thấy dấu ấn của Công đồng Vatican II là Đức Ái: Yêu mến Thiên Chúa, mến yêu Giáo hội, mến yêu nhân loại.

Đức Phaolô VI đã nhiều lần xác quyết điều đó. Ngài nói: “Sau này sử gia sẽ hỏi về Công đồng Vatican II: Giáo hội đã làm gì trong Công đồng ấy? Xin thưa: Giáo hội đã yêu mến... Giáo hội đã mến yêu với trái tim mục vụ... Giáo hội đã mến yêu với trái tim đại kết... Giáo hội đã mến yêu với trái tim cởi mở đối với mọi người” (Diễn văn khai mạc khóa bốn Công đồng, ngày 14.9.1965).

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này: Luật của Công đồng là ưu tiên phải bác ái. Ai có thể tố cáo Công đồng là thiếu tinh thần tôn giáo và thiếu trung thành với Đức Kitô, khi chọn luật đó? Xin họ nhớ lại lời Đức Kitô đã dạy phải coi sự yêu thương kẻ khác như đặc điểm của người môn đệ Chúa (Gioan 13,15) và xin họ hãy để cho lời Thánh tông đồ Gioan vang lên trong lòng họ: “Ai không yêu thương con người mà họ thấy được, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không thấy được” (1 Gioan 4,20). Mô hình tu đức của Công đồng là chuyện người Samaritanô tốt lành” (Diễn văn phiên họp khoáng đại cuối cùng, ngày 7.12.1965).

Trưa ngày 8.12.1965, trước đám đông hàng mấy chục vạn người tập trung ở Công trường Thánh Phêrô, Đức Phaolô VI đã kết thúc Công đồng bằng những lời phát ra từ một trái tim dạt dào tình yêu thương. Người nói: “Đối với Giáo hội Công giáo, không ai là khách lạ, không ai bị loại trừ, không ai là xa cách”.

Lời yêu thương trên đây của Đức Phaolô VI vẫn mãi vang dội trong tôi, như một lý tưởng, như một kỷ niệm của Công đồng. Nhiều khi tôi nói với chính mình: Đối với Giáo hội Công giáo, không ai là khách lạ, không ai bị loại trừ, không ai là xa cách. Điều đó đúng. Nhưng đối với nhiều người của Giáo hội Công giáo, còn biết bao kẻ vẫn là khách lạ, vẫn bị loại trừ, vẫn là xa cách. Điều đáng nói nhất là: Kẻ bị coi là khách lạ, kẻ bị loại trừ, kẻ bị đẩy xa lại chính là Đức Kitô.

Đúng như lời Thánh sử Gioan đã viết xưa: “Người đã đến nơi nhà của Người, nhưng các người nhà đó không tiếp nhận Người” (Gioan 1,11).

Giám mục GB. Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét